Béo phì là “đại dịch” mới của thế giới, gây suy giảm chất lượng cuộc sống và kéo theo những căn bệnh đe dọa tuổi thọ như: suy tim, tiểu đường, ung thư… Có rất nhiều nguyên nhân béo phì, không chỉ do ăn quá nhiều mà còn bắt nguồn từ những yếu tố khách quan khác. Dưới đây là các thông tin về nguyên nhân dẫn đến béo phì, do bác sĩ Võ Trần Như Thảo, Trung tâm Giảm cân Bệnh viện Tâm Anh chia sẻ.
Béo phì là bệnh gì?
Sự bùng nổ của nền công nghiệp thức ăn nhanh, lối sống kém vận động, những thói quen xấu như thức khuya, ăn uống không đều đặn, ăn nhiều thực phẩm chế biến… khiến tỷ lệ béo phì tăng nhanh ở cả người lớn và trẻ em. Béo phì là tình trạng cơ thể tích trữ quá nhiều chất béo, do dư thừa calo trong thời gian dài.
Béo phì được xác định dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI), theo công thức:
BMI = cân nặng (kg) / chiều cao² (m)
Dưới đây là bảng phân loại BMI tương ứng với tình trạng cân nặng dành cho thể trạng người Châu Á:
Loại | BMI | |
Gầy | < 18,5 | |
Bình thường | 18,5 – 22,9 | |
Tăng cân | Nguy cơ (thừa cân) | ≥ 23 – 24,9 |
Béo phì độ 1 | 25 – 29,9 | |
Béo phì độ 2 | ≥ 30 |
Các nguyên nhân béo phì, thừa cân
Có nhiều nguyên nhân béo phì, thừa cân, trong đó chủ yếu do chế độ ăn không lành mạnh, kém vận động và các yếu tố gián tiếp khác.
1. Chế độ sinh hoạt không lành mạnh
Chế độ ăn uống kém lành mạnh, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, giàu chất béo và đường…; duy trì 1 tư thế làm việc trong thời gian dài; thường xuyên ngồi xem tivi, sử dụng máy tính, điện thoại; không dành thời gian tập thể thao… là những nguyên nhân thừa cân béo phì phổ biến.
Đăng ký tư vấn về thừa cân, béo phì tại đây
Một số thói quen sinh hoạt kém lành mạnh khác cũng ảnh hưởng xấu đến cân nặng như: thức khuya, căng thẳng, không tập trung khi ăn, ăn quá khuya… Nghiên cứu đoàn hệ của Shahrad Taheri và cộng sự tại Wisconsin trên 1.024 tình nguyện viên cho thấy: người ngủ ít thường tăng BMI. Người ngủ ít hơn 5 giờ có lượng leptin thấp hơn 15,5% và lượng ghrelin cao hơn 14,9% so với người ngủ 8 giờ mỗi đêm. (1)
Ghrelin là hormone đói, có nhiệm vụ báo hiệu thời điểm cần ăn, còn leptin là hormone tạo cảm giác no. Thức khuya làm tăng nồng độ ghrelin và giảm leptin, khiến bạn có cảm giác thèm ăn. Ăn khuya khiến mỡ dễ tích tụ do cơ thể không đủ thời gian tiêu hao, và bạn cũng thường lựa chọn thực phẩm kém lành mạnh.
Ngoài ra, thiếu ngủ còn ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất béo, tăng nguy cơ kháng insulin, dẫn đến tiểu đường và các vấn đề tim mạch.

2. Yếu tố di truyền
Người sinh ra trong gia đình có người thân mắc thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ thừa cân, béo phì cao hơn bình thường. Các gen di truyền liên quan đến bệnh này có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa năng lượng và chất béo của cơ thể.
3. Yếu tố nội tiết
Rối loạn nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến nồng độ của các hormone kiểm soát cơn đói, thèm ăn và cảm giác no. Ngoài ra, một số bệnh rối loạn nội tiết như suy giáp hoặc hội chứng Cushing cũng gây ảnh hưởng đến tốc độ chuyển hóa, khiến người bệnh tăng cân bất thường.
4. Yếu tố tâm lý
Nhiều người không biết rằng căng thẳng, lo âu là một trong những nguyên nhân của bệnh béo phì. Khi stress, cơ thể tiết ra nhiều hormone cortisol hơn, làm tăng cảm giác thèm ăn, nhất là thực phẩm giàu calo, đồng thời thay đổi quá trình tích trữ mỡ. Bên cạnh đó, khi căng thẳng, cơ thể khó kiểm soát lượng thực phẩm ăn vào và có xu hướng ăn uống theo cảm xúc.
5. Dùng thuốc và các chất gây tăng cân
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến cân nặng của người sử dụng, như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị tiểu đường…, do chúng làm chậm quá trình trao đổi chất, tăng cảm giác thèm ăn.
6. Bệnh lý
Một số bệnh rối loạn nội tiết tố, rối loạn chuyển hóa (kháng leptin, kháng insulin, rối loạn chuyển hóa đường, rối loạn mỡ máu, đa nang buồng trứng…) có thể làm tăng tích trữ mỡ thừa và là nguyên nhân bệnh béo phì.
7. Những thực phẩm nguy cơ gây béo phì
Ăn quá nhiều đồ ăn vặt, thực phẩm giàu calo, ít chất xơ như: đồ chiên ngập dầu, thực phẩm chế biến sẵn (bánh mì trắng, xúc xích, thịt nguội, lạp xưởng, đồ hộp…), đồ ăn nhanh, thực phẩm giàu chất béo không lành mạnh…; uống nước ngọt, đồ uống có đường như trà sữa, nước ép trái cây, sinh tố thêm đường và sữa… có thể dẫn đến tăng cân mất kiểm soát, là nguyên nhân béo phì hàng đầu. Ngoài ra, lạm dụng bia, rượu cũng làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.
Những ảnh hưởng tiêu cực khi mắc béo phì
Béo phì gây ảnh hưởng đến hàng loạt cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể, đồng thời tác động xấu đến sức khỏe tinh thần, khiến người bệnh tự ti, lo lắng và có xu hướng tự/bị cô lập.
1. Ảnh hưởng đến sức khỏe
Người béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh: (2)
- Tiểu đường type 2: trong 10 người mắc tiểu đường type 2, có đến 9 người thừa cân hoặc béo phì. Người có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 có thể trì hoãn bệnh bằng cách giảm ít nhất 5% – 7% cân nặng. Theo thời gian, đường huyết cao có thể dẫn đến bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận, các vấn đề về mắt, tổn thương thần kinh…
- Bệnh tim mạch: béo phì khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đến mọi tế bào. Chất béo dư thừa cũng ảnh hưởng đến hoạt động của thận, làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Huyết áp cao có thể gây áp lực lên tim, làm tổn thương mạch máu và làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, bệnh thận và tử vong.
- Gan nhiễm mỡ: người béo phì có thể bị xơ gan, suy gan do chất béo tích tụ ở gan trong thời gian dài.
- Một số loại ung thư: nam giới thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc ung thư đại tràng, trực tràng và tuyến tiền liệt cao hơn. Phụ nữ thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc ung thư vú, niêm mạc tử cung và túi mật.
- Các vấn đề về hô hấp: người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp như: hen suyễn, hội chứng ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy…
- Viêm xương khớp: béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây viêm xương khớp ở đầu gối, hông và mắt cá chân, do cân nặng tạo áp lực lên sụn, khớp và tăng nồng độ các chất gây viêm.
- Bệnh thận: béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao, đây là những nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh thận mạn tính.
- Vấn đề về sinh lý, mang thai và sinh sản: thừa cân, béo phì ảnh hưởng đến khả năng sinh lý, sinh sản của cả nam và nữ, làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng ở nam giới; rối loạn kinh nguyệt và khó khăn khi mang thai ở nữ giới. Phụ nữ thừa cân, béo phì khi mang thai cũng dễ bị tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi…
2. Ảnh hưởng đến tâm lý
Người béo phì có nguy cơ bị trầm cảm tăng 55% theo thời gian và người bị trầm cảm có nguy cơ béo phì tăng 58%. Tâm trạng chán nản, tự ti, vận động khó khăn có thể làm cho người bệnh lười vận động thể chất, dẫn đến ăn nhiều và tiếp tục tăng cân, tạo thành vòng lặp. (3)

3. Ảnh hưởng đến xã hội
Béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến cá nhân mà còn tác động đến toàn xã hội, tạo sức ép, gánh nặng lên hệ thống y tế với các hệ lụy kéo theo như: suy tim, rối loạn chuyển hóa, cao huyết áp, tiểu đường, sỏi mật, ung thư… (4)
Các cách chữa bệnh béo phì
Dưới đây là những cách hỗ trợ phòng ngừa tình trạng thừa cân, béo phì:
1. Chế độ ăn phù hợp
Ăn uống không cân bằng, ăn quá nhiều là nguyên nhân béo phì. Do đó, để phòng ngừa tình trạng này, cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, kiểm soát khẩu phần ăn và lựa chọn thực phẩm chất lượng, giàu dinh dưỡng.
- Lên kế hoạch ăn uống mỗi ngày, tính toán lượng calo nạp vào cơ thể để không vượt quá calo tiêu hao.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh và trái cây tươi, các loại hạt, đậu.
- Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ chiên ngập dầu, ngũ cốc ăn liền, đồ ngọt, nước ngọt…
2. Chế độ vận động
Tập thể dục giúp cơ thể tiêu hao mỡ thừa, đồng thời săn chắc các cơ, cải thiện sức khỏe tim mạch và hệ hô hấp, tăng sức bền. Kết hợp hoạt động thể chất cường độ cao với chế độ ăn lành mạnh giúp bạn nâng cao hiệu quả giảm cân, giảm mỡ.
Với người không có nhiều thời gian tập luyện, có thể vận động đơn giản bằng cách: leo cầu thang, đi bộ, đạp xe, tập các bài tập đơn giản vào giữa buổi…
3. Uống thuốc trị béo phì
Người béo phì lâu năm, béo phì nặng, không thể giảm cân bằng các phương pháp thông thường khác có thể lựa chọn khám với chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm tại Trung tâm Giảm cân Bệnh viện Tâm Anh và được chỉ định sử dụng các loại thuốc giảm cân thế hệ mới.
Các thuốc này được nhập khẩu chính hãng, được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) công nhận trên phạm vi toàn cầu và được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng. Thuốc không gây các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe: tiêu chảy, mệt mỏi, suy nhược, rụng tóc, sạm da, chán ăn… Khách hàng được ăn món mình thích mà vẫn giảm được cân nặng.

4. Phẫu thuật
Ngoài các phương pháp điều trị nội khoa, tư vấn dinh dưỡng, vận động…, bác sĩ tại Trung tâm Giảm cân Bệnh viện Tâm Anh có thể tư vấn các phương pháp phẫu thuật nội khoa như đặt bóng làm đầy dạ dày, phẫu thuật thu nhỏ dạ dày. Người bệnh chỉ số BMI từ 40kg/m2 trở lên, hoặc BMI từ 35kg/m2 – 39,9kg/m2 và có các bệnh liên quan đến thừa cân, béo phì (cao huyết áp, tiểu đường, hội chứng ngưng thở khi ngủ, gan nhiễm mỡ…) có thể được tư vấn phẫu thuật.
Trung tâm Giảm cân Bệnh viện Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản tại Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn… cùng hệ thống máy móc xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm… hiện đại; sử dụng phác đồ kết hợp giữa mô hình giảm cân đã áp dụng thành công tại nhiều nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn… và hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam.
Khách hàng được tư vấn điều trị đa mô thức, chuẩn y khoa, kết hợp nhiều chuyên khoa trong 1 trung tâm như: Nội tiết, Công nghệ cao, Dinh dưỡng, Y học vận động, Tâm lý trị liệu, Cơ xương khớp, Tim mạch…, nhằm mang đến hiệu quả giảm cân, giảm mỡ toàn diện, nhất là mỡ nội tạng, thon gọn vóc dáng, phòng ngừa và kiểm soát các biến chứng do thừa cân, béo phì (tim mạch, tiểu đường, gan nhiễm mỡ…).



Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là những thắc mắc thường gặp liên quan đến nguyên nhân béo phì, thừa cân:
1. Nhịn ăn sáng có béo không?
Có thể. Nhịn ăn sáng có thể khiến bạn đói hơn và ăn nhiều hơn vào bữa tiếp theo, dẫn đến tăng tổng lượng calo nạp vào cơ thể.
2. Ngủ nhiều có béo không?
Có thể. Ngủ quá nhiều, không vận động, chế độ dinh dưỡng không hợp lý làm ảnh hưởng đến tốc độ trao đổi chất, cơ thể không tiêu hao mỡ thừa.
3. Ăn mì tôm có béo phì không?
Không. Mì tôm không chứa quá nhiều calo, do đó không phải là nguyên nhân béo phì. Nhưng ăn mì sai cách, ăn mì với nhiều thực phẩm đi kèm (thịt, cá, trứng…), không tính toán tổng lượng calo nạp vào cơ thể… có thể gây tăng cân.
4. Ăn bơ có bị béo phì không?
Có thể. Quả bơ có hàm lượng chất béo rất cao. Tuy đây là chất béo có lợi cho sức khỏe, nhưng ăn quá nhiều bơ, kết hợp với lối sống ít vận động có thể gây tăng cân.
5. Ăn sầu riêng có béo phì không?
Có thể. Sầu riêng chứa nhiều đường tự nhiên và giàu calo. Do đó cần ăn sầu riêng với lượng vừa phải, không nên ăn liên tục với lượng quá nhiều trong thời gian dài.
6. Uống mật ong có gây béo phì không?
Có thể. Mật ong rất giàu dinh dưỡng. Uống mật ong có béo phì không phụ thuộc vào lượng uống và tần suất uống. Chỉ nên sử dụng mật ong với lượng vừa phải, kết hợp chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, vận động thể chất thường xuyên để phòng ngừa nguy cơ tăng cân.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Trên đây là những nguyên nhân béo phì, thừa cân phổ biến nhất. Béo phì không chỉ gây tự ti, ảnh hưởng đến vóc dáng mà còn dẫn đến nhiều bệnh mạn tính khác như: bệnh tim, cao huyết áp, viêm khớp, tiểu đường… Hiểu được các nguyên nhân gây béo phì có thể giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn, xây dựng lối sống lành mạnh để duy trì cân nặng thích hợp.
Source link