6 loại thực phẩm tốt cho tuyến yên bệnh nhân nên ăn đều đặn

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị, duy trì sức khỏe cho người bệnh tuyến yên. Vậy đâu là các thực phẩm tốt cho tuyến yên người bệnh nên dùng? Đâu là các thực phẩm không tốt, nên tránh. Tất cả sẽ được, Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ CKII Võ Hoàng Minh Hiền, Đơn vị Nội tiết – Đái tháo đường, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7 giải đáp trong bài viết bên dưới.

thực phẩm tốt cho tuyến yên

Tầm quan trọng của tuyến yên đối với cơ thể

Tuyến yên giữ vai trò là cơ quan quan trọng đối với cơ thể. Chức năng chính của tuyến yên là sản xuất và giải phóng một số hormone giúp thực hiện các chức năng quan trọng, giám sát và điều chỉnh chức năng của các cơ quan, bao gồm:

  • Trao đổi chất, thúc đẩy quá trình tăng trưởng và phát triển của cơ thể.
  • Điều chỉnh chức năng tình dục, sinh sản.
  • Kích thích các tuyến nội tiết khác (tuyến giáp, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục).
  • Điều chỉnh chức năng của các cơ quan như thận, tử cung và vú.
  • Phản ứng với căng thẳng hoặc chấn thương.
  • Kích thích tuyến vú tạo sữa.
  • Cân bằng nước và natri (muối).
  • Chuyển dạ và sinh con.

Tuyến yên được nối bằng 1 cuống với 1 phần của não gọi là vùng dưới đồi. Não và tuyến yên tạo thành hệ thống thần kinh nội tiết. Hệ thống này liên tục theo dõi các tuyến và cơ quan để xác định xem nên gửi hay dừng các chất truyền tin hóa học (hormone) kiểm soát chức năng của chúng.

Vùng dưới đồi với phần não chịu trách nhiệm về một số hoạt động cơ bản của cơ thể. Nó gửi thông tin đến hệ thống thần kinh tự trị – nơi kiểm soát huyết áp, nhịp tim và nhịp thở. Vùng dưới đồi “ra lệnh” cho tuyến yên sản xuất và giải phóng các hormone ảnh hưởng đến các khu vực khác trên cơ thể.

Thông qua cuống mạch, vùng dưới đồi “giao tiếp” với thùy trước tuyến yên thông qua hormone và thùy sau thông qua các xung thần kinh. Vùng dưới đồi cũng tạo ra oxytocin và hormone chống bài niệu, báo cho tuyến yên biết khi nào nên lưu trữ và giải phóng những hormone này. Vùng dưới đồi tạo ra các hormone sau để liên lạc và kích thích tuyến:

  • Hormon giải phóng Corticotrophin (CRH).
  • Dopamin.
  • Hormon giải phóng Gonadotrophin (GnRH).
  • Hormon giải phóng hormone tăng trưởng (GHRH).
  • Somatostatin.
  • Hormon giải phóng thyrotropin (TRH).

Vì tuyến yên và vùng dưới đồi phối hợp rất chặt chẽ với nhau nên nếu 1 trong 2 bị tổn thương, sẽ ảnh hưởng đến chức năng nội tiết tố của vùng còn lại và ảnh hưởng đến toàn cơ thể.

tuyến yên giữ vai trò là cơ quan quan trọng đối với cơ thể
Tuyến yên giữ vai trò là cơ quan quan trọng đối với cơ thể, sản xuất và giải phóng một số hormone giúp thực hiện các chức năng quan trọng, giám sát và điều chỉnh chức năng của các cơ quan.

