Advertisements
Suy giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ trên 60 tuổi, người sau khi mãn kinh. Tuy nhiên, suy giáp cũng có thể gặp ở bất kỳ ai, kể cả trẻ sơ sinh. Gần 5 trong số 100 người Hoa Kỳ từ 12 tuổi trở lên mắc suy giáp (1). Ở giai đoạn đầu, bệnh ít có triệu chứng rõ ràng, điều trị chủ yếu bằng thuốc. Vậy bệnh suy giáp có chữa khỏi được không? Hết hoàn toàn không?
Thế nào là suy giáp?
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone khiến quá trình trao đổi chất diễn ra chậm lại. Thời gian đầu, bệnh có thể không gây triệu chứng. Theo thời gian, suy giáp không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như cholesterol tăng cao, bệnh tim mạch. (2)
Suy giáp có thể xảy ra bất kỳ ai nhưng phổ biến ở người lớn tuổi, gồm:
- Suy giáp nguyên phát: gây ra do bệnh tại tuyến giáp.
- Suy giáp thứ phát: gây ra do bệnh ở vùng dưới đồi hoặc tuyến yên
Khi nồng độ tuyến giáp cực thấp sẽ dẫn đến hôn mê phù niêm do suy giáp – một biến chứng nguy hiểm, có thể gây:
- Hạ nhiệt độ cơ thể.
- Thiếu máu.
- Suy tim.
- Lú lẫn.
- Hôn mê.
Nguyên nhân gây ra suy giáp
Tuyến giáp sản xuất 2 hormone: thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3). Những hormone này ảnh hưởng đến mọi hoạt động trong cơ thể gồm, hỗ trợ tốc độ chuyển hóa chất béo và carbohydrate; kiểm soát nhiệt độ và lượng protein cơ thể tạo ra; ảnh hưởng lên nhịp tim. (3)
Nguyên nhân gây suy giáp gồm:
- Bệnh tự miễn Hashimoto: nguyên nhân phổ biến gây suy giáp. Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch tạo kháng thể tấn công các mô khỏe mạnh. Quá trình này có thể ảnh hưởng đến khả năng tạo hormone của tuyến giáp.
- Phẫu thuật tuyến giáp: phẫu thuật cắt bỏ 1 phần hoặc toàn bộ tuyến giáp có thể khiến cơ quan này ngừng hoạt động hoặc giảm sản xuất hormone.
- Xạ trị: tia bức xạ dùng để điều trị ung thư vùng cổ và đầu có thể dẫn đến suy giáp.
- Viêm tuyến giáp: xảy ra khi tuyến giáp viêm do nhiễm trùng. Bên cạnh đó, tình trạng rối loạn tự miễn dịch hoặc các bệnh khác cũng ảnh hưởng đến tuyến giáp. Viêm tuyến giáp có thể gây tổn thương tế bào tuyến giáp dẫn đến tuyến giáp giải phóng tất cả hormone đang dự trữ trong tuyến giáp cùng lúc vào máu Điều này khiến cho lượng hormon giáp tăng cao đột ngột gây triệu chứng nhiễm độc giáp (cường giáp giả) nhưng sau đó kém hoạt động đi dẫn đến suy giáp thoáng qua hoặc vĩnh viễn.
- Thuốc: một số loại thuốc dùng điều trị các bệnh khác nhưng có thể dẫn đến suy giáp, chẳng hạn như lithium (dùng trong điều trị một số rối loạn tâm thần).
Những nguyên nhân sau đây cũng có thể gây suy giáp nhưng ít xảy ra hơn:
- Suy giáp bẩm sinh: một số trẻ sinh ra đã có tuyến giáp hoạt động không bình thường hoặc không có tuyến giáp. Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân tuyến giáp phát triển không bình thường chưa được xác định. Thời gian đầu, trẻ sơ sinh bị suy giáp thường không có triệu chứng đáng chú ý.
- Rối loạn tuyến yên: nguyên nhân tương đối hiếm gặp, thường do khối u ở tuyến yên.
- Thai kỳ: một số người suy giáp trong hoặc sau khi mang thai. Nếu suy giáp trong giai đoạn thai kỳ nhưng không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và tiền sản giật. Tiền sản giật khiến huyết áp tăng nhanh trong 3 tháng cuối thai kỳ. Suy giáp cũng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi.
