Chỉ số tiểu đường tuýp 2 là bao nhiêu? Cách kiểm soát hiệu quả

Advertisements

Hơn 90% tổng số ca mắc tiểu đường được chẩn đoán là tiểu đường tuýp 2. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở nhóm tuổi trung niên trở lên, nhưng hiện nay tỷ lệ người trẻ mắc tiểu đường tuýp 2 ngày càng tăng. Vậy làm thế nào để chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 2, chỉ số tiểu đường tuýp 2 là bao nhiêu? Dưới đây là chia sẻ từ bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. 

Chỉ số tiểu đường tuýp 2 là bao nhiêu

Chỉ số tiểu đường là gì?

Chỉ số tiểu đường là kết quả của các xét nghiệm được thực hiện trong quá trình khám và tầm soát tiểu đường. Bác sĩ sẽ dựa vào các chỉ số này để chẩn đoán người bệnh có mắc tiểu đường hay không, mắc tiểu đường tuýp mấy.

Chỉ số tiểu đường tuýp 2 là bao nhiêu?

Vậy chỉ số tiểu đường tuýp 2 bao nhiêu? Theo Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 2 của Bộ Y tế ban hành năm 2020, tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường dựa vào các tiêu chí sau đây:

  • Glucose huyết tương trong lúc đói ≥ 126mg/dL (hay 7mmol/L).
  • Glucose huyết tương tại thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp với 75 gram glucose bằng đường uống ≥ 200mg/dL (hay 11,1mmol/L).
  • HbA1c ≥ 6,5% (48mmol/mol).
  • Người bệnh có triệu chứng tăng glucose huyết điển hình hoặc cơn tăng glucose huyết cấp với mức glucose huyết tương bất kỳ ≥ 200mg/dL (hay 11,1mmol/L).

Người bệnh được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 2 khi đáp ứng 2 tiêu chí trên trong cùng 1 mẫu máu xét nghiệm hoặc ở 2 thời điểm khác nhau đối với 3 tiêu chí đầu; riêng tiêu chí thứ tư chỉ cần một lần xét nghiệm duy nhất.

banner tâm anh quận 7 content
Để chẩn đoán tiểu đường tuýp 2, bác sĩ cần xét nghiệm máu
Để chẩn đoán tiểu đường tuýp 2, bác sĩ cần xét nghiệm máu để đo nhiều chỉ số quan trọng.

Lưu ý khi thực hiện đo các chỉ số tiểu đường tuýp 2:

  • Người bệnh cần nhịn ăn tối thiểu 8 tiếng (chỉ được uống nước lọc, nước đun sôi để nguội) trước khi thực hiện xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói.
  • Không thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đối với người bệnh mắc các bệnh cấp tính hoặc đang sử dụng thuốc làm tăng glucose huyết. Nghiệm pháp này cần được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): 3 ngày trước khi thực hiện nghiệm pháp, người bệnh cần ăn khẩu phần có khoảng 150g – 200g carbohydrate mỗi ngày; người bệnh cần nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp; khi thực hiện nghiệm pháp, người bệnh được dùng 75g glucose hòa trong 250ml – 300ml nước, uống trong 5 phút.

Các xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2

Để tầm soát tiểu đường tuýp 2, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm sau:

1. Xét nghiệm HbA1c

Xét nghiệm HbA1c còn được gọi là test hemoglobin A1C (hemoglobin glycated), nhằm xác định mức đường huyết trung bình của người bệnh trong 2 – 3 tháng qua.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), một số đối tượng không nên thực hiện xét nghiệm HbA1c, bao gồm: người bị thiếu máu, người được điều trị bằng thuốc tạo máu Erythropoietin, người đang chạy thận nhân tạo hoặc điều trị HIV. (1)

2. Xét nghiệm chỉ số đường huyết ngẫu nhiên

Xét nghiệm chỉ số đái tháo đường type 2 này nhằm xác định lượng đường trong máu vào ngay thời điểm kiểm tra. Người bệnh có thể nghi ngờ mắc tiểu đường khi kết quả xét nghiệm ≥ 200mg/dL.

3. Xét nghiệm chỉ số đường huyết lúc đói

Xét nghiệm này thường được thực hiện vào sáng sớm trước khi ăn. Lúc này người bệnh đã nhịn ăn tối thiểu 8 tiếng.

Ngoài những dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm kháng thể kháng tiểu đảo (GAD, IAA, ICA) và xét nghiệm C-peptid cũng có thể hỗ trợ chẩn đoán tuýp tiểu đường.

Nguyên nhân làm tăng các chỉ số tiểu đường tuýp 2

Nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 2 gồm 2 trường hợp: thiếu hụt insulin tương đối và kháng insulin ngoại vi (giảm đáp ứng của cơ thể với insulin). Ở người tiểu đường tuýp 2, do cơ thể đề kháng với insulin nên đường không được vận chuyển từ máu vào tế bào. Đường liên tục tích tụ ở trong máu làm mức đường huyết tăng không kiểm soát.

Tiểu đường tuýp 2 có nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm: di truyền, lối sống kém vận động, thừa cân, tuổi tác… Hầu hết người bệnh có thừa cân hoặc béo phì, mỡ tập trung vùng bụng. Cân nặng dư thừa cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng insulin.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường phát triển thầm lặng, các triệu chứng ở giai đoạn đầu thường không quá nghiêm trọng khiến người bệnh dễ bỏ qua. Tuy nhiên, các biến chứng tiểu đường tuýp 2 có thể đã âm thầm tiến triển trước khi triệu chứng bệnh xuất hiện rõ ràng.

Tiểu đường tuýp 2 có thể cải thiện khi người bệnh giảm cân, vận động thể chất hợp lý, thay đổi chế độ ăn, tuy nhiên bệnh rất khó chữa khỏi hoàn toàn.

Đa số người bệnh tiểu đường tuýp 2 có thừa cân, béo phì
Đa số người bị tiểu đường tuýp 2 có thừa cân, béo phì.

Mục tiêu điều trị cho người bệnh tiểu đường tuýp 2

1. Mục tiêu điều trị cho người bệnh tiểu đường tuýp 2 ở nhóm tuổi trưởng thành, không có thai.

Mục tiêu Chỉ số
HbA1c
Glucose huyết tương mao mạch lúc đói, trước khi ăn
  • 80mg/dL – 130mg/dL (4,4 – 7,2mmol/L)*
Đỉnh glucose huyết tương mao mạch sau khi ăn 1 – 2 giờ
Huyết áp
  • Tâm thu < 140mmHg, tâm trương < 90mmHg
  • Nếu đã có biến chứng thận hoặc có yếu tố nguy cơ tim mạch do xơ vữa cao: huyết áp < 130/80mmHg
Lipid máu
  • LDL cholesterol < 100mg/dL (2,6mmol/L) với người chưa có biến chứng tim mạch
  • LDL cholesterol < 70mg/dL (1,8mmol/L) với người đã có bệnh tim mạch, hoặc có thể thấp hơn < 50mg/dL nếu có yếu tố nguy cơ xơ vữa cao
  • Triglyceride < 150mg/dL (1,7mmol/L)
  • HDL cholesterol > 40mg/dL (1,0mmol/L) ở nam và > 50mg/dL (1,3mmol/L) ở nữ

Lưu ý:

  • Mục tiêu điều trị ở mỗi người bệnh có thể khác nhau.
  • Mục tiêu điều trị có thể thấp hơn (HbA1c < 6,5%) đối với người bệnh trẻ, không có bệnh tim mạch và nguy cơ hạ glucose huyết thấp. Ngược lại, với người bệnh lớn tuổi, thời gian mắc bệnh kéo dài, nhiều bệnh đi kèm, có tiền sử hạ glucose huyết nặng trước đó, mục tiêu có thể cao hơn (HbA1c từ 7,5% – 8%).
  • Nếu đã đạt được mục tiêu glucose máu lúc đói nhưng chưa đạt được mục tiêu HbA1c thì cần chú ý mục tiêu glucose huyết sau ăn (sau khi bắt đầu ăn 1 – 2 giờ).

2. Mục tiêu điều trị tiểu đường ở người cao tuổi

Tình trạng sức khỏe Cơ sở để lựa chọn HbA1c (%) Glucose huyết lúc đói hoặc trước khi ăn (mg/dL) Glucose huyết lúc đi ngủ (mg/dL) Huyết áp (mmHg)
Mạnh khỏe Còn sống lâu < 7,5% 90 – 130 90 – 150 < 140/90
Nhiều bệnh, sức khỏe trung bình Kỳ vọng sống trung bình < 8,0% 90 – 150 100 – 180 < 140/90
Nhiều bệnh phức tạp hoặc bệnh nguy kịch/ sức khỏe kém Không còn sống lâu < 8,5% 100 – 180 110 – 200 < 150/90

Cách kiểm soát các chỉ số tiểu đường tuýp 2

Để thực hiện mục tiêu điều trị và kiểm soát chỉ số tiểu đường tuýp 2 hiệu quả, người bệnh cần kết hợp thay đổi chế độ ăn, chế độ vận động cũng như sử dụng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ:

1. Ăn uống lành mạnh

Người bệnh nên lưu ý những điều sau khi lựa chọn thực phẩm:

  • Ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung chất xơ. Ưu tiên các thực phẩm giàu chất béo có lợi (hạt dinh dưỡng, cá thu, cá ngừ, cá hồi, dầu thực vật, sữa ít béo…). Hạn chế các thức ăn giàu tinh bột, dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ ngọt…
  • Hạn chế muối và các loại gia vị trong bữa ăn.
  • Cai hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia.
Tiểu đường tuýp 2 nên có chế độ ăn uống lành mạnh
Người bệnh tiểu đường tuýp 2 nên có chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung chất xơ và chất béo có lợi cho sức khỏe.

2. Hoạt động thể chất

Tập thể dục đều đặn tối thiểu 30 phút mỗi ngày giúp giảm cân, duy trì cơ thể dẻo dai và khỏe mạnh. Người bệnh tiểu đường có thể lựa chọn các môn thể thao như: đi bộ, bơi lội, đạp xe hoặc chạy bộ…

Đặc biệt, hạn chế duy trì tư thế ngồi trong thời gian dài, như khi làm việc hoặc xem tivi. Sau mỗi 30 phút ngồi, hãy dành vài phút đứng lên, đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng.

3. Giảm cân

Giảm cân là cách hiệu quả giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu, cholesterol và huyết áp. Nên lựa chọn những phương pháp giảm cân lành mạnh, ăn kiêng khoa học và theo từng giai đoạn, đảm bảo cơ thể không bị đuối sức.

4. Sử dụng insulin và một số loại thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ

Các loại thuốc trị tiểu đường khác bao gồm:

  • Thuốc uống: Metformin, Sulfonylurea, ức chế enzym alpha glucosidase, ức chế kênh SGLT2, ức chế enzym DPP- 4, TZD (Pioglitazon).
  • Thuốc tiêm: Insulin, đồng vận thụ thể GLP-1.

5. Theo dõi các chỉ số tiểu đường tuýp 2

Người bệnh tiểu đường tuýp 2 nên thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu tại nhà, nhất là trước khi ăn (đường huyết < 130mg/dL) và trước khi đi ngủ (đường huyết < 180mg/dL). Ngoài ra nên định kỳ xét nghiệm lại HbA1c mỗi 3 – 6 tháng.

Để được khám, tư vấn về phác đồ điều trị tiểu đường tuýp 2 hiệu quả, người bệnh có thể đến Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Đây là đơn vị y tế chuyên tiếp nhận khám, tầm soát, tư vấn và điều trị các trường hợp đái tháo đường, đái tháo nhạt, bệnh rối loạn nội tiết tố liên quan đến tuyến yên, bệnh tuyến giáp, bướu cổ, chậm tăng trưởng…

Khoa quy tụ đội ngũ bác sĩ và các chuyên gia giàu kinh nghiệm; đi kèm hệ thống các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ và dịch vụ chăm sóc y tế chuyên nghiệp, tận tâm, giúp người bệnh an tâm suốt quá trình điều trị.

Trên đây là các thông tin về chỉ số tiểu đường tuýp 2, các xét nghiệm tầm soát cũng như phương pháp điều trị bệnh. Quá trình điều trị tiểu đường rất cần sự theo dõi sát sao từ bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường, đảm bảo người bệnh đang đi đúng hướng và kiểm soát bệnh hiệu quả. Nếu nhận thấy chính mình hoặc người thân đang có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường, nên nhanh chóng đến khám và tầm soát tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

Người bị tiểu đường tuýp 2 nên ăn gì, kiêng gì tốt cho sức khỏe?

Advertisements Tất cả các loại thực phẩm đều ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, …

Bạn đang xem Chỉ số tiểu đường tuýp 2 là bao nhiêu? Cách kiểm soát hiệu quả