Suy giáp là rối loạn tuyến giáp liên quan đến thai kỳ phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 3% – 5% phụ nữ mang thai. Người bệnh không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng nên rất khó phát hiện từ sớm, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Vậy suy giáp khi mang thai ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi? Nguyên nhân và cách điều trị nào là tối ưu nhất?
Nguyên nhân bị suy giáp khi mang thai là gì?
Nguyên nhân bệnh suy giáp phổ biến nhất là viêm tuyến giáp Hashimoto. Đây là rối loạn tự miễn, do hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể tấn công tuyến giáp, gây viêm và tổn thương, làm suy giảm khả năng sản xuất hormone giáp. (1)
Các nguyên nhân khác gây suy giáp khi mang thai gồm: tiền căn cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp; liệu pháp iốt phóng xạ để điều trị cường giáp; xạ trị vùng đầu và cổ; người mắc bệnh tuyến yên; suy giáp đã được chẩn đoán trước đây nhưng không điều trị hoặc điều trị không đầy đủ; quá liều thuốc kháng giáp tổng hợp.
Triệu chứng của bệnh suy giáp khi mang thai
Các triệu chứng của suy giáp ở phụ nữ mang thai cũng tương tự như ở những người mắc suy giáp khác, gồm:
- Mệt mỏi.
- Chậm chạp, thường xuyên thấy buồn ngủ.
- Khả năng chịu lạnh kém.
- Da khô, tóc dễ gãy rụng.
- Chuột rút.
- Táo bón nặng.
- Hay quên hoặc khó tập trung.
Hầu hết trường hợp suy giáp khi mang thai đều nhẹ và có thể không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.

Bị suy giáp có thai được không?
Có. Tuy nhiên phụ nữ mắc suy giáp sẽ giảm khả năng sinh sản. Ngay cả khi đã thụ thai, nguy cơ sảy thai vẫn cao, có thể có bất thường ở bánh nhau, tăng huyết áp thai kỳ, thiếu máu, nhau bong non hoặc xuất huyết sau sinh.
Vì vậy phụ nữ bị suy giáp nên làm xét nghiệm TSH ngay khi xác nhận có thai. Họ cũng nên được tăng liều levothyroxine ngay lập tức vì nhu cầu hormone tuyến giáp tăng lên trong thời kỳ mang thai. Nếu phát hiện bệnh suy giáp mới khởi phát, người bệnh nên được điều trị bằng levothyroxin để nồng độ TSH trở lại mức bình thường. (2)
Suy giáp khi mang thai có nguy hiểm không?
Có. Suy giáp khi mang thai nếu không được điều trị có thể dẫn đến:
- Tiền sản giật.
- Thiếu máu.
- Sảy thai và tử vong chu sinh.
- Trẻ có cân nặng khi sinh thấp do bánh nhau bị ảnh hưởng.
- Thai chết lưu.
- Suy tim sung huyết (hiếm gặp).
Những vấn đề này xảy ra thường xuyên nhất với người bệnh suy giáp nặng. Vì hormone tuyến giáp rất quan trọng với sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của trẻ, nên nếu người mẹ mắc suy giáp khi mang thai nhưng không được điều trị, đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên, trẻ có thể bị thiểu năng trí tuệ và các vấn đề về phát triển.
Suy giáp ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Trong những tháng đầu của thai kỳ, thai nhi phụ thuộc vào lượng hormone tuyến giáp của mẹ. Những hormone này rất quan trọng cho sự phát triển não bộ và tăng trưởng bình thường của thai nhi. Suy giáp ở người mẹ có thể gây suy giáp bẩm sinh ở trẻ, dẫn đến những bất thường nghiêm trọng về nhận thức, thần kinh và phát triển. Điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa và phòng tránh phần lớn những bất thường này. (3)
Các nghiên cứu gần đây cho thấy: phụ nữ mang thai bị suy giáp nhẹ, không được điều trị có thể dẫn đến những bất thường về phát triển não bộ ở trẻ. Vì vậy thai phụ nên đi kiểm tra mức TSH ngay khi xác nhận mang thai, nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp, như: người đã điều trị cường giáp hoặc suy giáp trước đó, tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp, tiền sử cá nhân mắc bệnh tự miễn, người bị bướu cổ.
Chẩn đoán bệnh suy giáp thai kỳ
Bác sĩ sẽ khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone tuyến giáp, tìm kiếm các kháng thể nhất định trong máu để tìm hiểu nguyên nhân suy giáp do bệnh Hashimoto gây ra.
Phụ nữ có mức TSH cao hơn 10 mIU/L trong 3 tháng đầu thai kỳ cần được điều trị suy giáp. Ngược lại, phụ nữ có TSH từ 2,5 trở xuống không cần điều trị bằng levothyroxine. Nếu mức TSH trong khoảng 2,5 – 10, các khuyến nghị điều trị của Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ (ATA) khác nhau và có thể phụ thuộc vào việc người mẹ có kháng thể bệnh viêm giáp tự miễn hay không.

Suy giáp khi mang thai điều trị như thế nào?
Sau khi đã được chẩn đoán, người bệnh sẽ được kê đơn hormone tuyến giáp tổng hợp thay thế. Thông thường, phụ nữ mang thai bị suy giáp sẽ cần liều dùng cao hơn, thậm chí gấp đôi so với người bệnh thông thường.
- Không nên chủ quan khi dùng thuốc trong thời kỳ mang thai. Cần theo dõi và kiểm tra tuyến giáp thường xuyên sau mỗi 6 – 8 tuần. Nếu điều chỉnh liều levothyroxine, nên kiểm tra tuyến giáp sau mỗi 4 tuần. Sau khi sinh, liều levothyroxine nên được điều chỉnh về mức trước khi mang thai càng sớm càng tốt.
- Cần tuân thủ các lưu ý của bác sĩ khi dùng thuốc. Nên uống thuốc đúng giờ, khoảng cách giữa mỗi liều khoảng 2 – 3 giờ.
Phòng tránh suy giáp khi mang thai
Để phòng tránh suy giáp khi mang thai cần lưu ý:
- Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao (như có triệu chứng rối loạn chức năng tuyến giáp, có tiền sử bệnh tự miễn, tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp) nên được sàng lọc bệnh suy giáp trước khi mang thai 3 tháng.
- Người bệnh bướu cổ, suy giáp… cần điều trị bệnh trước khi mang thai. Nếu người bệnh có thai ngoài ý muốn khi điều trị bệnh thì cần khám bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để được tư vấn cụ thể.
- Cần thực hiện sàng lọc sơ sinh để phát hiện sớm những bất thường ở trẻ, trong đó có bệnh lý tuyến giáp bẩm sinh.

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực nội tiết, với nhiều năm kinh nghiệm thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh tuyến giáp, bệnh tuyến yên, đái tháo đường, chậm tăng trưởng… Khoa được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, giúp chẩn đoán và điều trị nhanh chóng, chuẩn xác, kịp thời, rút ngắn tiến trình hồi phục và giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Thông qua bài viết trên, hy vọng quý độc giả đã có thêm thông tin về bệnh suy giáp khi mang thai. Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường, người bệnh nên đến khám bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.
Source link