Vết loét tiểu đường: Các mức độ lở loét và vị trí thường gặp

Tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa do thiếu hụt insulin nội sinh (type 1) hoặc chức năng insulin bị khiếm khuyết (type 2), gây tăng đường huyết. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có vết loét tiểu đường, làm tăng nguy cơ hoại tử, viêm tủy xương, thậm chí là cắt cụt chi. Dưới đây là các thông tin về biến chứng loét tiểu đường, các mức độ loét và vị trí loét thường gặp, được bác sĩ CKI Võ Trần Nguyên Duy chia sẻ.

vết loét tiểu đường

Vết loét tiểu đường là gì?

Vết loét tiểu đường là vết thương hở, lâu lành trên da người bệnh tiểu đường. Chúng thường xuất hiện ở bàn chân, cẳng chân hoặc những vùng khác như bàn tay, nếp gấp da bụng.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến vết loét tiểu đường gồm:

  • Bệnh lý thần kinh do tiểu đường: biểu hiện ở dạng các tổn thương về cảm giác, vận động và tự chủ.
  • Tổn thương động mạch chi dưới: đường huyết cao gây tổn thương mạch máu, xơ vữa động mạch, hẹp lòng động mạch, giảm tưới máu đến chi dưới.
  • Nhiễm trùng: glucose máu tăng cao mạn tính làm suy giảm miễn dịch.
  • Biến dạng bàn chân do hiện tượng tổn thương thần kinh, tổn thương xương và thay đổi cấu trúc xương. Biến dạng bàn chân làm thay đổi phân bố áp lực bàn chân khi đứng hoặc đi, từ đó hình thành những vết chai trên vị trí tì đè.
  • Cọ xát da với giày, dép… gây bóng nước.
  • Người hút thuốc lá nhiều.
  • Người rối loạn chuyển hóa lipid, tăng LDL-cholesterol.

Các vị trí dễ bị loét tiểu đường

Loét tiểu đường có thể xảy ra ở nhiều vị trí, đặc biệt là tại các chi. Cụ thể:

1. Loét bàn chân tiểu đường

Loét bàn chân tiểu đường là một trong những biến chứng phổ biến và nghiêm trọng nhất của bệnh tiểu đường, làm tăng nguy cơ cắt cụt chi lên tới 46%. Loét bàn chân tiểu đường thường xảy ra nhất ở các vùng chịu lực và ma sát của bàn chân, như mu bàn chân, gót chân và đầu ngón chân. (1)

Loét bàn chân tiểu đường phổ biến ở người bệnh nam giới hơn nữ giới (4,5% so với 3,5%). Người bệnh mắc tiểu đường type 2 có tỷ lệ loét là 6,4%, cao hơn so với người bệnh mắc tiểu đường type 1 (5,5%). (2)

2. Loét vùng miệng, hầu họng do tiểu đường

Người tiểu đường có thể gặp biến chứng răng miệng do thiếu nước bọt gây khô miệng, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn tấn công răng và nướu, dẫn đến răng lung lay, viêm nướu (bệnh nướu răng giai đoạn đầu) và viêm nha chu (bệnh nướu răng tiến triển). Nếu không kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh sẽ bị viêm nặng hơn. (3)

3. Loét bàn tay tiểu đường

Thời gian mắc bệnh tiểu đường dài, không kiểm soát tốt đường huyết, chấn thương và điều trị chậm trễ là những yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng loét bàn tay tiểu đường. Bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến biến chứng loét bàn tay tiểu đường. (4)

loét bàn chân tiểu đường là một trong những biến chứng phổ biến
Loét bàn chân tiểu đường là một trong những biến chứng phổ biến và nghiêm trọng nhất của bệnh tiểu đường, làm tăng nguy cơ cắt cụt chi lên tới 46%.

Các mức độ của loét bàn chân do tiểu đường

Dưới đây là bảng phân loại loét bàn chân tiểu đường theo Wagner – Meggitt:

Độ Triệu chứng
0 Không có vết thương hở nhưng có thể có biến dạng bàn chân hoặc viêm mô tế bào
1 Vết loét nông (một phần hoặc toàn bộ lớp da)
2 Vết loét sâu đến gân hoặc bao khớp, không kèm theo áp xe hoặc tổn thương xương
3 Vết loét sâu, kèm tình trạng áp xe, viêm tủy xương hoặc nhiễm trùng khớp
4 Hoại tử khu trú ở ngón chân hoặc gót chân
5 Hoại tử lan rộng ra toàn bộ cẳng chân

Dấu hiệu nhận biết sớm vết loét tiểu đường

Người bệnh tiểu đường nên thường xuyên kiểm tra bàn tay, bàn chân và các vị trí dễ bị biến chứng loét tiểu đường để kịp thời can thiệp, xử lý tổn thương, tránh tiến triển nặng hơn. Những dấu hiệu nhận biết sớm vết loét tiểu đường gồm:

  • Tê, mất cảm giác.
  • Chân, tay bị phù, bóng nước.
  • Có vùng da sẫm màu, chuyển sang màu đen hoặc nóng xung quanh vết thương.
  • Sưng đỏ, cứng vùng da xung quanh vết thương.
  • Chảy dịch, dịch có mùi khó chịu ở vết thương.
  • Có dấu hiệu teo cơ.
  • Đau.
  • Vết thương nhiễm trùng nặng có thể kèm các triệu chứng: sốt cao, tăng bạch cầu, tăng hs-CRP.
những dấu hiệu nhận biết sớm vết loét tiểu đường
Mất cảm giác, tê, phù… là những dấu hiệu nhận biết sớm vết loét tiểu đường.

