Rối loạn chuyển hóa là một nhóm yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2 và đột quỵ. Vậy rối loạn chuyển hóa gây béo phì không? Thừa cân và rối loạn chuyển hóa có mối quan hệ thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua chia sẻ của BS.CKI Hà Thị Ngọc Bích, Trung tâm Giảm cân Tâm Anh, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Rối loạn chuyển hóa là gì?
Hội chứng rối loạn chuyển hóa (metabolic syndrome) là một nhóm yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2 và đột quỵ gồm: (1)
- Thừa cân ở vùng bụng: vòng eo từ 102cm (40 inch) trở lên ở nam và 88cm (35 inch) ở nữ.
- Chỉ số HDL cholesterol trong máu: dưới 40 mg/dL ở nam giới và dưới 50 mg/dL ở nữ giới. HDL là lipoprotein mật độ cao trong máu, hình thành từ chất béo (lipid) và protein, được xem như một loại cholesterol tốt, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
- Tăng triglyceride máu: 150 mg/dL lúc đói hoặc cao hơn. Triglyceride là chất béo trung tính, có vai trò dự trữ và cung cấp năng lượng cho cơ thể.
- Đường huyết lúc đói: mức đường huyết từ 100 mg/dL trở lên được xem như tiền tiểu đường, trên 125 mg/dL là tiểu đường tuýp 2 do kháng insulin.
- Huyết áp: huyết áp tâm thu từ 130 mmHg trở lên, huyết áp tâm thu từ 85 mmHg trở lên.
Mỗi yếu tố nêu trên đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2 và đột quỵ. Tuy nhiên, người mắc có từ 3 yếu tố trở lên được chẩn đoán rối loạn chuyển hóa, làm gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh trên.

Rối loạn chuyển hóa gây béo phì có đúng không?
Rối loạn chuyển hóa liên quan chặt chẽ đến béo phì, nhưng không hoàn toàn đúng khi nói rối loạn chuyển hóa gây béo phì. Tình trạng thừa cân chỉ được xem như một trong những yếu tố gây rối loạn chuyển hóa. Quản lý cân nặng và duy trì lối sống lành mạnh rất quan trọng trong phòng ngừa thừa cân béo phì và rối loạn chuyển hóa.
Các yếu tố tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa
Yếu tố tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa cũng làm tăng nguy cơ thừa cân, tăng huyết áp, đường huyết, HDL cholesterol, triglyceride trong máu: (2)
- Người đang mắc một hoặc nhiều tình trạng như thừa cân (BMI >23), tăng mỡ máu, huyết áp, đường huyết, kháng insulin…
- Cuộc sống thiếu hoạt động thể chất.
- Ăn nhiều calo hơn mức cơ thể cần, đặc biệt với chất béo bão hòa và đường.
- Thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc.
- Căng thẳng thường xuyên, kéo dài.
- Một số người dễ gặp béo phì, tiểu đường do yếu tố di truyền.
- Một số loại thuốc có thể gây kích thích ăn uống, tăng cân như thuốc chống trầm cảm, loạn thần, điều trị huyết áp, bệnh tự miễn…
- Uống rượu bia, hút thuốc.
Có thể thấy, tuy không phải rối loạn chuyển hóa gây béo phì, nhưng những yếu tố nguy cơ của rối loạn chuyển hóa và béo phì rất giống nhau.

Cách điều trị rối loạn chuyển hóa
Rối loạn chuyển hóa gây béo phì, đường huyết, mỡ máu… nặng hơn theo thời gian, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và đột quỵ. Thế nên, người bệnh cần sớm điều trị bằng các loại thuốc kết hợp duy trì lối sống lành mạnh.
Đăng ký tư vấn về thừa cân, béo phì tại đây
1. Thay đổi lối sống
- Duy trì cân nặng vừa phải theo chỉ số BMI châu Á, tức trong khoảng 18,5-22,9 kg/m2. (3)
- Duy trì hoạt động thể dục, thể thao ít nhất 150 phút/tuần, ít nhất 5 ngày mỗi tuần ở người trưởng thành. Trẻ em nên có khoảng 60 phút hoạt động thể chất (thể dục, vui chơi) mỗi ngày.
- Hạn chế ăn nhiều calo hơn mức cơ thể cần, nên tư vấn với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về công việc, hoạt động thể chất, cân nặng… để tìm mức calo phù hợp cho cơ thể.
- Không ăn chất béo bão hòa nhiều hơn 10% lượng calo ngày. Ví dụ, chế độ ăn 2000 calo chỉ nên có tối đa 200 calo đến từ chất béo (1g chất béo chứa 9 calo), tức khoảng 22g. Tương tự với đường.
- Ngủ đủ giấc, ít nhất 7-9 tiếng một ngày ở người từ 18-64 tuổi. Do thiếu ngủ, thức khuya có thể dẫn đến rối loạn nội tiết trong cơ thể.
- Hạn chế căng thẳng, hormone cortisol tiết ra khi căng thẳng có thể kích thích sự thèm ăn, tích trữ nhiều chất béo hơn trong cơ thể.
- Nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm để kịp thời phát hiện và điều trị các tình trạng đường huyết cao, kháng insulin, cao huyết áp, mỡ máu…
- Không hút thuốc, sử dụng bia, rượu.

2. Dùng thuốc
Nếu thay đổi lối sống chưa thể cải thiện rối loạn chuyển hóa, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như:
- Thuốc hạ huyết áp bao gồm các loại thuốc lợi tiểu, chẹn kênh canxi, ức chế men chuyển (ACEi), thuốc chẹn beta… Mỗi loại thuốc được chỉ định dựa trên sức khỏe và bệnh nền kết hợp.
- Thuốc điều trị rối loạn mỡ máu bằng các loại thuốc như statin và ezetimibe. Statin ức chế gan sản xuất LDL cholesterol, một dạng cholesterol xấu, hình thành mảng bám trong mạch máu, tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ. Ezetimibe ngăn sự hấp thụ cholesterol từ ruột và dịch mật vào máu, có thể dùng kết hợp với statin.
- Thuốc tăng độ nhạy cảm với insulin (giúp cơ thể dùng insulin hiệu quả hơn) được dùng để hạ đường huyết như metformin hoặc thiazolidinedione. Metformin giúp tăng sản xuất glucose từ gan và cải thiện độ nhạy cảm với insulin. Thiazolidinedione giảm glucose trong gan, giúp tế bào mỡ dùng insulin tốt hơn.
- Để điều trị thừa cân béo phì, bác sĩ có thể thể kê một số loại thuốc có tác dụng giảm sự thèm ăn hoặc giảm lượng chất béo mà cơ thể hấp thụ. Trong trường hợp người bệnh béo phì nặng, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt một phần dạ dày, giúp người bệnh ăn ít hơn.
Chế độ ăn cho người mắc chứng rối loạn chuyển hóa
1. Giảm lượng chất béo (lipid)
Chất béo là nguyên nhân hàng đầu gây béo phì, do hàm lượng calo trong chất béo cao, chỉ một lượng nhỏ chất béo có thể chứa rất nhiều calo, gây tình trạng thừa năng lượng, tích mỡ trong cơ thể. Ngoài điều trị bằng thuốc tình trạng rối loạn lipid máu, người bệnh cũng nên hạn chế lượng chất béo ăn trong ngày.
Theo hướng dẫn dinh dưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành không nên nạp chất béo quá 30% tổng calo trong ngày. Trong đó, tối đa 10% chất béo bão hòa, còn lại nên ăn chất béo không bão hòa. (4)
2. Sử dụng chất đạm (protein)
Nên ưu tiên các loại thịt nạc tốt, ít chất béo như gà, cá, các loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu gà…). Hạn chế ăn các loại thịt đỏ như heo, bò, dê, cừu… do chúng chứa nhiều chất béo bão hòa. Lượng protein được khuyến nghị sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng, nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt… chiếm khoảng 10%-35% tổng lượng calo tiêu thụ trong ngày, cụ thể: (5)
- Mức thấp (10 – 15%): Dành cho người ít vận động hoặc không có nhu cầu đặc biệt về xây dựng cơ bắp. Ví dụ: Nếu tổng lượng calo hàng ngày là 2000 calo, protein nên chiếm khoảng 200 – 300 calo, tương đương 50 – 75 gram protein (vì 1 gram protein cung cấp 4 calo).
- Mức trung bình (15 – 20%): Dành cho người có mức độ hoạt động thể chất vừa phải và muốn duy trì hoặc tăng nhẹ khối lượng cơ. Ví dụ: Với 2000 calo/ngày, protein nên chiếm khoảng 300 – 400 calo, tương đương 75 – 100 gram protein.
- Mức cao (20 – 35%): Dành cho người tập luyện nặng, vận động viên, hoặc những người đang giảm cân và muốn bảo vệ khối lượng cơ. Ví dụ: Với 2000 calo/ngày, protein nên chiếm khoảng 400 – 700 calo, tương đương 100 – 175 gram protein.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM (Tân Bình) và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 là 2 địa chỉ khám và điều trị rối loạn chuyển hóa uy tín, chất lượng tại TP.HCM. Khách hàng sẽ được chẩn đoán, điều trị bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc, kỹ thuật y tế hiện đại, nhằm kiểm soát tốt nhất các yếu tố nguy cơ rối loạn chuyển hóa.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Không phải rối loạn chuyển hóa gây béo phì mà ngược lại, thừa cân – béo phì là một phần của rối loạn chuyển hóa, bên cạnh tăng mỡ máu (triglyceride, HDL cholesterol), huyết áp, đường huyết. Rối loạn chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường tuýp 2 và đột quỵ. Duy trì lối sống làm mạnh, thường xuyên tập thể dục, ăn vừa đủ lượng calo cần thiết là cách tốt nhất để phòng ngừa rối loạn chuyển hóa.
Source link