11 biến chứng tiểu đường tuýp 2 nên biết sớm, can thiệp kịp thời

Advertisements

Tiểu đường tuýp 2 có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí rút ngắn tuổi thọ người bệnh. Dưới đây là các thông tin về biến chứng tiểu đường tuýp 2, do bác sĩ CKII Trương Thị Vành Khuyên, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ.

Các biến chứng tiểu đường tuýp 2

Thông tin về bệnh tiểu đường tuýp 2

Tiểu đường tuýp 2 là bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết mãn tính. Bệnh do tình trạng đề kháng với insulin kết hợp với giảm khả năng sản xuất insulin khiến cơ thể không có đủ insulin để sử dụng hoặc không sử dụng hiệu quả hormone này. Không có insulin vận chuyển glucose vào tế bào để tạo năng lượng, đường sẽ tiếp tục tích tụ trong máu và làm đường huyết tăng không kiểm soát.

Đa số người bệnh tiểu đường tuýp 2 có tình trạng béo phì, thừa cân và/hoặc béo phì vùng bụng với vòng eo to. Bên cạnh đó, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh là: di truyền, ít vận động, yếu tố môi trường, dinh dưỡng… Vận động thường xuyên, có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giảm cân… có thể cải thiện tình trạng bệnh, nhưng không thể điều trị dứt điểm.

Triệu chứng của tiểu đường tuýp 2 không rầm rộ như tuýp 1. Các triệu chứng thường gặp của bệnh gồm: (1)

banner tâm anh quận 7 content
  • Tiểu nhiều.
  • Khát nhiều.
  • Hay đói bụng.
  • Mờ mắt.
  • Mệt mỏi.
  • Chậm lành vết thương.
  • Ngứa ran, đau hoặc tê ở tay/chân.
  • Nhiễm trùng tiết niệu, sinh dục…

Ngoài ra, người bệnh tiểu đường tuýp 2 thường có dấu gai đen (vùng da sẫm màu ở vùng cổ hoặc nách). Đây là dấu hiệu đề kháng insulin và cũng là triệu chứng lâm sàng giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh.

cải thiện bệnh tiểu đường tuýp 2
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh kết hợp với vận động thể dục, thể thao có thể cải thiện bệnh tiểu đường tuýp 2.

Các biến chứng tiểu đường tuýp 2 thường gặp

Dưới đây là những biến chứng tiểu đường tuýp 2 phổ biến:

1. Biến chứng mạch máu

Biến chứng tiểu đường tuýp 2 phổ biến nhất là ở mạch máu, gồm biến chứng mạch máu lớn và biến chứng mạch máu nhỏ. Tổn thương mạch máu nhỏ gây ảnh hưởng các cơ quan như: mắt, thận, thần kinh. Tổn thương mạch máu lớn gây ảnh hưởng đến: tim, não, động mạch ngoại biên và một số cơ quan khác.

2. Tổn thương mắt

Biến chứng bệnh tiểu đường tuýp 2 thường gặp ở mắt, còn gọi là bệnh võng mạc tiểu đường. Đây là biến chứng mạch máu nhỏ, gồm 2 thể bệnh chính:

  • Bệnh võng mạc không tăng sinh: vi phình mạch, xuất huyết hình chấm, xuất huyết võng mạc, phình tĩnh mạch chuỗi hạt.
  • Bệnh võng mạc tăng sinh: tăng sinh mao mạch, tổ chức xơ tại võng mạc và tắc mạch máu nhỏ, xuất huyết dịch kính, xuất huyết trước võng mạc, bong võng mạc co kéo… dẫn đến mù lòa.

Người bệnh tiểu đường tuýp 2 còn có nguy cơ đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp.

3. Tổn thương thận

Bệnh thận do tiểu đường cũng thuộc nhóm biến chứng mạch máu nhỏ, tổn thương chính nằm ở cầu thận. Đây là bộ phận lọc máu để tạo nước tiểu; các chất thường được lọc qua cầu thận gồm nước và các chất điện giải như: natri, kali, thuốc, các chất thải trong quá trình chuyển hóa…

Tổn thương thận do tiểu đường xảy ra khi đường huyết tăng cao kéo dài, gây ảnh hưởng đến màng lọc cầu thận làm rò rỉ albumin qua nước tiểu. Tổn thương thận do tiểu đường là biểu hiện sớm của bệnh thận ở người tiểu đường. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Tổn thương thận do tiểu đường có thể ngăn chặn nhờ kiểm soát tốt đường huyết. Biến chứng này có các đặc điểm sau:

  • Bệnh thận đái tháo đường giai đoạn 3: tiểu albumin liên tục (>30mg/ngày) xác định ít nhất 2 lần trong vòng 3 – 6 tháng.
  • Bệnh thận đái tháo đường giai đoạn 4: tiểu albumin liên tục (>300mg/ngày) xác định ít nhất 2 lần trong vòng 3 – 6 tháng.
  • Bệnh thận đái tháo đường giai đoạn 5: chức năng lọc của thận giảm dần và cuối cùng dẫn tới suy thận giai đoạn cuối, phải lọc thận nhân tạo để sống sót.
  • Tăng huyết áp, có thể xuất hiện ở giai đoạn đầu hoặc trễ.

Cần tầm soát biến chứng thận cho người bệnh tiểu đường tuýp 2 ngay khi chẩn đoán bệnh.

4. Biến chứng thần kinh

Biến chứng mạch máu nhỏ gây tổn thương dây thần kinh là yếu tố chính dẫn đến bệnh thần kinh tiểu đường. Glucose huyết tăng cao làm tổn thương bao thần kinh, giảm vận tốc dẫn truyền thần kinh. Ngoài ra, các mạch máu nhỏ nuôi thần kinh bị tổn thương dẫn đến giảm cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho dây thần kinh. Người bệnh bị bệnh càng lâu, nguy cơ biến chứng thần kinh càng cao.

Bệnh thần kinh tiểu đường thường được chia thành 2 nhóm chính: bệnh thần kinh ngoại biên (ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở ngoại biên cơ thể như: thần kinh cảm giác và vận động ở tay, chân, thần kinh sọ não) và bệnh thần kinh tự chủ (thần kinh điều khiển hoạt động của các cơ quan như: dạ dày, ruột, tim mạch, hệ tiết niệu).

5. Tác động đến sinh lý

Một trong những biến chứng ở nam giới mắc tiểu đường tuýp 2 là rối loạn cương dương, do lưu lượng máu đến cơ quan sinh dục không đủ. Ngoài ra, có các biến chứng khác như viêm quy đầu và bao quy đầu, với biểu hiện thường xuyên ngứa rát, nứt ở các vùng này; xuất tinh ngược dòng do cơ ở cổ bàng quang không đóng kín, dẫn đến việc tinh dịch sẽ bị xuất ngược vào trong bàng quang.

6. Biến chứng tim mạch và nguy cơ đột quỵ

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người bệnh tiểu đường. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), 2/3 số ca tử vong ở người bệnh tiểu đường tuýp 2 có liên quan đến biến chứng này. Biến chứng tim mạch ở người bệnh tiểu đường có nguyên nhân do lượng đường và mỡ trong máu cao gây xơ vữa động mạch, khiến tim không được cung cấp đủ oxy. Các biến chứng này bao gồm: bệnh mạch vành gây nhồi máu cơ tim, suy tim và rối loạn nhịp tim. (2)

Bên cạnh đó, người bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2 lần so với người khỏe mạnh. Đột quỵ là tình trạng gián đoạn đột ngột nguồn cung cấp máu cho não, dẫn đến mô não bị tổn thương. Hầu hết các cơn đột quỵ xảy ra do cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu ở não hoặc cổ. Đột quỵ làm suy giảm chức năng vận động, gây đau đớn, liệt, khó khăn khi suy nghĩ, ghi nhớ hoặc nói…

Suy tim là một trong những biến chứng nguy hiểm
Suy tim là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường tuýp 2.

