6 cách trị tiểu đường tại nhà hiệu quả có thể bạn chưa biết

Advertisements

Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, được đặc trưng bởi mức đường huyết của người bệnh luôn cao hơn mức bình thường. Dưới đây là những thông tin về các cách trị tiểu đường tại nhà được BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chia sẻ.

Cách trị tiểu đường tại nhà

Tìm hiểu về tiểu đường

Insulin là hormone quan trọng do tuyến tụy tiết ra, có nhiệm vụ vận chuyển đường từ máu vào tế bào để sản sinh năng lượng. Ở người bệnh tiểu đường, cơ thể không tiết đủ insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.

Bệnh tiểu đường được phân chia làm 3 loại chính:

  • Tiểu đường type 1 (bao gồm thể LADA).
  • Tiểu đường type 2.
  • Tiểu đường thai kỳ.

Ngoài ra, còn các loại tiểu đường đặc biệt khác:

banner tâm anh quận 7 content
  • Tiểu đường do bệnh nội tiết.
  • Tiểu đường đơn gen (do di truyền).
  • Tiểu đường do tổn thương tụy…
  • Tiểu đường do thuốc.

1. Nguyên nhân

1.1. Tiểu đường type 1

95% người bệnh tiểu đường type 1 do cơ chế tự miễn, do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào sản xuất insulin có trong tuyến tụy, khiến người bệnh không có hoặc có ít insulin, dẫn đến lượng đường tích lũy trong máu; 5% còn lại không rõ nguyên nhân.

Các yếu tố nguy cơ gây tiểu đường type 1 bao gồm: di truyền, các yếu tố môi trường, phơi nhiễm với một số loại virus…

1.2. Tiểu đường type 2

Ở người bệnh tiểu đường type 2, tình trạng đề kháng insulin kết hợp với suy yếu một phần khả năng sản xuất insulin khiến cơ thể không thể sử dụng hoặc không sử dụng hiệu quả hormone này, hậu quả là đường huyết tăng không kiểm soát.

Béo phì, thừa cân là yếu tố hàng đầu dẫn đến tiểu đường type 2, nhất là béo phì vùng bụng (vòng eo to). Ngoài ra, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm: di truyền, ít vận động, tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn dung nạp đường, hội chứng buồng trứng đa nang…

2. Triệu chứng bệnh

  • Khát và đi tiểu quá nhiều.
  • Thường xuyên cảm thấy rất đói.
  • Cảm giác mệt mỏi.
  • Sụt cân bất thường.
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng hoặc các vết thương không lành.
  • Nhìn mờ.
  • Tê hoặc ngứa râm ran ở tay và chân.
  • Da khô, ngứa.
Người bệnh tiểu đường có triệu chứng khát nhiều, tiểu nhiều
Người bệnh tiểu đường có triệu chứng khát nhiều, tiểu nhiều.

Phương pháp chẩn đoán tiểu đường

Để chẩn đoán bệnh tiểu đường, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả khám lâm sàng, kết hợp với các xét nghiệm:

1. Xét nghiệm HbA1C

Còn gọi là Test Hemoglobin A1C, nhằm xác định mức độ đường huyết trung bình của một người trong 3 tháng. Nếu kết quả xét nghiệm HbA1C từ 6,5% trở lên, người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường (HbA1C bình thường từ 4% – 6%).

2. Xét nghiệm đường huyết lúc đói

Xét nghiệm này thường được thực hiện vào buổi sáng, sau khi người bệnh nhịn ăn tối thiểu 8 tiếng. Người tiểu đường có kết quả đo đường huyết lúc đói từ 126mg/dL trở lên trong 2 lần xét nghiệm riêng biệt.

3. Đo đường huyết ngẫu nhiên

Người bệnh được chẩn đoán đái tháo đường khi mức đường huyết đo ngẫu nhiên từ 200mg/dL trở lên.

4. Xét nghiệm kháng thể

Dựa trên khám lâm sàng, nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị tiểu đường thì cần thực hiện xét nghiệm kháng thể kháng tiểu đảo (GAD, ICA) để xác định tiểu đường type 1 hay 2. Nếu kết quả dương tính, người bệnh được kết luận mắc tiểu đường type 1. Nếu kết quả âm tính, cần làm thêm xét nghiệm C-peptid. Kết quả tương ứng với chẩn đoán như sau:

  • Nếu C-peptid < 200pmol/L: người bệnh được chẩn đoán tiểu đường type 1.
  • Nếu C-peptid > 600pmol/L: người bệnh được chẩn đoán tiểu đường type 2.
  • Nếu C-peptid từ 200pmol/L – 600pmol/L: chưa thể xác định loại tiểu đường. Bệnh nhân cần thực hiện lại xét nghiệm này sau 5 năm.
bác sĩ cần khám lâm sàng kết hợp nhiều xét nghiệm khác
Để chẩn đoán bệnh tiểu đường, bác sĩ cần khám lâm sàng kết hợp nhiều xét nghiệm khác.

Hướng dẫn cách trị tiểu đường tại nhà

Cách trị tiểu đường tại nhà chỉ có thể thông qua việc kiểm soát bệnh tình. Một số biện pháp như: xây dựng chế độ ăn khoa học, thường xuyên vận động, nghỉ ngơi hợp lý, kiểm soát cân nặng ở mức cho phép (BMI từ 18,5 – 24,9)… Điều này sẽ được bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường tư vấn cụ thể, tùy theo từng trường hợp khi người bệnh đến khám, tầm soát bệnh.

1. Kiểm soát chế độ ăn

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng, góp phần kiểm soát lượng đường trong máu người bệnh. Có nhiều nguyên tắc đo lường bữa ăn cho người bệnh tiểu đường, quan trọng nhất vẫn là tính lượng calo đưa vào cơ thể và cân đối với nhu cầu, thể trạng từng người, đảm bảo không dư thừa năng lượng. Bởi năng lượng dư thừa sẽ được cơ thể tích lũy dưới dạng mỡ, gây thừa cân, béo phì.

2. Kiểm soát lượng carbohydrate nạp vào

Tính lượng carbohydrate (carb) trong thực phẩm là một trong những cách trị tiểu đường tại nhà được nhiều người bệnh áp dụng, hỗ trợ rất tốt cho quá trình kiểm soát lượng đường trong máu. Chế độ ăn ít carb giúp giảm đường huyết và ngăn ngừa đường huyết tăng đột biến.

Người bệnh tiểu đường nên theo dõi sát sao, liên tục lượng đường trong máu mỗi ngày để xây dựng thực đơn lành mạnh, giúp ổn định đường huyết. Bác sĩ sẽ tư vấn mức đường huyết mục tiêu cho từng trường hợp, nên duy trì đường huyết càng gần mức mục tiêu này càng tốt.

3. Sử dụng thực phẩm giàu chất xơ

Nghiên cứu Tác động của chất xơ trong chế độ ăn uống với tình trạng kháng insulin và phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2 (năm 2018) của Weickert Martin O và cộng sự cho thấy: tăng lượng chất xơ trong thực đơn hàng ngày (>25g/ngày ở phụ nữ và >38g/ngày ở nam giới) giúp giảm 20% – 30% tình trạng kháng insulin và nguy cơ mắc tiểu đường type 2. (1)

Cơ thể con người không thể hấp thụ và phân hủy chất xơ, do đó các thực phẩm giàu chất xơ không làm tăng đột biến lượng đường trong máu như các loại thực phẩm khác. Ngoài ra, quá trình tiêu hóa chất xơ khá chậm, gây cảm giác no nhanh và no lâu hơn, nhờ đó giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư đại tràng. (2) (3)

Rau xanh, trái cây tươi cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể, là phần không thể thiếu của chế độ ăn uống lành mạnh cho người tiểu đường. Một số loại rau người tiểu đường nên ăn gồm: bông cải xanh, cà rốt, cà chua, cải bó xôi, bắp cải…

Thực phẩm giàu chất xơ giúp hỗ trợ kiểm soát đường huyết
Thực phẩm giàu chất xơ không chỉ giúp hỗ trợ kiểm soát đường huyết mà còn cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất cho cơ thể.

4. Tập trung vào chất béo “tốt”

Tuy thực phẩm không phải là cách trị tiểu đường tại nhà triệt để, nhưng có thể góp phần hỗ trợ quá trình điều trị. Chất béo “tốt” là nhóm chất béo không bão hòa, có khả năng giảm tình trạng kháng insulin, giảm cholesterol xấu, bảo vệ tim mạch. Những thực phẩm chứa chất béo lành mạnh mà người tiểu đường nên lựa chọn gồm: cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi), dầu oliu, dầu đậu nành,… Bên cạnh đó, nên bổ sung các thực phẩm chứa axit béo thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, gồm: Omega-3, Omega-6, Omega-9, vitamin E…

5. Luyện tập thể dục đều đặn

Một cách trị tiểu đường tại nhà rất hiệu quả là xây dựng thói quen tập thể dục thường xuyên. Khi tập thể dục, cơ bắp sử dụng đường trong máu để tạo năng lượng và co cơ. Các hoạt động thể chất giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát cân nặng và tăng độ nhạy insulin, nghĩa là tế bào có thể sử dụng glucose trong máu hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, vận động thể chất còn giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Người bệnh tiểu đường có thể lựa chọn nhiều môn thể thao như: chạy bộ, bơi lội, đi bộ, yoga… Nên đo đường huyết trước và sau khi tập thể dục để tìm kiếm môn thể thao phù hợp nhất với tình trạng bệnh của mỗi người.

