Tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Advertisements

Tiểu đường tuýp 1 còn được gọi là bệnh tiểu đường vị thành niên, do bệnh chủ yếu phát hiện ở trẻ em và người trẻ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng cấp tính như nhiễm toan ceton, gây mất nước và tử vong. Vậy nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em thế nào? Dưới đây là các thông tin tư vấn chuyên khoa được bác sĩ CKII Trương Thị Vành Khuyên, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ.

Tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em

Tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em là gì?

Tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em là loại đái tháo đường biểu hiện bằng tình trạng tăng đường huyết. Bệnh thường khởi phát ở trẻ em và người trẻ, với tỉ lệ mắc khoảng 5% trên tổng số ca bệnh tiểu đường. Ở phần lớn trẻ em tiểu đường tuýp 1, phản ứng tự miễn trên tế bào beta tuyến tụy khiến các tế bào bị tổn thương, ảnh hưởng đến chức năng sản xuất insulin của tụy, gây thiếu hụt nghiêm trọng insulin trong máu. Ngoài ra, trẻ có thể mắc tiểu đường tuýp 1 vô căn (không rõ nguyên nhân gây bệnh). (1)

Nếu không được kiểm soát chặt chẽ đường huyết, người bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể bị tổn thương thần kinh, biến chứng đa cơ quan. Các cơ quan thường bị ảnh hưởng là: tim mạch, mắt, thận, thần kinh.

Nguyên nhân trẻ em bị tiểu đường tuýp 1

Dưới đây là một số nguyên nhân mắc tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em:

banner khai trương phòng khám đa khoa tâm anh quận 7 mb

1. Nguyên nhân tự miễn

Hiện vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân chính xác của bệnh tiểu đường tuýp 1. Thông thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể (có nhiệm vụ chống lại vi khuẩn và vi rút có hại) sẽ phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Có thể có sự hiện diện của các tự kháng thể như ICA (islet cell antibodies – tự kháng thể kháng tế bào đảo tụy), IAA (insulin autoantibodies – tự kháng thể kháng insulin), GAD (antibodies to glutamic acid decarboxylase – tự kháng thể kháng glutamic acid decarboxylase), IA-512/ICA-1 (tyrosine phosphatase autoantibodies – tự kháng thể kháng tyrosine phosphatase)… (2)

Bệnh tiểu đường tuýp 1 do tự miễn thường gặp ở người trẻ, nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn tuổi. Quá trình phá hủy các tế bào beta tụy có thể kéo dài nhiều năm trước khi xuất hiện triệu chứng. Tiểu đường tuýp 1 tự miễn thường đi kèm với các bệnh tự miễn khác như: Basedow, viêm tuyến giáp Hashimoto, Addison, bạch biến, thiếu máu ác tính.

2. Vô căn

Có khoảng 5% trường hợp tiểu đường tuýp 1 không xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Bệnh có xu hướng di truyền vì được chẩn đoán ở những người có người thân trực hệ mắc tiểu đường tuýp 1. Bệnh thường gây thiếu insulin tuyệt đối, người bệnh thường được phát hiện trong tình trạng nhiễm toan ceton.

Trẻ nào có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1?

Dưới đây là những đối tượng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1:

  • Thuộc chủng tộc da trắng.
  • Lịch sử gia đình: người có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 đều có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn bình thường.
  • Di truyền học: một số gen nhất định làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 1.
  • Địa lý: càng xa xích đạo, số người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 có xu hướng cao hơn.
  • Tuổi: bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường phát hiện ở trẻ em và người trẻ.
tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1
Một số gen của người da trắng làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1.

Triệu chứng tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em

Những triệu chứng tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em có thể diễn ra trong vài ngày đến vài tuần. Nếu không được phát hiện kịp thời, trẻ có thể rơi vào trạng thái nhiễm toan ceton đe dọa tính mạng. Bệnh bao gồm 2 nhóm triệu chứng chính: nhóm triệu chứng do tăng đường huyết và nhóm triệu chứng liên quan đến nhiễm toan ceton. (3)