- Không đủ i-ốt: tuyến giáp cần i-ốt để tạo hormone. Khoáng chất này được tìm thấy chủ yếu trong hải sản, rong biển, muối i-ốt. Quá ít i-ốt có thể gây suy giáp. Tuy nhiên, quá nhiều i-ốt cũng có thể làm cho tình trạng suy giáp trầm trọng hơn ở người đã mắc bệnh suy giáp trước đó.
Dấu hiệu suy giáp thường gặp
Các triệu chứng của bệnh suy giáp thường phát triển chậm theo thời gian, có thể kéo dài nhiều năm. Triệu chứng gồm:
- Mệt mỏi.
- Ngứa ran và tê ở tay.
- Táo bón.
- Tăng cân.
- Đau nhức khắp cơ thể (có thể gồm yếu cơ).
- Nồng độ cholesterol có trong máu cao hơn mức bình thường.
- Không chịu được nhiệt độ lạnh.
- Da và tóc khô, thô.
- Giảm ham muốn tình dục.
- Chu kỳ kinh nguyệt thay đổi.
- Có những thay đổi trên khuôn mặt.
- Giọng nói trầm và khàn hơn.
- Trí nhớ giảm sút (hay bệnh sương mù não).
- Giảm tiết mồ hôi.
- Gặp các vấn đề về sinh sản ở phụ nữ.
- Trầm cảm.
- Nhịp tim chậm.
- Bướu cổ, gây khó khăn khi thở hoặc nuốt.
Cách chẩn đoán suy giáp
Các triệu chứng của suy giáp có thể nhầm lẫn với những tình trạng khác. Cách chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp (TSH). (4)
Những phương pháp chẩn đoán gồm:
- Xét nghiệm TSH, FT3, FT4.
- Xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm tuyến giáp hoặc xét nghiệm hấp thụ i-ốt phóng xạ. Xét nghiệm đo độ hấp thụ i-ốt phóng xạ được chỉ định khi cần thiết, giúp đo lượng i-ốt phóng xạ mà tuyến giáp hấp thụ từ máu sau khi bạn uống một lượng nhỏ i-ốt được quy định sẵn.
Bệnh suy giáp có chữa khỏi được không?
Bệnh suy giáp không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng vẫn có thể kiểm soát, bằng cách dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nội tiết để cân bằng lượng hormone trong cơ thể. Điều trị suy giáp còn tùy thuộc vào thể trạng và tiền sử bệnh, đáp ứng điều trị của mỗi người. Do đó, cần tái khám định kỳ, tuân thủ dùng thuốc, tham khảo tư vấn của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng dành cho người suy giáp để nhanh cải thiện trình trạng bệnh.
Các biến chứng suy giáp nguy hiểm nếu không được điều trị
Suy giáp nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Bướu cổ to: suy giáp có thể gây bướu cổ to, bạn gặp khó khăn khi nuốt hoặc thở.
- Các vấn đề tim mạch: người bệnh suy giáp có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa Lipid máu.
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên: suy giáp khi không điều trị thời gian dài có thể gây tổn thương các dây thần kinh ngoại biên. Bệnh lý thần kinh ngoại biên có thể gây đau, ngứa ran, tê ở chân và cánh tay.
- Những vấn đề sinh sản: nồng độ Hormone tuyến giáp thấp có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Một vài nguyên nhân gây suy giáp như rối loạn tự miễn dịch cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Dị tật bẩm sinh: trẻ sinh ra từ mẹ mắc bệnh tuyến giáp nếu không được điều trị có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hơn trẻ sinh ra từ mẹ không mắc bệnh tuyến giáp. Trẻ sơ sinh mắc suy giáp bẩm sinh nhưng không điều trị có nguy cơ gặp các vấn đề nghiêm trọng về phát triển thể chất và tinh thần.
- Hôn mê phù niêm: suy giáp thời gian dài không điều trị có thể dẫn đến hôn mê phù niêm – 1 biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng hiếm gặp. Tình trạng hôn mê phù niêm có thể do thuốc an thần, nhiễm trùng hoặc căng thẳng sau chấn thương. Các triệu chứng gồm nhạy cảm với nhiệt độ lạnh, buồn ngủ dẫn đến thiếu năng lượng trầm trọng và dần dần đi vào hôn mê. Hôn mê phù niêm là biến chứng cần được điều trị khẩn cấp.
>>>Xem thêm: Bệnh suy giáp kiêng ăn gì?
Phương pháp điều trị suy giáp
Suy giáp được điều trị bằng cách thay thế các Hormone mà tuyến giáp không thể sản xuất, thường là Levothyroxine. Thuốc có dạng viên, dạng lỏng và dạng viên nang mềm, được khuyến cáo dùng buổi sáng trước khi ăn 60 phút.
Khoảng 6 – 8 tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra và điều chỉnh liều lượng nếu cần. Ở mỗi lần điều chỉnh liều lượng thuốc, bạn sẽ được xét nghiệm lại. Khi đã đạt được liều lượng thuốc phù hợp, bác sĩ sẽ lặp lại xét nghiệm máu sau 3 đến 6 tháng.
Thuốc có thể giúp kiểm soát suy giáp nhưng cần sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý tăng liều lượng hoặc ngưng thuốc. Trong suốt quá trình điều trị, bạn cần lưu ý:
- Bạn sẽ cần kiểm tra TSH từ 6 – 10 tuần sau khi thay đổi liều Thyroxine. Trường hợp đang mang thai hoặc dùng thuốc cản trở khả năng chuyển hóa Thyroxine của cơ thể, bạn sẽ phải thực hiện xét nghiệm thường xuyên. Mục tiêu của việc điều trị là đạt được và duy trì nồng độ TSH ở mức bình thường.
- Trẻ sơ sinh mắc suy giáp phải điều trị hàng ngày và kiểm tra mức TSH khi lớn để ngừa tình trạng chậm phát triển trí tuệ. Sau khi đã ổn định với liều Thyroxine, trẻ có thể xét nghiệm TSH khoảng 1 năm/lần.
Ngoài ra, bạn cần đến gặp bác sĩ khi:
- Các triệu chứng suy giáp tái phát hoặc nghiêm trọng hơn.
- Tác dụng phụ: tim đập nhanh, run, đổ mồ hôi, da mỏng, tóc dễ gãy, mệt mỏi, khó ngủ.
- Bạn muốn thay đổi liều lượng, thời gian dùng thuốc.
- Bạn tăng hoặc giảm cân nhiều.
- Bắt đầu sử dụng, tạm ngưng hoặc thay đổi liều lượng các loại thuốc có khả năng cản trở hấp thụ Thyroxine (ví dụ như: một số thuốc kháng Axit, thuốc bổ sung Canxi và sắt). Bên cạnh đó, các loại thuốc có chứa Estrogen cũng ảnh hưởng đến liều lượng Thyroxine.
- Bắt đầu hoặc ngừng dùng một số loại thuốc kiểm soát cơn động kinh như Phenytoin hoặc Tegretol. Những loại thuốc này làm tăng tốc độ chuyển hóa Thyroxine trong cơ thể. Tham khảo ý kiến bác sĩ về các thuốc nói trên.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ khi bỏ dở, không uống hết thuốc Thyroxine.
- Trường hợp muốn thử ngừng điều trị bằng Thyroxine, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra tình trạng bệnh.
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh với nền tảng nhân lực là đội ngũ giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế giàu kinh nghiệm trong việc khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu bệnh đái tháo đường, các bệnh nội tiết như: bướu nhân tuyến giáp, cường giáp, suy giáp, rối loạn nội tiết tố nam nữ, đái tháo nhạt, bệnh to đầu chi, các bệnh nội tiết liên quan tuyến yên, béo phì do nội tiết tố… Ngoài ra, khoa còn được đầu tư đồng bộ trang thiết bị hiện đại, nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới, giúp bạn chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Bài viết đã cung cấp những thông tin về bệnh suy giáp có chữa khỏi được không? Hết hoàn toàn không? Giai đoạn đầu, suy giáp không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, tuy nhiên nếu không phát hiện, điều trị sớm, bệnh sẽ gây một loạt các biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, thăm khám sức khỏe định kỳ là yếu tố quan trọng giúp phát hiện kịp thời những bệnh tiềm ẩn, từ đó có phương án chữa trị phù hợp.
Source link