Bệnh lùn tuyến yên có sinh con được không? Cần lưu ý những gì?

Advertisements

Các rối loạn chức năng tuyến yên có thể mang tính di truyền, một số bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản, trong đó có lùn tuyến yên. Đây là bệnh hiếm gặp, có thể khởi phát ở cả trẻ em và người lớn. Vậy bệnh lùn tuyến yên có sinh con được không, nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng bệnh thế nào?

Bệnh lùn tuyến yên có sinh con được không

Tìm hiểu về bệnh lùn tuyến yên

Bệnh lùn tuyến yên hay thiếu hụt hormone tăng trưởng (GH) là một tình trạng hiếm gặp, khi tuyến yên không tiết ra đủ hormone tăng trưởng (GH hoặc somatotropin). Hormone tăng trưởng (GH) có vai trò tác động lên nhiều bộ phận cơ thể để thúc đẩy sự tăng trưởng ở trẻ em. Nó rất cần thiết cho sự phát triển bình thường, tạo sức mạnh của cơ, xương và sự phân bố mỡ trong cơ thể.

Khi các đĩa tăng trưởng trong xương (epiphyses) đã hợp nhất, GH không còn giúp tăng chiều cao nữa, nhưng cơ thể vẫn cần GH. Sau khi cơ thể ngừng phát triển, GH đóng vai trò duy trì cấu trúc cơ thể và quá trình trao đổi chất bình thường, như ổn định lượng đường trong máu ở mức bình thường. (1)

Lùn tuyến yên có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn. Trẻ mắc bệnh lùn tuyến yên sẽ thấp hơn so với tỷ lệ cơ thể bình thường. Đặc điểm của người mắc bệnh này là chiều cao rất thấp. Nữ thường cao dưới 120cm và nam không quá 130cm. Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng tới trí tuệ của người bệnh.

banner tâm anh quận 7 content

1. Nguyên nhân lùn tuyến yên

Lùn tuyến yên là bệnh hiếm gặp, với tỷ lệ mắc khoảng 1/4.000 – 1/10.000 trẻ em và 1/10.000 ở người trưởng thành. Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh lùn tuyến yên, bên cạnh đó, bệnh có thể do tuyến yên bị tổn thương hoặc vô căn. Các tổn thương tại tuyến yên có thể dẫn đến lùn tuyến yên bao gồm:

  • U tuyến yên lành tính.
  • U vùng hạ đồi.
  • Xạ trị ở tuyến yên hoặc gần tuyến yên.
  • Chấn thương nghiêm trọng ở vùng đầu hoặc chấn thương sọ não (TBI).
  • Thiếu máu lưu thông đến tuyến yên.
  • Phẫu thuật não hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến yên.
  • Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.
  • Các bệnh thâm nhiễm như: bệnh mô tế bào Langerhans, Sarcoidosis và bệnh lao.

2. Triệu chứng lùn tuyến yên

Triệu chứng lùn tuyến yên ở từng độ tuổi có sự khác nhau, cụ thể:

2.1. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc bệnh lùn tuyến yên sẽ tăng trưởng kém. Trẻ từ 3 tuổi trở lên rất chậm tăng chiều cao.

Các dấu hiệu khác của bệnh gồm:

  • Khuôn mặt trẻ hơn tuổi thật.
  • Mặt ngắn, mũi nhỏ, gãy.
  • Mắt hơi lồi.
  • Cổ ngắn.
  • Tóc và móng yếu, kém phát triển.
  • Chậm mọc răng.
  • Dậy thì muộn.
  • Hạ đường huyết (ở trẻ sơ sinh và trẻ mới tập đi).
  • Bé trai có dương vật rất nhỏ.

2.2. Ở người trưởng thành

Người trưởng thành mắc bệnh lùn tuyến yên thường khó phát hiện, do các triệu chứng không quá rõ ràng, có thể gồm:

  • Giọng cao.
  • Buồn rầu, lo lắng, trầm cảm, khó vui vẻ.
  • Mỡ tập trung nhiều ở vùng bụng.
  • Giảm trương lực cơ.
  • Giảm mật độ xương, dễ loãng xương.
  • Nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 do tình trạng kháng insulin.
  • Nguy cơ mắc bệnh tim mạch do tăng mức cholesterol xấu (LDL).
Người bệnh lùn tuyến yên thường sa sút tinh thần, buồn rầu
Người bệnh lùn tuyến yên thường sa sút tinh thần, buồn rầu, lo lắng.

Bệnh lùn tuyến yên có sinh con được không?

Người mắc bệnh lùn tuyến yên khó có khả năng sinh con do thiếu hụt các hormone quan trọng như LH và FSH, khiến chu kỳ kinh nguyệt ở nữ bị rối loạn hoặc mất rụng trứng, còn nam giới giảm hoặc không sản xuất tinh trùng.

Ngoài ra, sự thiếu hụt hormone tăng trưởng (GH) và các hormone khác của tuyến yên cũng gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và phát triển cơ quan sinh dục. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ y học như liệu pháp hormone thay thế và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, khả năng sinh con vẫn có thể cải thiện nếu được điều trị đúng cách.

Vấn đề mang thai ở người bị lùn tuyến yên

Lùn tuyến yên có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cả nam và nữ giới. Bệnh gây giảm ham muốn tình dục và xuất hiện các vấn đề về tình dục như: rối loạn cương dương, rối loạn kinh nguyệt…

1. Đối với nữ giới

Bộ phận sinh dục kém phát triển. Ở nữ giới có buồng trứng, tử cung nhỏ, không có kinh nguyệt và không ham muốn tình dục.

2. Đối với nam giới

Với nam giới, có thể gặp chứng ẩn tinh hoàn, rối loạn cương dương.

Tuy nhiên, vẫn có đáp án khác cho thắc mắc người bệnh lùn tuyến yên có sinh con được không. Đó là: nếu người bệnh được phát hiện và điều trị ngay từ sớm, họ vẫn có thể trải qua tuổi dậy thì và trưởng thành về mặt tình dục một cách bình thường, vẫn có khả năng sinh sản, do đó vẫn có thể sinh con.

Bị lùn tuyến yên có di truyền không?

Có. Bệnh lùn tuyến yên được di truyền theo gen lặn trên nhiễm sắc thể thường. Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong bệnh lùn tuyến yên. Các đột biến gen có thể ảnh hưởng đến cách tuyến yên sản xuất hoặc tiết ra hormone, dẫn đến thiếu hụt hormone GH. (2)

Lùn tuyến yên là bệnh di truyền theo gen lặn
Lùn tuyến yên là bệnh di truyền theo gen lặn trên nhiễm sắc thể thường.

Cách điều trị lùn tuyến yên hiệu quả

Trẻ bị lùn tuyến yên nếu không được điều trị từ sớm, bỏ qua giai đoạn tăng trưởng quan trọng (từ 3 – 7 tuổi) thì sẽ không thể bắt kịp đà tăng trưởng, không thể cao thêm được. Để điều trị bệnh lùn tuyến yên, cần phối hợp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả tối ưu: (3)

  • Kích thích quá trình tăng trưởng bằng hormone tăng trưởng tổng hợp. Đây là phương pháp điều trị lâu dài, cần duy trì liên tục, điều chỉnh liều thuốc theo giai đoạn, tái khám định kỳ để đảm bảo quá trình điều trị đúng hướng. Liệu pháp này có thể giúp người bệnh tăng chiều cao từ 10cm – 12cm trong năm đầu tiên, sau đó tăng chậm hơn. Người bệnh cần duy trì sử dụng hormone tăng trưởng tổng hợp cho đến khi đạt đến chiều cao mong muốn hoặc khi tốc độ tăng trưởng chiều cao giảm xuống dưới 2,5cm/năm.
  • Người bệnh bị suy chức năng các tuyến đích do tuyến yên kiểm soát, gồm tuyến giáp, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục: bổ sung hormone cortisol và hormone tuyến giáp (thyroxine và triiodothyronine) thay thế liên tục từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành. Với người bệnh đái tháo nhạt, cần duy trì sử dụng desmopressin dạng viên hoặc dạng xịt mũi suốt đời. Người bệnh dậy thì muộn cần chỉ định sử dụng steroid sinh dục.

Biến chứng bệnh lùn tuyến yên

Một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh lùn tuyến yên là gây thấp lùn và dậy thì muộn. Bên cạnh đó, người bệnh khi trưởng thành cũng có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ cao hơn bình thường. Người trưởng thành mắc lùn tuyến yên có nguy cơ loãng xương cao hơn, do đó dễ gãy xương khi té ngã hoặc chấn thương. (4)

Bệnh lùn tuyến yên cũng có thể gây thiếu hụt các hormone tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục và dẫn đến nhiều rối loạn, do tuyến yên chi phối hoạt động của các tuyến này. Những hormone người bệnh có thể thiếu gồm:

  • Thyrotropin (ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone tuyến giáp).
  • Vasopressin (kiểm soát sự cân bằng nước trong cơ thể).
  • Gonadotropin (chi phối quá trình sản xuất hormone sinh dục).
  • Hormone kích thích vỏ thượng thận hoặc ACTH (kiểm soát quá trình sản xuất các hormone tuyến thượng thận như: cortisol, DHEA…).
Người bệnh lùn tuyến yên có nguy cơ mắc bệnh tim
Người bệnh lùn tuyến yên có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ cao hơn bình thường.

Phòng ngừa bệnh lùn tuyến yên

Bệnh lùn tuyến yên không thể phòng ngừa, do đây là bệnh có yếu tố di truyền hoặc do chấn thương tuyến yên. Có thể thực hiện một số phương pháp giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh như:

  • Khám sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện và can thiệp sớm khi có dấu hiệu bệnh.
  • Điều trị, kiểm soát tốt các bệnh nền.
  • Rèn luyện thể chất, chơi thể thao thường xuyên để kiểm soát cân nặng.
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng.
  • Xây dựng thực đơn lành mạnh, cân bằng, đảm bảo đủ chất. Hạn chế các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn hộp, đồ ngọt…
  • Uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày.
Bác sĩ Đơn vị Nội tiết đang tư vấn cho khách hàng
Bác sĩ Đơn vị Nội tiết – Đái tháo đường, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 đang tư vấn cho khách hàng về bệnh lùn tuyến yên.

Để khám, tư vấn và điều trị bệnh lùn tuyến yên và các chứng rối loạn nội tiết khác tại Đơn vị Nội tiết – Đái tháo đường, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

Trên đây là các thông tin giải đáp thắc mắc: “Người bệnh lùn tuyến yên có sinh con được không?” Lùn tuyến yên có thể được phát hiện sớm ở trẻ nhỏ, thông qua các dấu hiệu lâm sàng dễ nhận biết. Do đó, ngay khi phát hiện những bất thường về sức khỏe, nghi ngờ liên quan đến rối loạn tuyến yên ở trẻ, ba mẹ cần nhanh chóng đưa con đến khoa Nội tiết để khám, tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

Chỉ số BMI là gì? Cách tính chỉ số béo phì BMI theo hướng dẫn

Advertisements Tình trạng béo phì ở người trưởng thành trên toàn thế giới đã tăng …

Bạn đang xem Bệnh lùn tuyến yên có sinh con được không? Cần lưu ý những gì?