1. Nhóm triệu chứng do tăng đường huyết

  • Thường xuyên khát nước và đi tiểu nhiều: trẻ em bị tiểu đường tuýp 1 có tần suất đi tiểu cao. Trẻ có thể xuất hiện tình trạng đái dầm dù trước đó không có. Bên cạnh đó, trẻ cũng uống nhiều nước và khát nước thường xuyên. Nguyên nhân do lượng đường trong máu cao, cơ thể cần loại bỏ đường bằng cách đào thải qua nước tiểu. Điều này khiến cơ thể mất nước, khô miệng và dẫn đến khát nước, cần được bổ sung nhiều nước hơn.
  • Thường xuyên cảm thấy đói: ở người không bị thiếu hụt insulin, đường sẽ được vận chuyển vào tế bào, từ đó chuyển hóa thành năng lượng cho các hoạt động của tế bào. Vì trẻ mắc tiểu đường tuýp 1 không có insulin nên lượng đường trong máu tăng cao, nhưng đường không vào được tế bào để sử dụng, cơ thể không nhận được năng lượng sẽ gây ra tình trạng đói. Trẻ có thể cảm thấy đói ngay sau khi ăn xong.
  • Thường xuyên mệt mỏi: khi mắc tiểu đường tuýp 1, phụ huynh có thể nhận thấy con có biểu hiện mệt mỏi, ít năng lượng. Tình trạng này cũng do cơ thể không được cung cấp năng lượng.
  • Giảm cân không có chủ đích: khi không thể chuyển hóa năng lượng từ đường, cơ thể sẽ phân hủy tế bào mỡ để lấy năng lượng, khiến trẻ sụt cân. Bên cạnh đó, mất nước do đi tiểu nhiều cũng là một trong những nguyên nhân gây sụt cân.
  • Mắt nhìn mờ: tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em có thể gây tình trạng mờ mắt, do đường huyết tăng làm ảnh hưởng đến thủy tinh thể và ảnh hưởng đến tầm nhìn. Tình trạng đường huyết tăng cao kéo dài có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ ở phía sau mắt của trẻ gọi là bệnh võng mạc do tiểu đường.
  • Tê, ngứa ran: thường xảy ra ở gan bàn chân hoặc toàn cơ thể, bộ phận sinh dục do đường huyết tăng cao.

2. Các triệu chứng của nhiễm toan ceton

Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên nhận biết bệnh tiểu đường tuýp 1. Toan ceton thường xảy ra khi lượng đường trong máu > 300 mg/dL. Các triệu chứng nghi ngờ nhiễm toan ceton bao gồm một trong các triệu chứng của tăng đường huyết đã nêu và các dấu hiệu sau đây: thở nhanh, sâu (còn gọi là thở Kussmaul), khát, da và miệng khô, mặt đỏ bừng, hơi thở có mùi trái cây, buồn nôn và nôn, đau bụng.

Chẩn đoán tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em

Để chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em, bác sĩ cần khám lâm sàng, kết hợp với khai thác bệnh sử gia đình và thực hiện các xét nghiệm. Do tính đặc trưng của bệnh tiểu đường tuýp 1, trẻ thường được phát hiện bệnh trong 2 tình huống. Tình huống đầu tiên là phát hiện nhờ ba mẹ đưa trẻ đi khám do thấy trẻ bất thường. Tình huống còn lại là trẻ nhập viện khi bị nhiễm toan ceton. Các xét nghiệm để chẩn đoán trẻ mắc tiểu đường bao gồm:

1. Xét nghiệm đường huyết lúc đói

Để thực hiện xét nghiệm này, trẻ cần nhịn đói qua đêm. Nếu kết quả xét nghiệm là 126 mg/dL (7 mmol/L) hoặc cao hơn trong 2 lần kiểm tra riêng biệt, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.

2. Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên

Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu của trẻ tại thời điểm ngẫu nhiên để xét nghiệm. Giá trị đường huyết được thể hiện bằng đơn vị mg/dL hoặc millimol/lít (mmol/L). Trẻ được chẩn đoán tiểu đường nếu kết quả là 200 mg/dL (11.1 mmol/L) hoặc cao hơn.

các tiêu chí chẩn đoán bệnh tiểu đường
Chỉ số đường huyết ngẫu nhiên là một trong các tiêu chí chẩn đoán bệnh tiểu đường.

