Advertisements
Nhiều người bị đau khớp do chơi thể thao, tập thể dục, lão hóa hoặc do bệnh. Bác sĩ khuyến nghị nhiều phương pháp điều trị để giảm đau, trong đó có tiêm Corticoid, bằng cách đưa thuốc trực tiếp đến vùng bị đau nhằm giảm cơn đau nhanh chóng. Vậy Corticoid dạng tiêm là gì? Có tác dụng gì? Có những ưu điểm và nhược điểm gì? Bài viết sau được thạc sĩ bác sĩ CKI Phạm Trường An, khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ rõ hơn về vấn đề này.
Corticoid dạng tiêm là gì?
Corticoid dạng tiêm là phiên bản tổng hợp của Corticosteroid tự nhiên mà cơ thể tạo ra để kiểm soát tình trạng viêm, kiểm soát căng thẳng và hỗ trợ các chức năng khác. Những mũi tiêm này có thể được tiêm vào khớp, các cơ hoặc vào tĩnh mạch để điều trị một số bệnh tại chỗ và toàn thân. Corticoid dạng tiêm cũng được sử dụng để kiểm soát cơn đau do viêm khớp, đau đầu gối, đau dây thần kinh tọa và đau khớp do bệnh Gout. (1)
Corticoid dạng tiêm có tác dụng gì?
Corticoid dạng tiêm được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề về khớp, bao gồm viêm bao hoạt dịch, viêm gân, hội chứng ống cổ tay, viêm khớp đầu gối và nhiều loại chấn thương có tác dụng giúp giảm đau, sưng và kích ứng. Corticoid thường được tiêm vào các khớp – chẳng hạn như mắt cá chân, khuỷu tay, hông, đầu gối, vai, cột sống hoặc cổ tay. Tuy nhiên do có nguy cơ xảy ra tác dụng phụ nên số lượng mũi tiêm cho người bệnh trong 1 năm thường được giới hạn. (2)
Cortisone là một loại Hormone Steroid hoạt động bằng cách giảm viêm. Viêm là phản ứng bình thường của cơ thể đối với chấn thương, nhiễm trùng hoặc bệnh tật như một phương tiện giúp cơ thể tự chữa lành. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh kéo dài và tình trạng viêm trở thành mạn tính sẽ gây ra nhiều trở ngại, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật của người bệnh. Tiêm nội khớp giúp giảm sưng và đau, từ đó cải thiện khả năng vận động của khớp.
Ưu điểm của corticoid dạng tiêm
Hiện nay, Corticoid dạng tiêm được ứng dụng khá nhiều trong việc điều trị bệnh với các ưu điểm như:
- Giảm đau nhanh.
- Giảm viêm nhanh chóng.
- Tỷ lệ thành công cao.
Với trường hợp đau nặng, ví dụ như chứng viêm gân gót chân (Achilles Tendonitis) khiến người bệnh đau đến mức không thể đi lại hoặc viêm gân do hội chứng Tennis Elbow (là tình trạng viêm do khuỷu tay thường xuyên chịu áp lực) khiến người bệnh không thể viết, đánh máy, sử dụng điện thoại hoặc cầm nĩa, thì việc tiêm Corticoid có thể giúp giảm bớt mức độ đau và sưng tấy tạm thời, cho đến khi cơ thể lành lại. (3)
Nhược điểm của corticoid dạng tiêm
Mặc dù Corticoid dạng tiêm có thể vô cùng hữu ích và khá an toàn, nhưng như bao loại thuốc khác, thuốc này cũng tiềm ẩn những tác dụng phụ và rủi ro không mong muốn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Dưới đây là các rủi ro tiềm ẩn mà người tiêm Corticoid có thể gặp phải: (4)
- Loãng xương và gãy xương ở người sử dụng trong thời gian dài.
- Teo cơ bắp.
- Suy nhược và mệt mỏi.
- Buồn nôn.
- Nôn mửa.
- Tiêu chảy.
- Chậm phát triển ở trẻ em khi sử dụng trong thời gian dài.
- Nhiễm trùng.
- Đục thủy tinh thể.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Lo lắng.
- Bồn chồn.
- Rối loạn tâm thần.
- Sưng mặt.
Khi bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào sau khi tiêm Corticoid, nên thông báo với bác sĩ ngay lập tức.
Sử dụng Corticoid vừa đủ và đúng liều lượng có thể giúp giảm đau và viêm, tuy nhiên khi vượt quá ngưỡng cần thiết có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ. Đây là lý do vì sao mặc dù tính hiệu quả rất cao nhưng Corticoid dạng tiêm luôn bị giới hạn tần suất và số lượng sử dụng.
Người bệnh cũng có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Tăng đường huyết, thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường.
- Nhiễm trùng hoặc chảy máu tại chỗ tiêm.
- Làm mỏng hoặc đổi màu da tại chỗ tiêm.
- Có thể ảnh hưởng đến cấu trúc mô mềm, làm mất mô sụn.
- Suy yếu hoặc đứt gân.
- Hoại tử vô mạch (hoại tử xương), cực kỳ hiếm gặp.
Sử dụng Corticoid lâu dài có thể dẫn đến đục thủy tinh thể, tăng huyết áp, loét dạ dày và loãng xương cùng nhiều vấn đề khác. Một số tác dụng phụ khác mà bạn có thể đã nghe nói đến, bao gồm tăng cân, nổi mụn trứng cá. Trước khi tiêm, người bệnh nên thông tin đến bác sĩ về bất kỳ tình trạng bệnh lý nào đang gặp phải.
Tiêm corticoid trị những bệnh gì?
Tiêm Corticoid có thể điều trị rất nhiều bệnh về xương, cơ và cột sống như: (5)
- Viêm khớp: là tình trạng khớp bị đau và viêm. Tiêm Corticoid vào khớp có tác dụng giảm đau và viêm tạm thời cho khớp trong vài tuần, thậm chí vài tháng. Sau khi tiêm, người bệnh nên tránh các hoạt động gắng sức trong ít nhất 24 giờ để thuốc đạt hiệu quả cao nhất.
- Đau lưng dưới: đau lưng dưới do vỡ đĩa đệm, hẹp ống sống và một số tình trạng khác có thể được điều trị bằng cách tiêm Corticoid giảm đau. Bệnh đau rễ thần kinh thắt lưng là tình trạng đau ở mông, hông hoặc chân do dây thần kinh bị chèn ép ở lưng dưới. Tình trạng này thường có thể được điều trị bằng cách tiêm Corticoid gần dây thần kinh bị chèn ép, bác sĩ cũng có thể kết hợp các loại thuốc gây tê cục bộ khác cùng với Corticoid.
- Bệnh rễ tủy cổ: là tình trạng đau cổ lan xuống vai, cánh tay hoặc bàn tay, xảy ra khi các đốt sống ở cột sống bị trật hoặc đĩa đệm bị phồng hoặc vỡ, chèn ép dây thần kinh ở cổ. Tiêm Corticoid vùng gần dây thần kinh bị chèn ép giúp giảm sưng và giảm đau.
- Viêm bao hoạt dịch và viêm gân: viêm bao hoạt dịch xảy ra khi túi dịch đệm ở khoảng trống giữa xương, cơ và da bị viêm và đau. Viêm gân là tình trạng các gân và/hoặc bao gân bị viêm, thường ở khuỷu tay, đầu gối, vai, cổ tay, bàn tay và hông. Tiêm Corticoid có thể làm giảm viêm, nhưng không nên sử dụng nhiều lần vì chúng có thể làm cho gân yếu đi, thậm chí đứt gân.
- Hội chứng ống cổ tay: tình trạng này xảy ra khi dây thần kinh ở cổ tay bị nén hoặc chèn ép, gây đau, tê, ngứa ran, làm bàn tay yếu đi. Tiêm Corticoid vào cổ tay có thể giúp giảm đau nhanh, bác sĩ có thể sử dụng thuốc gây tê như Lidocain cùng với Corticoid.
Ngoài ra Corticoid dạng tiêm cũng có thể được sử dụng để điều trị các bệnh viêm ảnh hưởng đến khớp hoặc mô liên kết bao gồm:
- Viêm cột sống dính khớp (AS).
- Viêm khớp tự miễn như viêm khớp dạng thấp (RA) và viêm khớp vẩy nến (PsA).
- Viêm cân gan bàn chân (Plantar Fasciitis).
- Các vấn đề về cột sống như hẹp cột sống hoặc thoát vị đĩa đệm.
Tiêm Corticoid cũng có thể được sử dụng để điều trị một số bệnh tự miễn hoặc để làm giảm các vết sẹo lồi.
Tiêm Corticoid kéo dài trong bao lâu? Tiêm Corticoid tác dụng ngắn có thể giúp giảm đau kéo dài vài giờ. Việc tiêm Corticoid tác dụng dài có thể giúp giảm đau kéo dài trong vài ngày. Bác sĩ có thể kết hợp tiêm Corticoid cùng thuốc tê cục bộ để giảm bớt đau đớn khi tiêm.
Khi nào bạn không nên tiêm Corticoid?
Không nên tiêm Corticoid khi đang bị nhiễm trùng ở khớp, vùng cần tiêm hoặc bất cứ nơi nào khác trên cơ thể. Nếu tình trạng viêm khớp diễn tiến nặng, làm khớp bị phá hủy nghiêm trọng thì việc tiêm thuốc sẽ không phát huy tác dụng.
Người mắc các vấn đề về máu (máu khó đông) hoặc đang dùng thuốc chống đông máu (như Warfarin) thì việc tiêm Corticoid có thể gây chảy máu tại chỗ tiêm.
Không nên tiêm Corticoid thường xuyên vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ yếu xương và mô mềm ở vùng tiêm. Người bị huyết áp cao, đái tháo đường loại 1 hoặc loại 2 hoặc có vết thương hở nên thông tin đến bác sĩ trước khi tiêm Corticoid.
Khi thấy cơ thể xuất hiện các tác dụng phụ khi tiêm corticoid, người bệnh nên đến khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da và khoa Nội tiết – Đái tháo đường BVĐK Tâm Anh TPHCM để được thăm khám và hỗ trợ kịp thời.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Corticoid dạng tiêm có hiệu lực cao và phát huy tác dụng tốt nhất nếu được dùng đúng và đủ liều, tuy nhiên khi sử dụng quá liều sẽ dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, bạn tuyệt đối không nên tự mua Corticoid về để tự tiêm tại nhà, mà nên đến bệnh viện để nhận được sự tư vấn chuyên môn cũng như sự hỗ trợ y khoa đúng chuẩn.
Source link