10 loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 có thể bạn chưa biết

Người bệnh tiểu đường type 2 ở giai đoạn sớm có thể chưa cần dùng thuốc. Nhung khi bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn hoặc người bệnh không thể kiểm soát đường huyết, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2.

các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2

Tìm hiểu về bệnh tiểu đường tuýp 2

Tiểu đường tuýp 2 còn gọi là tiểu đường ở người lớn tuổi hoặc bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin. Bệnh do 2 nguyên nhân, gồm: thiếu insulin tương đối do suy giảm chức năng tế bào beta tuyến tụy và đề kháng với insulin. Insulin có vai trò chuyển hóa đường từ máu vào tế bào để tạo năng lượng. Khi người bệnh thiếu insulin hoặc đề kháng với insulin, đường sẽ tích tụ trong máu và làm đường huyết tăng mất kiểm soát.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đã đưa ra các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 2: (1)

  • Đường huyết lúc đói (FPG) ở mức 126mg/dL (7,0mmol/L) trở lên.
  • Mức đường huyết trong 2 giờ từ 200mg/dL (11,1mmol/L) trở lên khi thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose đường uống 75g (OGTT).
  • Với người có triệu chứng tăng đường huyết điển hình/cơn tăng đường huyết, mức đường huyết ngẫu nhiên từ 200mg/dL (11,1mmol/L) trở lên.
  • Chỉ số HbA1c từ 6,5% (48mmol/mol) trở lên.

Tiểu đường tuýp 2 có cần uống thuốc không?

Một trong những thắc mắc phổ biến nhất của người bệnh tiểu đường type 2 là: tiểu đường tuýp 2 có cần uống thuốc không? Ở giai đoạn đầu, người bệnh tiểu đường tuýp 2 chưa cần uống thuốc. Một số trường hợp người bệnh không kiểm soát tốt đường huyết, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để ổn định lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh. Các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 có các tác dụng: (2)

  • Tăng lượng insulin.
  • Hạn chế khả năng sản xuất và giải phóng đường của gan.
  • Ngăn chặn các enzyme trong ruột phân hủy carbohydrate, làm chậm tốc độ hấp thụ carbohydrate của tế bào.
  • Tăng độ nhạy insulin.
  • Hạn chế khả năng hấp thụ đường của thận, làm tăng lượng đường thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu.
  • Lạm chậm quá trình tiêu hóa.
chỉ định dùng thuốc để ổn định lượng đường trong máu
Với những người bệnh tiểu đường tuýp 2 không kiểm soát tốt đường huyết, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để ổn định lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh.

Các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 phổ biến

Dưới đây là tổng hợp các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 phổ biến nhất hiện nay, kèm theo cơ chế tác động, ưu điểm và tác dụng phụ của từng loại để bạn có cái nhìn tổng quan:

1. Thuốc Meglitinide

Thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 Meglitinide có tác dụng kích thích giải phóng insulin từ tuyến tụy. Lưu ý, người bệnh thận không nên dùng thuốc này để tránh tình trạng hạ đường huyết. (3)

  • Ưu điểm: hiệu quả nhanh.
  • Tác dụng phụ: có thể gây hạ đường huyết, tăng cân.

2. Thuốc Sulfonylurea

Đây là một trong những loại thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 truyền thống, được nhiều bác sĩ lựa chọn. Thuốc Sulfonylurea có tác dụng kích thích tuyến tụy giải phóng nhiều insulin hơn.

  • Ưu điểm: hiệu quả, dễ mua.
  • Tác dụng phụ: có thể gây hạ đường huyết, tăng cân, phát ban, buồn nôn hoặc nôn (với người uống rượu).

3. Chất ức chế Dipeptidyl-Peptidase 4 (DPP-4)

Thuốc thuộc nhóm ức chế Dipeptidyl-Peptidase 4 có tác dụng ức chế hoạt động của enzyme DPP-4. Enzyme này phá hủy hormone incretin – loại hormone có tác dụng giúp cơ thể sản xuất insulin khi cần và hạn chế khả năng giải phóng glucose của gan. Nhờ đó thuốc có tác dụng giảm lượng đường trong máu mà không gây hạ đường huyết.

  • Ưu điểm: không gây tăng cân, không gây hạ đường huyết khi dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với metformin.
  • Tác dụng phụ: có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp trên, đau họng, đau đầu.

4. Thuốc Biguanide

Biguanides làm giảm khả năng giải phóng đường của gan, giảm lượng đường hấp thụ ở ruột, giúp cơ bắp hấp thụ đường hiệu quả hơn và tăng độ nhạy insulin.

  • Ưu điểm: hiệu quả cao, giá tốt.
  • Nhược điểm: có thể gây một số tác dụng phụ trên đường tiêu hoá như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, nhiễm toan lactic (ở người bệnh suy thận, suy gan).

5. Thuốc Thiazolidinediones

Thuốc Thiazolidinediones cải thiện độ nhạy insulin của tế bào, đồng thời hạn chế khả năng sản xuất và giải phóng đường của gan. Lưu ý, người bệnh vấn đề về gan hoặc tiền sử suy tim không nên dùng loại thuốc điều trị đái tháo đường tuýp 2 này.

  • Ưu điểm: có thể làm tăng nhẹ cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL), loại cholesterol “tốt”.
  • Tác dụng phụ: có thể gây tăng cân, tích nước, tăng nguy cơ gãy xương và các vấn đề về tim, tăng nguy cơ ung thư bàng quang.

6. Thuốc ức chế Alpha-Glucosidase

Nhóm thuốc trị bệnh tiểu đường tuýp 2 này giúp làm chậm khả năng phân hủy thực phẩm giàu tinh bột của cơ thể. Nên uống thuốc trước bữa ăn.

  • Ưu điểm: không gây tăng cân, không gây hạ đường huyết (trừ khi dùng kết hợp với insulin hoặc sulfonylurea).
  • Tác dụng phụ: người bệnh có thể gặp triệu chứng rối loạn tiêu hóa.

7. Chất ức chế vận chuyển Natri-Glucose 2 (SGLT2)

Nhóm thuốc này hạn chế khả năng giữ đường của thận, làm tăng lượng đường thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị nên sử dụng thuốc này cho người bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, suy tim hoặc bệnh thận mạn tính.

  • Ưu điểm: hiệu quả cao.
  • Tác dụng phụ: có thể gây sụt cân, hạ huyết áp, nhiễm trùng đường tiết niệu.

8. Chất cô lập axit mật

Thuốc cô lập axit mật có tác dụng làm giảm cholesterol và hạ đường huyết. Có thể kết hợp thuốc này với các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 khác.

  • Ưu điểm: sử dụng được cho người có vấn đề về gan.
  • Tác dụng phụ: có thể gây táo bón, khó tiêu, tăng chất béo triglyceride trong máu.

9. Chất bắt chước Amylin

Thuốc bắt chước amylin hoạt động như hormone amylin – loại hormone do tuyến tụy tiết ra cùng với insulin – có tác dụng làm thức ăn di chuyển chậm qua dạ dày, kiểm soát đường huyết sau ăn. Loại thuốc này cần dùng chung với insulin. (4)

  • Ưu điểm: giảm cơn đói, thèm ăn.
  • Tác dụng phụ: có thể gây sụt cân nhẹ, hạ đường huyết, buồn nôn, đau bụng.

10. Thuốc bắt chước incretin (chất chủ vận thụ thể GLP-1)

Thuốc bắt chước incretin có cơ chế hoạt động như chất chủ vận thụ thể GLP-1. Chất này có tác dụng làm tăng lượng insulin mà cơ thể sử dụng, giảm cảm giác thèm ăn, làm chậm quá trình tiêu hóa, nhờ đó cơ thể sẽ hấp thụ tối đa dinh dưỡng từ thức ăn và hỗ trợ giảm cân. Thuốc này có thể sử dụng kết hợp với metformin, insulin cơ bản hoặc sulfonylurea.

  • Ưu điểm: kiểm soát cơn đói.
  • Tác dụng phụ: có thể gây sụt cân, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, tăng nguy cơ viêm tụy.
tác dụng phụ của thuốc bắt chước incretin
Các tác dụng phụ của thuốc bắt chước incretin gồm: sụt cân, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng…

Tác dụng phụ của thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2

Các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 có thể gây những tác dụng phụ như:

  • Hạ đường huyết;
  • Nhiễm toan ceton (tác dụng phụ của thuốc ức chế SGLT2); (5)
  • Nhiễm toan lactic;
  • Thay đổi cân nặng;
  • Các vấn đề về tiêu hóa;
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhiễm trùng.

Lưu ý gì khi sử dụng thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2

Khi sử dụng những loại thuốc tiểu đường tuýp 2, người bệnh nên lưu ý: (6)

  • Đo đường huyết thường xuyên.
  • Theo dõi tình trạng các bệnh mắc kèm, như: béo phì, cao huyết áp, bệnh tim, bệnh thận, cholesterol cao.
  • Cân nhắc các tác dụng phụ: hầu hết thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 đều có thể gây tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, người bệnh nên trao đổi cụ thể với bác sĩ để cân nhắc lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất.

Các cách điều trị tiểu đường tuýp 2 khác

Ngoài thuốc ra, người bệnh còn các cách điều trị tiểu đường tuýp 2 khác bao gồm insulin và phẫu thuật giảm cân:

1. Insulin

Với người bệnh tiểu đường tuýp 2 nghiêm trọng, không thể kiểm soát đường huyết hiệu quả, bác sĩ thường kê đơn insulin. Có 3 loại insulin phổ biến gồm:

  • Insulin dạng chai: khi sử dụng, người bệnh dùng bơm tiêm lấy thuốc và tiêm theo chỉ định của bác sĩ, thường tiêm ở vùng bụng, đùi, vai…
  • Bút tiêm: thiết bị được nạp sẵn insulin, chỉ cần gắn thêm kim vào bút và tiêm theo liều chỉ định.
  • Thiết bị bơm insulin: tự động đưa insulin vào cơ thể thông qua hệ thống gắn liền với vùng dưới da.
sử dụng insulin đóng gói dạng chai
Khi sử dụng insulin đóng gói dạng chai, người bệnh cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ.

2. Phẫu thuật giảm cân

Các loại phẫu thuật giảm cân thường can thiệp vào vào hệ tiêu hóa người bệnh. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể giảm được đáng kể nguy cơ mắc các bệnh như: tiểu đường tuýp 2, tim mạch, trào ngược dạ dày – thực quản, rối loạn lipid máu, suyễn, cao huyết áp, hội chứng chuyển hóa, thoái hóa khớp, gout… Tuy nhiên, phương pháp này cần được tư vấn kỹ bởi bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường và bác sĩ Ngoại khoa để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Khách hàng có nhu cầu tầm soát tiểu đường có thể đến khoa Nội tiết – Đái tháo đường, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được khám, tư vấn và điều trị bệnh. Khoa chuyên tiếp nhận các trường hợp: đái tháo nhạt, bệnh tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, dậy thì sớm, chậm tăng trưởng chiều cao; đái tháo đường; béo phì…

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có nền tảng vững chắc với đội ngũ bác sĩ và các chuyên gia giàu kinh nghiệm; được trang bị hệ thống các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, cho ra kết quả chẩn đoán chuẩn xác, cụ thể, đi kèm dịch vụ chăm sóc y tế chuyên nghiệp, tận tâm, giúp người bệnh an tâm trong suốt quá trình điều trị.

Tiểu đường tuýp 2 là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, do đó, bên cạnh sử dụng các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2, người bệnh cần xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ, không được tự ý thay đổi đơn thuốc tiểu đường tuýp 2, liều lượng thuốc, không tự ý ngừng thuốc để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

9 chế độ ăn cho người béo phì giúp giảm cân hiệu quả

Cơ thể khỏe mạnh, cân nặng hợp lý là kết quả của chế độ ăn …

Bạn đang xem 10 loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 có thể bạn chưa biết