6 thực phẩm tốt cho tuyến yên

Một số chất dinh dưỡng nhất định có lợi cho hoạt động của vùng dưới đồi và tuyến yên. Vì vậy, trong quá trình điều trị các bệnh liên quan đến tuyến yên, vùng dưới đồi, bác sĩ thường khuyến khích người bệnh bổ sung các loại thực phẩm tốt cho tuyến yên vào bữa ăn hàng ngày, để cải thiện sức khỏe của hệ nội tiết, như:

1. Thực phẩm giàu protein

Các hormone của tuyến yên có bản chất là protein hoặc polypeptide và có độ phức tạp khác nhau. Hormon tăng trưởng (HGH), còn được gọi là somatotropin, là 1 protein gồm 191 polypeptide chuỗi đơn axit amin được tiết ra bởi các tế bào somatotropic ưa axit của tuyến yên trước. Mức độ sản xuất HGH của cơ thể được điều chỉnh chặt chẽ bởi các chất trung gian ở vùng dưới đồi, hormone giải phóng hormone tăng trưởng (GHRH) và hormone ức chế hormone tăng trưởng (GHIH hoặc somatostatin). (1)

Vì vậy, các thực phẩm giàu protein cũng được liệt vào danh sách thực phẩm tốt cho tuyến yên. Bổ sung protein giúp kích thích quá trình giải phóng hormone tăng trưởng, thúc đẩy quá trình phát triển của cơ thể. Đặc biệt ở trẻ em, hormone giải phóng hormone tăng trưởng (GHRH) có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển chiều cao của trẻ.

Các loại thực phẩm giàu protein được khuyến khích sử dụng bao gồm:

  • Thịt gia cầm như: gà, vịt, ngỗng.
  • Thịt đỏ như: thịt bò, thịt heo:
  • Các loại thủy hải sản như: cá, tôm, cua, trai, hàu, sò điệp, nghêu,…
  • Trứng.
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa: sữa chua (đặc biệt là sữa chua Hy Lạp), phô mai (đặc biệt là phô mai tươi).
các loại thực phẩm giàu protein như thịt đỏ, thịt gia cầm
Các loại thực phẩm giàu protein như thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản, ngũ cốc, trứng, sữa, các loại đậu,… là lựa chọn lành mạnh, tốt cho tuyến yên.

2. Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt cũng là thực phẩm tốt cho tuyến yên, cung cấp chất xơ và carbohydrate phức hợp. Các loại ngũ cốc nguyên hạt như: bột yến mạch, hạt kê, quinoa, kiều mạch, gạo lứt,… chứa nhiều chất xơ, các vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp điều chỉnh nồng độ estrogen, hỗ trợ hoạt động bình thường của tuyến yên. (2)

Riêng đối với người mắc suy giảm nhận thức có liên quan đến một số bệnh đi kèm như: bệnh tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp, bệnh tim mạch và béo phì. Nên tăng cường tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt vì chúng có vai trò bảo vệ các hoạt động của não và vùng dưới đồi, có ảnh hưởng đến các hoạt động của tuyến yên.

3. Chất béo không bão hòa

Với câu hỏi ăn gì tốt cho tuyến yên? Chất béo không bão hòa là đáp án phù hợp. Trên thực tế, có 4 loại chất béo, tất cả đều đóng 1 vai trò trong sức khỏe não bộ. Chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa được gọi là chất béo tốt (chất béo lành mạnh), giúp não hoạt động hiệu quả hơn. Chất béo lành mạnh có thể được tìm thấy trong cá, dầu ô liu, quả bơ và các loại hạt. (3)

Ngoài ra, chất béo này còn giúp ngăn ngừa huyết áp cao – yếu tố nguy cơ gây bệnh Alzheimer. Các axit béo không bão hòa đa (đặc biệt là omega-3) có trong sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh (sinh non và đủ tháng) tạo điều kiện cho khả năng phát triển thị giác và trí não, bao gồm cả trí tuệ. (4)

Chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa được gọi là chất béo xấu vì góp phần sản xuất cholesterol. Chúng thường được tìm thấy trong thực phẩm chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ và các sản phẩm từ động vật.

dầu ô liu là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh
Dầu ô liu là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh, phù hợp để bổ sung vào thực đơn của người bệnh tuyến yên.