Vì sao vết loét tiểu đường lâu lành?

Vết loét trên da của người tiểu đường thường khó lành do 3 nguyên nhân chính sau đây:

  • Lượng đường trong máu cao: đường huyết cao bất thường ở người tiểu đường là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng các vết thương hở, khiến vết thương khó kiểm soát và lâu lành.
  • Lưu thông máu kém: do hệ thống mạch máu bị viêm, chít hẹp và quá trình stress, oxy hóa khi đường huyết tăng cao làm giảm hiệu quả điều trị các vết thương, bởi máu không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng đến các mô và cơ vận động mà còn vận chuyển các hợp chất sinh học từ thuốc đến vị trí cần điều trị.
  • Rối loạn chuyển hóa: làm suy giảm hệ miễn dịch và khiến vết thương chậm lành, khó lành.
  • Tổn thương da do tiểu đường: da của người bệnh tiểu đường có tình trạng lão hóa và thiểu dưỡng, do đó dễ bị tổn thương.

Bị loét tiểu đường có nguy hiểm không?

Có. Loét do tiểu đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và khuyết tật chức năng ở người bệnh tiểu đường như:

  • Viêm mô tế bào.
  • Hoại tử.
  • Nhiễm trùng huyết.
  • Áp xe.
  • Viêm mạch bạch huyết tăng dần.
  • Viêm tủy xương.
  • Thiếu máu cục bộ chi.
  • Nguy cơ cắt cụt chi.

Ngoài tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, loét tiểu đường còn ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống người bệnh, gây các vấn đề tâm lý như: lo lắng, sợ hãi, trầm cảm. Trầm cảm cũng là yếu tố làm tăng gấp 2 lần nguy cơ tử vong trong vòng 5 năm của người bệnh.

Yếu tố tăng nguy cơ lở loét khi bị tiểu đường

  • Tuổi tác.
  • Tiểu đường lâu năm.
  • Kiểm soát đường huyết kém.
  • Thói quen hút thuốc lá.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Có các biến chứng khác do tiểu đường: bệnh võng mạc tiểu đường, suy thận…
  • Biến dạng chân.
  • Cao huyết áp.
  • Suy giảm miễn dịch.

Cách điều trị loét do tiểu đường

Tình trạng loét do tiểu đường có thể lành lại sau vài tuần hoặc vài tháng nếu được chăm sóc đúng cách. Dưới đây là những phương pháp điều trị loét tiểu đường:

1. Thuốc trị lở loét cho người tiểu đường

Tùy theo tình trạng vết loét và sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da hoặc kháng sinh:

1.1. Thuốc bôi ngoài da

Người bệnh nên sử dụng thuốc bôi ngoài da theo chỉ định của bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường. Những loại thuốc này có thể kích thích yếu tố tăng trưởng và/hoặc chất thay thế da, giúp làm ẩm, làm liền vết thương.

1.2. Thuốc kháng sinh

Khi phát hiện tổn thương ở bàn chân, bác sĩ sẽ khám, đánh giá về việc kê đơn thuốc kháng sinh. Loại kháng sinh và liều lượng thuốc sẽ phụ thuộc vào tác nhân gây nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Đối với các trường hợp nhiễm trùng nhẹ, người bệnh có thể được kê đơn thuốc kháng sinh đường uống phổ rộng như: cilastatin, levofloxacin, ciprofloxacin, cefuroxime và ampicillin…

2. Cắt lọc mô chết

Có nhiều loại cắt lọc như: cắt lọc cơ học, cắt lọc bằng enzyme và bằng các phương tiện hiện đại (siêu âm, dao thủy lực), cắt lọc bằng vi sinh vật… Các loại cắt lọc này giúp loại bỏ mô hoại tử, làm lành vết loét nhanh.

3. Phẫu thuật

Với trường hợp người bệnh có vết loét nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để cắt lọc triệt để vùng tổn thương và cả tổ chức phía dưới da. Nếu người bệnh bị giảm lưu lượng máu đến chi dưới, bác sĩ có thể thực hiện các thủ thuật để cải thiện lưu thông máu. Nếu vết loét tiểu đường đã hoại thư nặng, bác sĩ có thể phải cắt cụt bàn chân người bệnh.

4. Liệu pháp oxy cao áp

Liệu pháp oxy cao áp giúp tăng khả năng hấp thụ oxy của cơ thể, cải thiện quá trình làm lành vết thương. Khi cung cấp mức oxy cao cho tế bào, tình trạng viêm sẽ được kiểm soát tốt hơn, giảm đau, kích thích phát triển mạch máu mới nhờ tăng tưới máu oxy quanh vết thương.

Chăm sóc vết loét tiểu đường

Chăm sóc vết loét tiểu đường đúng cách sẽ giúp tăng tốc độ lành vết thương, hạn chế nguy cơ vết loét hoại tử nặng hơn và phải cắt cụt chi. Các lưu ý khi chăm sóc vết loét tiểu đường gồm:

1. Rửa vết thương bằng các dung dịch phù hợp

Có thể lựa chọn các dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý. Đây là cách vệ sinh, sát trùng vết thương hiệu quả. Sau khi rửa vết loét, cần dùng băng thuốc tiến hành băng kín vết thương để tránh nhiễm trùng. Nên sử dụng những loại gạc không gây hại cho mô và không cản trở quá trình lành vết thương, như gạc polyacrylate có phủ lớp lipido-colloid tẩm bạc (với vết thương đang nhiễm trùng) hoặc gạc lipido-colloid tẩm sucrose octasulfate (với tổn thương đã được kiểm soát nhiễm khuẩn và bắt đầu lên tổ chức hạt).

2. Kiểm tra và thay băng thường xuyên

Thay băng gạc 1 – 2 ngày/lần để đảm bảo vết thương luôn sạch và khô ráo.

3. Giảm áp lực lên vết loét

Khi vết thương ổn định, lành, nên sử dụng giày dép phù hợp để giảm áp lực lên vết loét và ngăn ngừa tái phát. Nếu vết loét ở lòng bàn chân, người bệnh nên sử dụng giày dép chuyên dụng hoặc nạng để giảm áp lực và kích thích vào vùng có vết loét, giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.

vệ sinh, chăm sóc vết thương đúng cách mỗi ngày
Vệ sinh, chăm sóc vết thương đúng cách mỗi ngày giúp tăng tốc độ lành thương.

Phòng ngừa loét do tiểu đường

  • Kiểm soát đường huyết: đường huyết cao là nguyên nhân gây tổn thương thần kinh và các mạch máu, dẫn đến loét. Người bệnh tiểu đường nên kiểm soát đường huyết tốt theo hướng dẫn của bác sĩ, có chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, uống thuốc…
  • Kiểm tra bàn chân: nên tự kiểm tra hoặc nhờ người thân kiểm tra bàn chân hàng ngày, vệ sinh chân và lau khô, nhất là ở các kẽ ngón.
  • Chọn giày phù hợp: giày chật có thể cọ xát da chân gây bóng nước, dễ nhiễm trùng ở bàn chân người bị tiểu đường. Nên chọn giày vừa vặn, êm, không nên mang dép xỏ ngón, giày cao gót…
  • Không đi chân trần, kể cả khi ở nhà.
  • Bỏ thuốc lá: bởi thói quen này có thể gây tổn thương mạch máu, giảm lưu thông máu, chậm lành vết thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Tập thể dục đều đặn: để cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường đề kháng.

Địa chỉ điều trị vết loét do tiểu đường hiệu quả

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM có nền tảng vững chắc với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm. Khoa chuyên tiếp nhận khám, tư vấn và điều trị các bệnh nội tiết như: đái tháo nhạt, bệnh tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, dậy thì sớm, chậm tăng trưởng chiều cao…; đái tháo đường; béo phì…, kết hợp hệ thống máy móc hiện đại được nhập khẩu chính hãng từ Âu – Mỹ; khu nội trú tiêu chuẩn khách sạn; dịch vụ chăm sóc tận tình, chu đáo, giúp người bệnh hài lòng, yên tâm trong suốt quá trình điều trị.

Vết loét tiểu đường là biến chứng thường gặp ở người bệnh tiểu đường, với tỷ lệ người bệnh loét bàn chân cần nhập viện điều trị nội trú khoảng 20%, tỷ lệ tái phát khoảng 40% (trong vòng 1 năm), 60% (trong vòng 3 năm) và 65% (trong vòng 5 năm). Để phòng ngừa biến chứng này, người bệnh cần giữ vệ sinh bàn chân, kiểm tra bàn chân mỗi ngày để phát hiện các tổn thương sớm, đồng thời kiểm soát đường huyết hiệu quả và duy trì lịch tái khám với bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường đúng hẹn để được theo dõi, kìm hãm biến chứng.


Source link

Trước:

Check Also

9 chế độ ăn cho người béo phì giúp giảm cân hiệu quả

Cơ thể khỏe mạnh, cân nặng hợp lý là kết quả của chế độ ăn …

Bạn đang xem Vết loét tiểu đường: Các mức độ lở loét và vị trí thường gặp