Loét bàn chân do tiểu đường (đái tháo đường) (Diabetic Foot Ulcer – DFU) là các vết loét xuất hiện ở bàn chân người bệnh tiểu đường. 25% người bệnh tiểu đường (cả type 1 và type 2) có nguy cơ mắc biến chứng loét bàn chân (1). Đây là biến chứng phổ biến và nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, cần được chẩn đoán và áp dụng các cách điều trị loét do tiểu đường kịp thời để tránh dẫn đến các biến chứng nặng hơn, như: nhiễm trùng lan rộng, cắt cụt chi hoặc đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân gây loét chân do tiểu đường
Tình trạng loét bàn chân tiểu đường do nhiều yếu tố kết hợp: (2)
- Tăng đường huyết kéo dài: làm suy giảm chức năng miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Bệnh thần kinh ngoại biên: là tình trạng các dây thần kinh ngoại biên (nằm bên ngoài não và tủy sống, có nhiệm vụ truyền thông tin giữa não và các bộ phận khác của cơ thể) bị tổn thương do lượng đường trong máu cao. Tổn thương thần kinh ngoại biên làm giảm cảm giác đau, nhiệt độ và áp lực ở bàn chân, khiến người bệnh không nhận biết khi có tổn thương, do đó không kịp thời điều trị và dẫn đến vết loét.
- Bệnh mạch máu ngoại biên: máu lưu thông kém, khiến tổn thương ở bàn chân chậm lành và dẫn đến nhiễm trùng.
- Áp lực cơ học và biến dạng bàn chân: các biến dạng như ngón chân búa, vòm chân cao có thể gây áp lực bất thường tại một số điểm trên bàn chân.
Các yếu tố nguy cơ khác gây loét do tiểu đường gồm:
- Tuổi tác.
- Tiểu đường lâu năm.
- Thói quen hút thuốc.
- Thừa cân, béo phì.
- Cao huyết áp.
- Suy giảm hệ miễn dịch.
- Biến chứng gây dị tật ở bàn chân.

Loét bàn chân tiểu đường được phân loại dựa vào hệ thống Phân loại loét bàn chân tiểu đường theo Wagner – Meggitt như sau:
- Độ 0: không có các vết thương hở nhưng có thể có biến dạng bàn chân hoặc viêm mô tế bào.
- Độ 1: vết loét nông và chỉ ở lớp trên cùng của da.
- Độ 2: vết loét ăn sâu đến lớp gân hoặc bao khớp nhưng không có tổn thương áp xe hoặc tổn thương xương.
- Độ 3: vết loét sâu đến xương, khớp hoặc gân, kèm áp xe, viêm tủy xương hoặc nhiễm trùng khớp.
- Độ 4: bàn chân bị hoại tử một phần, thường gọi là hoại thư.
- Độ 5: hoại tử lan rộng đến toàn bộ cẳng chân.
Triệu chứng loét do tiểu đường
Người bệnh bị loét do tiểu đường có thể có các triệu chứng sau:
- Đau cách hồi (đau khi vận động, đi lại) ở chân. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có triệu chứng đau liên tục, kể cả khi nghỉ. Đau cách hồi có thể ở 1 hoặc 2 chân, 1 hay nhiều vị trí.
- Bàn chân tê, mất cảm giác.
- Vết loét khó lành.
- Mạch yếu hoặc không bắt được mạch.
- Da vùng bàn chân đổi màu, khô nứt. Có chỗ bị bóng nước.
- Tiểu đường hoại tử chân.
Cách điều trị loét do tiểu đường
Dưới đây là một số cách điều trị loét do tiểu đường, gồm điều trị toàn thân và điều trị tại chỗ: (3)
- Điều trị toàn thân:
- Kiểm soát đường huyết: duy trì đường huyết ổn định để hỗ trợ lành vết thương.
- Điều trị nhiễm trùng: sử dụng kháng sinh toàn thân nếu có nhiễm trùng nặng.
- Điều trị tại chỗ:
- Phẫu thuật lọc bỏ mô hoại tử hoặc chỉnh hình biến dạng. Đôi khi bác sĩ cần thực hiện cách chữa vết loét cho người tiểu đường là cắt cụt chi nếu nhiễm trùng lan rộng hoặc không thể kiểm soát.
- Chăm sóc vết loét: làm sạch và băng bó vết loét hàng ngày. Điều trị loét do tiểu đường bằng cách sử dụng các sản phẩm hỗ trợ lành thương (như gel, băng sinh học).
- Giảm áp lực tại chỗ loét: sử dụng giày dép chỉnh hình, dụng cụ giảm áp lực.