4. Rau xanh

Các loại rau lá xanh đóng vai trò gián tiếp cải thiện chức năng của tuyến yên bằng cách cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho não như: vitamin A, C, K và folate, lutein, chất chống oxy hóa,… Dinh dưỡng trong rau xanh có cơ chế hoạt động độc lập giúp bảo vệ não, điều này được lý giải như sau:

  • Nồng độ carotenoid trong rau xanh giúp chữa lành tổn thương chất trắng quanh não thất mức độ nhẹ, đặc biệt ở những người hút thuốc lớn tuổi, tăng cường hệ thống miễn dịch và nâng cao sức khỏe.
  • Lutein trong rau xanh là chất chống oxy hóa mạnh, đã được chứng minh là làm giảm quá trình peroxid hóa phospholipid trong hồng cầu và làm giảm căng thẳng, rối loạn chức năng ty thể và viêm thần kinh.
  • Folate giúp ức chế quá trình phosphoryl hóa, giảm nồng độ protein APP, PS1 và Aβ là nguyên nhân gây bệnh Alzheimer và để tăng khả năng methyl hóa và hoạt động methyltransferase DNA, tăng cường vitamin B9, nâng cao sức khỏe vùng dưới đồi (bao gồm tuyến yên và não).

Tất cả điều này giúp làm chậm quá trình suy giảm khả năng nhận thức ở người lớn tuổi, tác dụng bảo vệ thần kinh của lutein, folate, -carotene và phylloquinone được phát huy, tác động trở lại tuyến yên. Bổ sung bất kỳ loại rau xanh nào vào khẩu phần ăn hàng ngày là cách đơn giản để góp phần tăng cường sức khỏe tuyến yên và não bộ.

rau lá xanh đóng vai trò gián tiếp cải thiện chức năng của tuyến yên
Các loại rau lá xanh đóng vai trò gián tiếp cải thiện chức năng của tuyến yên bằng cách cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho não như: vitamin A, C, K và folate, lutein, chất chống oxy hóa,…

5. Trái cây tươi

Các nhà nghiên cứu cho rằng một số chất dinh dưỡng có thể giúp vùng dưới đồi và tuyến yên hoạt động tốt hơn. Chúng bao gồm polyphenol, omega-3 và vitamin C, B1 và ​​​​B12. Nhiều loại thực phẩm khác nhau có chứa các chất dinh dưỡng này, trong đó có trái cây tươi. (5)

Polyphenol là hợp chất có trong các loại quả mọng, trà, rượu vang đỏ và nhiều loại rau. Hợp chất này giúp giảm viêm ở vùng dưới đồi, giúp ngăn ngừa rối loạn chức năng. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng polyphenol cải thiện tình trạng căng thẳng oxy hóa ở vùng dưới đồi, giúp cải thiện chức năng của nó. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định hàm lượng polyphenol cần thiết cho cơ thể.

trái cây tươi chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu
Các loại trái cây tươi chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu, hương vị tươi ngon là loại thực phẩm tốt cho tuyến yên mọi người có thể tham khảo.

6. Uống đủ nước

Nước là 1 phần thiết yếu của cơ thể. Uống đủ nước không những giúp cân bằng chất lỏng, hỗ trợ quá trình bài tiết mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến yên. Trong cơ thể, một số cơ chế phối hợp với nhau để duy trì cân bằng nước, bao gồm:

  • Khát.
  • Tương tác của tuyến yên và thận.
  • Thẩm thấu.

Khát là 1 trong những cơ chế quan trọng nhất để duy trì cân bằng nước. Khi cơ thể cần nước, các trung tâm thần kinh sâu bên trong não sẽ được kích thích, dẫn đến cảm giác khát. Cảm giác trở nên mạnh mẽ hơn khi nhu cầu về nước của cơ thể tăng lên, thúc đẩy 1 người uống lượng chất lỏng cần thiết. Khi cơ thể dư thừa nước, cơn khát sẽ bị ức chế.

Sự tương tác giữa tuyến yên và thận tạo ra 1 cơ chế khác. Khi cơ thể thiếu nước, tuyến yên sẽ tiết ra vasopressin (còn gọi là hormone chống bài niệu) vào máu. Vasopressin kích thích thận tiết kiệm nước và bài tiết ít nước tiểu hơn. Khi cơ thể thừa nước, tuyến yên tiết ra ít vasopressin, tạo điều kiện cho thận bài tiết lượng nước dư thừa qua nước tiểu.

Trong cơ chế thẩm thấu, nước chảy thụ động từ vùng này hoặc ngăn của cơ thể sang vùng khác. Dòng chảy thụ động này cho phép lượng chất lỏng lớn hơn lưu thông trong tế bào và khu vực xung quanh tế bào, hoạt động như các bể chứa để bảo vệ lượng chất lỏng quan trọng hơn nhưng nhỏ hơn trong mạch máu khỏi bị mất nước. Chính vì những cơ chế này, nước cũng được xem là thực phẩm tốt cho tuyến yên và cần được bổ sung đầy đủ, mỗi ngày.

5 thực phẩm không tốt cho tuyến yên

Bên cạnh việc ăn gì tốt cho tuyến yên thì tránh sử dụng các thực phẩm không tốt cho tuyến này cũng được bác sĩ Nội tiết – Đái tháo tháo đường và các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, lưu ý cho người bệnh nên tránh hoặc hạn chế tiêu thụ.

1. Thực phẩm có chứa phụ gia

Các loại thực phẩm chứa phụ gia, thường là thực phẩm chế biến sẵn như thức ăn nhanh, thực ăn chứa nhiều bột ngọt, đồ chiên rán ngập dầu, hương liệu nhân tạo,… nên tránh vì sẽ gây các động tiêu cực đến tuyến yên, cụ thể: Phụ gia thực phẩm gây ức chế trục vùng dưới đồi – tuyến yên – tinh hoàn và làm giảm nồng độ hormone GnRH dẫn đến ức chế tiết các hormone kích thích sinh dục LH, FSH, do đó làm giảm nồng độ của hormone testosterone.

Nó cũng dẫn đến sự giảm nồng độ enzyme chống oxy hóa, xảy ra stress oxy hóa và sự gia tăng quá trình Lipid peroxide.

thức ăn nhanh không tốt cho tuyến yên
Các loại thức ăn nhanh, chế biến ngập dầu, nhiều gia vị, phụ gia không tốt cho tuyến yên và sức khỏe tổng thể.

2. Thịt nội tạng động vật

Thịt nội tạng chứa nhiều sắt, protein, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, chúng có thể chứa nhiều cholesterol và chất béo bão hòa, không tốt cho tuyến yên. Thịt nội tạng là nội tạng và các bộ phận khác của động vật ngoài thịt cơ, bao gồm:

  • Máu, xương và da.
  • Não.
  • Tim.
  • Thận và gan.
  • Ruột và dạ dày (niêm mạc dạ dày).
  • Lưỡi.

Đây là những thực phẩm người bị u tuyến yên nên tránh vì chứa nhiều hợp chất độc hại. Thay vào đó, người bệnh nên lựa chọn nguồn cung cấp protein tốt từ thịt, cá, trứng, sữa,… và chất béo lành mạnh từ nguồn thực vật.

3. Thức ăn giàu đường và thức ăn có chỉ số glycemic cao

Kiêng các thức ăn giàu đường hoặc có chỉ số glycemic cao là 1 phần của chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe tổng thể. Các biến động về chỉ số đường huyết có thể làm rối loạn hệ nội tiết, không chỉ tác động tiêu cực đến các hoạt động của tuyến yên mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống nội tiết trong cơ thể.

Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (GI) làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng và gây ra các vấn đề về sức khỏe nếu ăn quá nhiều. Ăn chế độ ăn GI thấp giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.

Chế độ ăn có GI cao (thực phẩm chế biến cao hơn) và lượng đường huyết cao (khẩu phần lớn hơn) làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, bệnh tim và một số bệnh ung thư. Ăn thực phẩm có chỉ số GI thấp (thực phẩm nguyên chất, thực phẩm ít chế biến) giúp kiểm soát lượng đường trong máu và mức insulin tốt hơn.

loại bánh ngọt chứa nhiều đường không tốt
Các loại bánh ngọt chứa nhiều đường không tốt nếu như tiêu thụ nhiều và nằm trong danh sách thực phẩm không tốt cho tuyến yên, nên hạn chế.

4. Thực phẩm chứa gluten và lúa mạch

Những người mắc bệnh viêm tuyến yên tự miễn cận lâm sàng và bệnh celiac cần tránh tuyệt đối sử dụng các thực phẩm chứa gluten và lúa mạch. Vì những thực phẩm này gây nhiều vấn đề tiêu hóa cho người không dung nạp gluten và bệnh celiac. Tiêu thụ thực phẩm chứa gluten có thể dẫn đến đầy hơi, khó chịu và mệt mỏi.

Mặc dù hầu hết mọi người có thể xử lý gluten khó tiêu mà không gặp vấn đề gì. Nhưng ở một số người, gluten có thể gây ra phản ứng tự miễn dịch nghiêm trọng hoặc các triệu chứng khó chịu khác. Phản ứng tự miễn dịch với gluten được gọi là bệnh celiac, làm hỏng ruột non, khiến quá trình tiêu hóa thức ăn không diễn ra bình thường, tác động tiêu cực lên hệ nội tiết.

Gluten xuất hiện trong nhiều loại sản phẩm khác nhau. Các sản phẩm yến mạch cũng sẽ chứa gluten, bánh quy giòn, các loại đồ ăn nhẹ phổ biến như bánh quy, ngũ cốc, khoai tây chiên,… có chứa gluten. Bia được làm từ lúa mạch, mạch nha, có chứa gluten. Một số loại rượu có thêm lúa mì cũng chứa gluten,… Vì vậy, người bệnh cần lưu ý xem kỹ bảng thành phần hoặc chọn sản phẩm trên nhãn dán ghi “không chứa gluten”.

5. Thức ăn chứa chất bảo quản, tạo màu

1 trong những tác hại lớn nhất của chất bảo quản, chất tạo màu thực phẩm là khả năng biến đổi thành chất gây ung thư. Có nhiều loại chất bảo quản khác nhau, như:

  • Benzoic acid.
  • Calcium Sorbate.
  • Erythorbic Acid.
  • Potassium Nitrate.
  • Sodium Benzoate.

Thực phẩm đã qua chế biến, đóng gói như một số loại bánh quy, bánh ngọt, ngũ cốc, bánh mì, đồ ăn nhẹ, thịt nguội, nước sốt và súp,… có thể chứa chất bảo quản.

thực phẩm đã qua chế biến như thịt nguội chứa nhiều chất phụ gia
Thực phẩm đã qua chế biến như thịt nguội chứa nhiều chất phụ gia, gia vị,… không tốt cho tuyến yên nếu tiêu thụ nhiều.

Các biện pháp giúp tuyến yên khỏe mạnh

Bên cạnh việc ăn gì tốt cho tuyến yên? người bệnh có thể duy trì một số thói quen, xây dựng lối sống lành mạnh để giữ cho tuyến yên luôn khỏe.

1. Giảm mỡ trong cơ thể

Giữa mỡ và hormone tăng trưởng HGH có mối liên hệ với nhau. Khi 1 người bị thừa cân, béo phì sẽ làm chậm quá trình phát triển chiều cao, điều này đặc biệt rõ rệt ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Theo đó, lượng mỡ tăng sẽ ức chế sản xuất hormone tăng trưởng HGH. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người có lượng mỡ cao gấp 3 lần bình thường có lượng HGH thấp hơn ½ bình thường. Do đó, bác sĩ luôn khuyến khích giữ mức cân nặng hợp lý, duy trì ở mức ổn định, đặc biệt là trẻ em đang trong giai đoạn phát triển.

2. Tập thể dục đều đặn

Tập luyện thể dục đều đặn, lựa chọn các bài tập phù hợp với thể trạng bản thân giúp tuyến yên khỏe mạnh hơn. Mặc dù cường độ tập luyện càng cao, hormone tăng trưởng tiết ra càng nhiều nhưng các chuyên gia thường không khuyến khích điều này. Việc rèn luyện sức khỏe thể chất cần có cường độ phù hợp với thể trạng bản thân. Quan trọng hơn, cần kiên trì tập luyện, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học, mới đạt được kết quả như mong muốn.

3. Giấc ngủ ngon

Tuyến yên đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa giấc ngủ và phản ứng với căng thẳng. Rối loạn trong hoạt động tuyến yên làm rối loạn giấc ngủ. Chất lượng giấc ngủ kém gây ra những ảnh hưởng bất lợi đến nhiều hệ thống sinh học, gây các bất thường trong hoạt động của hệ nội tiết.

Tuyến yên cũng tiết ra hormone tăng trưởng trong khi ngủ, hormone này đóng vai trò trong sự tăng trưởng và trưởng thành về thể chất cũng như các quá trình trao đổi chất khác. Cho nên, 1 giấc ngủ ngon giúp tuyến yên hoạt động tốt hơn và giúp cơ thể tăng trưởng khỏe mạnh.

giấc ngủ ngon, đủ giấc giúp tuyến yên khỏe hơn
Giấc ngủ ngon, đủ giấc giúp tuyến yên khỏe hơn, tinh thần thoải mái.

4. Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, tăng cường các loại thực phẩm tốt cho tuyến yên và kiêng các loại thực phẩm không tốt cũng là cách giúp tuyến yên khỏe hơn mỗi ngày. Chế độ dinh dưỡng khoa học cần đảm bảo:

  • 50% – 55% tinh bột.
  • 15% – <20% chất đạm.
  • <30% chất béo, tốt nhất nên chọn chất béo không bão hòa.

Bên cạnh đó cần bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất thiết yếu. Thêm sữa và các chế phẩm từ sữa vào khẩu phần ăn hàng ngày để tăng cường canxi và protein tốt cho sức khỏe tổng thể.

Có thể thấy, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tuyến yên nói riêng và toàn bộ hệ nội tiết nói chung. Bên cạnh đó, nếu có bất kỳ vấn đề nào có liên quan đến sức khỏe tuyến yên, người bệnh cần điều trị càng sớm, càng tốt để bảo vệ sức khỏe tuyến yên và toàn bộ hệ nội tiết.

Điều trị các vấn đề về sức khỏe tuyến yên tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM và Đơn vị Nội tiết – Đái tháo đường, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7. Tại đây, người bệnh được các bác sĩ là những chuyên gia hàng đầu trực tiếp chẩn đoán và điều trị với phác đồ cá thể hóa, mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Hy vọng với những thông tin trên đã giúp giải đáp thắc mắc về thực phẩm tốt cho tuyến yên. Tốt nhất, mọi người nên áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh bổ sung đầy đủ dưỡng chất, thêm các thực phẩm tốt cho tuyến yên vào thực đơn hàng ngày, kết hợp cùng chế độ tập luyện, rèn luyện sức khỏe tổng thể để bảo vệ sức khỏe tuyến yên.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

9 chế độ ăn cho người béo phì giúp giảm cân hiệu quả

Cơ thể khỏe mạnh, cân nặng hợp lý là kết quả của chế độ ăn …

Bạn đang xem 6 loại thực phẩm tốt cho tuyến yên bệnh nhân nên ăn đều đặn