6. Kiểm soát cân nặng

Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ cao của bệnh tiểu đường. Do đó, kiểm soát cân nặng cũng là bước hỗ trợ điều trị tiểu đường tại nhà hiệu quả. Người bệnh tiểu đường có béo phì chỉ cần giảm 5% trọng lượng cơ thể cũng giúp cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết, giảm nhu cầu dùng thuốc điều trị tiểu đường và cải thiện chất lượng cuộc sống. (4)

Các cách điều trị tiểu đường khác

Những cách trị tiểu đường tại nhà trên đây chỉ có vai trò hỗ trợ. Quan trọng nhất là chỉ định và hướng dẫn điều trị tiểu đường từ bác sĩ. Tùy theo loại tiểu đường đang mắc và tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng insulin hoặc các loại thuốc điều trị khác. Cụ thể:

1. Insulin

Tất cả người bệnh tiểu đường type 1 phải bổ sung insulin suốt đời. Thông thường, insulin được đưa vào cơ thể qua đường tiêm. Có nhiều loại insulin, gồm: insulin tác dụng ngắn, insulin tác dụng nhanh, insulin tác dụng trung bình, insulin tác dụng kéo dài và cực dài. Người bệnh phải sử dụng insulin ở dạng tiêm hoặc dùng bơm tiêm insulin tự động. Tùy theo tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định loại insulin và liều lượng phù hợp cho người bệnh.

Người bệnh tiểu đường được chỉ định dùng insulin
Người bệnh tiểu đường được chỉ định dùng insulin có thể sử dụng insulin dạng tiêm hoặc bơm tiêm tự động.

2. Các loại thuốc khác

Người bệnh tiểu đường type 2 có thể cần sử dụng insulin hoặc không, kèm theo một số loại thuốc khác. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ liệt kê một số nhóm thuốc không chứa insulin, thường được lựa chọn cho người bệnh tiểu đường type 2 như: (5)

  • Thuốc đồng vận thụ thể (GLP-1).
  • Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri – glucose 2 (SGLT2).
  • Nhóm thuốc Sulfonylurea.
  • Thuốc ức chế enzyme Dipeptidyl peptidase 4 (DPP-4).
  • Metformin.
  • Thiazolidinediones (TZD).

Liệu pháp hỗ trợ chữa bệnh đái tháo đường

Người bệnh tiểu đường có thể lựa chọn một số liệu pháp hỗ trợ khác, như các cách trị bệnh tiểu đường tại nhà từ thiên nhiên. Tuy nhiên, để đảm bảo tính an toàn, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường trước khi áp dụng. Các liệu pháp tự nhiên hỗ trợ điều trị tiểu đường tại nhà gồm:

  • Giấm táo: theo thông tin từ bài báo của Nilgun H. Budak và các cộng sự (2014) cho thấy, giấm táo có tác dụng hạ đường huyết, tăng độ nhạy insulin. Một nghiên cứu năm 2020 trên chuột cũng cho thấy giấm táo giúp ngăn ngừa các rối loạn chuyển hóa, làm giảm lượng đường trong máu ở chuột có chế độ ăn nhiều calo. (6)
  • Quế: được cho là có thể cải thiện lượng đường trong máu bằng cách tăng độ nhạy insulin và làm chậm quá trình tiêu hóa, nhờ đó kiểm soát đường huyết không tăng cao sau khi ăn. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh hiệu quả này.
  • Hạt cỏ cà ri: một số bằng chứng cho thấy hạt cỏ cà ri có thể hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, nhưng vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về thực phẩm này.
Bác sĩ khoa Nội tiết đang tư vấn cho khách hàng về bệnh tiểu đường
Bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đang tư vấn cho khách hàng về bệnh tiểu đường.

Bên cạnh đó, người bệnh tiểu đường nên duy trì lịch khám, kiểm tra đường huyết và tầm soát biến chứng tiểu đường tại các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa.

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là đơn vị uy tín chuyên tiếp nhận khám, tư vấn và điều trị các trường hợp: đái tháo đường, thừa cân, béo phì; bệnh nội tiết như: đái tháo nhạt, bệnh tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, dậy thì sớm, chậm tăng trưởng chiều cao… Đặc biệt, Khoa có riêng đơn vị Phòng khám Bàn chân đái tháo đường, chuyên tầm soát sớm và điều trị biến chứng ở bàn chân cho người bệnh tiểu đường.

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ bác sĩ và các chuyên gia giàu kinh nghiệm; cùng với các máy móc, thiết bị tiên tiến, được nhập khẩu chính hãng từ các nước châu Âu, Mỹ… giúp chẩn đoán chính xác, hỗ trợ bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả; dịch vụ chăm sóc y tế chuyên nghiệp, tận tâm, có khu điều trị nội trú tiêu chuẩn khách sạn, giúp người bệnh an tâm trong suốt quá trình điều trị.

Tiểu đường là bệnh rối loạn mạn tính cần kiểm soát và điều trị suốt đời, trong đó, chế độ dinh dưỡng và vận động là cách trị tiểu đường tại nhà hiệu quả, bên cạnh những chỉ định của bác sĩ. Người bệnh nên thường xuyên khám, theo dõi diễn tiến bệnh, đồng thời tuân thủ các lưu ý điều trị tiểu đường của bác sĩ để chủ động kiểm soát, phòng ngừa biến chứng bệnh một cách hiệu quả và an toàn.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

8 cách phòng tránh bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể bạn chưa biết

Advertisements Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 1985 chỉ có 30 triệu …

Bạn đang xem 6 cách trị tiểu đường tại nhà hiệu quả có thể bạn chưa biết