Advertisements
Chỉ một vết xước nhỏ trên da người bệnh đái tháo đường cũng có thể là nguy cơ hình thành ổ nhiễm trùng nghiêm trọng. Do đó, khi cắt móng cho người đái tháo đường cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh để lại vết thương. Dưới đây là các thông tin tư vấn cách cắt móng an toàn cho người bệnh đái tháo đường, được thạc sĩ, bác sĩ nội trú Hà Đình Khải, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ.
Tổng quan bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là bệnh về rối loạn chuyển hóa có liên quan đến hormone insulin (một loại hormone do tuyến tụy tiết ra). Biểu hiện đặc trưng của người bệnh đái tháo đường là chỉ số đường trong máu cao vượt mức bình thường. Nguyên nhân bệnh do thiếu hụt insulin, đề kháng insulin hoặc cả hai.
Người bệnh đái tháo đường không thể chuyển hóa đường trong thực phẩm hàng ngày để tạo ra năng lượng cho cơ thể, do đó đường bị tích tụ lại trong máu. Khi đường huyết ở mức cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng ở nhiều cơ quan như: tim mạch, thần kinh, thận, mắt…
Dưới đây là những thống kê đáng chú ý về bệnh đái tháo đường toàn cầu từ Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF):
- Dự kiến có 643 triệu người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường vào năm 2030, và con số này sẽ tăng lên 783 triệu vào năm 2045.
- Cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường.
- Gần một nửa trường hợp đái tháo đường không được chẩn đoán.
Tại lễ mít-tinh Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường, ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Hơn 55% ca đã xuất hiện biến chứng, trong đó 34% ca biến chứng tim mạch, 39,5% ca biến chứng mắt và biến chứng thần kinh, 24% ca biến chứng thận.
Đái tháo đường là bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nhưng hiện chưa có phương pháp điều trị triệt để. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm có thể giúp người bệnh kiểm soát tối ưu các biến chứng.
Ngay khi có bất cứ bất thường nào về sức khỏe nghi ngờ liên quan đến đái tháo đường, người bệnh nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường để khám, tầm soát. Người bệnh đái tháo đường cần tuyệt đối tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ, kiểm soát chặt chẽ lượng đường huyết để ổn định sức khỏe, ngăn ngừa và kìm hãm các biến chứng.
Cắt móng cho người đái tháo đường có được không?
Người đái tháo đường vẫn cắt móng được. Nhưng nên cắt móng cho người đái tháo đường một cách cẩn thận, đúng quy cách. Bởi các vết cắt trên da người bệnh tuy nhỏ nhưng rất khó lành, nếu không được điều trị đúng cách có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc cắt móng cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tại cơ sở y tế, người bệnh hạn chế tự làm tại nhà.
Người bệnh đái tháo đường nên chú ý chăm sóc bàn chân mỗi ngày. Sau khi rửa chân bằng xà phòng và nước ấm, nên vỗ nhẹ để da khô tự nhiên. Không nên sử dụng khăn lau hoặc chà xát vào vùng bàn chân, tránh trầy xước. Sau đó, người bệnh thoa kem dưỡng ẩm để hạn chế tình trạng khô, nứt da chân.
Cách cắt móng cho người đái tháo đường an toàn
Thực hiện cắt móng chân cho người bệnh đái tháo đường đòi hỏi sự tập trung và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Dưới đây là quy trình cắt móng an toàn cho người bệnh:
- Ngâm bàn tay, bàn chân người bệnh vào nước ấm vừa phải để làm mềm móng. Thời gian ngâm không quá 5 phút. Nếu thực hiện cắt móng tại nhà, có thể cắt sau khi người bệnh tắm xong.
- Dùng khăn mềm nhẹ nhàng thấm khô bàn tay, bàn chân. Chú ý các vị trí kẽ ngón.
- Dùng kìm cắt móng cắt theo chiều ngang của móng. Làm sạch vùng da bị nhiễm nấm (nếu có). Chỉ cắt ngang, không cắt móng lượn tròn theo mép da ở đầu ngón tay, ngón chân. Không cắt móng quá ngắn, sát da vì có thể gây đau hoặc phồng rộp đầu ngón.
- Sử dụng thanh giũa hoặc máy mài để giũa nhẹ ngang viền móng vừa cắt xong. Không nên giũa vào phần da xung quanh để tránh tình trạng phồng rộp da.
- Sau khi cắt móng, kiểm tra kỹ các đầu ngón chân, đầu ngón tay để đảm bảo vùng da quanh móng không bị trầy xước, tổn thương.
Cắt móng cho người đái tháo đường cần thực hiện nhẹ nhàng. Đặc biệt, với người bệnh lớn tuổi có móng tay, chân dày và giòn, cần cắt chậm, chính xác. Tuyệt đối không lấy khóe móng chân người bệnh bởi có thể gây tổn thương móng, ngón chân.
Trong trường hợp người bệnh không thể tự cắt móng hoặc người nhà không thể thực hiện một cách an toàn, có thể đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường hoặc Đơn vị chăm sóc bàn chân để được hỗ trợ nhanh chóng.
Mối nguy cơ khi cắt móng cho người đái tháo đường
Khi cắt móng cho người đái tháo đường không đúng cách, biến chứng thường gặp nhất là nhiễm trùng do các vết cắt tổn thương da và trầy xước. Người bệnh đái tháo đường rất dễ bị nhiễm trùng do đường huyết cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Bệnh cũng gây suy giảm đề kháng, khiến các vết thương chậm lành. Do đó, chỉ một vết xước rất nhỏ trên da người bệnh cũng có thể gây ra ổ áp xe.
Các trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng không được điều trị kịp thời có thể gây lở loét nặng, hoại tử, dẫn đến cắt cụt chi rất đáng tiếc.
Quy trình chăm sóc bàn chân tiểu đường sau cắt móng
Quy trình chăm sóc bàn chân đái tháo đường sau khi cắt móng cũng rất quan trọng, giúp người bệnh phát hiện và điều trị sớm các tổn thương trên da nếu có. (1)
- Sau khi cắt móng cho người bệnh, vệ sinh sạch vùng da quanh móng, bàn chân, lòng bàn chân. Kiểm tra kỹ các vùng da ở kẽ móng chân, lòng bàn chân và gót chân.
- Thoa kem dưỡng ẩm để làm mềm da, tập trung vùng gót chân, mu bàn chân và lòng bàn chân, nhất là với người bệnh bị khô da, có vết chai chân. Tránh thoa vùng kẽ ngón vì có thể gây nhiễm trùng.
Một lưu ý quan trọng khi chăm sóc bàn chân người bệnh đái tháo đường là không nên tự loại bỏ các vết chai chân bằng dụng cụ cắt móng, bởi có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng. Người bệnh nên đến bệnh viện để được các nhân viên y tế loại bỏ những vùng chai này một cách an toàn theo quy trình chuẩn của Bộ Y Tế. Nên mang giày, dép liên tục kể cả khi trong nhà, nhằm tránh bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập vào da và hạn chế nguy cơ va chạm gây tổn thương bàn chân.
Địa chỉ cắt móng cho người đái tháo đường đáng tin cậy
Người bệnh đái tháo đường nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa để được nhân viên y tế hỗ trợ cắt móng. Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị chuyên tiếp nhận khám, tầm soát, tư vấn và điều trị cho người bệnh mắc: đái tháo đường, rối loạn nội tiết, chậm dậy thì, đái tháo nhạt, bệnh tuyến giáp, bệnh rối loạn hormone liên quan đến tuyến yên,…
Với đội ngũ y bác sĩ tâm huyết, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc nhập khẩu từ Âu – Mỹ hiện đại, đồng bộ sẽ mang đến cho khách hàng những dịch vụ điều trị và chăm sóc hiệu quả nhất.
Đặc biệt, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn triển khai phòng khám Bàn chân đái tháo đường chuyên khám, tầm soát sớm biến chứng nguy hiểm bàn chân đái tháo đường, điều trị các vết loét và phòng ngừa cắt cụt chi ở người bệnh đái tháo đường.
Khách hàng có nhu cầu khám, tầm soát, điều trị bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, vui lòng liên hệ theo thông tin sau:
Cắt móng cho người đái tháo đường là kỹ thuật không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cần thực hiện định kỳ. Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường nên thường xuyên kiểm tra bàn chân để phát hiện sớm các bất thường và điều trị kịp thời, tránh nhiễm trùng nghiêm trọng.
Source link