Biện pháp phòng ngừa loét do tiểu đường
Dưới đây là những biện pháp giúp người tiểu đường phòng ngừa loét do tiểu đường:
1. Điều trị tích cực bệnh tiểu đường
Người bệnh nên được theo dõi, điều trị tích cực để đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết, huyết áp, lipid máu… Người bệnh nên duy trì lịch hẹn khám với bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để được kiểm tra các chỉ số liên quan đến bệnh tiểu đường, điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống, thuốc điều trị… để đảm bảo mục tiêu kiểm soát đường huyết tốt.
2. Khám bàn chân định kỳ
- Khám bàn chân hàng ngày tại nhà:
- Kiểm tra xem có vết thương, vết phồng rộp, sưng đỏ hoặc dấu hiệu nhiễm trùng không.
- Sử dụng gương để kiểm tra các khu vực khó nhìn thấy (như lòng bàn chân).
- Khám bàn chân tại chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường:
- Đánh giá thần kinh và mạch máu ngoại biên.
- Phát hiện sớm các biến dạng hoặc nguy cơ loét.
3. Giữ vệ sinh và chăm sóc bàn chân
- Vệ sinh hàng ngày: Rửa chân bằng nước ấm (không nóng) và xà phòng nhẹ, sau đó lau khô kỹ (đặc biệt là giữa các kẽ ngón).
- Dưỡng ẩm da: Thoa kem dưỡng ẩm để tránh khô nứt da, nhưng không thoa vào kẽ ngón để tránh ẩm ướt.
- Cắt móng chân đúng cách: Cắt móng ngang, không để quá ngắn, không để cạnh móng nhọn gây tổn thương da.
4. Cố gắng bỏ thuốc lá
Hút thuốc làm tổn thương mạch máu, giảm lưu lượng máu và làm chậm quá trình lành vết thương. Những yếu tố này đều làm tăng nguy cơ loét và cắt cụt chi ở người bệnh có biến chứng loét bàn chân tiểu đường. Do đó, trong và sau quá trình chữa vết loét tiểu đường, người bệnh cần cố gắng bỏ hút thuốc lá.
5. Sử dụng giày dép phù hợp
- Chọn giày dép thoải mái: người tiểu đường mang giày dép không phù hợp hoặc đi chân trần là nguyên nhân chủ yếu gây chấn thương bàn chân, dẫn đến loét chân. Người bệnh có bệnh lý thần kinh ngoại biên nên mang giày dép phù hợp mọi lúc, cả trong nhà và ngoài trời. Tất cả giày dép phải được điều chỉnh để phù hợp với cấu trúc bàn chân người bệnh, với kích thước:
- Chiều dài bên trong giày phải dài hơn chân 1 – 2cm, không được quá chật hoặc quá lỏng.
- Chiều rộng bên trong phải bằng chiều rộng của bàn chân ở cổ chân (hoặc phần rộng nhất của bàn chân).
- Chiều cao giày phải phù hợp với độ cao của các ngón chân và mu bàn chân.
- Giày có đệm êm, vừa vặn, không gây cọ xát hoặc chèn ép.
- Tránh đi giày cao gót, giày mũi nhọn, hoặc đi chân trần.
- Khi chọn giày, dép, người bệnh nên thử ở tư thế đứng. Tốt nhất là chọn vào cuối ngày. Bới lúc đó họ có thể bị phù chân, làm tăng kích thước chân.
- Kiểm tra giày trước khi mang: đảm bảo không có dị vật hoặc bất thường trong giày gây tổn thương bàn chân.
6. Tránh các yếu tố nguy cơ
- Không tự ý xử lý tổn thương nhỏ: Không tự cắt bỏ chai chân hoặc dùng dao, kéo không sạch để xử lý vết thương.
- Tránh tiếp xúc nhiệt độ cao: Không ngâm chân trong nước nóng hoặc đặt chân gần nguồn nhiệt (như lò sưởi).
7. Tăng cường tuần hoàn máu
- Tập thể dục thường xuyên: Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, hoặc bơi lội giúp cải thiện lưu thông máu.
- Kê chân cao khi nghỉ ngơi: Tránh để chân ở tư thế thấp trong thời gian dài.
8. Giáo dục bệnh nhân và người chăm sóc
- Hiểu biết về bệnh tiểu đường và biến chứng loét do tiểu đường.
- Biết cách xử lý và chăm sóc bàn chân đúng cách.

Địa chỉ điều trị vết loét tiểu đường ở đâu uy tín?
Người bệnh tiểu đường có nhu cầu khám, điều trị loét do tiểu đường có thể đến khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM hoặc đơn vị Nội tiết – Đái tháo đường, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7. Đây là những địa chỉ uy tín, tin cậy, chuyên khám và điều trị biến chứng bàn chân tiểu đường. Người bệnh được chăm sóc và phòng ngừa biến chứng loét bàn chân hiệu quả, an toàn bởi đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng giàu kinh nghiệm, tay nghề cao.
Khoa được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, nhập khẩu chính hãng từ các nước châu Âu, Mỹ; kết hợp với khu nội trú tiêu chuẩn khách sạn, dịch vụ chăm sóc tận tình, chu đáo, giúp người bệnh hài lòng, yên tâm.
Những cách điều trị loét do tiểu đường trên đây nên được thực hiện bởi bác sĩ Chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường. Người bệnh nên thường xuyên kiểm tra bàn chân để kịp thời phát hiện những bất thường trên da, tránh tổn thương nhiễm trùng thành vết loét. Bên cạnh đó, cần thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để kiểm soát lượng đường trong máu, hạn chế nguy cơ biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
Source link