3. Xét nghiệm huyết sắc tố glycated (A1C)

Đây là xét nghiệm nhằm kiểm tra mức độ đường trung bình trong máu người bệnh trong 2 – 3 tháng qua. Mức HbA1c là 6,5% hoặc cao hơn là dấu hiệu trẻ bị tiểu đường. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này cần được thực hiện ở phòng xét nghiệm đã được định chuẩn. Một số trẻ có tình trạng tăng đường huyết cấp, dù có đường huyết tăng cao và nhiễm ceton nhưng HbA1c chưa vượt ngưỡng này.

4. Các bài kiểm tra bổ sung

Sau khi trẻ được chẩn đoán mắc tiểu đường, bác sĩ cũng có thể thực hiện các xét nghiệm bổ sung như: xét nghiệm máu để kiểm tra tự kháng thể, C peptide, ceton; xét nghiệm nước tiểu để đo thể ceton… Từ các dữ liệu này và đặc điểm lâm sàng, bác sĩ sẽ xác định trẻ đang mắc tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy các tự kháng thể ở trẻ mắc tiểu đường tuýp 1 không dương tính 100%, nên nếu trẻ không có tự kháng thể cũng không loại trừ được trẻ không mắc tiểu đường tuýp 1. Do đó, chỉ định cho trẻ làm các xét nghiệm tự kháng thể sẽ tùy thuộc vào nhận định của bác sĩ điều trị.

Điều trị tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em

Quá trình điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em nói riêng và tiểu đường tuýp 1 nói chung có thể có một vài rào cản. Do đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, trẻ rất dễ ăn quá nhiều hoặc quên ăn làm cho đường huyết rất dao động. Trẻ cũng có thể quên tiêm thuốc hoặc chán nản bỏ tiêm làm cho hiệu quả điều trị không ổn định. Điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em còn phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển, nhu cầu cá nhân cũng như hoàn cảnh gia đình. Dưới đây là các chỉ định điều trị đối với trẻ em mắc tiểu đường tuýp 1:

1. Insulin

Sử dụng insulin là liệu pháp điều trị bắt buộc dành cho tất cả người bệnh tiểu đường tuýp 1. Insulin không thể bổ sung bằng đường uống, bởi enzyme dạ dày sẽ phân hủy thuốc trước khi insulin kịp phát huy tác dụng.

Do nồng độ insulin trong huyết tương thường thay đổi nhiều lần trong ngày (thấp hơn khi nhịn ăn và vào ban đêm, tăng nhanh sau khi ăn), quá trình điều trị cần sự kết hợp các loại insulin tác dụng ngắn và dài. Phác đồ điều trị lý tưởng cho trẻ em bị tiểu đường tuýp 1 thường gồm 4 mũi tiêm 1 ngày, nhằm mô phỏng quá trình tiết insulin tự nhiên của cơ thể.

2. Theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu

Phụ huynh nên hỗ trợ trẻ theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên. Nên đo đường huyết cho trẻ trước mỗi bữa ăn, trước khi đi ngủ, trước khi tập thể dục… và bất cứ khi nào xuất hiện triệu chứng hạ đường huyết. Nên duy trì mức đường huyết của trẻ càng gần mức đường huyết mục tiêu được bác sĩ tư vấn càng tốt. Trẻ mắc tiểu đường tuýp 1 cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi định kỳ để kiểm tra chỉ số HbA1C, xét nghiệm ceton nước tiểu… để phát hiện sớm các biến chứng nguy hiểm.

3. Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng bữa ăn của người bệnh tiểu đường rất nhàm chán, người bệnh tiểu đường không bị giới hạn về loại thức ăn. Phụ huynh cần giúp trẻ xây dựng chế độ ăn lành mạnh, tăng cường rau xanh, trái cây tươi, các loại ngũ cốc nguyên hạt, sữa… Hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, bánh kẹo, nước ngọt…

Chế độ dinh dưỡng khoa học kiểm soát đường huyết
Chế độ dinh dưỡng khoa học không chỉ giúp trẻ kiểm soát đường huyết tốt mà còn khỏe mạnh hơn.

