Advertisements
Tình trạng béo phì ở người trưởng thành trên toàn thế giới đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1990 và tình trạng béo phì ở thanh thiếu niên đã tăng gấp 4 lần (1). Đây là tín hiệu cảnh báo nếu không có hành động quyết liệt, kịp thời thì béo phì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế và cũng như mức độ phát triển bền vững toàn cầu. Thước đo béo phì được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là chỉ số BMI. Cùng tìm hiểu cách tính chỉ số BMI béo phì theo hướng dẫn của chuyên gia thông qua bài viết sau.
Chỉ số BMI là gì?
Chỉ số BMI là chỉ số khối cơ thể được tính bằng cân nặng và chiều cao. Cùng với một số yếu tố khác, như huyết áp và cholesterol, BMI có thể giúp ước tính nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. (2)
Béo phì là gì?
Béo phì được định nghĩa là tình trạng tích tụ mỡ bất thường hoặc quá mức gây nguy hiểm cho sức khỏe. Đây là một trong những bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới và là yếu tố nguy cơ chính gây ra một số bệnh mãn tính, bao gồm các bệnh tim mạch và đột quỵ. (3)
Thừa cân, béo phì cũng có thể dẫn đến bệnh tiểu đường; các biến chứng về tim mạch, mắt, da và thận; các rối loạn cơ xương bao gồm viêm xương khớp và một số bệnh ung thư, bao gồm buồng trứng, nội mạc tử cung, vú, tuyến tiền liệt, túi mật, thận, gan, và ruột kết. Chỉ số BMI càng tăng cao, nguy cơ mắc các bệnh trên càng tăng.
Trẻ em béo phì dễ mắc các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng và tăng nguy cơ khởi phát các bệnh liên quan. Trẻ em và thanh thiếu niên béo phì có thể sẽ tiếp tục béo phì khi trưởng thành nếu không được và chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng liên tục ở cả người lớn và trẻ em. Tính từ năm 1990 đến năm 2022, tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 – 19 tuổi bị béo phì đã tăng gấp 4 lần trên toàn cầu (từ 2% lên 8%), trong khi đó tỷ lệ người trưởng thành bị béo phì tăng hơn gấp đôi (từ 7% lên 16%). Năm 2019, ước tính có khoảng 5 triệu ca tử vong do bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân do BMI vượt ngưỡng bình thường.
Béo phì là vấn nạn sức khỏe đối với xã hội hiện đại. Từng được coi là vấn đề chỉ xảy ra ở các nước có thu nhập cao, ngày nay một số nước có thu nhập trung bình cũng có tỷ lệ thừa cân và béo phì cao nhất trên toàn thế giới.
Đăng ký tư vấn về thừa cân, béo phì tại đây
Đối tượng không nên tính chỉ số béo phì BMI
Người tập gym, vận động viên chạy đường dài, phụ nữ mang thai, người già hoặc trẻ nhỏ là những đối tượng không nên tính chỉ số béo phì BMI. Vì những người có khối lượng cơ bắp cao hơn, chẳng hạn như vận động viên, có thể có chỉ số BMI cao nhưng họ thường xuyên tập luyện để nâng cao sức đề kháng nên có ít nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì. (4)
Những người có khối lượng cơ bắp thấp hơn, chẳng hạn như trẻ em khi chưa hoàn toàn phát triển hoặc người già có thể bị mất một số khối lượng cơ bắp nhất định khiến chỉ số BMI thấp hơn. Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, cấu trúc mô cơ và mỡ trong cơ thể của người phụ nữ thay đổi nên việc sử dụng BMI là không phù hợp.
Cách tính chỉ số BMI béo phì
Chỉ số BMI được tính bằng cân nặng (tính bằng kilogam) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét) (kg/m²).
BMI = (Cân nặng) ÷ (Chiều cao)²
Ví dụ, một người cao 1,75 m và nặng 70kg sẽ có chỉ số BMI là:
BMI = 70 ÷ (1,75)² = 23,15
Công cụ BMI được sử dụng rộng rãi để phân loại tình trạng cân nặng cá nhân, tuy nhiên cũng tồn tại những mặt hạn chế.
Cụ thể là sự phân bổ mỡ trong cơ thể và khối lượng cơ bắp sẽ không được tính khi đo chỉ số BMI, vì vậy chỉ số BMI có thể không phản ánh đúng 100% tình trạng cơ thể.
Ví dụ như người mắc Skinny Fat – kiểu hình người gầy thế nhưng có một lượng mỡ trong cơ thể – sẽ có mức BMI đạt chuẩn. Tuy nhiên thực tế thì cơ thể họ vẫn có khối lượng mỡ cao, đồng thời có nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như người mắc béo phì
Chỉ số BMI bao nhiêu là bình thường?
Một người có chỉ số BMI bình thường sẽ dao động trong khoảng 18,5 – 22,9, con số này cho thấy bạn ở mức cân nặng lý tưởng. Từ 23 trở lên, đây là dấu hiệu cho thấy bạn cần giảm cân.
Ý nghĩa của chỉ số BMI
Hiện nay chỉ số BMI được sử dụng như một công cụ tầm soát để xác định trọng lượng cho người lớn. Tuy nhiên chỉ số BMI không phải là công cụ chẩn đoán tình trạng sức khỏe. Ví dụ, một người có chỉ số BMI cao sẽ có trọng lượng cơ thể lợn, thế nhưng để xác định trọng lượng có phải là nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe hay không thì bác sĩ cần thực hiện các đánh giá kèm thêm khác, bao gồm đo độ dày nếp da, đánh giá hoạt động thể lực, chế độ ăn, tiền sử gia đình và các loại sàng lọc sức khỏe khác.
Bảng xếp loại mức độ mập ốm dựa vào chỉ số BMI
Theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT năm 2022, ban hành tài liệu hướng dẫn chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì”, dưới đây là bảng đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì theo tiêu chuẩn của WHO áp dụng cho người Châu Á:
BMI (kg/m²) | Phân loại |
< 18,5 | Thiếu cân |
18,5 – 22,9 | Bình thường |
23 – 24,9 | Thừa cân |
25 – 29,9 | Béo phì độ I |
≥ 30 | Béo phì độ II |
≥ 40 | Béo phì độ III |
Những yếu tố ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể. Một vài yếu tố không thể kiểm soát được như các yếu tố quyết định sự phát triển, cấu trúc di truyền, giới tính và tuổi tác. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể có thể kiểm soát được, gồm: mức độ hoạt động thể chất, chế độ ăn uống, tập luyện và một số yếu tố môi trường, xã hội. (5)
Chỉ số BMI cao ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Trong năm 2019, chỉ số BMI cao vượt ngưỡng bình thường đã gây ra khoảng 5 triệu ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, rối loạn thần kinh, bệnh hô hấp mãn tính và rối loạn tiêu hóa.
Trẻ em và thanh thiếu niên thừa cân có nguy cơ mắc và khởi phát sớm nhiều bệnh liên quan đến béo phì, chẳng hạn như tiểu đường type 2 và tim mạch. Béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên gây ra những bất lợi về tâm lý xã hội, ảnh hưởng đến kết quả học tập và chất lượng cuộc sống do bị kỳ thị, phân biệt đối xử và bắt nạt. Trẻ em béo phì rất có thể bị béo phì khi trưởng thành và cũng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan.
Cách tính chỉ số phân bố vòng eo trên vòng mông (WHR)
Chỉ số phân bố vòng eo trên vòng mông WHR (hay còn gọi là tỉ lệ eo – hông) là thước đo giúp bác sĩ dự đoán liệu cân nặng dư thừa có gây nguy hiểm cho sức khỏe hay không, thường được xác định dựa trên lượng mỡ được lưu trữ ở eo, hông và mông. Không giống như chỉ số khối cơ thể (BMI) tính tỷ lệ giữa cân nặng và chiều cao, WHR đo tỷ lệ giữa chu vi vòng eo và chu vi hông. Điều này rất quan trọng vì mỡ tích tụ ở những vùng khác nhau sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và hình thành các loại bệnh khác nhau. (6)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số phân bố vòng eo trên vòng mông WHR vừa phải là:
- Nam giới: từ 0,9 trở xuống.
- Nữ giới: từ 0,85 trở xuống.
Ở cả nam và nữ, WHR từ 1 trở lên làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các tình trạng khác có liên quan đến thừa cân.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy những người có nhiều mỡ quanh vùng bụng (thân hình quả táo) có thể có nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường type 2 và tử vong sớm cao hơn những người có nhiều mỡ tích tụ ở hông và đùi (thân hình quả lê). Vì vậy ngay cả khi chỉ số BMI của bạn ở mức vừa phải nhưng chỉ số WHR cao thì nguy cơ mắc bệnh của bạn vẫn có thể tiếp tục tăng lên.
Câu hỏi thường gặp
1. Chỉ số BMI đo béo phì có chính xác không?
Tùy thuộc vào đối tượng mà việc đo chỉ số BMI cũng không hoàn toàn chính xác 100%. Ví dụ như vận động viên, phụ nữ mang thai, người già hoặc trẻ em là các đối tượng không nên tính chỉ số béo phì BMI. Đây là nhóm có chỉ số cơ bắp không hoặc chưa ổn định, vì vậy không thích hợp để tình chỉ số BMI béo phì. Chỉ số BMI thường được áp dụng cho dân số nói chung để chẩn đoán tình trạng béo phì, tuy nhiên ở cấp độ mỗi cá thể thì còn cần thêm rất nhiều chỉ số xét nghiệm khác.
2. Có cách tính chỉ số chiều cao cân nặng nào khác ngoài BMI không?
Có nhiều phương pháp khác để đo chỉ số thành phần cơ thể, bao gồm đo tỷ lệ eo – hông (WHR), tỷ lệ vòng eo – chiều cao (WHtR) cân điện trở sinh học, đo độ dày nếp gấp da, chụp DEXA,… Để xác định chính xác phương pháp phù hợp nhất với bản thân, bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi quyết định.
Đơn vị Nội tiết – Đái tháo đường, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 và Trung tâm Giảm cân Tâm Anh với đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh như béo phì, suy tuyến yên, cường giáp, bướu giáp, viêm giáp Hashimoto, đái tháo nhạt,… Hệ thống máy móc tân tiến được nhập khẩu từ các nước Âu – Mỹ, giúp quá trình chữa bệnh nhanh chóng, hiệu quả, hạn chế rủi ro mắc các biến chứng về sau.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hy vọng thông qua bài viết trên đã giúp cho quý độc giả hiểu thêm về cách tính chỉ số BMI theo hướng dẫn của chuyên gia. Béo phì phát hiện ngay từ giai đoạn sớm sẽ nâng cao tỷ lệ điều trị thành công và rút ngắn thời gian hồi phục, vì vậy bạn nên khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ có thể sàng lọc và lên phác đồ điều trị kịp thời.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Source link