Béo phì gây vô sinh có thật không? Ảnh hưởng như thế nào?

Không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: tiểu đường type 2, tim mạch, xương khớp…, béo phì còn được coi là một trong những nguy cơ hàng đầu ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Béo phì gây vô sinh có thật không? Thừa cân, béo phì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả 2 giới như thế nào? Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ CKII Trương Thị Vành Khuyên, Trung tâm Giảm cân Bệnh viện Tâm Anh.

béo phì gây vô sinh

 

Béo phì gây vô sinh có thật không?

Có. Béo phì ở cả nam giới và phụ nữ đều là yếu tố nguy cơ góp phần gây vô sinh. Béo phì gây rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng đến chất lượng, số lượng tinh trùng và trứng, giảm hoặc ngưng rụng trứng…, từ đó làm suy giảm khả năng sinh sản.

Mối liên hệ giữa béo phì và khả năng sinh sản

Phụ nữ thừa cân, béo phì có nguy cơ rối loạn kinh nguyệt, không rụng trứng cao, dẫn đến tình trạng vô sinh, hiếm muộn ở cả phụ nữ thụ thai tự nhiên và thụ thai có hỗ trợ (gồm kích thích rụng trứng, thụ tinh trong ống nghiệm, tiêm tinh trùng vào bào tương). Ngoài ra, béo phì còn làm tăng tỷ lệ sảy thai và nguy cơ biến chứng thai kỳ. Do đó, phụ nữ béo phì tăng nguy cơ sinh con không khỏe mạnh. (1)

banner post 1000 ca giảm cân

Bên cạnh đó, béo phì cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới do làm giảm số lượng, chất lượng tinh trùng và gây rối loạn cương dương.

ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Béo phì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ giới.

Tỷ lệ vô sinh giữa béo phì và thừa cân

Các nghiên cứu được tiến hành tại Viện Khoa học về sức khỏe môi trường quốc gia Mỹ (NIEHS) kết luận: nam giới có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao có nguy cơ vô sinh cao hơn đáng kể so với nam giới có cân nặng bình thường. Theo đó, nam giới tăng 20 pound (khoảng 9kg) có thể tăng 10% nguy cơ vô sinh. (2)

Nghiên cứu “Béo phì ảnh hưởng đến khả năng mang thai tự nhiên ở phụ nữ Châu Âu hiếm muộn, có rụng trứng” của Jan-Willem van der Steeg và các cộng sự đã chỉ ra rằng: khả năng mang thai tự nhiên ở phụ nữ giảm 5% trên mỗi đơn vị BMI vượt quá 29kg/m2. (3)

Đăng ký tư vấn về thừa cân, béo phì tại đây

button tư vấn thừa cân béo phì

Nguyên nhân béo phì gây vô sinh ở nam giới

Nhiều nghiên cứu đã thể hiện mối liên hệ giữa béo phì ở nam giới và nguy cơ vô sinh. Sự suy giảm các thông số tinh dịch song song với tình trạng béo phì có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới. Ngoài chất lượng tinh dịch suy giảm, khả năng sinh sản ở nam giới béo phì có thể bị ảnh hưởng bởi rối loạn chức năng tình dục, bệnh lý nội tiết, hoạt động chuyển hóa androgen, tác động về mặt tâm lý, tình trạng ngưng thở khi ngủ, leptin và các yếu tố gây viêm, tình trạng tắc nghẽn do viêm mào tinh hoàn, giảm thể tích tinh hoàn và quá trình sinh tinh.

1. Rối loạn nội tiết tố

Mỡ thừa gây giảm sản xuất hormone testosterone và hormone giải phóng gonadotropin (GnRH). GnRH suy giảm sẽ ảnh hưởng đến nồng độ hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH), là những hormone rất quan trọng đối với sự phát triển của tinh trùng. Nghiên cứu cho thấy nam giới thừa cân có mức testosterone thấp hơn 24% và nam giới béo phì có mức testosterone thấp hơn 26% so với người có cân nặng bình thường.

2. Giảm số lượng và chất lượng tinh trùng

Người béo phì thường suy giảm testosterone, hormone FSH, inhibin B và globulin gắn hormone sinh dục (SHBG), dẫn đến suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Ngoài ra, để sản xuất tinh trùng khỏe mạnh, tinh hoàn phải mát hơn nhiệt độ cơ thể bình thường. Nam giới béo phì thường có nhiều mỡ ở bụng, đùi trong và vùng mu, có thể làm tăng nhiệt độ ở bìu và ức chế sản sinh tinh trùng. Nhiệt độ cao cũng gây phân mảnh DNA và tăng stress oxy hóa, làm suy giảm chức năng tinh dịch, dẫn đến vô sinh. (4)

3. Rối loạn cương dương

Mỡ thừa khiến hormone testosterone được chuyển đổi thành estrogen và estrogen làm giảm sự kích thích tinh hoàn, gây rối loạn cương dương. Cùng với đó là các yếu tố tâm lý cũng khiến nam giới gặp khó khăn trong “chuyện ấy”.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa chỉ số khối cơ thể (BMI) của nam giới và kết quả của công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) đã phân tích dữ liệu từ 729 chu kỳ của người bệnh nữ từ 38 tuổi trở xuống, có BMI bình thường và đã được điều trị IVF từ tháng 1/2013 đến tháng 6/2014.

Người bệnh được chia thành nhóm cân nặng bình thường (n = 358), thừa cân (n = 267) và béo phì (n = 104) theo BMI của bạn tình nam của họ. Sự phát triển phôi thai và kết quả mang thai ở 3 nhóm này như sau: khi BMI tăng, tỷ lệ thụ tinh giảm (P < 0,05); nhưng tỷ lệ phân cắt phôi và tỷ lệ phôi hiệu quả không bị ảnh hưởng đáng kể (P > 0,05).

Không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ mang thai hoặc tỷ lệ sảy thai sớm (P > 0,05) giữa 3 nhóm. Kết luận: BMI cao ở nam giới ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ tinh với ART. Các nhà nghiên cứu khuyên nam giới trong độ tuổi sinh sản nên điều chỉnh lối sống và nỗ lực kiểm soát cân nặng.

chất lượng tinh dịch suy giảm
Ngoài chất lượng tinh dịch suy giảm, khả năng sinh sản ở nam giới béo phì có thể bị ảnh hưởng bởi rối loạn chức năng tình dục, bệnh lý nội tiết, tâm lý…

Nguyên nhân béo phì gây vô sinh ở nữ giới

Béo phì là một trong những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ vô sinh ở nữ giới. Béo phì gây nhiều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ, cụ thể:

1. Rối loạn nội tiết

Phụ nữ béo phì có sự gia tăng chuyển đổi androgen thành estrogen, gây suy giảm hormone hướng sinh dục GnRH, dẫn đến hormone LH và FSH cũng giảm. Kháng insulin và tăng insulin máu ở phụ nữ béo phì dẫn đến tăng androgen máu. Nồng độ globulin gắn hormone sinh dục (SHBG) giảm, hormone tăng trưởng (GH) giảm và protein gắn yếu tố tăng trưởng giống insulin (IGFBP) giảm và nồng độ leptin tăng. Do đó, trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục (HPG) bị ảnh hưởng, khiến chu kỳ rụng trứng không đều hoặc không rụng trứng.

2. Khó khăn trong thụ thai

Béo phì gây giảm tỷ lệ thụ thai thành công, do nang noãn kém phát triển, suy giảm số lượng và chất lượng của trứng, ảnh hưởng quá trình phát triển phôi và làm tổ. Béo phì còn có thể ảnh hưởng đến buồng trứng và nội mạc tử cung, làm tăng tình trạng viêm nhiễm phụ khoa, từ đó suy yếu chức năng sinh sản.

3. Tác động xấu đến quá trình rụng trứng

Rối loạn hormone do thừa cân, béo phì gây ảnh hưởng xấu đến quá trình rụng trứng. Cụ thể, tình trạng này gây tăng sản xuất insulin, rối loạn chu kỳ rụng trứng. Béo phì kết hợp dư thừa insulin gây hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), với các đặc trưng: chu kỳ kinh nguyệt không đều, không rụng trứng (rụng trứng giảm hoặc ngừng), béo phì và nồng độ hormone nam (androgen) tăng cao.

Ảnh hưởng của béo phì đến sức khỏe sinh sản

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, béo phì còn làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ và ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh:

1. Biến chứng thai kỳ

Do những rối loạn trên, phụ nữ thừa cân, béo phì có xu hướng khó mang thai hơn phụ nữ có cân nặng bình thường. Khi đã mang thai, họ cũng có nguy cơ biến chứng thai kỳ cao hơn.

Mối liên quan giữa béo phì và sảy thai đã được báo cáo ở cả thụ thai tự nhiên và thụ thai hỗ trợ. Nghiên cứu về béo phì và nguy cơ sảy thai tự nhiên của José Bellver và cộng sự báo cáo: phụ nữ béo phì có 38,1% nguy cơ sảy thai, trong khi tỷ lệ này là 13,3% ở người có BMI bình thường. Nguyên nhân có thể do béo phì ảnh hưởng đến phôi thai hoặc nội mạc tử cung hoặc cả 2. Cũng có thể do béo phì có mối quan hệ nhân quả với một số rối loạn nội tiết như PCOS, suy giáp và kháng insulin, làm tăng nguy cơ sảy thai.

Ngoài ra, béo phì còn dẫn đến các biến chứng thai kỳ khác như: tiền sản giật, cao huyết áp khi mang thai, tiểu đường thai kỳ. Các vấn đề này diễn ra trong thai kỳ làm tiên lượng sản khoa của cả mẹ và bé xấu hơn các bà mẹ không béo phì.

2. Ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống vợ chồng

Người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh về tâm lý như: trầm cảm, rối loạn lưỡng cực… Do tâm lý tự ti, dễ stress, suy nghĩ thiếu lạc quan, hay lo lắng…, người béo phì khó đạt được hạnh phúc trọn vẹn trong đời sống vợ chồng.

phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc
Khi đã mang thai, phụ nữ béo phì có nguy cơ biến chứng thai kỳ cao.

Cách ngăn ngừa và điều trị vô sinh do béo phì

Không chỉ thắc mắc béo phì gây vô sinh có thật không, những cách ngăn ngừa và điều trị vô sinh do béo phì cũng được nhiều người quan tâm. Để cải thiện khả năng sinh sản do tình trạng thừa cân, béo phì, người bệnh cần thực hiện những thay đổi tích cực trong lối sống hoặc tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ, cụ thể:

1. Giảm cân

Giảm cân là mục tiêu đầu tiên trong hành trình điều trị vô sinh do béo phì. Nghiên cứu cho thấy nam giới béo phì khi giảm cân có thể làm tăng đáng kể tổng số lượng tinh trùng và tỷ lệ tinh trùng có hình thái bình thường. Giảm cân ở phụ nữ thừa cân, béo phì có thể ổn định chu kỳ rụng trứng, tăng khả năng thụ thai thành công.

2. Lối sống lành mạnh

Vận động thể chất đã được chứng minh có thể làm giảm các chất trung gian gây viêm toàn thân, góp phần cải thiện khả năng sinh sản cho người thừa cân, béo phì. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế thực phẩm giàu chất béo xấu và protein động vật, ưu tiên thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, sữa nhiều chất béo và vitamin tổng hợp có thể kiểm soát cân nặng và tốt cho sức khỏe sinh sản. Bên cạnh đó, nên tập các thói quen sống lành mạnh như: không thức khuya, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá…

3. Can thiệp quá trình sinh sản

Khi vợ, chồng hoặc cả vợ và chồng hiếm muộn, vô sinh, bất kể vì lý do gì, có thể nhờ đến các phương pháp can thiệp để hỗ trợ thụ thai. Nghiên cứu gần đây so sánh tỷ lệ thành công của 5800 lần thụ tinh trong ống nghiệm với BMI của những người tham gia là nữ cho thấy: phụ nữ béo phì có tỷ lệ thụ tinh thành công thấp hơn so với phụ nữ thừa cân (BMI từ 25 – 30) và phụ nữ có cân nặng bình thường (BMI từ 20 – 25).

Ngoài ra, phụ nữ béo phì cũng có tỷ lệ thành công thấp hơn khi cấy phôi (13% so với 19% ở phụ nữ có cân nặng bình thường). Do đó, bác sĩ luôn khuyến khích người thừa cân, béo phì nên giảm cân trước khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản.

vận động thể chất góp phần cải thiện khả năng sinh sản
Vận động thể chất góp phần cải thiện khả năng sinh sản cho người thừa cân, béo phì.

Câu hỏi thường gặp

Dưới đây là những thắc mắc thường gặp về chủ đề béo phì gây vô sinh:

1. Bị béo phì cần xét nghiệm gì để đánh giá khả năng sinh sản?

  • Đối với nam giới: tinh dịch đồ, xét nghiệm FSH/Follicular stimulating hormone, xét nghiệm LH/Luteinizing hormone và Testosterone, siêu âm tinh hoàn…
  • Đối với nữ giới: xét nghiệm các chỉ số hormone, đánh giá dự trữ buồng trứng, phân tích nước tiểu, siêu âm buồng trứng, tử cung…

2. Phẫu thuật béo phì ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản?

Nếu việc thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục không hiệu quả, có thể cân nhắc phẫu thuật béo phì nếu bạn:

  • BMI ≥40.
  • BMI ≥35 và yếu tố nguy cơ.
  • BMI ≥30 và tiểu đường type 2.
  • Thất bại với các phương pháp giảm cân khác.

Phụ nữ đã phẫu thuật béo phì nên mang thai sau khi phẫu thuật ít nhất 18 tháng.

3. Phụ nữ mang thai bị béo phì cần chú ý điều gì?

Cần giảm cân bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng phù hợp, vận động hợp lý. Ngoài ra, nên duy trì lịch khám thai đều đặn để sớm phát hiện và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm liên quan đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi.

Người thừa cân, béo phì không nên tự ý sử dụng các loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, không theo chỉ định của bác sĩ hoặc những phương pháp giảm cân không khoa học để tránh các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Nếu gặp khó khăn khi giảm cân theo các phương pháp thông thường, khách hàng nên đến Trung tâm Giảm cân Bệnh viện Tâm Anh để được tư vấn bởi các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm.

Đây là trung tâm điều trị giảm cân, giảm béo đầu tiên tại Việt Nam đặt trong hệ thống bệnh viện đa khoa, với 88% khách hàng hài lòng với kết quả giảm cân sau tháng điều trị đầu tiên. Con số này tăng lên 98% sau tháng thứ 3.

Khách hàng được tư vấn điều trị theo phác đồ chuẩn y khoa, đa mô thức hiện đại, kết hợp sử dụng các loại thuốc giảm cân thế hệ mới, máy móc công nghệ cao, tư vấn dinh dưỡng, vận động, tâm lý trị liệu, phẫu thuật (nếu cần thiết)…, theo tiêu chí hiệu quả, an toàn, dễ thực hiện. Các loại thuốc và máy móc tại Trung tâm được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan Y tế Châu Âu (EMA) công nhận trên phạm vi toàn cầu và Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng.

Khách hàng không cần kiêng khem khắt khe, không vận động nặng, không gặp các tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, mất nước, tiêu chảy… và không tăng cân ồ ạt sau khi kết thúc liệu trình. Liệu trình điều trị giảm cân, giảm béo của Trung tâm Giảm cân Bệnh viện Tâm Anh mang đến hiệu quả toàn diện: giảm cân, giảm mỡ, nhất là mỡ nội tạng, thon gọn dáng, phòng ngừa và kiểm soát các nguy cơ sức khỏe do thừa cân, béo phì (bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ, tiểu đường…).

chị phạm thị ánh dương giảm 7kg trong 3 tháng
Chị Phạm Thị Ánh Dương giảm 7kg trong 3 tháng tại Trung tâm Giảm cân Bệnh viện Tâm Anh.
anh phạm quốc tuấn giảm 9kg trong 3 tháng
Anh Phạm Quốc Tuấn giảm 9kg trong 3 tháng điều trị tại Trung tâm Giảm cân Bệnh viện Tâm Anh, anh ngủ ngon hơn, không còn thở dốc, đau khớp.

Trên đây là các thông tin giải đáp thắc mắc: béo phì gây vô sinh có thật không và những ảnh hưởng của thừa cân, béo phì đến khả năng sinh sản. Người thừa cân, béo phì cần hiểu được những nguy cơ sức khỏe có thể mắc phải do thừa cân, béo phì, từ đó có động lực để giảm cân, kết hợp giữa vận động, thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng…


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

Rối loạn chuyển hóa gây béo phì có đúng hay không?

Rối loạn chuyển hóa là một nhóm yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng …

Bạn đang xem Béo phì gây vô sinh có thật không? Ảnh hưởng như thế nào?