Suy giáp ở trẻ em: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị bệnh

Advertisements

Suy giáp có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển có não bộ và thể chất của trẻ nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, đúng cách. Ở mỗi lứa tuổi, bệnh suy giáp có thể gây nên những triệu chứng khác nhau. Vậy suy giáp ở trẻ em là gì? 

suy giáp ở trẻ em

Suy giáp ở trẻ em là gì?

Suy giáp ở trẻ em là tình trạng tuyết giáp hoạt động kém, không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể. Đây là rối loạn tuyến giáp phổ biến nhất ở trẻ em, gây ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể như tăng trưởng, phát triển, chức năng não, tâm trạng, quá trình trao đổi chất, dậy thì và sinh sản.

Tuyến giáp là tuyến nội tiết hình con bướm phía trước cổ, dưới thanh quản có nhiệm vụ sản sinh hormone Thyroxine (T4) và Triiodothyronine (T3) đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và tăng trưởng của trẻ. Về cơ bản, tuyến giáp kiểm soát tốc độ trao đổi chất, tốc độ chuyển hóa của toàn cơ thể.

Tuy nhiên, hoạt động của tuyến giáp bị kiểm soát bởi tuyến yên – tuyến nội tiết sản sinh hormone kích thích tuyến giáp (TSH). Điều này có nghĩa là khi hormone tuyến yên tăng, nồng độ hormone tuyến giáp tăng và khi nồng độ hormone tuyến giáp trong máu cao, hormone tuyến yên sẽ giảm để hạn chế sự sản sinh hormone của tuyến giáp. Cơ chế này giúp duy trì mức cân bằng của hormone tuyến giáp. Nếu nồng độ hormone tuyến giáp quá cao sẽ gây cường giáp nhưng nếu nồng độ này quá thấp sẽ dẫn đến suy giáp. (1)

banner tâm anh quận 7 content
suy giáp là tình trạng tuyến giảm không sản sinh đủ hormone
Suy giáp là tình trạng tuyến giảm không sản sinh đủ hormone

Các loại suy giáp ở trẻ nhỏ

Suy giáp ở trẻ em được chia làm hai nhóm:

  • Suy giáp bẩm sinh: Đây là tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp ngay từ khi trẻ mới được sinh ra, có tỷ lệ xuất hiện khoảng 1/4000 trẻ sơ sinh. Suy giáp bẩm sinh gây ra những tổn thương không thể hồi phục của hệ thần kinh trung ương và là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây chậm phát triển tâm thần ở trẻ em. Trẻ có thể không có biểu hiện ngay sau sinh, thường được phát hiện khi nhận thấy trẻ chậm phát triển hơn bình thường như chậm biết ngồi, chậm biết đi, chậm nói…
  • Suy giáp mắc phải: Tình trạng này phát triển sau khi trẻ được sinh ra, phổ biến hơn so với suy giáp bẩm sinh. Trẻ được sinh ra có tuyến giáp hoạt động bình thường nhưng khi lớn hơn, vì một lý do nào đó tuyến giáp không đảm bảo được các chức năng của nó.

Nguyên nhân suy giáp ở trẻ em

Suy giáp có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào. Hiểu được nguyên nhân cũng như các yếu tố làm tăng nguy cơ suy giáp ở trẻ sẽ giúp phòng ngừa bệnh lý này hiệu quả hơn.

1. Suy giáp bẩm sinh

Suy giáp bẩm sinh ở trẻ có thể là do sự hình thành bất thường của tuyến giáp trong thai kỳ. Trẻ suy giáp bẩm sinh có thể do không có tuyến giáp, tuyến giáp thiểu sản, tuyến giáp lạc chỗ, rối loạn tổng hợp hormone tuyến giáp bẩm sinh.

Trong một số trường hợp tuyến giáp được hình thành bình thường nhưng không hoạt động hiệu quả, dẫn đến không sản xuất đủ hormone tuyến giáp. Nguyên nhân dẫn đến những tình trạng này chưa được xác định rõ, có thể do di truyền, tác dụng phụ của thuốc mà người mẹ dùng khi mang thai hoặc do người mẹ dư thừa hoặc thiếu hụt I-ốt trong thai kỳ.

2. Suy giáp mắc phải

Viêm tuyến giáp tự miễn (bệnh Hashimoto) là nguyên nhân gây suy giáp ở trẻ em và thanh thiếu niên phổ biến nhất, tỷ lệ xuất hiện khoảng 1/100 trẻ. Một số nguyên nhân khác có thể gây suy giáp mắc phải ở trẻ như: (2)

  • Viêm tuyến giáp, thường do nhiễm virus.
  • Do tác dụng của một số thuốc như Lithium, Amiodarone, thuốc chống động kinh gây hạn chế chức năng của tuyến giáp.
  • Ung thư tuyến giáp khiến trẻ phải xạ trị gây tổn thương tuyến giáp hoặc phẫu thuật loại bỏ tuyến giáp.
  • Bất thường tuyến yên, suy tuyến yên, có khối u ảnh hưởng đến tổng hợp hormone tuyến giáp hoặc những bệnh lý thần kinh liên quan khác.

3. Yếu tố nguy cơ

Trẻ sẽ có nguy cơ suy giáp cao hơn nếu:

  • Tiền sử gia đình có người bị suy giáp, đặc biệt, khi người mẹ đang mang thai bị suy giáp và không được kiểm soát tốt, chữa trị triệt để. Thống kê cho thấy 10 – 20% số ca mắc suy giáp bẩm sinh ở trẻ liên quan đến yếu tố di truyền. (3)
  • Vùng ngực, cổ tiếp xúc với bức xạ.
  • Có tiền sử can thiệp, phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.
  • Đang điều trị cường giáp.

Biểu hiện bệnh suy giáp ở trẻ em

Triệu chứng suy giáp ở trẻ em không giống với người lớn, khác nhau ở từng trẻ và từng lứa tuổi. Thậm chí, một số trẻ không có biểu hiện, gây khó khăn trong việc chẩn đoán, phát hiện bệnh.

1. Ở Trẻ sơ sinh và nhũ nhi

  • Cân nặng lúc sinh lớn bất thường;
  • Thóp trước lớn;
  • Lưỡi to, thè ra ngoài;
  • Vàng da sơ sinh trên 2 tuần;
  • Ít khóc, tiếng khóc khàn;
  • Bú kém;
  • Bụng to, rốn lồi;
  • Thoát vị rốn;
  • Táo bón;
  • Da khô, lạnh;
  • Chậm tăng trưởng.

2. Ở trẻ em

  • Chậm phát triển;
  • Chậm mọc răng;
  • Da tóc khô, dễ gãy rụng;
  • Mệt mỏi;
  • Táo bón.

3. Ở thanh thiếu niên

  • Chậm tăng trưởng;
  • Dậy thì muộn;
  • Rối loạn chu kỳ kinh;
  • Da khô;
  • Nhịp tim chậm;
  • Tóc khô, dễ gãy rụng;
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân.

Ở một số trẻ, suy giáp có thể gây phì đại tuyến giáp.

những triệu chứng thường gặp của suy giáp
Những triệu chứng thường gặp của suy giáp

Chẩn đoán suy giáp ở trẻ em

Để chẩn đoán suy giáp ở trẻ em, đầu tiên bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe tổng quát cho trẻ, đánh giá các triệu chứng và hỏi bố mẹ về bệnh sử của trẻ. Tiếp đó, trẻ có thể được chỉ định thực hiện một số cận lâm sàng để kiểm tra nồng độ hormone trong máu, đánh giá chức năng tuyến giáp như:

  • Kiểm tra nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH);
  • Kiểm tra nồng độ Thyroxin tự do (T4 tự do);
  • Xét nghiệm máu;
  • Một số chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X-quang… nếu cần thiết.

Suy giáp bẩm sinh thường được chẩn đoán sớm qua sàng lọc sơ sinh.

Cách điều trị suy tuyến giáp ở trẻ em

Trẻ bị suy giáp có thể được điều trị bằng thuốc Levothyroxine (L-14) hàng ngày nhằm hỗ trợ phục hồi lượng hormone tuyến giáp về mức bình thường. Levothyroxine là hormone tuyến giáp tự nhiên của cơ thể nên nguy cơ xảy ra tác dụng phụ thấp. Hầu hết các trường hợp trẻ bị suy giáp được điều trị bằng phương pháp này không gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào nếu dùng theo đúng chỉnh định với liều lượng phù hợp.

Trong quá trình điều trị, trẻ sẽ được yêu cầu tái khám thường xuyên để bác sĩ theo dõi, kiểm tra nồng độ hormone, từ đó cân chỉnh liều lượng thuốc phù hợp. Sự thay đổi liều lượng của Levothyroxine sẽ tùy thuộc vào nhu cầu phát triển của cơ thể, quá trình trao đổi chất theo từng lứa tuổi và diễn tiến của suy giáp.

Ngoài yêu cầu uống Levothyroxine đúng liều mỗi ngày và thực hiện một số xét nghiệm thường quy, trẻ bị suy giáp vẫn sinh hoạt hàng ngày bình thường, không bị hạn chế.

levothyroxine là thuốc thường được dùng trong điều trị suy giáp
Levothyroxine là thuốc thường được dùng trong điều trị suy giáp

Các biến chứng của bệnh suy giáp ở trẻ em

Trẻ bị suy giáp nếu không được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách, bệnh gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khỏe và hoạt động của nhiều cơ quan, gây nên các biến chứng nguy hiểm như:

  • Bướu cổ: Khi bướu cổ phát triển với kích thước lớn sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của trẻ, khiến trẻ khó thở, nuốt vướng.
  • Bệnh lý tim mạch: Tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý tim mạch, suy tim.
  • Vấn đề về thần kinh ngoại biên: Gây tổn thương thần kinh ngoại biên – những dây thần kinh có vai trò truyền tải thông tin từ não và tủy sống đến các cơ quan trên cơ thể. Trẻ thường có triệu chứng đau, tê và ngứa ran ở cánh tay, chân nếu mắc phải bệnh thần kinh ngoại biên.
  • Dậy thì muộn: Sự thiếu hụt hormone tuyến giáp khiến quá trình rụng trứng bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, dậy thì muộn.
  • Hôn mê phù niêm: Khi trẻ rơi vào tình trạng hôn mê phù niêm, trẻ hôn mê, thân nhiệt giảm nhanh, mất phản xạ co giật và suy hô hấp cấp. Đây là một tình trạng nguy hiểm, cần đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Phòng ngừa bệnh suy tuyến giáp ở bé

Một số biện pháp giúp giảm nguy cơ bị suy tuyến giáp ở trẻ, bố mẹ nên biết:

  • Chế biến thức ăn đúng cách, đảm bảo đủ I-ốt: Muối I-ốt là gia vị quen thuộc khi chế biến thức ăn và đây cũng là nguồn bổ sung I-ốt thường được lựa chọn. Tuy nhiên, cần lưu ý chế biến đúng cách để đảm bảo hàm lượng I-ốt. Không cho muối I-ốt vào món ăn ở nhiệt độ cao hoặc nấu trong thời gian dài. Bên cạnh việc bổ sung I-ốt từ muối I-ốt, bố mẹ nên khuyến khích trẻ ăn các thực phẩm giàu I-ốt như rong biển, hải sản… để đảm bảo cung cấp đủ lượng i-ốt cần thiết cho cơ thể.
  • Dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, phù hợp lứa tuổi: Nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng của trẻ sẽ ngày càng tăng lên theo sự phát triển của cơ thể. Vì vậy, bố mẹ nên chú ý bổ sung đủ dinh dưỡng cho trẻ, tăng cường rau xanh, trái cây và những thực phẩm chứa nhiều vi chất thiết yếu như Selen, kẽm, vitamin A, D…
  • Tránh tiếp xúc với các chất độc hại, bức xạ: Khói thuốc lá, tia bức xạ, tia UV, các hóa chất độc hại, ô nhiễm… có thể gây nên những rối loạn chuyển hóa, tổn thương các cơ quan, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những yếu tố này, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh. Bên cạnh đó, cần loại bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa sai cách như đựng thức ăn nóng trong hộp nhựa, hộp xốp, vì ở nhiệt độ cao, các sản phẩm nhựa này sẽ giải phóng độc chất ảnh hưởng đến sức khỏe
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ: Cả gia đình nên thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm nếu mắc phải bệnh. Đối với phụ nữ trong độ tuổi mang thai, cần tầm soát suy giáp trước mang thai. Tham khảo ý kiến bác sĩ để xây dựng kế hoạch mang thai phù hợp, chuẩn bị sẵn sàng cho thai kỳ nếu gia đình có tiền sử suy giáp.
  • Tiêm vaccine đủ mũi và đúng lịch: Tiêm vaccine giúp trẻ tăng đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến tuyến giáp.

Câu hỏi thường gặp

Một số câu hỏi thường gặp về suy giáp ở trẻ em:

1. Suy giáp ở trẻ em có nguy hiểm không?

Có. Suy giáp là một bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, chậm phát triển não bộ, thể chất và nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong cho trẻ nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, kịp thời.

2. Trẻ có thể khỏi bệnh suy giáp khi lớn không?

Trẻ có thể khỏi bệnh suy giáp khi lớn hơn không sẽ tùy thuộc vào loại suy giáp mà trẻ mắc phải, thời điểm điều trị và khả năng đáp ứng của cơ thể đối với điều trị. Ở trường hợp suy giáp bẩm sinh, suy giáp do bệnh tự miễn Hashimoto, bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, trẻ bắt buộc phải dùng thuốc, hormone thay thế cả đời. Nhưng nếu trẻ bị suy giáp thứ phát, trẻ vẫn có cơ hội được chữa khỏi nếu phát hiện sớm và có đáp ứng tốt với điều trị.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ tới bệnh viện theo địa chỉ:

Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về suy giáp ở trẻ em. Tầm soát trước sinh, sàng lọc sơ sinh và thăm khám sức khỏe ngay khi nghi ngờ trẻ bị suy giáp là điều cần thiết để giúp bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm thiểu rủi ro, biến chứng cho trẻ.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

Tiểu đường tuýp 1 nên ăn gì, kiêng gì tốt cho sức khỏe?

Advertisements Nhiều người nghĩ rằng những bữa ăn của người bệnh tiểu đường rất nhàm …

Bạn đang xem Suy giáp ở trẻ em: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị bệnh