8 cách phòng tránh bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể bạn chưa biết

Advertisements

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 1985 chỉ có 30 triệu người trên toàn cầu mắc tiểu đường. Hiện tại, ước tính có khoảng 529 triệu người đang sống chung với tiểu đường và sẽ tăng lên 1,3 tỉ người vào năm 2050. Năm 2023, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc tiểu đường, trong đó, tiểu đường tuýp 2 chiếm khoảng 95% trường hợp đã được chẩn đoán. Tiểu đường là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật. Tuy nhiên, phần lớn yếu tố gây bệnh có thể phòng tránh bệnh tiểu đường tuýp 2 được.

Cách phòng tránh bệnh tiểu đường tuýp 2

Bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?

Tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính do đường huyết tăng cao. Cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type 2 là do tuyến tụy nội tiết không tiết đủ insulin đáp ứng nhu cầu, hoặc tế bào không đáp ứng hoạt động với insulin (còn gọi là tình trạng đề kháng insulin), khiến lượng đường trong máu tăng không kiểm soát. Có 2 dạng tiểu đường thường gặp là tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2. Trong đó, tiểu đường tuýp 2 chiếm tỉ lệ cao hơn, cơ chế gây bệnh chủ yếu do tình trạng đề kháng insulin.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, các tiêu chuẩn để chẩn đoán người bệnh mắc tiểu đường tuýp 2 gồm: (1)

  • Mức đường huyết lúc đói (FPG) từ 126mg/dL (7,0mmol/L) trở lên.
  • Mức đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp đường (uống 75g glucose) bằng hoặc cao hơn 200mg/dL (11,1mmol/L).
  • Đường huyết ngẫu nhiên từ 200mg/dL (11,1mmol/L) trở lên ở người bệnh có triệu chứng tăng đường huyết điển hình hoặc cơn tăng đường huyết.
  • Mức hemoglobin A1c (HbA1c) từ 6,5% (48mmol/mol) trở lên.

Hiện, nguyên nhân của bệnh tiểu đường tuýp 2 vẫn chưa được kết luận cụ thể. Tuy nhiên, đặc điểm lớn nhất trong sinh lý bệnh của tiểu đường tuýp 2 là sự tương tác giữa các yếu tố:

banner tâm anh quận 7 content
  • Gen di truyền.
  • Môi trường sống: lối sống, chất lượng thực phẩm và mức độ căng thẳng.
  • Tuổi thọ.

Đa số người bệnh tiểu đường type 2 thừa cân hoặc béo phì. Đây là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ kháng insulin. Những người bệnh không bị béo phì, thừa cân có thể có nhiều mỡ bụng, bệnh gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa mỡ, tỉ lệ mỡ ở cơ cao. (2)

Người bệnh tiểu đường tuýp 2 không bị thừa cân, béo phì
Người bệnh tiểu đường tuýp 2 không bị thừa cân, béo phì thường có nhiều mỡ bụng, rối loạn chuyển hóa mỡ, tỉ lệ mỡ ở cơ cao.

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2

Bất kỳ ai cũng có thể mắc tiểu đường ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, theo ​Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 của Bộ Y tế, những người từ 45 tuổi trở nên, có một trong các yếu tố nguy cơ sau sẽ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn:

  • Thừa cân hoặc béo phì (BMI từ 23 trở lên).
  • Huyết áp cao (trên 130/85 mmHg).
  • Có người thân trong gia đình mắc tiểu đường tuýp 2 (ba, mẹ, anh, chị em ruột, con ruột).
  • Tiền sử mắc hội chứng chuyển hóa, tiền tiểu đường (rối loạn đường huyết đói, rối loạn dung nạp glucose).
  • Phụ nữ có tiền sử thai sản đặc biệt (tiểu đường thai kỳ, sinh con to (nặng trên 3,6kg), sảy thai tự nhiên nhiều lần, thai lưu).
  • Người bị rối loạn mỡ trong máu, nhất là có các chỉ số: HDL-c < 0,9 mmol/L và triglyceride > 2,2 mmol/l.
  • Người ít vận động.
  • Là người gốc Tây Ban Nha/Latinh, người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Á hoặc người Mỹ bản địa.

Hướng dẫn cách phòng tránh bệnh tiểu đường tuýp 2

Thay đổi lối sống tích cực có thể giúp phòng ngừa hoặc trì hoãn khởi phát bệnh tiểu đường tuýp 2. Điều này đặc biệt quan trọng với người có nguy cơ mắc bệnh cao do thừa cân, béo phì, cholesterol cao, có tiền sử gia đình mắc tiểu đường tuýp 2…

1. Kiểm soát cân nặng

Thừa cân, béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2. Người thừa cân có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 7 lần so với người có cân nặng bình thường. Với người béo phì, tỉ lệ này tăng lên đến 20 – 40 lần. Chỉ cần giảm 7% – 10% cân nặng hiện tại, nhóm người này có thể giảm 50% nguy cơ mắc bệnh. (3)

2. Tăng cường vận động thể lực

Thường xuyên vận động thể lực không chỉ giúp giảm cân mà còn hỗ trợ giảm lượng đường trong máu và tăng mức độ nhạy cảm với insulin, nhờ đó duy trì đường huyết ở mức bình thường. Nên lựa chọn các môn thể thao như: đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe hoặc chạy bộ; thời gian tập luyện ít nhất 150 phút/tuần, chia đều các ngày trong tuần. Bên cạnh đó, những môn thể thao kháng lực, tăng sức mạnh, khả năng cân bằng và thư giãn cũng được khuyến khích để cải thiện cân nặng, như: cử tạ, yoga hoặc thể dục dụng cụ. (4)

một trong những cách phòng tránh bệnh tiểu đường tuýp 2
Thường xuyên vận động thể lực là một trong những cách phòng tránh bệnh tiểu đường tuýp 2 hiệu quả.

3. Ăn các loại rau quả tốt cho sức khỏe

Bổ sung nhiều trái cây và rau quả tươi vào chế độ dinh dưỡng có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Một số loại rau quả có thể góp phần giảm nguy cơ tiểu đường gồm: táo, các loại quả mọng, rau lá xanh đậm (cải bó xôi, cải xoăn, cải xoong…). (5)

4. Ăn chất béo lành mạnh

Nhiều người e ngại khi nhắc đến chất béo, nhưng bổ sung chất béo lành mạnh vào bữa ăn là điều rất cần thiết. Chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol trong máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chúng thường có mặt trong thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ, bơ/mỡ động vật, bánh ngọt, kẹo,… Do đó, hạn chế các thực phẩm này cũng là một trong những cách phòng tránh bệnh tiểu đường tuýp 2. Thay vào đó, nên ăn những thực phẩm chứa chất béo lành mạnh, như: hạt dinh dưỡng (không muối), trái bơ, dầu oliu, dầu hạt cải, các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ),…

5. Tránh ăn kiêng cấp tốc

Một số chế độ ăn kiêng có thể giúp giảm cân, tuy nhiên chưa có bằng chứng về lợi ích lâu dài của chúng. Do đó, nên có kế hoạch giảm cân bền vững và lành mạnh, kết hợp chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý, duy trì như một thói quen suốt đời.

6. Nói không với thuốc lá

Theo nghiên cứu về hút thuốc lá và nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 (2007) của nhóm tác giả Willi C, Bodenmann P, Ghali WA, Faris PD, Cornuz J, người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn khoảng 50% so với người không hút thuốc. Những người nghiện thuốc có nguy cơ cao hơn nữa.

7. Uống rượu với lượng vừa phải

Rượu cũng chứa calo (7kcal/g), do đó uống nhiều rượu có thể gây tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2. Rượu ảnh hưởng trực tiếp đến mức đường huyết, tùy thuộc vào thời điểm uống là lúc đang no hay đói. Người tiểu đường tuýp 2 uống rượu sau khi ăn có thể làm tăng đường huyết, còn uống rượu lúc đói có nguy cơ hạ đường huyết. (6)

8. Thường xuyên kiểm tra lượng đường

Thường xuyên kiểm tra đường huyết tại nhà giúp bạn xác định lượng đường trong cơ thể đang ở mức cao hay thấp, từ đó duy trì hoặc thay đổi chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt để cân bằng lại.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2

Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2:

  • Béo phì: là nguy cơ hàng đầu của tiểu đường tuýp 2. Trẻ em thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần trẻ bình thường.
  • Lối sống ít vận động: khi cơ thể vận động, lượng đường trong máu sẽ giảm, do đó lối sống ít vận động có nguy cơ làm tăng đường huyết. Tăng cường vận động, tập luyện các môn thể thao là cách phòng tránh bệnh tiểu đường tuýp 2 hiệu quả.
  • Có những thói quen không lành mạnh: thức khuya, ăn uống không hợp lý…
  • Tiền sử gia đình: những người có người thân trong gia đình bị tiểu đường tuýp 2 sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Tuổi tác: người trên 45 tuổi dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 hơn người trẻ.
  • Cao huyết áp, cholesterol cao và bệnh tim: ảnh hưởng đến mạch máu, không chỉ làm tăng nguy cơ tiểu đường tuýp 2 mà còn nhiều bệnh khác.
  • Phụ nữ có tiền sử tiểu đường thai kỳ hoặc buồng trứng đa nang.
Bác sĩ khoa Nội tiết đang tư vấn cho khách hàng
Bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đang tư vấn cho khách hàng về bệnh tiểu đường.

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị chuyên sâu các bệnh: đái tháo nhạt, bệnh tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, dậy thì sớm, chậm tăng trưởng chiều cao…; tiểu đường; béo phì… Đặc biệt, Khoa có riêng đơn vị Phòng khám Bàn chân đái tháo đường, chuyên tầm soát sớm và điều trị biến chứng ở bàn chân cho người bệnh tiểu đường.

Trên đây là những cách phòng tránh bệnh tiểu đường tuýp 2 đơn giản, dễ thực hiện. Chỉ một vài thay đổi trong lối sống của bạn ngay hôm nay sẽ giúp duy trì sức khỏe, phòng ngừa không chỉ bệnh tiểu đường tuýp 2 mà còn nhiều bệnh khác. Người bệnh tiểu đường kiểm soát tốt đường huyết, có chế độ ăn uống, vận động hợp lý có thể phòng ngừa nguy cơ biến chứng của bệnh, như biến chứng tổn thương thần kinh, thận và tim.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

Tiểu đường tuýp 1 nên ăn gì, kiêng gì tốt cho sức khỏe?

Advertisements Nhiều người nghĩ rằng những bữa ăn của người bệnh tiểu đường rất nhàm …

Bạn đang xem 8 cách phòng tránh bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể bạn chưa biết