7. Suy giảm thính lực

Tỉ lệ mất thính giác ở người bệnh tiểu đường cao hơn 30% so với người bình thường. Nguyên nhân của biến chứng này chưa được làm rõ. ADA đưa ra giả thuyết đường huyết cao do bệnh tiểu đường gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở tai trong, dẫn đến suy giảm thính lực, tương tự như cách bệnh tiểu đường gây tổn thương mắt và thận. (3)

8. Biến chứng nhiễm trùng

Biến chứng nhiễm trùng là một trong những biến chứng nghiêm trọng mà người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể gặp. Một số biến chứng nhiễm trùng phổ biến bao gồm: nhiễm trùng da, nhiễm trùng bàn chân, nhiễm trùng đường tiểu, viêm phổi, lao phổi, nhiễm trùng huyết…

9. Nguy cơ bị hạ đường huyết

Hạ đường huyết là biến chứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Tình trạng này thường gặp ở: người bệnh lớn tuổi kiểm soát đường huyết kém, đa bệnh lý, người bệnh tiểu đường điều trị bằng insulin…

10. Tăng đường huyết cấp tính

Tăng đường huyết cấp tính có thể dẫn đến hôn mê nhiễm ceton hoặc hôn mê tăng áp lực thẩm thấu. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

11. Các vấn đề về răng miệng

Một biến chứng bệnh tiểu đường tuýp 2 thường gặp khác là bệnh về răng miệng. Người bệnh có thể mắc viêm nướu (bệnh nướu răng giai đoạn đầu) và viêm nha chu (bệnh nướu răng tiến triển). Triệu chứng của bệnh này bao gồm: sưng nướu, chảy máu hoặc tụt nướu; răng lung lay hoặc mất răng; hôi miệng kéo dài… (4)

>>>Có thể bạn chưa biết: Cơ chế bệnh sinh của tiểu đường type 2 là gì? Đối tượng mắc bệnh

Biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2

Cách tốt nhất để phòng ngừa tiểu đường tuýp 2 là tầm soát và phát hiện sớm bệnh. Thông qua kết quả khám tổng quát lâm sàng và xét nghiệm định kỳ theo các khuyến cáo (thường là mỗi 6 tháng hoặc mỗi năm), bác sĩ có thể chẩn đoán người bệnh có mắc tiểu đường hay không, từ đó tư vấn chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp để hạn chế biến chứng tiểu đường tuýp 2.

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh, người bệnh cần kiểm soát đường huyết tốt để phòng ngừa và kìm hãm các biến chứng. Riêng những người có nguy cơ mắc bệnh cao cần nhanh chóng khám, kiểm tra tại cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường, gồm:

  • Người có người thân gần gũi trong gia đình mắc bệnh tiểu đường (cha, mẹ, anh, chị, em, con ruột…).
  • Người từ 45 tuổi trở lên.
  • Người thừa cân, béo phì.
  • Có tiền sử rối loạn đường huyết, bệnh tim mạch, phụ nữ có tiền sử tiểu đường thai kỳ…
Bác sĩ tư vấn cho khách hàng về bệnh tiểu đường tuýp 2
Bác sĩ Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đang tư vấn cho khách hàng về bệnh tiểu đường tuýp 2.

Cách chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2

Mục tiêu hàng đầu trong chăm sóc và điều trị cho người bệnh tiểu đường tuýp 2 là kiểm soát mức đường huyết để phòng ngừa hiệu quả các biến chứng. Dưới đây là một số lưu ý trong quá trình chăm sóc người bệnh:

1. Kiểm tra lượng đường trong máu của bạn thường xuyên

Người bệnh tiểu đường tuýp 2 cần kiểm tra lượng đường trong máu nhiều lần trong ngày, nhất là đường huyết đói trước bữa ăn và trước khi đi ngủ. Trong quá trình tư vấn điều trị, bác sĩ sẽ đặt mức đường huyết mục tiêu riêng cho mỗi trường hợp. Người bệnh cần giữ mức đường huyết càng gần mức mục tiêu càng tốt, để trì hoãn các biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2.

2. Dùng insulin và các loại thuốc khác thường xuyên

Bên cạnh tiêm insulin, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh tiểu đường tuýp 2 sử dụng các loại thuốc khác, bao gồm:

  • Thuốc uống: Metformin, Sulfonylurea, thuốc ức chế enzym alpha glucosidase, thuốc ức chế kênh SGLT2, thuốc ức chế enzym DPP- 4, TZD (Pioglitazone).
  • Thuốc tiêm: thuốc đồng vận thụ thể GLP-1.

3. Điều trị các bệnh đi kèm

Người mắc tiểu đường tuýp 2 thường có các bệnh đi kèm hoặc các biến chứng của bệnh tiểu đường. Do đó, kiểm soát toàn diện các yếu tố nguy cơ là một trong những chiến lược then chốt trong điều trị tiểu đường.

4. Gặp bác sĩ nội tiết để được hỗ trợ

Người bệnh cần duy trì lịch khám theo đúng hẹn với bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường hoặc tối đa 3 – 6 tháng/lần để đảm bảo quá trình điều trị đang đi đúng hướng.

5. Lập kế hoạch hằng ngày

Khi tư vấn điều trị cho người bệnh tiểu đường tuýp 2, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh lập kế hoạch dinh dưỡng và vận động theo hướng tích cực để kiểm soát tốt đường huyết, tăng sức đề kháng và sự dẻo dai của cơ thể.

6. Luôn cập nhật kiến ​​thức

Sách, báo hoặc các tài liệu y khoa luôn cập nhật liên tục những nghiên cứu mới về cách phòng ngừa, điều trị bệnh tiểu đường. Người bệnh có thể tham khảo thông tin từ các nguồn chính thống như: Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế và tuân thủ khuyến cáo từ bác sĩ điều trị trực tiếp.

7. Kết nối cộng đồng

Kết nối những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể tạo thành một cộng đồng cảm thông và chia sẻ kiến thức hữu ích, hỗ trợ nhau trong quá trình điều trị bệnh.

8. Phòng các bệnh tinh thần

Căng thẳng là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, gây khó khăn khi điều trị tiểu đường. Người bệnh cần giữ tâm trí lạc quan, ngủ đủ giấc, có thể áp dụng các bài tập thư giãn như yoga, thiền… để giải tỏa áp lực.

Tập luyện yoga giúp người bệnh tiểu đường giải tỏa căng thẳng
Tập luyện yoga, thiền… giúp người bệnh tiểu đường giải tỏa căng thẳng, áp lực, giúp kiểm soát đường huyết tốt.

Để khám, tư vấn và điều trị phòng ngừa các biến chứng tiểu đường tuýp 2, người bệnh có thể đến Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Khoa chuyên tiếp nhận khám, tầm soát, tư vấn và điều trị các trường hợp tiểu đường tuýp 1, tuýp 2, tiểu đường thai kỳ.

Ngoài ra, Khoa còn tiếp nhận khám và điều trị tất cả các rối loạn nội tiết liên quan đến tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận… Với đội ngũ bác sĩ và các chuyên gia giàu kinh nghiệm, cùng hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ, người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm với chẩn đoán và tin tưởng vào phác đồ điều trị của bác sĩ.

Điều trị và kiểm soát sớm bệnh tiểu đường là cách tốt nhất để ngăn ngừa và kìm hãm các biến chứng tiểu đường tuýp 2 tiến triển. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, vận động hợp lý, giảm cân nếu thừa cân đồng thời kết hợp sử dụng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh kiểm soát tốt đường huyết có thể có cuộc sống khỏe mạnh và tuổi thọ như người bình thường.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

Người bị tiểu đường tuýp 2 nên ăn gì, kiêng gì tốt cho sức khỏe?

Advertisements Tất cả các loại thực phẩm đều ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, …

Bạn đang xem 11 biến chứng tiểu đường tuýp 2 nên biết sớm, can thiệp kịp thời