Cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type 2 là gì? Đối tượng mắc bệnh

Advertisements

Báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương tại lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường (14/11) và Ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt (2/11) năm 2023 cho biết: hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc tiểu đường, trong đó đa số là tiểu đường type 2. Tiểu đường là “kẻ giết người thầm lặng”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh và tăng gánh nặng cho hệ thống y tế. Vậy cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type 2 là gì, đối tượng nào dễ mắc bệnh?

Cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type 2

Cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type 2 là gì?

Cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type 2 đến từ 2 nguyên nhân chính: đề kháng insulin và rối loạn tiết insulin.

Đề kháng insulin là tình trạng giảm tác dụng của insulin ở các mô ngoại biên (cơ, gan, mỡ), gây giảm thu nhận glucose vào cơ, xương và tăng sản xuất glucose tại gan. Tại mô mỡ, đề kháng insulin làm tăng axit béo tự do, dẫn tới tăng tân tạo đường và tăng tổng hợp triglyceride.

Đề kháng insulin có liên quan đến di truyền và béo phì, nhất là béo phì bụng. Hội chứng đề kháng insulin còn gọi là hội chứng chuyển hóa, bao gồm các rối loạn: béo bụng, tăng huyết áp, tăng triglyceride máu, giảm HDL, tăng axit uric, rối loạn glucose huyết lúc đói, rối loạn dung nạp đường (tiền tiểu đường), tiểu đường type 2 và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch xơ vữa.

banner tâm anh quận 7 content

Mỡ tự do phóng thích từ mô mỡ, đặc biệt là mỡ nội tạng gây đề kháng insulin, tăng thu nhận và dự trữ lipid ở các mô không phải mô mỡ, như: tế bào cơ, gan và tế bào tụy. Tình trạng dự trữ lipid lạc chỗ ở các mô này làm giảm sự nhạy cảm với insulin.

Tại mô mỡ, ngoài tế bào mỡ còn có các loại tế bào khác, như: tế bào viêm, tế bào miễn dịch (như tế bào macrophage) và tế bào lympho. Khi tăng dự trữ lipid trong tế bào mỡ, tình trạng tăng phóng thích axit béo tự do và các adipokine tiền viêm sẽ chuyển macrophage tới mô mỡ và hoạt hóa chúng.

Macrophage đã hoạt hóa sẽ sản xuất ra các phân tử TNF-α, IL-6, nitric oxide… gây giảm nhạy cảm insulin của tế bào mỡ, tăng phóng thích axit béo, peptid tiền viêm. Từ đó duy trì phản ứng viêm mạn tính và đề kháng insulin ở các mô cơ, gan. Cơ chế này cũng gây ra tình trạng viêm tiểu đảo tụy, góp phần gây suy tế bào beta tụy.

Ở người bệnh có tình trạng đề kháng insulin, lúc đầu tế bào beta tụy tăng tiết insulin vào máu để duy trì glucose huyết bình thường. Theo thời gian, tế bào beta suy yếu, không sản xuất đủ insulin bù trừ tình trạng đề kháng insulin, cuối cùng dẫn tới thiếu insulin và làm tăng đường huyết.

Đề kháng insulin làm giảm sử dụng insulin ở mô ngoại biên và tăng sản xuất glucose tại gan, dẫn tới tăng glucose huyết. Tăng sản xuất glucose ở gan là nguyên nhân chính làm tăng glucose huyết lúc đói, còn giảm sử dụng glucose ở mô ngoại biên gây tăng glucose huyết sau ăn.

Trên thực tế, đa số người bệnh tiểu đường type 2 thể trạng gầy thường có giảm tiết insulin, còn người bệnh tiểu đường type 2 thể trạng mập có đề kháng insulin. Người bệnh tiểu đường type 2 khi được chẩn đoán thì đã có 50% tế bào beta giảm khả năng tiết insulin. Như vậy, quá trình rối loạn tiết insulin đã xảy ra từ nhiều năm trước khi xuất hiện triệu chứng bệnh và vẫn tiếp tục diễn tiến theo thời gian.

Đề kháng insulin ở mô mỡ dẫn tới ly giải mô mỡ làm axit béo tự do tích tụ tại gan, tăng tổng hợp VLDL (lipoprotein mật độ rất thấp – Very low – density lipoprotein) chứa nhiều triglyceride và gây rối loạn lipid máu.

Cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type 2 khiến người bệnh thay đổi các chỉ số như:

  • Tăng triglyceride.
  • Giảm HDL-c.
  • Tăng LDL-c đậm đặc kích thước nhỏ.

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2

Bệnh tiểu đường tuýp 2 xảy ra khi cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả hoặc không sản xuất đủ insulin để duy trì mức đường huyết bình thường. Dưới đây là những nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 2:

  • Yếu tố di truyền: đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type 2. Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy: nếu người bệnh tiểu đường type 2 có anh (chị) em sinh đôi cùng trứng, tỷ lệ cùng mắc bệnh là 90% – 100%; họ hàng trực hệ (ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột) của người bệnh cũng thường bị tiểu đường type 2. Gen quyết định thụ thể insulin có thể là yếu tố gây bệnh.
  • Tiểu đường type 2 thường gặp ở người lớn sau 30 – 40 tuổi. Gần đây, bệnh được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ nhiều hơn do tình trạng béo phì và ít vận động thể lực.
  • Quá trình phát triển ở giai đoạn bào thai và niên thiếu: suy dinh dưỡng, thiếu protein trong bào thai hoặc thời niên thiếu có thể ảnh hưởng đến chức năng của tế bào beta sau này, góp phần vào cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type 2.
nguy cơ cao mắc tiểu đường type 2
Người lười vận động, thừa cân béo phì có nguy cơ cao mắc tiểu đường type 2.

Đối tượng mắc bệnh tiểu đường type 2

Bên cạnh thắc mắc về cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type 2, nhiều người còn quan tâm đến các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh. Những người có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao gồm:

  • Là người Nam Á, châu Phi…
  • Có tiền sử hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch do xơ vữa, tăng huyết áp.
  • Có các chỉ số tiểu đường type 2: HDL-c <35mg/dL (0,9mmol/L), triglyceride >250mg/dL (2,82 mmol/L).
  • Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Phụ nữ đã được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ.
  • Có lối sống ít vận động.
  • Có các dấu hiệu lâm sàng liên quan đến tình trạng đề kháng insulin: dấu gai đen; béo phì, đặc biệt là béo phì bụng, BMI từ 23 trở lên.
  • Trẻ suy dinh dưỡng.
  • Người có người thân trực hệ (ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột) mắc tiểu đường type 2.

Điều trị bệnh tiểu đường type 2

Điều trị bệnh tiểu đường type 2 là quá trình kết hợp giữa sử dụng thuốc, xây dựng lối sống lành mạnh, kiểm soát đường huyết… Cụ thể:

1. Thay đổi lối sống

1.1. Tăng cường hoạt động thể lực

Hoạt động thể lực giúp cải thiện đường huyết, hỗ trợ kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Kết hợp tập thể dục với chế độ dinh dưỡng khoa học, đúng cách giúp giảm HbA1c hiệu quả. Lưu ý: không tập thể dục nếu glucose huyết >14,0mmol/L hoặc <5,5mmol/L và khi cảm thấy đói, mệt.

1.2. Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Người bệnh tiểu đường type 2 cần lập kế hoạch ăn uống tập trung vào các mục tiêu:

  • Ăn ít calo hơn.
  • Hạn chế đồ ngọt, thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật…
  • Bổ sung rau và trái cây vào chế độ ăn uống để tăng cường chất xơ.
Ăn nhiều rau xanh, trái cây giúp bổ sung chất xơ
Ăn nhiều rau xanh, trái cây giúp bổ sung chất xơ và hỗ trợ kiểm soát cân nặng hiệu quả.

1.3. Kiểm soát cân nặng, giảm mỡ thừa

Người thừa cân, béo phì cần có kế hoạch giảm cân khoa học, an toàn. Lưu ý giảm mức năng lượng trong khẩu phần ăn theo từng giai đoạn, không giảm đột ngột.

1.4. Thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu tại nhà

Tùy vào phương pháp điều trị, đặc biệt nếu người bệnh đang sử dụng insulin, bác sĩ sẽ hướng dẫn tần suất kiểm tra lượng đường trong máu tại nhà.

2. Kết hợp sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, một số nhóm thuốc không chứa insulin thường được sử dụng điều trị tiểu đường type 2 bao gồm: (1)

  • Metformin.
  • Thuốc ức chế enzyme Dipeptidyl peptidase 4 (DPP-4).
  • Thuốc đồng vận thụ thể (GLP-1).
  • Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2).
  • Nhóm thuốc Sulfonylurea.
  • Thiazolidinediones (TZD).

Nếu người bệnh đã sử dụng các thuốc trên mà không kiểm soát được đường huyết, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp tiêm insulin loại thích hợp. Mục tiêu đường huyết cần đạt được để phòng ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2 là:

  • Đường huyết đói: 90mg/dL – 130mg/dL (5 – 7,2mmol/L).
  • Đường huyết 2 giờ sau ăn: <180mg/dL (10mmol/L).
  • HbA1c <7%.
  • Đường huyết trước khi ngủ ban đêm: 110mg/dL – 150mg/dL (6 – 8,3mmol/L).

Biến chứng bệnh tiểu đường tuýp 2

Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2 luôn xuất hiện và phát triển theo cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type 2. Do đó, ngay khi phát hiện bệnh trên lâm sàng, bác sĩ cần tìm và theo dõi các biến chứng. Có 2 nhóm biến chứng bệnh tiểu đường, gồm: biến chứng cấp tính và biến chứng mạn tính.

1. Biến chứng cấp tính

  • Hôn mê nhiễm toan ceton: là biến chứng nội khoa nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân của hôn mê nhiễm toan ceton là do tăng nồng độ axit trong máu, khiến máu bị toan hóa.
  • Hôn mê tăng glucose máu, tăng áp lực thẩm thấu không nhiễm toan ceton: thường gặp ở người mắc tiểu đường type 2 trên 60 tuổi, nữ thường gặp hơn nam. Bệnh có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 20%) ngay cả khi được cấp cứu. Hôn mê tăng glucose máu, tăng áp lực thẩm thấu không nhiễm toan ceton đặc trưng với các yếu tố: tăng glucose máu (>600mg/dL), độ thẩm thấu máu >320mosm/L), mất nước và rối loạn điện giải.
  • Hôn mê nhiễm toan lactic.
  • Hạ glucose máu: khi người bệnh có lượng glucose máu <3,9mmol/L (<70mg/dL) được xem là hạ glucose máu. Nồng độ glucose huyết tương lúc đói <2,8mmol/L (50mg/dL) là hạ glucose máu nặng.
  • Các bệnh nhiễm trùng cấp.

2. Biến chứng mạn tính

Gồm biến chứng mạch máu lớn và biến chứng mạch máu nhỏ:

  • Biến chứng mạch máu lớn:
    • Bệnh mạch vành: bệnh mạch vành do xơ vữa.
    • Tai biến mạch máu não.
    • Bệnh mạch máu ngoại biên.
  • Biến chứng mạch máu nhỏ:
    • Bệnh võng mạc: viêm võng mạc tiểu đường, đục thủy tinh thể.
    • Bệnh thận dẫn đến suy thận.
    • Bệnh thần kinh: viêm đa dây thần kinh, các triệu chứng rối loạn ở thần kinh vận động, thần kinh cảm giác, thần kinh tự chủ.
    • Loét bàn chân, cẳng chân: do thần kinh, do thiếu máu, hoại tử bàn chân.
    • Biến chứng ở da.
    • Biến chứng xương khớp.
    • Biến chứng nhiễm khuẩn.

Phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2

Mục đích phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2 đối với người chưa mắc bệnh là khám, tầm soát tìm yếu tố nguy cơ; tư vấn và hỗ trợ thay đổi dinh dưỡng, lối sống… để giảm nguy cơ mắc bệnh. Với người đã được chẩn đoán mắc bệnh, việc phòng bệnh giúp hạn chế biến chứng, kiểm soát tốc độ bệnh tiến triển nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người bệnh nên tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ, thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu và duy trì chỉ số này càng gần với mức đường huyết mục tiêu càng tốt. Hoạt động thể chất thường xuyên, ăn uống đủ chất, khoa học, ngủ đủ giấc và thư giãn tinh thần là những lời khuyên hữu ích để điều trị bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì tái khám định kỳ để đảm bảo hiệu quả kiểm soát bệnh tiểu đường type 2.

Bác sĩ tư vấn cho khách hàng về bệnh tiểu đường type 2
Bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 tư vấn cho khách hàng về bệnh tiểu đường type 2.

Người bệnh tiểu đường có thể đến khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để được khám, tư vấn và điều trị bệnh. Đây là cơ sở chuyên khoa chuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, dậy thì sớm, chậm tăng trưởng chiều cao; tiểu đường; béo phì…

Khoa có nền tảng vững chắc với đội ngũ bác sĩ và các chuyên gia giàu kinh nghiệm; được trang bị hệ thống các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, cho ra kết quả chẩn đoán chuẩn xác, cụ thể, đi kèm dịch vụ chăm sóc y tế chuyên nghiệp, tận tâm, giúp người bệnh an tâm trong suốt quá trình điều trị.

Trên đây là các thông tin về cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type 2, các đối tượng có nguy cơ cao và phương pháp điều trị. Bên cạnh chăm sóc thể chất, người bệnh tiểu đường cũng cần quan tâm đúng mức đến sức khỏe tinh thần, duy trì thái độ sống tích cực, lạc quan để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

Tại sao béo phì lại tăng huyết áp? Cải thiện tình trạng như thế nào?

Advertisements Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì là nguyên nhân gây …

Bạn đang xem Cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type 2 là gì? Đối tượng mắc bệnh