Advertisements
Người bệnh đái tháo nhạt thường đi tiểu hơn 3l/ngày đối với người lớn (>50ml/kg/24h) và ở trẻ em bị bệnh đi tiểu >100ml/kg/24h (1). Có 2 nhóm nguyên nhân chính bao gồm nguyên nhân trung ương và nguyên nhân do thận. Vậy bệnh đái tháo nhạt do thận có triệu chứng bệnh là gì? Nguyên nhân gây bệnh do đâu? Cách điều trị bệnh này như thế nào?
Đái tháo nhạt do thận là gì?
Bệnh đái tháo nhạt do thận là tình trạng cơ thể không có khả năng cô đặc nước tiểu do suy giảm đáp ứng của thận với hormon vasopressin (ADH), khiến người bệnh đi tiểu nhiều hơn. Thận chịu trách nhiệm lọc máu để loại bỏ chất thải dư thừa ra khỏi cơ thể dưới dạng nước tiểu. Vì vậy, khi thận tạo ra quá nhiều nước tiểu, nếu cơ thể không uống bù đủ nước sẽ dẫn đến mất nước nhanh chóng, tăng natri máu và nặng hơn có thể nguy hiểm tính mạng. (2)
ADH được sản xuất bởi vùng dưới đồi của não. Hormone này được dự trữ trong thùy sau tuyến yên. Hormon ADH còn gọi là hormon chống bài niệu vì chúng tác động trên ống thận làm cô đặc nước tiểu và giảm lưu lượng nước tiểu.
Trong bệnh đái tháo nhạt do thận, ADH sản xuất đủ nhưng thận giảm đáp ứng một phần hoặc hoàn toàn với hormone này. Kết quả là ADH không hoạt động như bình thường, dẫn đến ống thận không tái hấp thu nước tốt. Hậu quả là bệnh nhân đa niệu như thể có rất ít hoặc không có ADH. (3)
Nguyên nhân đái tháo nhạt do thận
Đái tháo nhạt do thận có thể một phần hoặc hoàn toàn, bao gồm các nguyên nhân sau:
- Bẩm sinh: người bệnh thường mắc bệnh sớm, ở những năm đầu đời. Bất thường này do rối loạn di truyền do đột biến gen quy định cho thụ thể ADH – AVPR2 (ở nhiễm sắc thể X) hoặc ở kênh hấp thu nước của ống thận – gen aquaporin 2 (gen lặn).
- Mắc phải: nguyên nhân này thường gặp hơn và ít nặng nề.
- Thuốc: một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng này như lithium, amphotericine B, aminoglycoside, ciplastin, democlocycyline, foscanet, vincristin, methoxyflurane,…
- Rối loạn điện giải: tăng calci máu, hạ kali máu,…
- Bệnh ống thận mô kẽ mạn tính, bệnh thận đa nang, tắc nghẽn đường tiểu, hoại tử ống thận,…
- Một số bệnh lý toàn thân như: bệnh hồng cầu hình liềm, đa u tủy, sarcodosis, amyloidosis,…
Triệu chứng đái tháo nhạt do thận
Người mắc bệnh đái tháo nhạt có thể có các triệu chứng sau:
- Khát nước nhiều.
- Uống nước nhiều.
- Đa niệu: đa niệu được định nghĩa là bệnh nhân đi tiểu hơn 3l/ngày hoặc >50ml/kg/24h ở người lớn hoặc >100ml/kg/24h ở trẻ em. Bệnh nhân có thể tiểu đêm nhiều lần gây mất ngủ.
- Dấu hiệu mất nước: khô miệng, da khô, mệt mỏi.
- Tăng natri máu: khi tình trạng mất nước nặng hơn, bệnh nhân bù không đủ sẽ gây tăng natri máu. Khi đó người bệnh có thể biểu hiện chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn ói, thậm chí có thể lơ mơ, hôn mê.
Ngoài các triệu chứng trên, ở trẻ nhỏ có thể gặp phải một số triệu chứng sau:
- Tiêu chảy.
- Phát triển tâm thần, vận động kém.
- Ăn kém, không tăng cân.
- Sốt.
- Cáu gắt.
- Co giật.
Chẩn đoán đái tháo nhạt do thận
Bác sĩ chẩn đoán bệnh đái tháo nhạt do thận dựa trên:
- Nghiệm pháp nhịn nước: bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhịn uống nước trong một khoảng thời gian, sau đó bác sĩ sẽ lấy máu và nước tiểu xét nghiệm. Đái tháo nhạt được chẩn đoán khi natri máu bình thường hoặc tăng, áp lực thẩm thấu máu bình thường hoặc tăng, áp lực thẩm thấu nước tiểu thấp và áp lực thẩm thấu nước tiểu không tăng sau dùng vasopressin.
- Xét nghiệm máu: ion đồ máu, chức năng thận (ure, creatinin máu), glucose máu, áp lực thẩm thấu máu.
- Xét nghiệm nước tiểu: áp lực thẩm thấu nước tiểu, tổng phân tích nước tiểu.
- Xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân: như bệnh hồng cầu hình liềm hay các xét nghiệm chẩn đoán bệnh lý nội khoa nghi ngờ.
Kết quả chẩn đoán tốt nếu bệnh đái tháo nhạt do thận được chẩn đoán trước khi người bệnh mất nước nghiêm trọng.
Đái tháo nhạt do thận có chữa được không?
Bệnh này khó điều trị vì thận không thể đáp ứng với ADH nên việc cung cấp thêm ADH cũng không mấy hiệu quả. Trên thực tế, các phương pháp điều trị còn hạn chế. Tuy nhiên tuỳ vào nguyên nhân gốc rễ của bệnh đái tháo nhạt mà điều trị và tiên lượng bệnh cũng khác nhau. Ví dụ nguyên nhân đái tháo nhạt do rối loạn điện giải hay do thuốc thì sau khi ngưng thuốc hoặc sau khi bác sĩ điều trị ổn định điện giải, tình trạng đái tháo nhạt sẽ cải thiện và phục hồi nhanh.
Ngược lại, những trường hợp bẩm sinh do đột biến gen thì phải cần điều trị suốt đời. Trường hợp trẻ sơ sinh bị mắc chứng rối loạn này nếu được điều trị sớm có khả năng ổn định bệnh và phát triển bình thường. Nếu bệnh này không được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng, não có thể bị tổn thương, gây thiểu năng trí tuệ.
Điều trị đái tháo nhạt do thận
Điều trị đái tháo nhạt do thận nhằm mục đích ngăn mất nước. Phương pháp điều trị quan trọng nhất với người bệnh đái tháo nhạt do thận là đảm bảo bù được lượng nước mất đi. Ngoài ra còn có một số lưu ý về chế độ ăn cũng như thuốc trong điều trị bao gồm:
- Thay đổi chế độ ăn uống: hạn chế khẩu phần ăn nhiều protein, giảm muối, tránh dùng các chất kích thích như rượu, caffein,…
- Thường xuyên uống nước trong ngày, uống bất cứ khi nào cảm thấy khát và đặc biệt là khi nóng hoặc đổ mồ hôi.
- Thuốc: một số thuốc được sử dụng trong điều trị như:
- Lợi tiểu: lợi tiểu thiazide hoặc lợi tiểu giữ kali. Amiloride được khuyến cáo trong điều trị đái tháo nhạt do thận vì nó tiết kiệm kali và đặc biệt có tác dụng trong trường hợp đái tháo nhạt do lithium.
- Nhóm NSAID: indomethacine, ibuprofen,… ít được cân nhắc hơn vì tác dụng phụ của nó trên đường tiêu hóa.
Khi người bệnh nhận thấy dấu hiệu bất thường nào lúc đi tiểu, hãy gặp bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để thăm khám và chẩn đoán tình trạng bệnh. Lượng nước tiểu của mỗi người khác nhau và tùy vào lượng nước người bệnh uống, nhưng nếu người bệnh đi nhiều hơn 3l/ngày hoặc hơn 7 lần/ngày thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bất thường về sức khỏe.
Phòng ngừa bệnh đái tháo nhạt do thận
Không cách phòng ngừa bệnh đái tháo nhạt do thận. Khi người bệnh phát hiện các dấu hiệu bất thường (dấu hiệu tìm ẩn) hãy đến khám bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường để được thăm khám và điều trị kịp thời để sớm phát hiện bệnh đái tháo nhạt do thận nếu có.
>>>Có thể bạn chưa biết: Nguyên nhân và triệu chứng bệnh đài tháo nhạt trung ương
Biến chứng đái tháo nhạt do thận
Phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng người bệnh đái tháo nhạt do thận sẽ ít có biến chứng và sống khỏe như bình thường. Nếu người bệnh không điều trị có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng:
- Mất nước, rối loạn điện giải như tăng natri máu.
- Nhiễm trùng (như nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng thận,…).
- Chậm phát triển, tổn thương não và gây thiểu năng trí tuệ ở trẻ sơ sinh.
Khi cơ thể không phản ứng đúng cách với một loại hormone tự nhiên gọi là hormone chống bài niệu (vasopressin), cơ thể tạo ra quá nhiều nước tiểu. Điều này gây mất nước nhanh chóng, đôi khi nguy hiểm. Nếu người bệnh nghi ngờ tình trạng của bệnh đái tháo nhạt do thận hoặc có các dấu hiệu bất thường ở cơ thể và nước tiểu, hãy bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hội tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao giúp quá trình khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với người bệnh.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Bệnh đái tháo nhạt do thận là một rối loạn liên quan đến lượng nước tiểu. Thông qua bài này, mong rằng người bệnh hiểu hơn về bệnh này và đi khám ngay nếu có những dấu hiệu bất thường.
Source link