Suy tuyến yên nên ăn gì? Kiêng gì? Những lưu ý cần biết

Advertisements

Một chế độ ăn lành mạnh không chỉ cung cấp năng lượng cho cơ thể mà còn hỗ trợ quá trình điều trị bệnh. Vậy người bệnh suy tuyến yên nên ăn gì, kiêng gì để thúc đẩy cơ thể phục hồi tốt hơn? Dưới đây là các thông tin được thạc sĩ, bác sĩ nội trú Phan Thị An, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chia sẻ.

Suy tuyến yên nên ăn gì? Kiêng gì?

Yếu tố dinh dưỡng với bệnh nhân suy tuyến yên

Với người bệnh suy tuyến yên, dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng, góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe. Do đó, để hỗ trợ quá trình điều trị suy tuyến yên hiệu quả hơn, người bệnh nên xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý và đa dạng các nhóm chất, đảm bảo cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết: (1)

  • Nhóm chất bột đường: gồm các loại ngũ cốc như gạo lứt, lúa mì, yến mạch,… nên ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên cám để bảo toàn trọn vẹn dinh dưỡng, Các thực phẩm nhóm này nên chiếm khoảng 60% – 65% tổng lượng thức ăn hàng ngày.
  • Nhóm chất đạm: gồm thịt, cá, trứng, sữa, các loại hạt, giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, chiếm khoảng 10% – 15% tổng lượng thức ăn hàng ngày.
  • Nhóm chất béo: từ các loại dầu thực vật như dầu olive, dầu hạt cải, cá béo như cá hồi, cá thu,… Chất béo có vai trò rất quan trọng, giúp cơ thể hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K, thúc đẩy tế bào thần kinh phát triển,… Chất béo nên chiếm khoảng 20% – 25% tổng lượng thực phẩm hàng ngày.
  • Vitamin và khoáng chất: có trong nhiều loại rau củ và trái cây tươi. Vitamin và khoáng chất là các loại vi chất dinh dưỡng tuy không cung cấp năng lượng nhưng có vai trò rất quan trọng trong quá trình trao đổi chất, duy trì chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Suy tuyến yên nên ăn gì?

Vậy người bệnh suy tuyến yên nên ăn gì để xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hỗ trợ phục hồi chức năng tuyến yên và không làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh. Dưới đây là các loại thực phẩm mà người bệnh suy tuyến yên nên bổ sung:

1. Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm lúa mì, lúa mạch, ngô, hạt kê,… cung cấp nhiều chất xơ và carbohydrate phức hợp. Người bệnh suy tuyến yên nên lựa chọn các thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt như: yến mạch nguyên hạt, bánh mì nguyên cám, gạo lứt,…

banner tâm anh quận 7 content
thực phẩm thích hợp cho người bệnh suy tuyến yên
Bánh mì nguyên cám rất giàu chất xơ, là thực phẩm thích hợp cho người bệnh suy tuyến yên.

2. Thực phẩm giàu protein

Protein (đạm) là nhóm chất cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động sống, tạo kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Người bệnh suy tuyến yên nên lựa chọn nguồn thực phẩm giàu protein chất lượng như: thịt nạc, cá tươi, trứng, sữa,… để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh.

3. Chất béo lành mạnh

Chất béo lành mạnh có vai trò quan trọng đối với cơ thể, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng cường lượng cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu trong máu,… Các thực phẩm giàu chất béo lành mạnh bao gồm: cá hồi, cá thu, dầu thực vật (dầu hạt cải, dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu nành…), bơ đậu phộng, hạt hướng dương,…

4. Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất

Người bệnh suy tuyến yên nên bổ sung các vitamin và khoáng chất sau vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày:

  • Canxi và vitamin D: có trong sữa, cá hồi, rau xanh, dầu cá, lòng đỏ trứng, ngũ cốc,… có tác dụng hỗ trợ hệ cơ xương khớp, chống loãng xương.
  • I-ốt: có trong muối i-ốt và các loại hải sản, rong biển, góp phần ổn định chức năng tuyến giáp.
  • Magie: có trong trái bơ, các loại hạt (hạt bí, quả hồ đào, hạt hướng dương, hạt điều, đậu phộng, hạt lanh,…) các loại đậu (đậu lăng, đậu xanh, đậu Hà Lan, đậu nành), cá hồi, cá thu, cá bơn,…
  • Mangan: có trong yến mạch, đậu nành, hạt hạnh nhân, gạo lứt,… Chất này đóng vai trò trong quá trình tăng trưởng và sinh sản, ổn định đường huyết, tham gia sản xuất hormone tuyến giáp,…
  • Kali: có trong các thực phẩm như quả mơ, đậu lăng, khoai tây, cà chua,… có vai trò thiết yếu đối với chức năng tim, điều hòa huyết áp, cân bằng nước và điện giải trong cơ thể,… Đối với người bệnh có bệnh nền suy thận và suy tim nên kiểm tra điện giải và khám chuyên khoa Dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn phù hợp.

Suy tuyến yên kiêng ăn gì?

Bên cạnh thắc mắc suy tuyến yên nên ăn gì, người bệnh suy tuyến yên cũng cần biết về các loại thực phẩm nên tránh để không gây ảnh hưởng xấu đến bệnh:

  • Thực phẩm chế biến sẵn: chứa nhiều phụ gia và chất béo chuyển hóa (trans fat) không tốt cho cơ thể, lạm dụng các thực phẩm này có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, làm rối loạn chức năng của tuyến yên và tuyến giáp.
  • Nội tạng động vật: các bộ phận như tim, gan, ruột,… chứa các loại axit béo và cholesterol không tốt cho hoạt động tim mạch, huyết áp, tuyến giáp.
  • Các thực phẩm chứa nhiều đường hấp thụ nhanh có thể gây rối loạn đường huyết tạm thời, tăng tiết insulin, về lâu dài có thể ảnh hưởng lên đường huyết và mỡ máu.

Lưu ý về dinh dưỡng cho người suy tuyến yên

Ngoài các loại thực phẩm được khuyến nghị nên/không nên sử dụng trên đây, người bệnh suy tuyến yên cần lưu ý những điều sau để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh:

  • Hạn chế rượu, bia, bởi các loại thức uống này có thể gây suy giảm chức năng vùng hạ đồi – tuyến yên, làm trầm trọng thêm các triệu chứng suy tuyến yên.
  • Uống đủ từ 1,5 lít – 2 lít nước/ngày. Nước là yếu tố quan trọng góp phần giúp người bệnh suy tuyến yên duy trì sức khỏe ổn định và cân bằng điện giải. Người bệnh nên ưu tiên uống nước lọc hoặc trà, hạn chế các loại đồ uống có đường như: soda, nước tăng lực, nước ngọt,…
  • Người bệnh cũng nên lưu ý về thời gian ăn. Không nên ăn quá nhiều trong vòng 2 – 3 giờ trước khi đi ngủ để tránh ảnh hưởng đến lượng hormone tuyến yên được giải phóng vào ban đêm.
Người bệnh suy tuyến yên nên uống đủ từ 1 lít rưỡi đến 2 lít
Người bệnh suy tuyến yên nên uống đủ từ 1,5 lít đến 2 lít nước mỗi ngày.

Các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh nhân suy tuyến yên

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, bệnh suy tuyến yên còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác, như:

1. Căng thẳng

Khi cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng sẽ giải phóng hormone cortisol. Stress kéo dài còn tác động đến quá trình tích trữ mỡ, tăng nguy cơ trầm cảm cũng như các bệnh mạn tính khác. Người bệnh suy tuyến yên nên cố gắng giữ tâm lý thoải mái, tìm đến các phương pháp thư giãn như thiền, yoga, nghe nhạc,…

2. Thuốc

Một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone hay cân nặng của cơ thể. Ví dụ: thuốc chống trầm cảm có thể gây tăng cân, hay thuốc điều trị suy tuyến thượng thận có thể kích thích thèm ăn, gây rối loạn trao đổi chất,… Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị suy tuyến yên, người bệnh nên theo dõi sự thay đổi của cơ thể và thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ đang gặp phải để có điều chỉnh phù hợp.

3. Giấc ngủ

Thiếu ngủ, chất lượng giấc ngủ kém là yếu tố nguy cơ gây mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, gồm các hormone: HGH, insulin, leptin, cortisol, ghrelin,… Ngủ không đủ giấc còn làm rối loạn quá trình trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến tăng cân, mệt mỏi. Do đó, người bệnh suy tuyến yên cần đảm bảo giấc ngủ chất lượng từ 7 – 8 giờ mỗi ngày để cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ và duy trì trạng thái tỉnh táo.

Người bệnh suy tuyến yên cần ngủ đủ từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày
Người bệnh suy tuyến yên cần ngủ đủ từ 7 – 8 tiếng mỗi ngày để đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ.

4. Hoạt động thể chất

Chơi thể thao, vận động thường xuyên là cách rèn luyện sức khỏe thể chất và góp phần giúp tinh thần thoải mái, phấn chấn. Mỗi ngày nên dành ít nhất 30 phút dành cho các hoạt động thể chất để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh, dẻo dai.

Cách chăm sóc tuyến yên luôn hoạt động tốt

Suy tuyến yên là bệnh ít gặp, có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, bất cứ độ tuổi nào và rất khó phòng ngừa. Dưới đây là một số lời khuyên để ổn định chức năng tuyến yên:

  • Giảm mỡ trong cơ thể: mỡ thừa là nguyên nhân khiến tuyến yên giảm sản xuất hormone tăng trưởng (GH), nhất là với nam giới. Nên duy trì vóc dáng cân đối để ổn định nồng độ hormone tăng trưởng và các loại hormone tuyến yên khác một cách tự nhiên.
  • Tập thể dục đều đặn: vận động thể dục đều đặn giúp kích thích tuyến yên sản sinh hormone tăng trưởng. Có thể lựa chọn mọi hình thức thể dục, riêng các bộ môn như bơi lội, chạy bộ nhanh, gym,… sẽ thúc đẩy hormone GH tiết ra nhiều hơn, đồng thời giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể hiệu quả.
  • Ngủ đủ giấc: một giấc ngủ ngon và sâu có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình giải phóng hormone GH. Để có một giấc ngủ chất lượng, nên tránh tiếp xúc với các loại ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại, hạn chế thức uống chứa caffein, không ăn quá no trước khi đi ngủ. Đồng thời, không gian phòng ngủ yên tĩnh, thoải mái cũng giúp não bộ trải qua đủ 5 giai đoạn trong mỗi chu kỳ giấc ngủ, từ đó phục hồi năng lượng cho cơ thể và cải thiện sức khỏe của tuyến yên.
  • Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh: hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột tinh chế vì có thể gây tăng lượng đường trong máu, tăng mức insulin, dẫn đến tình trạng béo phì và làm rối loạn chức năng tuyến yên. Nồng độ insulin trong máu tăng cao còn ức chế quá trình giải phóng hormone GH trong cơ thể. Do đó, xây dựng và tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng là cách hiệu quả để ổn định các hormone tuyến yên.

Người bệnh suy tuyến yên có nhu cầu tư vấn cũng như giải đáp các thắc mắc về bệnh, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa Nội tiết để được hỗ trợ. Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ uy tín, kết hợp với máy móc nhập khẩu hiện đại, quy trình chăm sóc chuyên nghiệp, tận tâm, là địa chỉ uy tín để người bệnh khám và điều trị.

Trên đây là các thông tin giúp người bệnh suy tuyến yên giải đáp thắc mắc: suy tuyến yên nên ăn gì, kiêng gì, những lưu ý để chăm sóc tuyến yên khỏe mạnh. Người bệnh suy tuyến yên nên chủ động tái khám và theo dõi nồng độ hormone trong cơ thể theo lịch hẹn, đồng thời lắng nghe lời khuyên từ bác sĩ điều trị để hỗ trợ quá trình phục hồi tốt nhất.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

Tại sao béo phì lại tăng huyết áp? Cải thiện tình trạng như thế nào?

Advertisements Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì là nguyên nhân gây …

Bạn đang xem Suy tuyến yên nên ăn gì? Kiêng gì? Những lưu ý cần biết