Hội chứng Sheehan là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh

Hội chứng Sheehan được định nghĩa là tình trạng hoại tử tuyến yên sau sinh do hạ huyết áp nghiêm trọng hoặc sốc do chảy máu tử cung ồ ạt… Nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực Sản khoa, hiện hội chứng này đã trở thành bệnh hiếm gặp, với tỷ lệ 5/100.000 ca sinh (1). Tuy nhiên, bệnh vẫn phổ biến ở các nước đang phát triển và kém phát triển. Vậy hội chứng Sheehan là gì, nguyên nhân và cách điều trị bệnh thế nào? Dưới đây là thông tin được thạc sĩ bác sĩ Đỗ Trúc Anh, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chia sẻ.

hội chứng Sheehan

Hội chứng Sheehan là gì?

Hội chứng Sheehan xảy ra khi tuyến yên bị tổn thương trong hoặc sau khi sinh con. Nguyên nhân do người mẹ mất máu đáng kể hoặc huyết áp thấp, khiến tế bào tuyến yên không nhận được đủ nguồn cung cấp máu.

Tuyến yên có kích thước nhỏ, nằm ở đáy não. Đôi khi tuyến này được gọi là tuyến “chủ” của hệ thống nội tiết, vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc giải phóng và kích thích nhiều hormone khác. Một số hormone chính mà tuyến yên tiết ra bao gồm:

  • Hormon sinh dục.
  • Prolactin.
  • Hormone vỏ thượng thận.
  • Hormone tăng trưởng.
  • Hormon giáp.

Người mắc hội chứng này sẽ giảm chức năng tuyến yên, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất một số hoặc tất cả hormone tuyến này.

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

Hội chứng Sheehan là biểu hiện lâm sàng của hoại tử thùy trước tuyến yên. Người bệnh có thể bị suy tuyến yên toàn thể hoặc suy tuyến yên có chọn lọc. Có nhiều mức độ rối loạn chức năng tuyến yên trước, nhưng suy chức năng tuyến yên sau không có triệu chứng phổ biến. Có đến 90% – 100% người bệnh thiếu hụt hormone tăng trưởng và prolactin, tình trạng thiếu cortisol, gonadotropin và hormone kích thích tuyến giáp chiếm khoảng 50% – 100%. (2)

Hội chứng Sheehan ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Hội chứng Sheehan ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người bệnh do gây thiếu hụt các hormone kiểm soát hoạt động của tuyến đích, như tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa sau sinh, giảm tỷ lệ mang thai thành công lần tiếp theo… Các hormone ảnh hưởng bao gồm:

1. Hormon kích thích vỏ thượng thận (ACTH)

Hormone ACTH sẽ kích thích tuyến thượng thận sản xuất hormone cortisol. Hormone này có nhiệm vụ ổn định huyết áp và lượng đường trong máu. Thiếu hụt ACTH dẫn đến suy giảm cortisol, khiến người bệnh suy nhược, căng thẳng, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, thậm chí tụt huyết áp.

2. Hormone kích thích tuyến giáp (TSH)

Hormone TSH kiểm soát hoạt động của tuyến giáp, kích thích tuyến này tiết ra các hormone điều hòa quá trình trao đổi chất của cơ thể, duy trì nhịp tim, hoạt động của hệ thần kinh… Thiếu hụt TSH gây suy giáp với các biểu hiện: cảm thấy lạnh, táo bón, trầm cảm, mệt mỏi, tăng cân…

3. Hormone tăng trưởng (GH)

Là hormone giúp duy trì mật độ xương, khối lượng cơ và phân bố chất béo của cơ thể. Thiếu GH gây mệt mỏi, khó tập trung…

4. Hormone kích thích nang trứng (FSH)

Hormone FSH có nhiệm vụ kích thích buồng trứng sản xuất estrogen và giúp trứng trưởng thành. Thiếu hormone FSH gây rối loạn chu kỳ rụng trứng, có thể dẫn đến vô sinh.

5. Hormone hoàng thể (LH)

Có nhiệm vụ kích thích quá trình rụng trứng. Thiếu hormone LH khiến phụ nữ khó rụng trứng, rối loạn kinh nguyệt hoặc vô kinh.

6. Prolactin (PRL)

PRL là hormone quan trọng kích thích tiết sữa sau sinh. Thiếu PRL khiến quá trình này rối loạn.

phụ nữ sau sinh mắc hội chứng sheehan
Phụ nữ sau sinh mắc hội chứng Sheehan có thể giảm tiết sữa do thiếu hormone prolactin.

Nguyên nhân của hội chứng Sheehan

Mất máu quá nhiều trong hoặc sau khi sinh con có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến yên, là nguyên nhân gây ra hội chứng này. Khi mang thai, tuyến yên của người mẹ tăng kích thước đáng kể do sự gia tăng hormone estrogen. Điều này cũng gây tăng thể tích máu đi qua nó.

Do đó, lưu lượng máu đến tuyến yên có thể giảm nghiêm trọng do co thắt mạch sau khi hạ huyết áp nghiêm trọng hoặc sốc không được điều trị. Sự giảm cung cấp máu đột ngột này có thể dẫn đến chết các tế bào của tuyến và mất chức năng tuyến yên sau đó. Thông thường, điều này chỉ ảnh hưởng đến phần trước hoặc phía trước của tuyến yên. Khi các triệu chứng lâm sàng của suy tuyến yên thể hiện rõ ràng, ít nhất 75% tuyến yên đã bị phá hủy.

Yếu tố nguy cơ gây ra hội chứng Sheehan

Các yếu tố làm tăng nguy cơ biến chứng xuất huyết, dẫn đến hội chứng này bao gồm:

  • Mang thai nhiều lần.
  • Đa thai (song thai, tam thai…).
  • Thai con to.
  • Vỡ tử cung.
  • Nhau tiền đạo.
  • Nhau bong non.
  • Tiền sản giật.
  • Tiền sử mắc bệnh tự miễn.

Dấu hiệu của hội chứng Sheehan

Các triệu chứng lâm sàng của hội chứng Sheehan có liên quan đến thiếu sản xuất hormone ở tuyến yên trước. Trong trường hợp nghiêm trọng, khi đã có tổn thương đáng kể trong tuyến yên, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng rất sớm sau khi sinh con. Nếu có ít tổn thương trong tuyến, các dấu hiệu của hội chứng này có thể phát triển dần theo thời gian. Các triệu chứng thường phản ánh hormone nào bị ảnh hưởng và ở mức độ nào, gồm:

  • Giảm sản xuất sữa: do thiếu prolactin. Đây là triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất.
  • Vô kinh hay rối loạn kinh nguyệt.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Giảm kích thước ngực.
  • Làm mỏng niêm mạc âm đạo, đôi khi gây đau khi giao hợp.
  • Mệt mỏi.
  • Rụng tóc.
  • Huyết áp thấp.
  • Da khô hoặc nhăn nheo.
  • Tăng cân.
  • Táo bón.
triệu chứng của hội chứng sheehan
Rụng tóc là một trong những triệu chứng của hội chứng Sheehan.

Chẩn đoán hội chứng Sheehan

Nghiên cứu của Orlando Gei-Guardia và các cộng sự trên 60 người bệnh mắc hội chứng Sheehan, thời gian trung bình từ lúc họ sinh con đến khi được chẩn đoán bệnh là 13 năm. Hội chứng này không phải lúc nào cũng thể hiện rõ ràng ngay sau khi sinh. Đôi khi, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh có thể không xuất hiện cho đến nhiều tháng sau khi sinh hoặc khi có chấn thương đáng kể. (3)

1. Tiền sử bệnh lý

Người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ về tình trạng mất máu hoặc các biến chứng trong những lần sinh nở trước. Tiền sử xuất huyết sau sinh, không tiết sữa và ngừng kinh là những manh mối quan trọng để chẩn đoán bệnh.

2. Xét nghiệm máu

Người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm, gồm xét nghiệm đánh giá sức khỏe thường quy như công thức máu, chức năng thận và gan…

3. Xét nghiệm để kiểm tra nồng độ hormone

Xét nghiệm hormone tuyến yên (FSH, LH, prolactin, estrogen, ACTH và hormone tăng trưởng); hormone tuyến giáp (TSH, FT3, FT4); hormone cortisol. Nồng độ hormone thấp, kết hợp khai thác tiền sử bệnh và kết quả khám lâm sàng có thể giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán về hội chứng Sheehan.

4. Chẩn đoán hình ảnh

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến yên để xác nhận chẩn đoán. Khoảng 70% người mắc hội chứng này có tuyến yên rỗng toàn phần và khoảng 30% người bệnh có tuyến yên rỗng một phần. Trên kết quả chụp MRI, người bệnh có biểu hiện nhồi máu trung tâm cấp tính mà không xuất huyết ở tuyến yên phì đại. Khi bệnh tiến triển, MRI có thể cho thấy tình trạng teo tuyến yên và cuối cùng là tuyến yên rỗng một phần hoặc toàn phần.

Biến chứng hội chứng Sheehan

Biến chứng nghiêm trọng nhất của hội chứng Sheehan là suy tuyến thượng thận cấp tính. Tình trạng này xảy ra đột ngột có thể là nguyên nhân nhập viện do hạ huyết áp, sốc, hôn mê và thậm chí khiến người bệnh tử vong. Suy tuyến thượng thận cấp tính xảy ra khi người bệnh căng thẳng nghiêm trọng (ví dụ lúc phẫu thuật) hoặc do tuyến thượng thận sản xuất ít hormone cortisol.

Cách điều trị hội chứng Sheehan

Điều trị hội chứng Sheehan có thể cần dùng thuốc suốt đời, vì tuyến yên của người bệnh không còn hoạt động bình thường. Các loại thuốc nhằm thay thế các hormone mà tuyến yên không thể sản xuất đầy đủ, gồm:

  • Corticosteroid: gồm prednisone hoặc hydrocortisone, giúp thay thế hormone kích thích vỏ thượng thận.
  • Levothyroxin: giúp tăng hormone tuyến giáp có thể bị thiếu nếu tuyến yên không sản xuất đủ hormone kích thích tuyến giáp.
  • Estrogen và progesterone: người bệnh có thể cần dùng các loại thuốc này cho đến khi mãn kinh. Với người bệnh đã cắt bỏ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ kê toa estrogen.
  • Hormone tăng trưởng: giúp tăng khối lượng cơ và cải thiện cholesterol máu.
phòng ngừa hội chứng sheehan
Để phòng ngừa hội chứng Sheehan, phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

Phòng ngừa hội chứng Sheehan

Để phòng ngừa hội chứng Sheehan, phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi liên tục sự phát triển của thai nhi, kịp thời phát hiện và điều trị những bất thường về sức khỏe mẹ và bé. Từ đó tránh tình trạng mất máu trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là cơ sở y tế chuyên tầm soát, tư vấn và điều trị các bệnh nội tiết như rối loạn nội tiết, bệnh tuyến yên, bệnh tuyến giáp, chậm tăng trưởng, đái tháo nhạt, đái tháo đường… Khoa có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ uy tín, kết hợp với máy móc nhập khẩu hiện đại, phối hợp chặt chẽ với nhiều chuyên khoa khác để tư vấn, lên phác đồ điều trị hiệu quả, an toàn nhất cho người bệnh.

Hội chứng Sheehan tuy là bệnh hiếm gặp nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của phụ nữ sau sinh. Do đó, phụ nữ mang thai nên tuân thủ lịch hẹn khám sức khỏe của bác sĩ, đồng thời lựa chọn cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để đảm bảo “mẹ tròn con vuông” khi sinh nở.


Source link

Trước:

Check Also

Suy giáp nguyên phát: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Suy giáp là tình trạng chức năng tuyến giáp bị suy giảm, dẫn đến thiếu …

Bạn đang xem Hội chứng Sheehan là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh