Bệnh suy tuyến yên ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Advertisements

Suy tuyến yên có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ em, thanh thiếu niên cho đến người trưởng thành. Suy tuyến yên ở trẻ em là bệnh lý hiếm gặp, với khoảng 3 trẻ mắc trên 1 triệu trẻ mỗi năm (1). Dưới đây là các thông tin tư vấn về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh suy tuyến yên ở trẻ em, do tiến sĩ bác sĩ Trần Hữu Thanh Tùng, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chia sẻ.

Bệnh suy tuyến yên ở trẻ em

Suy tuyến yên ở trẻ em là gì?

Suy tuyến yên ở trẻ em là tình trạng tuyến yên suy giảm chức năng, dẫn đến giảm sản xuất một hoặc nhiều loại hormone được tiết bởi tuyến yên, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của các tuyến đích do tuyến này kiểm soát, bao gồm: tuyến thượng thận, tuyến giáp và tuyến sinh dục.

Tuyến yên sản xuất 8 loại hormone cần thiết, gồm:

  • Hormone kích thích nang trứng (FSH).
  • Hormone tạo hoàng thể (LH).
  • Hormone tăng trưởng (GH).
  • Hormone prolactin (PRL).
  • Hormone kích thích tuyến giáp (TSH).
  • Hormone kích thích hoạt động của vỏ tuyến thượng thận (ACTH).
  • Hormone chống bài niệu (ADH).
  • Hormone oxytocin.

Các loại hormone này tham gia vào nhiều hoạt động sống của cơ thể, như: kích thích quá trình tăng trưởng và chuyển hóa dinh dưỡng, điều hòa huyết áp, nhịp tim, cân bằng nước và điện giải, ổn định các chức năng sinh lý và sinh sản…

banner tâm anh quận 7 content

Suy tuyến yên gây nhiều hậu quả lâu dài và nặng nề đối với sức khỏe của trẻ. Thường gặp nhất là thiếu hụt hormone tăng trưởng, tiếp đó là thiếu hormone tuyến thượng thận và hormone kích thích tuyến giáp. Do đó, trẻ dễ mắc vấn đề như: chậm phát triển, vóc dáng thấp lùn so với trẻ bình thường cùng lứa tuổi. Các triệu chứng của suy tuyến yên ở trẻ em có thể diễn biến âm thầm qua nhiều năm tháng hoặc xuất hiện đột ngột, do đó phụ huynh nên thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Nguyên nhân bệnh suy tuyến yên ở trẻ em

Suy tuyến yên ở trẻ em có thể là rối loạn bẩm sinh từ giai đoạn bào thai hoặc mắc phải trong quá trình lớn lên, do tổn thương tuyến yên hoặc vùng hạ đồi. (2)

1. Do bẩm sinh

Các nguyên nhân bẩm sinh gây suy tuyến yên bao gồm:

  • Tổn thương chu sinh (đau trong quá trình sinh, trẻ bị ngạt thở khi sinh…).
  • Khiếm khuyết cuống tuyến yên.
  • Không có tuyến yên hoặc tuyến yên lạc chỗ.
  • Hội chứng Pallister-Hall (u cơ vùng dưới đồi và chứng đa ngón tay).

Các rối loạn di truyền gây ra tình trạng suy tuyến yên bao gồm:

  • Thiếu hụt GH đơn độc loại IA, IB, II, III.
  • Đột biến gây thiếu hụt nhiều hormone tuyến yên.
  • Chứng loạn sản vách thị giác (dị tật ở phần trước não, xảy ra vào cuối tháng đầu tiên của thai kỳ).

Các khiếm khuyết về phát triển của hệ thần kinh trung ương (CNS) gây ra tình trạng suy tuyến yên bao gồm:

  • Vô não.
  • Holoprosencephaly (não không phân chia đúng cách thành bán cầu não phải và trái).
  • Thiểu sản tuyến yên.
Trẻ có thể bị suy tuyến yên bẩm sinh do đột biến gen
Trẻ có thể bị suy tuyến yên bẩm sinh do đột biến gen.

2. Khối u

Ở trẻ em, suy tuyến yên thường do khối u ở tuyến yên hoặc não gây ra. Các khối u (ví dụ, khối u tuyến yên, khối u tuyến thượng yên, khối u tuyến tùng) có thể dẫn đến suy tuyến yên bao gồm: (3)

  • U sọ hầu.
  • U nguyên bào mầm.
  • U thần kinh đệm/u tế bào hình sao.
  • U tuyến yên (hiếm gặp trước tuổi trưởng thành).

3. Những nguyên nhân khác

Suy tuyến yên ở trẻ em cũng có thể đến từ các nguyên nhân như:

  • Chiếu xạ sọ não.
  • Chấn thương sọ não.
  • Bệnh huyết sắc tố.
  • Bệnh mô bào Langerhans.
  • Bệnh lao.
  • Bệnh Sarcoidosis.
  • Viêm tuyến yên lymphocytic.

Triệu chứng suy tuyến yên ở trẻ em

Bệnh suy tuyến yên ở trẻ em có nhiều triệu chứng đa dạng, tùy theo loại hormone trẻ thiếu hụt. Ví dụ: trẻ thiếu hormone tăng trưởng thường có vóc dáng thấp bé, chậm phát triển, dậy thì trễ so với bạn bè cùng tuổi.

Một số biểu hiện thường gặp khác của trẻ suy tuyến yên bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh: vàng da, vàng mắt; bồn chồn, lờ đờ; xanh xao, tím tái; có thể ngưng thở hoặc co giật; hạ natri máu; quấy khóc.
  • Trẻ em và thiếu niên: chậm phát triển (chậm mọc răng, tăng cân), hạ đường huyết; khát nhiều, uống nước nhiều, tiểu nhiều, táo bón; khô da; mệt mỏi; thường xuyên cảm thấy lạnh; đau đầu; rối loạn thị giác; động kinh kháng thuốc; dậy thì muộn, bé trai có dương vật nhỏ, bé gái bị rối loạn kinh nguyệt.

Những dấu hiệu trên tương tự như triệu chứng của nhiều bệnh khác, do đó phụ huynh dễ chủ quan, không theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ, dẫn đến bỏ qua giai đoạn điều trị sớm và khiến bệnh trầm trọng hơn.

Trẻ nào có nguy cơ suy tuyến yên?

Bệnh suy tuyến yên ở trẻ em có thể xảy ra với trẻ ở bất kỳ độ tuổi và giới tính nào. Tuy nhiên, trẻ ở những trường hợp sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường:

  • Bị chấn thương vùng đầu.
  • Nhiễm khuẩn màng não hoặc tủy sống.
  • Có khối u sọ hầu.

Cách chẩn đoán bệnh suy tuyến yên ở trẻ

Để chẩn đoán suy tuyến yên ở trẻ em, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác bệnh sử của gia đình, khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng kết hợp chẩn đoán hình ảnh, như:

1. Xét nghiệm máu

Bác sĩ sẽ xét nghiệm máu nhằm đo lường các loại hormone tuyến yên và những hormone tuyến đích do tuyến yên chi phối, như tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục… Ngoài phương pháp xét nghiệm máu thông thường, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm động để chẩn đoán tình trạng tuyến yên chính xác hơn.

chẩn đoán bệnh suy tuyến yên ở cả trẻ em
Xét nghiệm hormone giúp chẩn đoán bệnh suy tuyến yên ở cả trẻ em và người lớn.

2. Chụp X quang xương

Kỹ thuật này có thể cho ra hình ảnh rõ nét về hệ cơ xương, giúp dự đoán độ tuổi của xương. Trẻ bị suy tuyến yên thường có tuổi xương nhỏ hơn tuổi thực sự.

3. Chụp CT

Còn gọi là CAT scan, là kỹ thuật sử dụng tia X kết hợp với máy tính để tạo ra hình ảnh các mô, xương, cơ, nội tạng… bên trong cơ thể rõ nét theo mặt cắt ngang. Phương pháp này cho ra hình ảnh chi tiết hơn chụp X quang, giúp tìm kiếm và xác định khối u não hoặc u tuyến yên lành tính nếu có.

4. Chụp MRI

Chụp cộng hưởng từ (MRI) thể hiện hình ảnh chi tiết các cơ quan bên trong cơ thể bằng cách sử dụng sóng vô tuyến, từ trường kết hợp máy tính. Phương pháp này cho ra hình ảnh có độ phân giải cao, là cách tốt nhất để bác sĩ phát hiện các khối u bất thường ở tuyến yên của trẻ nếu có.

Cách điều trị bệnh suy tuyến yên ở trẻ em

Việc điều trị suy tuyến yên ở trẻ em phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Với các trường hợp thiếu hụt hormone tuyến yên, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc thay thế hormone. Trẻ bị suy tuyến yên do khối u sẽ được phẫu thuật loại bỏ u.

1. Liệu pháp thay thế hormone tuyến yên

Suy tuyến yên khiến trẻ thiếu hụt một hoặc một số loại hormone của tuyến này. Tùy theo loại hormone bị thiếu, bác sĩ lựa chọn thuốc thay thế phù hợp nhằm cân bằng nồng độ hormone trong cơ thể trẻ, duy trì hoạt động ổn định của các cơ quan do tuyến yên kiểm soát. Các trường hợp thay thế này bao gồm: (4)

  • Trẻ thiếu hụt hormone tăng trưởng được tiêm hormone tăng trưởng nhân tạo somatropin.
  • Các trường hợp thiếu hụt hormone ACTH được chỉ định thay thế bằng glucocorticoid dạng viên uống.
  • Trẻ thiếu hụt hormone kích thích tuyến giáp TSH dẫn đến thiếu hormone tuyến giáp sẽ được chỉ định dùng levothyroxine.
  • Nếu thiếu hụt hormone chống bài niệu (ADH) sẽ được thay thế bằng desmopressin (DDAVP).
  • Trẻ suy tuyến yên thiếu hụt hormone hướng sinh dục sẽ được chỉ định dùng hormone thay thế estrogen, progesterone hoặc testosterone tùy theo giới tính, vào thời điểm bắt đầu dậy thì.

Liệu pháp thay thế hormone tuyến yên cần được duy trì suốt đời. Liều dùng thuốc sẽ thay đổi tùy theo thể trạng và lứa tuổi của trẻ. Trong quá trình dùng thuốc, phụ huynh cần theo dõi liên tục để kịp thời phát hiện những bất thường hoặc nghi ngờ do tác dụng phụ của thuốc và báo ngay cho bác sĩ để có điều chỉnh phù hợp.

2. Phẫu thuật loại bỏ khối u

Phần lớn khối u tuyến yên cần được can thiệp loại bỏ bằng phẫu thuật hoặc xạ trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng thiếu hụt hormone tuyến yên vẫn tiếp diễn sau khi phẫu thuật thì bác sĩ sẽ tiếp tục chỉ định các loại thuốc thay thế hormone cho trẻ.

Sau khi được điều trị suy tuyến yên, trẻ cần được chăm sóc đặc biệt. Do đó, phụ huynh nên theo dõi sức khỏe của trẻ liên tục và thông báo cho bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường.

>>>Có thể bạn chưa biết: Suy tuyến yên nên ăn gì? Kiêng gì?

Biến chứng bệnh suy tuyến yên ở trẻ em

Các biến chứng của bệnh suy tuyến yên ở trẻ em phụ thuộc vào loại hormone bị thiếu hụt. Tuyến yên được xem là tuyến chủ trong hệ thống nội tiết, kiểm soát các quá trình quan trọng của cơ thể như: tăng trưởng, phát dục, sinh sản… Trẻ em suy tuyến yên thường gặp các ảnh hưởng nặng nề như:

  • Hạ đường huyết, có thể gây co giật. Tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng kéo dài có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương vĩnh viễn.
  • Khủng hoảng tuyến thượng thận, với các triệu chứng hạ huyết áp nghiêm trọng, sốc nặng và tử vong.
  • Vóc dáng thấp bé.
  • Dậy thì muộn và suy giảm khả năng sinh sản.
  • Loãng xương, tăng nguy cơ gãy xương khi trưởng thành.
Trẻ suy tuyến yên thường có vóc dáng thấp bé
Trẻ suy tuyến yên thường có vóc dáng thấp bé, chậm phát triển chiều cao.

Khi nào nên đưa trẻ suy tuyến yên đến cơ sở y tế?

Nếu nhận thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như thường xuyên quấy khóc, tiểu nhiều, thường xuyên khát nước, chậm lớn, nhức đầu nặng…, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa để khám, tầm soát nguy cơ mắc bệnh suy tuyến yên.

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là đơn vị y tế chuyên khoa với nền tảng chuyên môn vững chắc, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị các bệnh nội tiết như: đái tháo nhạt, bệnh tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, dậy thì sớm, chậm tăng trưởng chiều cao…; đái tháo đường; béo phì…, kết hợp với hệ thống máy móc hiện đại, được nhập khẩu chính hãng từ các nước Âu Mỹ, giúp người bệnh được chẩn đoán chính xác và an tâm điều trị, phục hồi.

Bệnh suy tuyến yên ở trẻ em là rối loạn nội tiết không thể ngăn ngừa được. Phụ huynh nên trang bị đầy đủ kiến thức về các nguyên nhân, triệu chứng và nguy cơ của bệnh để phát hiện kịp thời và đưa trẻ đến bệnh viện khám, tầm soát. Trẻ bị suy tuyến yên nếu được điều trị đúng cách và có sự theo dõi sát sao từ bác sĩ chuyên khoa vẫn có thể lớn lên một cách khỏe mạnh, bình thường, bắt kịp đà tăng trưởng của các bạn cùng lứa tuổi.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

Tại sao béo phì lại tăng huyết áp? Cải thiện tình trạng như thế nào?

Advertisements Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì là nguyên nhân gây …

Bạn đang xem Bệnh suy tuyến yên ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị