Suy giáp dưới lâm sàng: Nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng

Suy giáp dưới lâm sàng xảy ra ở 3% – 8% dân số nói chung. Vậy nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng của bệnh là gì? BS.CKI Đỗ Tiến Vũ, Đơn vị Nội tiết – Đái tháo đường, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 và Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ thông tin đến độc giả qua bài viết sau.

suy giáp dưới lâm sàng

Suy giáp dưới lâm sàng là gì?

Suy giáp dưới lâm sàng được chẩn đoán khi nồng độ hormone tuyến giáp (T4) nằm trong phạm vi tham chiếu bình thường nhưng nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) trong huyết thanh lại tăng nhẹ. “Dưới lâm sàng” mô tả tình trạng chưa quá nghiêm trọng để gây ra các triệu chứng rõ ràng. Bệnh này chưa phải là suy giáp, tuy nhiên nếu không được điều trị thì có nguy cơ tiến triển thành suy giáp. (1)

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp. Hormone kích thích tuyến giáp, thường được gọi là TSH hoặc thyrotropin, do tuyến yên tiết ra để kích hoạt tuyến giáp sản xuất và giải phóng các hormone giáp thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3).

Đây là là bệnh tạm thời nhưng có thể kéo dài thành mạn tính. Tùy thuộc vào cơ địa từng người và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định cần điều trị hay không.

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

Nguyên nhân suy giáp dưới lâm sàng

Nhiều hormone và tuyến nội tiết phối hợp với nhau để kiểm soát nồng độ TSH trong máu. Vùng hạ đồi sẽ giải phóng hormone giải phóng thyrotropin (TRH) để kích hoạt tuyến yên giải phóng hormone kích thích tuyến giáp (TSH) đề bắt đầu chu kỳ. TSH sau đó kích thích các tế bào tuyến giáp giải phóng T4 (80%) và T3 (20%) vào máu. 2 hormone này ngăn chặn tuyến yên sản xuất nhiều TSH hơn nếu nồng độ T4, T3 quá cao và kết thúc chu kỳ. Khi mức T4 và T3 giảm xuống, chu kỳ sẽ bắt đầu lại. (2)

Tuy nhiên, ở tình trạng suy giáp dưới lâm sàng, do viêm tuyến giáp hoặc bệnh tuyến giáp khác, sản lượng hormone tuyến giáp không tăng như bình thường để đáp ứng với mức TSH tăng cao. Điều này dẫn đến nồng độ TSH tăng cao và nồng độ T4 bình thường.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh như:

1. Bệnh tự miễn

Viêm tuyến giáp Hashimoto là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giáp. Rối loạn tự miễn này xảy ra khi hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể tấn công tuyến giáp. Bệnh Hashimoto có xu hướng di truyền trong gia đình. Người bệnh có tình trạng tự miễn khác (như viêm khớp dạng thấp hoặc tiểu đường type 1) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

2. Thuốc

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, gồm: thuốc ổn định tâm trạng lithium, thuốc trị ung thư, một số loại thuốc bệnh tim và steroid.

một số loại thuốc có thể ảnh hưởng chức năng tuyến giáp
Thuốc ổn định tâm trạng lithium, thuốc trị ung thư, một số loại thuốc bệnh tim và steroid… có thể ảnh hưởng chức năng tuyến giáp.

3. Điều trị cường giáp hoặc xạ trị vùng cổ

Người bệnh cường giáp điều trị bằng iốt phóng xạ (xạ trị) hoặc thuốc kháng giáp có nguy cơ bị suy giáp dưới lâm sàng hoặc suy giáp. Xạ trị ung thư vùng đầu hoặc cổ cũng có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp.

4. Phẫu thuật tuyến giáp

Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp có thể dẫn đến suy giáp dưới lâm sàng hoặc suy giáp. Dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp sau phẫu thuật có thể giúp ngăn ngừa hoặc khắc phục tình trạng này.

Những yếu tố tăng nguy cơ mắc suy giáp dưới lâm sàng

Ngoài các nguyên nhân trực tiếp được liệt kê ở trên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh suy giáp dưới lâm sàng hoặc suy giáp, mặc dù bản chất chúng không gây ra bệnh này. Những yếu tố rủi ro này gồm:

  • Tuổi: Bệnh phổ biến hơn ở những người từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, điều này có thể do TSH tăng lên tự nhiên theo tuổi tác dù chức năng tuyến giáp vẫn bình thường. Do đó, một số nhà nghiên cứu đã đề xuất giới hạn TSH bình thường ở người lớn tuổi sẽ cao hơn.
  • Giới tính: Các nghiên cứu về bệnh luôn cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn nam giới, dao động từ 6% – 10% (so với 2% – 4% ở nam giới). Lý do của sự khác biệt này không rõ ràng, có thể do tỷ lệ rối loạn tuyến giáp tự miễn dịch (như bệnh Hashimoto) ở phụ nữ cao hơn nam giới.
người cao tuổi có nhiều nguy cơ mắc suy giáp dưới lâm sàng
Người cao tuổi có nhiều nguy cơ mắc suy giáp dưới lâm sàng hơn so với người trẻ.

Triệu chứng suy giáp dưới lâm sàng

Khoảng 70% người bệnh suy giáp dưới lâm sàng không có triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên một vài trường hợp có các biểu hiện như:

  • Mệt mỏi.
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân.
  • Táo bón.
  • Trầm cảm và/hoặc giảm khả năng tập trung.
  • Khả năng chịu lạnh kém.
  • Da và tóc khô.
  • Huyết áp tâm trương cao (tăng huyết áp).
  • Thường xuyên rối loạn kinh nguyệt hoặc rong kinh.

Chẩn đoán suy giáp dưới lâm sàng

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh dựa trên xét nghiệm máu. Nồng độ hormone TSH bình thường ở người trưởng thành không mang thai là 0,4 – 4,5 mIU/L. Với thai phụ, nồng độ này sẽ thay đổi theo từng thời kỳ.

Nếu kết quả cho thấy mức TSH tăng cao (5 – 10 mIU/L) và mức T4 bình thường, người bệnh được chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên các xét nghiệm này cần được kiểm tra và diễn giải theo từng bệnh cảnh cụ thể. Khoảng 90% người bị bệnh có mức TSH thấp hơn 10 mIU/L.

Điều trị suy giáp dưới lâm sàng

Thông thường bác sĩ sẽ khuyến nghị điều trị suy giáp dưới lâm sàng bằng thuốc thay thế hormone tuyến giáp levothyroxine. Trước khi bắt đầu điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra mức TSH trong vòng 3 tháng kể từ khi có kết quả xét nghiệm bất thường đầu tiên, do mức TSH có thể trở lại bình thường trong 60% trường hợp sau 3 tháng.

Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh xét nghiệm máu định kỳ để đảm bảo nồng độ hormone tuyến giáp trong ngưỡng an toàn khi dùng thuốc. Liều levothyroxine quá cao có thể gây cường giáp.

bác sĩ thăm khám cho khách hàng
Bác sĩ CKI Đỗ Tiến Vũ, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thăm khám cho khách hàng.

Biến chứng suy giáp dưới lâm sàng

Bệnh có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, suy giảm nhận thức và giảm khả năng vận động.

Người trẻ tuổi (< 65 tuổi) mắc bệnh có thể mắc bệnh tim mạch vành, suy tim và bệnh mạch máu não. Nguy cơ tăng lên ở người bệnh có nồng độ hormone TSH ≥10,0 mu/L.

Câu hỏi thường gặp

1. Suy giáp dưới lâm sàng có thể biến thành suy giáp toàn diện?

Bệnh có thể tiến triển thành suy giáp rõ ràng, đặc biệt nếu người bệnh có kháng thể kháng giáp và có các bất thường về chuyển hóa, tim mạch, sinh sản, dẫn truyền thần kinh – cơ, rối loạn nhận thức…

2. Suy giáp dưới lâm sàng có ảnh hưởng đến sinh sản không?

Bệnh này ảnh hưởng đến 15% – 28% phụ nữ mang thai và có liên quan đến các tình trạng:

  • Tăng huyết áp khi mang thai và tiền sản giật.
  • Sinh non.
  • Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ sơ sinh.

Phụ nữ mang thai bị suy giáp dưới lâm sàng và có kháng thể peroxidase tuyến giáp (TPO) cần điều trị thay thế với levothyroxine. Hầu hết trường hợp mắc bệnh khi mang thai không cần điều trị sau sinh.

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên chẩn đoán và chữa trị các bệnh nội tiết. Trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu chính hãng, cùng hệ thống phòng nội trú chuẩn 5 sao giúp khách hàng hoàn toàn an tâm trong quá trình điều trị bệnh, nhanh hồi phục và quay trở lại cuộc sống thường nhật.

Thông qua bài viết trên, hy vọng độc giả đã hiểu thêm về bệnh suy giáp dưới lâm sàng. Nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh từ sớm và được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị, tránh để bệnh tiến triển thành suy giáp, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

Bị ung thư tuyến giáp có sinh con được không? Có nên không?

Hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khả năng sinh …

Bạn đang xem Suy giáp dưới lâm sàng: Nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng