Advertisements
Khoảng 4% – 5% người trên thế giới mắc bệnh suy giáp. Suy giáp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính và sắc tộc. Suy giáp là bệnh phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ. Bài viết dưới đây, ThS.BS Đỗ Trúc Anh, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM tổng hợp các biến chứng suy giáp nguy hiểm thường gặp. [1] [2]
Tổng quan về suy giáp
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả, không thể tạo đủ hormone tuyến giáp để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường. Nguyên nhân phổ biến của bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm tuyến giáp Hashimoto, do cơ thể tự tạo ra kháng thể tấn công tuyến giáp. Ngoài ra, bệnh suy giáp có thể xảy ra khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc điều trị bệnh tuyến giáp bằng liệu pháp i-ốt phóng xạ, xạ trị vùng đầu cổ,… [3]
Hầu như mọi cơ quan trong cơ thể đều chịu tác động của hormone tuyến giáp. Vì vậy, khi nồng độ hormone tuyến giáp quá thấp, tế bào của cơ thể không nhận đủ hormone tuyến giáp và quá trình của cơ thể bắt đầu chậm lại. Bởi, triệu chứng suy giáp rất khác nhau và không đặc hiệu. Cách duy nhất để biết chắc chắn liệu bản thân có suy giáp hay không là xét nghiệm máu để chẩn đoán.
Ai bị ảnh hưởng bởi bệnh suy giáp?
Bệnh suy giáp có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai gồm: nam giới, nữ giới, trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên và người già. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh suy giáp cao hơn nam giới khoảng 5 – 8 lần, tỷ lệ mắc bệnh gia tăng theo tuổi. Người bệnh có nhiều khả năng mắc bệnh suy giáp nếu:
- Tiền căn trước đây đã phẫu thuật cắt tuyến giáp hoặc điều trị bệnh tuyến giáp bằng i-ốt phóng xạ.
- Tiền căn xạ trị ở vùng đầu hoặc cổ.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp.
- Có các bệnh liên quan đến tự miễn dịch, gồm: thiếu máu ác tính, tiểu đường tuýp 1, suy thượng thận nguyên phát, lupus, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjögren.
- Dùng thuốc có hàm lượng i-ốt cao (amiodarone).
- Phụ nữ trên 60 tuổi.
Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu các biến chứng suy giáp và mức độ nguy hiểm của nó.
Những biến chứng suy giáp thường gặp
Suy giáp không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng cả về thể chất và tinh thần nghiêm trọng. Biến chứng suy giáp không được điều trị, bao gồm:
1. Thay đổi sức khỏe tâm thần
Bệnh suy giáp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người bệnh nếu không được điều trị. Suy giáp có thể làm người bệnh suy nghĩ chậm, hay quên và ảnh hưởng đến khả năng tập trung. Người bị suy giáp dễ lo lắng và trầm cảm hơn người không bị suy giáp. Đây là một biến chứng suy giáp gây ảnh hưởng không ít đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. [4]
2. Bướu cổ
Khi cơ thể không đủ hormone tuyến giáp, tuyến yên sẽ ra lệnh cho tuyến giáp sản xuất nhiều hormone giáp hơn. Tuyến giáp kích thích sẽ phình to dần và tạo bướu cổ. Bướu cổ thường không đau nhưng có thể kích thích gây ho, chèn ép gây khàn giọng, khó thở hoặc khó nuốt. Nếu bướu cổ nhỏ và không gây triệu chứng, người bệnh không cần điều trị.
3. Bệnh tim mạch
Người bệnh suy giáp nếu không điều trị sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và suy tim. Nguyên nhân do người bệnh suy giáp có lượng hormone thyroxine trong cơ thể thấp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tim, khiến tim đập chậm và kém hiệu quả hơn. Suy giáp cũng làm tăng cholesterol trong máu, ảnh hưởng lên hệ thống động mạch, gây xơ vữa và xơ cứng động mạch, hẹp lòng mạch và làm hạn chế lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể. [5]
Đặc biệt, tim và não sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Ngoài ra, suy giáp nặng còn gây tràn dịch màng ngoài tim, nếu lượng dịch đáng kể có thể khiến tim bị chèn ép không giãn nở tốt làm hiệu suất bơm máu giảm. Có thể thấy, đây là một biến chứng suy giáp nguy hiểm. Vì vậy, hãy gặp bác sĩ khám nếu người bệnh suy giáp và cảm thấy đau ngực để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
4. Tổn thương thần kinh và cơ
Suy giáp lâu có thể làm tổn thương dây thần kinh ngoại biên. Hội chứng ống cổ tay thường gặp nhất gồm tổn thương thần kinh giữa do sự lắng đọng chất nhầy ở vùng cổ tay, gây ra triệu chứng như đau, tê, yếu, dị cảm,.. ở bàn tay.
Tình trạng đau nhức cơ toàn thân, đặc biệt mức độ tăng lên vào buổi sáng và trầm trọng hơn khi gặp thời tiết lạnh có thể liên quan đến suy giáp. Chuột rút và cứng cơ về đêm có thể xảy ra khi suy giáp.
5. Khả năng sinh sản và tình dục
Phụ nữ suy giáp không điều trị có thể xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt thưa hơn hoặc kéo dài hơn bình thường. Lượng máu kinh có thể nhiều hơn bình thường. Cả nam giới và phụ nữ đều giảm khả năng sinh sản hoặc mất ham muốn tình dục.
Nồng độ hormon tuyến giáp thấp có thể gây cản trở quá trình rụng trứng, suy giảm khả năng thụ thai ở nữ. Ngoài ra, suy giáp xảy ra do nguyên nhân khác như rối loạn tự miễn hoặc suy yên cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Đây là biến chứng suy giáp gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của phụ nữ cần được lưu ý.
6. Dị tật bẩm sinh
Nếu phụ nữ đang mang thai và suy giáp không điều trị, trẻ sinh ra có thể nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hơn trẻ sinh ra từ mẹ khỏe. Trẻ sinh ra từ phụ nữ mắc bệnh suy giáp không điều trị có thể gặp vấn đề đáng kể về phát triển thể chất và tinh thần vì hormone tuyến giáp rất quan trọng cho sự phát triển của não. May mắn thay, vấn đề này được giải quyết ngay sau khi sinh, đứa trẻ có thể phát triển khỏe mạnh, bắt kịp những trẻ cùng trang lứa.
7. Biến chứng khi mang thai
Nếu người bệnh không điều trị hoặc điều trị không đầy đủ, bệnh suy giáp có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai và liên quan đến tình trạng thiếu máu ở mẹ, suy tim sung huyết, tiền sản giật, bất thường nhau thai và xuất huyết sau sinh. Biến chứng này dễ xảy ra hơn ở phụ nữ bị suy giáp nặng. Các triệu chứng này có thể được kiểm soát nếu người bệnh được điều trị kịp thời. Vì vậy, người bệnh hãy gặp bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh để được khám, tư vấn và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp cho cả mẹ và bé. [6]
8. Hôn mê phù niêm
Hôn mê phù niêm là biến chứng suy giáp hiếm gặp nhưng cực kỳ nghiêm trọng của bệnh suy giáp, thường xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi có tiền sử suy giáp nguyên phát. Những thay đổi về trạng thái tâm thần gồm: thờ ơ, rối loạn chức năng nhận thức và thậm chí cả rối loạn tâm thần. Trong đó, hạ thân nhiệt là đặc điểm nổi bật của hôn mê do phù niêm. Hạ natri máu, giảm thông khí và nhịp tim chậm cũng có thể xảy ra.
Vì hôn mê phù niêm rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, ngay cả khi được điều trị thích hợp, người bệnh phải được theo dõi tại phòng chăm sóc đặc biệt, nơi có thể hỗ trợ thông khí, điện giải và huyết động thích hợp. Corticosteroid cũng có thể cần thiết. Việc tìm kiếm các nguyên nhân thúc đẩy như nhiễm trùng, bệnh tim, rối loạn chuyển hóa cũng rất quan trọng.
Làm thế nào để ngăn ngừa biến chứng của suy giáp?
Không có cách nào để ngừa bệnh suy giáp. Tuy nhiên, một số người có thể có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn những người khác. Bệnh suy giáp diễn biến chậm nên nếu được phát hiện kịp thời, thì việc điều trị giúp cải thiện rất tốt tình trạng bệnh. Ngược lại, nếu phát hiện trễ thì người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng suy giáp đáng tiếc. Nếu người bệnh có các yếu tố sau đây, hãy đến khám với bác sĩ để kiểm tra tình trạng tuyến giáp:
- Tiền sử bệnh tự miễn.
- Điều trị bức xạ vùng đầu hoặc cổ trước đó.
- Tiền sử phẫu thuật tuyến giáp hoặc điều trị bệnh lý tuyến giáp bằng iod phóng xạ.
- Bướu cổ.
- Tiền sử gia đình có vấn đề về tuyến giáp.
- Sử dụng các loại thuốc được biết là ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
Cần thăm khám sức khỏe định kỳ để ngăn ngừa biến chứng suy tuyến giáp
Người bệnh suy giáp cần thăm khám sức khỏe định kỳ, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để ngừa biến chứng do suy giáp không được điều trị đầy đủ vì bệnh suy giáp sẽ kéo dài suốt đời. Ngay khi người bệnh được chẩn đoán mắc suy giáp, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone. Người bệnh được xét nghiệm máu thường xuyên để điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp.
Bệnh suy giáp nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ gây nhiều biến chứng suy giáp nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, nếu người bệnh có dấu hiệu bất thường nghi bệnh suy giáp như: mệt mỏi, tê và ngứa ran ở tay, táo bón, tăng cân, đau nhức khắp cơ thể, mức cholesterol trong máu cao hơn mức bình thường, giọng nói trầm và khàn hơn,…hãy đến gặp bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM hội tụ các bác sĩ giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao. Bệnh viện liên tục trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại trên thế giới như máy xét nghiệm huyết học Sysmex XN1000, Sysmex CS-1600; máy xét nghiệm Sinh hóa Roche Cobas 6000 và hệ thống máy xét nghiệm nước tiểu gồm Roche Cobas u701, u601, u411,… giúp quá trình khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị nhanh và hiệu quả với tình trạng người bệnh.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Suy giáp không thể ngừa được. Cách tốt nhất để ngăn bệnh tiến triển nghiêm trọng và gây nhiều biến chứng suy giáp nguy hiểm ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh là theo dõi dấu hiệu của bệnh và phát hiện kịp thời bệnh suy giáp. Thông qua bài này, mong rằng người bệnh hiểu được mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đồng thời, nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của suy giáp hãy gặp bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM để được khám, điều trị và kiểm soát bệnh kịp thời.
Source link