Vì sao Dubai giàu có? Dubai có người nghèo không?

Vì sao Dubai giàu có? Dubai có người nghèo không? đó là một trong những thắc mắc của khá nhiều bạn chưa đến với đất nước này. Và để các bạn có những thông tin đa chiều hơn về đất nước phồn hoa này nhé.

Advertisements

1468393158-tour-dubai-gia-re

Vì sao Dubai giàu có?

Dubai là một thành phố và đồng thời cũng là một trong bảy tiểu vương quốc của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nằm ở phía Nam của vịnh Ba Tư thuộc bán đảo Ả Rập với diện tích 4.114 km2 và dân số chỉ hơn 1 triệu người.

Dubai nằm ngay trong sa mạc Ả Rập với địa hình sa mạc cát. Dubai có khí hậu rất khô cằn nóng bức. Mùa hè ở Dubai cực kì nóng, gió nhiều và khô, nhiệt độ trung bình mùa hè ban ngày khoảng 40°C và ban đêm khoảng 30°C. Hầu hết các ngày có nắng quanh năm. Mùa đông lạnh và ngắn với nhiệt độ ban ngày trung bình 24°C và ban đêm khoảng 14°C.

Vào đầu thập niên 1970, vùng sa mạc khắc nghiệt này không có khách sạn, công trường xây dựng hay các tòa nhà cao tầng, người dân sống trong những túp lều được lợp từ lá cọ và công việc kiếm sống của họ là chăn nuôi cừu dưới cái nắng gay gắt.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, chỉ hơn 40 năm sau, người ta nhắc tới Dubai như một biểu tượng của sự xa hoa, giàu sang, một trung tâm kinh tế, công nghệ… với các công trình hiện đại, khách sạn cao cấp với ngành du lịch đặc biệt phát triển.

Nguồn thu chính của Dubai là từ du lịch, dịch vụ tài chính và bất động sản, khác với các quốc gia khác của Tiểu Vương quốc Ả Rập đều có nguồn thu dầu mỏ, thu nhập hiện nay của Dubai là vào khoảng 100 tỷ đô la, trong đó thu nhập từ dầu mỏ của Dubai chỉ chiếm vào khoảng 6- 7%.

Với những dự án xây dựng khổng lồ và sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp, Dubai trở thành điểm đến thu hút các nhà đầu tư trên toàn thế giới qua thị trường địa ốc phát triển, các sự kiện thể thao, hội nghị hội thảo và các kỷ lục Guinness như toà nhà cao nhất thế giới, khu mua sắm lớn nhất thế giới, đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, khu trượt tuyết trong nhà lớn nhất thế giới…

Đầu thập niên 1970, Dubai chỉ là dải cát với một tòa nhà và hơn chục chiếc xe. Vậy mà chỉ hơn 40 năm sau, Dubai đã nổi lên như một thành phố hiện đại và xa hoa. Những nhà hoạch định chính sách đã làm gì để khiến Dubai thay đổi chóng mặt và đáng ngạc nhiên đến như vậy?

Mục tiêu giá trị

  • Mục tiêu về giá trị của Dubai là nhằm vào các nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở dùng tiền của họ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Dubai. Chính phủ Dubai đã đưa ra các chính sách kinh tế cực kỳ ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài:
  • Cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài theo đó nguồn vốn và lợi nhuận được phép chuyển về nước bản xứ mà không mất bất kỳ khoản phí nào, không tính thuế nhập khẩu và tái xuất khẩu,
    không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ 15 năm đến 50 năm đầu hoạt động và thậm chí Chính phủ sẵn lòng gia hạn thêm thời gian không phải đóng thuế.
  • Một điểm quan trọng không thể không kể đến đó là hệ thống luật pháp minh bạch được xây dựng theo luật pháp của nước Anh. Quy trình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp được thực hiện thời gian rất ngắn, chỉ dưới một giờ đồng hồ. Cơ quan hành chính nhà nước chấp nhận các hồ sơ xin cấp phép bằng tiếng Anh, không cần phải dịch sang tiếng Ả rập.
  • Chính phủ Dubai đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ các hoạt động của nhà đầu tư ví dụ như dịch vụ tàu vận chuyển và cảng biển, giao thông, du lịch, hàng không, phát triển bất động sản, xuất khẩu và viễn thông. Việc này vừa đáp ứng nhu cầu đi lại, kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp, vừa tạo ra nguồn thu cho chính phủ.
  • Dubai là thành phố an toàn nhất với tỷ lệ tội phạm là 0% do luật Hồi giáo hà khắc, nơi đây mọi người đều ý thức được rằng bản thân mình có thể bị bỏ tù hoặc trục xuất vì những tội nhẹ nhất. Có thể nói Dubai đã đưa ra một gói chính sách hữu hiệu và độc đáo, tạo nên sự khác biệt lớn với chi phí thấp và sự thuận tiện trong kinh doanh, điều này đã tạo nên động lực tăng trưởng mạnh mẽ.

Mục tiêu lợi nhuận

  • Chính phủ hướng đến mục tiêu lợi nhuận song song với mục tiêu chi phí thấp. Việc này được thực hiện qua việc thắt chặt các quy định về nhập cư, qua đó giới hạn các nghĩa vụ xã hội của của Chính phủ ở mức thấp nhất. Người nước ngoài đến làm việc ở Dubai chủ yếu là người nước ngoài sống xa xứ, họ không nhập cư, vẫn giữ nguyên quốc tịch gốc, tỷ lệ trẻ mới sinh của người dân nước này chủ yếu là từ người nước ngoài (chiếm khoảng 80%).
  • Thông thường Chính phủ của mỗi nước đều phải dành khoản tiền lớn cho chi tiêu quốc phòng. Chính phủ Dubai đã tránh việc này bằng cách quyết định trở thành một bộ phận của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, việc này giúp Dubai không cần xây dựng quân đội, không phái đoàn ngoại giao hay cơ quan quản lý tiền tệ cho riêng Dubai. Các tiểu vương quốc Ả rập với thủ đô là Abu Dhabi chịu gần như toàn bộ chi phí duy trì chính phủ liên bang.

Mục tiêu con người

  • Hiện nay dân số của Dubai là trên 1 triệu người đến từ các nước khác nhau trên toàn thế giới. Trước thực tế số người nước ngoài sinh sống rất đông ở Dubai, để tránh việc mất đi bản sắc văn hóa dân tộc, tránh việc người dân bản xứ cảm thấy không được coi là công dân hạng nhất (do Chính phủ dành rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài), Chính phủ Dubai thực sự đã xây dựng được hệ thống an sinh xã hội cho công dân của họ một cách đầy đủ và hào phóng.
  • Những người dân này gần như luôn được đảm bảo sẽ có việc làm. Công dân quốc tịch Dubai nhận được rất nhiều hỗ trợ từ nhà nước, bao gồm chăm sóc y tế, phúc lợi khi đau ốm và thai sản, con cái họ được hưởng chính sách chăm sóc sức khỏe rất tốt và hệ thống giáo dục miễn phí. Các chính sách về trợ cấp thất nghiệp, lương hưu, hỗ trợ về nhà ở được chú trọng để đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân.
  • Bên cạnh đó, công dân nước này được chính phủ cấp đất miễn phí kèm theo các khoản vay không lãi suất hoặc các khoản trợ cấp để xây dựng nhà cửa ở ngoại ô thành phố. Các trường học Ả Rập được xây dựng xung quanh đó để đảm bảo trẻ em đến tuổi đi học được học những bài giảng về đạo Hồi cùng với kiến thức từ nền giáo dục hiện đại. Nhờ vậy, những giá trị và quy chuẩn văn hóa Ả Rập truyền thống luôn giữ vai trò trọng tâm. Những biện pháp này đã giúp cho người dân được đảm bảo về mặt vật chất và tinh thần.
  • Mục tiêu con người cũng được Chính phủ dành cho công dân nước ngoài với sự hấp dẫn đáng kể bao gồm thuế thu nhập cá nhân bằng 0, chi phí nhà ở tương đối thấp, cho phép người nước ngoài sinh sống tại quốc gia này sở hữu hoàn toàn bất động sản của họ.
  • Nói tóm lại, việc thực hiện đồng bộ ba mục tiêu chiến lược về giá trị, con người và lợi nhuận đã giúp Dubai vươn lên từ mảnh đất có khí hậu sa mạc khắc nghiệt khô cằn, nghèo tài nguyên (dầu lửa có không đáng kể), dân số ít, không có nền sản xuất hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp trở thành một nơi đầy hấp dẫn về mặt kinh doanh và về chất lượng cuộc sống.

Dubai có người nghèo không?

Trước đây, khi Dubai chỉ là một làng chài ven biển, không ai có thể nghĩ rằng nó sẽ phát triển vượt bậc như ngày nay để khiến cả vùng bán đảo Ả Rập “nở mày nở mặt”. Chỉ cần kể sơ qua những công trình tiêu biểu của Dubai cũng khiến người ta choáng ngợp về độ giàu có của nó: tòa nhà cao nhất thế giới, khu trung tâm thương mại lớn nhất thế giới hay khách sạn đắt đỏ nhất thế giới.

Thậm chí ở đây, người ta còn xây dựng được cả những hòn đảo nhân tạo khi mà quỹ đất ngày càng trở nên hạn hẹp. Ước mơ lấn biển của con người từ bao ngàn năm nay đang được hiện thực hóa tại Dubai, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.

Nếu những công trình to lớn, vĩ đại chưa phải là điều khiến bạn bị ấn tượng, hãy nhìn vào túi tiền của người dân nơi đây. Theo ước tính tới năm 2015, Dubai có khoảng 26,000 triệu phú đô la, trong khi dân số tại đây chỉ khoảng 2,2 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 10 người Dubai lại có một triệu phú.

Tuy nhiên, vậy với số 99 người còn lại, họ sẽ sống ra sao? Giả sử 90 người trong đó vẫn có cuộc sống với mức thu nhập trung bình, có chắc là 9 người còn lại cũng có một cuộc sống sung túc, hoặc chí ít là thoải mái? Có lẽ câu trả lời vẫn là không, ngay cả với Dubai.

Theo BBC, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thị trường bất động sản của Dubai sẽ khó có thể đạt được con số ấn tượng như hiện nay nếu không có hàng triệu lao động chân tay gia nhập thị trường này. Họ thường làm việc theo ca bất kể ngày đêm để hoàn thành các công trình, nhưng chỉ được nhận mức lương chưa đầy 120 EUR/tháng.

Nằm cách không xa Dubai, có một “vương quốc” của những người lao động nghèo với cái tên Sonapur. Không có cuộc sống xa hoa, không có những tòa nhà chọc trời hay các ông trùm giàu có, nơi đây chỉ có niềm hy vọng của những người lao động nghèo với ước mơ đổi đời cho bản thân và gia đình.

Ở bất cứ đâu tại Dubai, người ta cũng thấy rõ sự chênh lệch tồn tại gần nhau đến thế, giữa một bên là cộng đồng giàu có, và một bên là những công nhân được trả lương bèo bọt chỉ 120 USD/tháng, và phải làm đủ cả 6 ngày mỗi tuần.

Để đến được Dubai, phần lớn những công nhân nhập cư này phải trả một khoản phi rất lớn. Và với đồng lương ít ỏi của mình, họ phải trả nợ, chi tiền cho ăn uống và gửi một ít về cho gia đình. Điều đó cũng có nghĩa là chẳng còn gì chút gì cho những dịch vụ khác, ví như cắt tóc.

Có khoảng hơn 150,000 người lao động, phần lớn đến từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Trung Quốc đang làm việc tại đây. Chính họ là những người đang vươn cao hơn cái giấc mơ “thống lĩnh” bầu trời với các tòa nhà chạm mây của thành phố này.

Trong những 2009 – 2013, rất nhiều dự án tại Dubai bị đình trệ vì thiếu vốn, và nó tác động trực tiếp đến nghề mưu sinh của những người này. Nhiều công nhân miêu tả cuộc sống ở một trong những thành phố xa hoa nhất thế giới là chốn ngục tù. Họ chỉ biết cố gắng làm việc và kiếm tiền trong hai đến ba năm, bởi chủ thuê có thể đẩy họ ra đường bất cứ lúc nào. Và khi ấy, họ chẳng biết trở về nhà bằng cách nào khi chẳng có gì trong tay.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cuộc sống của họ, chẳng ai nghĩ rằng họ đang sống tại Dubai. Những người lao động nghèo phải làm việc nhiều giờ liền mỗi ngày với mức thu nhập thấp. Jahangir, một người đàn ông 27 tuổi từ Bangladesh cho biết, anh đã làm công việc của một công nhân dọn dẹp được 4 năm nhưng chỉ kiếm được 139$/ tháng (khoảng hơn 3 triệu VNĐ). Anh gửi khoảng 87$ cho gia đình còn số còn lại thì để chi tiêu.

Thông thường, khi các công nhân đến Dubai, các ông chủ sẽ giữ hộ chiếu của họ trước khi chuyển tới Sonapur. Trong khi nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 50 độ C, những người công nhân vẫn phải làm việc hơn 14h trên các công trường xây dựng. Các khách sạn 6, 7 sao hay tòa nhà sáng bóng chưa bao giờ là giấc mơ của những người công nhân nghèo khi mồ hôi và nước mắt họ đã thấm sâu vào những bức tường.

Trong những căn phòng nơi họ ở, chỉ có vỏn vẹn vài chiếc giường cũ kỹ cùng các món đồ làm bếp đã hoen gỉ. Thông thường, sẽ có khoảng sáu chiếc giường trong căn phòng chỉ khoảng chưa đầy 20m cho 6-8 người.

Với nhiều người không có điều kiện tới Mỹ, giấc mơ Dubai của họ cũng lớn lao và đầy hứa hẹn như giấc mơ Mỹ. Nhưng có lẽ, ngay cái giây phút đặt chân tới sân bay, họ đã biết rằng mọi thứ chỉ là hào nhoáng bên ngoài, ẩn đằng sau những khổ cực của lớp người lao động từ khắp nơi đổ về đây. Chính họ là người đang làm nên diện mạo cho thành phố mà vài chục năm trước đây còn không ai biết tên này, nhưng những cái họ nhận được chỉ như một nhúm cát trên sa mạc. Giấc mơ Dubai, có lẽ vẫn sẽ mãi nằm trong suy nghĩ của mọi người mà thôi.

Hi vọng với bài viết Vì sao Dubai giàu có? Dubai có người nghèo không? bạn đã hiểu thêm về đất nước xa hoa này nhé. Hi vọng bạn sẽ đón thêm những bài viết khác của Nenbiet.org.

Trước:
Sau:

Check Also

Cách làm trắng da mặt với sữa tươi không đường

Bạn muốn  da trắng , mịn màng thì hãy tận dụng một loại thực phẩm …

Bạn đang xem Vì sao Dubai giàu có? Dubai có người nghèo không?