4. Hoạt động thể chất thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên thúc đẩy sự phát triển của hệ cơ xương, tăng sức đề kháng và giúp trẻ kiểm soát cân nặng, tạo thói quen lành mạnh cho tuổi trưởng thành. Thanh thiếu niên nên vận động thể chất 60 phút mỗi ngày với các hoạt động như: đi bộ nhanh, chạy, nhảy dây…

Biến chứng của tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em

Tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được quản lý và điều trị đúng cách. Dưới đây là một số biến chứng thường gặp: (4)

1. Biến chứng cấp tính

  • Nhiễm toan ceton: có thể dẫn đến tử vong nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời. Nhiễm toan ceton là tình trạng nhiễm độc do sự tích tụ thể ceton trong máu gây thay đổi độ toan trong máu. Người bệnh tiểu đường tuýp 1 nếu thiếu insulin hoặc ngừng điều trị insulin đột ngột, hay kèm theo các yếu tố như: nhiễm trùng, chấn thương, stress, nhồi máu cơ tim… sẽ là yếu tố thúc đẩy nhiễm toan ceton.
  • Hạ đường huyết: xảy ra khi mức đường huyết giảm xuống 3,6mmol/l, tình trạng này có thể gây rối loạn tri giác, hôn mê thậm chí tử vong. Nguyên nhân thường gặp nhất là do điều trị insulin quá liều, quá đói, ăn không đủ hoặc hoạt động thể chất quá sức. Đặc biệt đối với trẻ em, tình trạng hạ đường huyết có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập cũng như sinh hoạt của trẻ.

2. Biến chứng mạn tính

Biến chứng mạn tính của bệnh tiểu đường tuýp 1 là do đường huyết cao làm tổn thương hệ thống mạch máu, gồm: tiểu đường mạch máu lớn và tiểu đường mạch máu nhỏ. Tiểu đường tuýp 1 cũng làm tăng nguy cơ mắc các hội chứng chuyển hóa như: tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu.

Khác với tiểu đường tuýp 2 thường gây xơ vữa mạch máu lớn, bệnh tiểu đường tuýp 1 thường gây tổn thương các mạch nhỏ như: tiểu động mạch, mao mạch; dẫn đến tổn thương võng mạc, viêm động mạch chi dưới, tổn thương thận, tổn thương thần kinh…

Trẻ mắc tiểu đường tuýp 1 kiểm soát kém có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến trẻ dễ bị các biến chứng nhiễm trùng như: lao, tụ cầu da, niêm mạc, nhiễm trùng bàn chân đái tháo đường, nấm sinh dục ở trẻ em gái…

Cách phòng tránh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em

Không thể phòng ngừa triệt để bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em. Tuy nhiên, ba mẹ có thể hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, bằng cách: cân bằng dinh dưỡng cho trẻ, hạn chế bánh kẹo, đồ ngọt hoặc đồ ăn chứa nhiều chất béo, thức ăn nhanh; tăng cường các loại rau xanh, trái cây; tăng cường vận động, tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao; ngủ đủ giấc…

Khách hàng lấy số để nhận thuốc sau khi khám bệnh
Khách hàng lấy số để nhận thuốc sau khi khám bệnh tiểu đường tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chuyên tiếp nhận khám, tư vấn và điều trị các trường hợp người bệnh đái tháo đường, đái tháo nhạt, bệnh rối loạn nội tiết tố, bướu cổ… Khoa có nền tảng vững chắc với đội ngũ bác sĩ và các chuyên gia giàu kinh nghiệm; được trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, cho ra kết quả chẩn đoán chuẩn xác, cụ thể, đi kèm dịch vụ chăm sóc y tế chuyên nghiệp, tận tâm, giúp người bệnh an tâm trong suốt quá trình điều trị.

Khách hàng lấy số để nhận thuốc sau khi khám bệnh tiểu đường tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em không đến từ việc trẻ ăn quá nhiều đường. Tuy nhiên, khi đã được chẩn đoán mắc bệnh, phụ huynh phải hạn chế đường trong chế độ ăn của trẻ. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi lành mạnh, phù hợp với trẻ, vừa để kiểm soát bệnh, vừa đảm bảo sức khỏe và hỗ trợ xây dựng thói quen tốt cho tương lai.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

Bệnh tiểu đường ăn trứng được không ? Lợi và hại ra sao?

Advertisements Trứng là thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ chế biến, tuy nhiên có …

Bạn đang xem Tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị