Suy tuyến thượng thận ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị

Advertisements

Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết nằm trên đầu của hai quả thận, có vai trò sản sinh các hormone giúp cơ thể giảm căng thẳng chẳng hạn như chấn thương hoặc nhiễm trùng, kiểm soát huyết áp và duy trì cân bằng nước – điện giải, giúp chuyển hóa glucose. Vậy suy tuyến thượng thận ở trẻ em là gì? Có điều trị được không? 

suy tuyến thượng thận ở trẻ em

Suy tuyến thượng thận ở trẻ em là gì?

Suy tuyến thượng thận ở trẻ em là tình trạng tuyến thượng thận của trẻ không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể, ảnh hưởng đến các phản ứng của cơ thể với căng thẳng, gây tụt huyết áp, rối loạn điện giải, tụt đường huyết, mất nước. Trẻ mắc bệnh dễ gặp phải cơn suy tuyến thượng thận cấp, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời và phù hợp.

tuyến thượng thận nằm phía trên hai quả thận
Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết có hình tam giác nằm phía trên hai quả thận

Nguyên nhân gây bệnh suy tuyến thượng thận ở trẻ em

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, suy tuyến thượng thận ở trẻ được chia làm hai nhóm:

1. Suy tuyến thượng thận ở trẻ em nguyên phát (Tổn thương tại tuyến thượng thận)

Trẻ suy tuyến thượng thận nguyên phát (Addison) là tình trạng tuyến thượng thận không thể sản xuất đủ cortisol và/hoặc hormone aldosterone (hormone kiểm soát nồng độ muối trong cơ thể). Nguyên nhân hay gặp nhất dẫn đến suy tuyến thượng thận nguyên phát ở trẻ em là do tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh – một bệnh lý di truyền bẩm sinh gây giảm sản xuất cortisol và aldosterone.

banner khai trương phòng khám đa khoa tâm anh quận 7 mb

Ngoài ra, tình trạng này có thể do giảm sản thượng thận bẩm sinh; viêm tuyến thượng thận tự miễn hay do các tác nhân nhiễm khuẩn: lao, nấm, vi khuẩn, AIDS,… xuất huyết, hoại tử, di căn tuyến thượng thận, sau mổ cắt tuyến thượng thận hoặc do dùng các thuốc gây ức chế tuyến thượng thận sản xuất cortisol như ketoconazole, mitotan,…

2. Suy tuyến thượng thận ở trẻ em thứ phát (Tổn thương ngoài tuyến thượng thận)

Tuyến yên không thể sản xuất đủ hormone adrenocorticotropin (ACTH) sẽ kéo theo tình trạng tuyến thượng thận không sản xuất đủ cortisol. Tình trạng này được gọi là suy tuyến thượng thận thứ phát (còn được gọi là suy tuyến thượng thận trung ương).

Nguyên nhân khiến trẻ suy tuyến thượng thận thứ phát có thể do u vùng dưới đồi – tuyến yên, phẫu thuật cắt bỏ tuyến yên, tuyến yên bị ảnh hưởng bởi bức xạ, bệnh lý thâm nhiễm tại tuyến yên, viêm hay nhiễm trùng tại tuyến yên,… Tại Việt Nam, sử dụng corticoid kéo dài là nguyên nhân thường gặp nhất gây suy tuyến thượng thận thứ phát, đặc biệt ở bệnh nhân có bệnh nền như hen suyễn, hội chứng thận hư, lupus,…

Dấu hiệu suy tuyến thượng thận ở trẻ em

Trẻ bị suy tuyến thượng thận có thể có triệu chứng thường ngày hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng khi bị căng thẳng. Các triệu chứng này có thể khác nhau tùy vào tình trạng sức khỏe và sức chịu đựng của từng trẻ cũng như thể bệnh lâm sàng: suy tuyến thượng thận mạn tính hay suy tuyến thượng thận cấp.

Suy tuyến thượng thận mạn tính: Các triệu chứng xuất hiện từ từ, bố mẹ trẻ nên lưu ý các dấu hiệu sau:

  • Mệt mỏi; thiếu năng lượng.
  • Chóng mặt; hạ huyết áp tư thế.
  • Đau bụng.
  • Biếng ăn hoặc bú kém.
  • Gầy sút cân hoặc chậm tăng cân.
  • Nôn, Buồn nôn.
  • Tiêu chảy.
  • Xạm da (nếu là suy thượng thận nguyên phát).

Một số triệu chứng khi trẻ gặp phải cơn suy tuyến thượng thận cấp:

  • Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy; mất nước.
  • Đau đầu, chóng mặt.
  • Suy nhược nghiêm trọng.
  • Da nhợt, lạnh.
  • Vã mồ hôi.
  • Thở nhanh, khó thở.
  • Tụt huyết áp.
  • Lú lẫn, mất ý thức.

Cơn suy tuyến thượng thận cấp thường xảy ra trên nền bệnh nhân có các triệu chứng của suy tuyến thượng thận mạn kèm theo bệnh lý gây stress mất bù cấp tính như: nhiễm trùng huyết, ngưng thuốc glucocorticoid hoặc xảy ra đột ngột trong bệnh cảnh xuất huyết tuyến thượng thận 2 bên trên bệnh nhân đang dùng kháng đông, có bệnh cảnh về bệnh huyết học.

Suy tuyến thượng thận cấp có thể dẫn đến mất nước, sốt cao, hôn mê, tụt huyết áp bất kỳ lúc nào. Vì vậy, trẻ có các dấu hiệu suy tuyến thượng thận cấp cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức, trong vòng 24 giờ đầu tiên để được bác sĩ hỗ trợ phù hợp.

gây triệu chứng đau bụng biếng ăn mệt mỏi
Suy tuyến thượng thận thường gây triệu chứng đau bụng, biếng ăn, mệt mỏi

Bệnh suy tuyến thượng thận ở trẻ em có nguy hiểm không?

Suy tuyến thượng thận ở trẻ em là một bệnh lý đặc biệt nguy hiểm, có thể dẫn đến những tình trạng nguy hiểm như sốc giảm thể tích, hôn mê, co giật, thậm chí gây tử vong. Vì vậy, nếu nghi ngờ trẻ mắc phải bệnh lý này, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, can thiệp điều trị sớm.

Suy tuyến thượng thận ở trẻ em có chữa được không?

Suy tuyến thượng thận nguyên phát thường không hồi phục được và không có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu dựa vào liệu pháp thay thế hormone suốt đời, nhằm giảm nhẹ triệu chứng, ổn định nồng độ hormone, giúp duy trì sức khỏe và cải thiện chất lượng sống cho trẻ. Đối với suy tuyến thượng thận thứ phát, tùy vào căn nguyên, chức năng tuyến thượng thận có thể hồi phục nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, ví dụ như căn nguyên do lạm dụng thuốc corticoid, viêm tuyến yên…

Chẩn đoán bệnh suy tuyến thượng thận ở trẻ em

Bên cạnh khám lâm sàng, để chẩn đoán suy tuyến thượng thận ở trẻ, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số cận lâm sàng liên quan như:

  • Xét nghiệm cortisol buổi sáng thấp và/hoặc aldosteron máu thấp.
  • ACTH tăng cao trong suy thượng thận tiên phát, bình thường hoặc thấp trong suy thượng thận thứ phát.
  • Xét nghiệm công thức máu có thể thấy tình trạng thiếu máu.
  • Xét nghiệm hóa sinh máu có thể thấy hạ natri, tăng canxi, tăng kali, tăng ure, creatinin do giảm thể tích huyết tương,…
  • Test synacthen để chẩn đoán xác định nếu cortisol máu buổi sáng không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán mà lâm sàng nghi ngờ.

Cận lâm sàng tìm nguyên nhân:

  • Chụp X-quang ngực tìm tổn thương lao,…
  • Chụp MRI tuyến yên.
  • Siêu âm hoặc CT scan tuyến thượng thận.
  • Định lượng 17-OHP.

Cách điều trị suy tuyến thượng thận ở trẻ em

Dựa vào nguyên nhân, độ tuổi, mức độ suy tuyến thượng thận, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ. Một số phương pháp điều trị thường được thực hiện:

1. Liệu pháp thay thế hormone (Quan trọng nhất)

Các thuốc thuộc nhóm Glucocorticoid (Ưu tiên dùng hydrocortisone), thường được sử dụng trong điều trị suy tuyến thượng thận ở trẻ. Thuốc có tác dụng thay thế, bù lượng hormone mà tuyến thượng thận không thể sản xuất được. Thuốc thường được dùng dưới dạng uống, Liều thuốc được điều chỉnh dựa vào đáp ứng lâm sàng: cảm giác khỏe, ăn ngon, hết buồn nôn, nôn, tăng cân, huyết áp ổn định.

Nên dùng liều thấp nhất và bệnh nhân vẫn ổn định, tránh gây hội chứng Cushing do thuốc. Liều dùng có thể cao hơn nếu bệnh nhân có kèm các bệnh lý cấp tính, chấn thương, hôn mê. Ở những bệnh nhân ỉa chảy hoặc nôn và không có khả năng uống hydrocortisone , lúc đó cần tiêm bắp hydrocortisone. Trẻ ốm nặng hoặc có phẫu thuật lớn cần được dùng hydrocortisone đường tĩnh mạch liều cao kết hợp bù dịch muối và nhanh chóng điều trị các yếu tố thúc đẩy (nhiễm trùng, chấn thương…).

Ngoài ra, cần chú ý đặc biệt bổ sung glucose trong thời gian ốm nặng vì bệnh nhân (đặc biệt tăng sản thượng thận bẩm sinh) có xu hướng hạ đường máu. Đối với những trường hợp suy tuyến thượng thận nguyên phát, thuốc fludrocortison thường được chỉ định kết hợp cùng hydrocortisone.

2. Phương pháp khác

Bên cạnh liệu pháp corticoid, trẻ bị suy tuyến thượng thận cũng cần quan tâm đến các vấn đề:

  • Liệu pháp dinh dưỡng: ăn đủ muối, đường và đầy đủ các nhóm dưỡng chất đảm bảo để trẻ phát triển tốt về mặt thể chất, tinh thần so với tuổi.
  • Điều trị căn nguyên gây suy tuyến thượng thận (nếu được).

3. Lưu ý trong điều trị

Một số lưu ý trong quá trình điều trị suy tuyến thượng thận ở trẻ:

  • Trẻ cần được uống thuốc đều đặn, đúng thời điểm, đủ liều nhằm ngăn ngừa tình trạng suy tuyến thượng thận cấp, nguy hiểm tính mạng.
  • Khi trẻ gặp phải các vấn đề như căng thẳng, ốm, sốt, tiêu chảy, nhiễm trùng hoặc mắc phải một bệnh lý nào đó kèm theo suy tuyến thượng thận, bố mẹ cần thông báo với bác sĩ ngay lập tức để được điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp (Thường sẽ cần phải tăng liều hormone).
  • Tái khám đúng hẹn và tầm soát biến chứng do tình trạng suy tuyến thượng thận hoặc tác dụng phụ của việc dùng thuốc corticoid lâu dài.

Trẻ cần được đưa trở lại bệnh viện để được bác sĩ hỗ trợ nếu:

  • Trẻ không đồng ý uống thuốc, nôn sau khi uống thuốc.
  • Trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng, sốt, ho, tiêu chảy, nôn mửa.
  • Trẻ bị căng thẳng, chấn thương.
  • Trẻ mệt mỏi, gầy sút cân, buồn nôn.

Phòng ngừa suy tuyến thượng thận ở trẻ em

Một số biện pháp phòng ngừa suy tuyến thượng thận ở trẻ em bố mẹ nên biết:

  • Không tự ý dùng thuốc hoặc các sản phẩm có chứa corticoid: Suy tuyến thượng thận có thể là hậu quả của việc lạm dụng corticoid. Các chế phẩm corticoid dạng bôi thoa, hít xịt, khí dung, đường uống hay tiêm truyền đều có thể gây ra suy tuyến thượng thận. Do đó, bố mẹ cần lưu ý chỉ cho trẻ dùng thuốc và các sản phẩm có chứa corticoid khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Tuân thủ chỉ định và tái khám đúng hẹn: Đối với những trường hợp đang điều trị bằng thuốc corticoid, trẻ cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ngừng thuốc khi thấy các triệu chứng của bệnh đã biến mất hoặc thuyên giảm. Đặc biệt, cần tái khám đúng hẹn để bác sĩ đánh giá, cân nhắc điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả tối ưu nhất.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ cho trẻ: Trẻ cần được đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe định kỳ, không phải chỉ đến bệnh viện khi có dấu hiệu mắc bệnh. Điều này giúp phát hiện sớm và có can thiệp kịp thời nếu trẻ tiềm ẩn một vấn đề sức khỏe nào đó.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ tới bệnh viện theo địa chỉ:

Suy tuyến thượng thận ở trẻ em tuy là một bệnh lý hiếm gặp nhưng hiện vẫn chưa có cách điều trị dứt điểm cũng như phòng ngừa tuyệt đối. Vì vậy, bố mẹ không được chủ quan khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ suy tuyến thượng thận; tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, lạm dụng thuốc corticoid và cần cho trẻ thăm khám sức khỏe định kỳ.


Source link

Trước:

Check Also

Tiểu đường tuýp 1 có di truyền không? Đối tượng và yếu tố nguy cơ

Advertisements “Tiểu đường tuýp 1 có di truyền không?” không chỉ là thắc mắc của …

Bạn đang xem Suy tuyến thượng thận ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị