Suy giáp xuất hiện ở 4,6% dân số (với tỷ lệ dưới lâm sàng cao hơn so với lâm sàng), trong khi cường giáp chỉ xuất hiện ở 1,3% dân số (với tỷ lệ dưới lâm sàng và lâm sàng gần bằng nhau) (1). Nếu bệnh diễn biến nặng hơn có khả năng gây các cơn đau thắt ngực khi người bệnh gắng sức, tràn dịch màng tim, nghiêm trọng hơn là suy tim, nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong đột ngột. Dưới đây là các thông tin giải đáp bệnh suy giáp là thiếu chất gì, bổ sung dưỡng chất gì để giảm nguy cơ suy giáp.
Bệnh suy giáp là gì?
Bệnh suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém, không tạo đủ hormone tuyến giáp để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ, có hình cánh bướm. Hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến hầu hết cơ quan trong cơ thể, thậm chí cả nhịp tim. Nếu không có đủ hormone tuyến giáp, nhiều chức năng của cơ thể sẽ chậm lại. (2)
Bệnh suy giáp là thiếu chất gì?
Bệnh suy giáp là thiếu chất gì là vấn đề được nhiều người thắc mắc. Một số chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động của tuyến giáp như: (3)
1. Iốt
Iốt là khoáng chất thiết yếu để tạo ra hormone tuyến giáp. Thực tế cho thấy thiếu iốt là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giáp trên toàn thế giới. Những người không sử dụng muối iốt, phụ nữ mang thai và người theo chế độ ăn thuần chay có nguy cơ thiếu iốt.
Tuy nhiên, người bệnh suy giáp không nên tự ý bổ sung iốt trừ khi có chỉ định của bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường. Dùng quá nhiều iốt có thể gây hại cho tuyến giáp và dẫn đến cường giáp.
2. Selen
Selen là khoáng chất thiết yếu, giúp tuyến giáp sản xuất đủ hormone và bảo vệ tuyến này khỏi hư hại do stress oxy hóa. Bổ sung selen mỗi ngày giúp giảm kháng thể tuyến giáp và cải thiện một số triệu chứng ở người bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto. Liều lượng selen bổ sung cần theo chỉ định của bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường.
Viện Y tế Quốc gia Mỹ khuyến cáo: người trưởng thành chỉ được hấp thu tối đa 400 mcg selen/ngày. Dung nạp quá nhiều selen có thể gây ngộ độc cấp, với các triệu chứng như rụng tóc và móng tay, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, buồn nôn và phát ban. Ngộ độc selen cấp tính có thể gây suy thận, đau tim và các vấn đề về hô hấp, đe dọa đến tính mạng.
3. Kẽm
Giống như selen, kẽm cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp và ổn định chức năng tuyến giáp. Người bệnh suy giáp có thể dùng kẽm riêng lẻ hoặc kết hợp với các chất khoáng chất khác như selen và vitamin A để cải thiện chức năng tuyến giáp.

Nguyên nhân gây bệnh suy giáp
Suy giáp là bệnh tương đối phổ biến ở người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh suy giáp:
- Viêm giáp Hashimoto: Đây là bệnh rối loạn tự miễn, cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giáp. Hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ tấn công tuyến giáp, gây viêm tuyến giáp và không thể sản xuất đủ hormone giáp.
- Viêm tuyến giáp bán cấp, viêm giáp xơ hóa, viêm giáp sau sinh: Gây suy giáp thoáng qua hoặc vĩnh viễn.
- Suy giáp bẩm sinh hoặc suy giáp xuất hiện khi mới sinh: Một số trẻ sinh ra có tuyến giáp chưa phát triển đầy đủ hoặc hoạt động không bình thường. Nếu không được điều trị, bệnh suy giáp bẩm sinh có thể dẫn đến thiểu năng trí tuệ và chậm tăng trưởng. Điều trị sớm có thể ngăn ngừa những nguy cơ này.
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp: Sau phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp, phần còn lại có thể sản xuất ra lượng hormone tuyến giáp bình thường. Nhưng một số người thực hiện phẫu thuật này vẫn có khả năng bị suy giáp. Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp luôn dẫn đến suy giáp.
- Xạ trị tuyến giáp bằng Iod 131: Là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh cường giáp hoặc ung thư tuyến giáp, tuy nhiên chúng sẽ dần dần phá hủy các tế bào tuyến giáp, gây suy giáp. Xạ trị ở người bệnh ung thư vùng đầu, mặt, cổ cũng có thể gây suy giáp.
- Một số loại thuốc có thể cản trở quá trình sản xuất hormone tuyến giáp và dẫn đến suy giáp, gồm thuốc tim mạch, thuốc rối loạn lưỡng cực, thuốc điều trị ung thư. Đặc biệt, một số loại thuốc điều trị ung thư được phát triển gần đây có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tuyến giáp.
- Thiếu iốt trong chế độ ăn uống: Iốt đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển cơ thể, giúp tuyến giáp sản xuất hormone thyroxine. Thyroxine có chức năng kiểm soát hoạt động của tế bào, có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển của hệ thống thần kinh, xương, đồng thời tham gia chuyển hóa chất béo, protein và carbohydrate trong cơ thể.
- Rối loạn tuyến yên hoặc vùng dưới đồi: Tuyến yên là tuyến nội tiết có kích thước nhỏ nhưng ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều tuyến khác trong cơ thể. Vì vậy rối loạn tuyến yên có nguy cơ gây nhiều bệnh, trong đó có suy giáp.
Triệu chứng bệnh suy giáp
Suy giáp có nhiều triệu chứng, có thể khác nhau ở mỗi người. Các triệu chứng phổ biến gồm:
- Mệt mỏi.
- Tăng cân.
- Cảm thấy lạnh.
- Táo bón.
- Đau khớp và cơ.
- Da khô, bong vảy hoặc tóc khô, mỏng, dễ gãy rụng.
- Kinh nguyệt nhiều hoặc không đều.
- Bất thường về khả năng sinh sản.
- Nhịp tim chậm.
- Trầm cảm,…
Vì bệnh suy giáp phát triển chậm, người bệnh có thể không nhận thấy các triệu chứng trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Nhiều triệu chứng trong số này, đặc biệt là mệt mỏi và tăng cân, là những triệu chứng phổ biến và không nhất thiết có liên quan đến suy giáp.
Nguồn bổ sung dưỡng chất cho người bệnh suy giáp
Bổ sung các thực phẩm giàu iốt, selen và kẽm có thể giúp duy trì chức năng tuyến giáp khỏe mạnh. Tuy nhiên, chỉ nên ăn các thực phẩm này với lượng vừa đủ để không làm rối loạn chức năng tuyến giáp. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung các dưỡng chất này để đảm bảo phù hợp với tình trạng sức khỏe. (4)
1. Thực phẩm giàu iốt
Các thực phẩm giàu iốt gồm:
- Phô mai.
- Sữa.
- Muối iốt.
- Hải sản.
- Rong biển.
- Rau câu
- Trứng.

2. Các thực phẩm giàu selen
Danh sách các thực phẩm giàu selen gồm:
- Cá ngừ.
- Tôm.
- Thịt bò.
- Thịt gà.
- Trứng.
- Yến mạch.
- Gạo lứt.
3. Các thực phẩm giàu kẽm
Các thực phẩm giàu kẽm gồm:
- Hàu.
- Thịt bò.
- Cua.
- Ngũ cốc.
- Thịt heo
- Thịt gà.
- Các loại đậu.
- Hạt bí ngô.
- Sữa chua.
Cách phòng bệnh suy giáp
Hiện các bác sĩ vẫn chưa khẳng định cách phòng bệnh suy giáp triệt để. Vì vậy cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng này là khám sức khỏe định kỳ để tầm soát suy giáp. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bệnh, bạn nên đến khám tại chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM để được tư vấn. (5)

Khoa quy tụ đội ngũ bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm khám, điều trị bệnh tiểu đường, bướu giáp, cường giáp, suy giáp, béo phì, bệnh lý tuyến thượng thận, tuyến yên;… cùng với hệ thống máy móc hiện đại, nhập khẩu chính hãng từ Châu Âu – Mỹ; khu điều trị nội trú tiêu chuẩn khách sạn, giúp người bệnh yên tâm trong quá trình chữa trị để đạt kết quả tối ưu nhất.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Để cải thiện sức khỏe tuyến giáp và ngăn ngừa các biến chứng, việc biết bệnh suy giáp là thiếu chất gì và nguồn bổ sung dưỡng chất tốt là điều cần thiết. Vì vậy ngoài việc khám sức khỏe định kỳ để chủ động bảo vệ sức khỏe, nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng và điều độ, thường xuyên tập luyện thể dục để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Source link