Tác hại của béo phì, thừa cân nguy hiểm có thể bạn chưa biết

Advertisements

Béo phì là một khía cạnh của suy dinh dưỡng, hiện nay béo phì được xem là đại dịch trên thế giới, có thể gây tử vong 4 triệu ca mỗi năm. Tình trạng béo phì đã và đang là vấn đề nhức nhối ở các nước có thu nhập cao nhưng nay “lan sang” các nước có thu nhập trung bình và thấp, đặc biệt trẻ em thành thị thừa cân, béo phì gia tăng cao hơn 30% (1). Hiện nay tỷ lệ béo phì trên thế giới đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975 (2). Vậy tác hại của béo phì, thừa cân đối với sức khỏe là gì? Có nguy hiểm không? Làm cách nào để khắc phục các hệ lụy mà béo phì gây ra?

Tác hại của béo phì, thừa cân

Béo phì là gì?

Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân, ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao, chứng ngưng thở khi ngủ và một số bệnh ung thư… (3)

Nguyên nhân gây béo phì, thừa cân

Nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì là sự mất cân bằng năng lượng giữa lượng calo tiêu thụ và lượng calo tiêu hao:

  • Sự gia tăng lượng thức ăn giàu năng lượng, có nhiều chất béo và đường như đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, trà sữa,…
  • Cuộc sống quá nhiều tiện nghi và công việc bận rộn nên nhiều người ít hoạt động thể chất.

Ngoài ra, béo phì còn có thể do di truyền hoặc gặp một số bệnh nội tiết như Cushing, hội chứng buồng trứng đa nang, suy giáp….

Nguyên nhân gây thừa cân, béo phì
Nếu lượng calo nạp vào lớn hơn nguồn năng lượng tiêu hao, bạn sẽ dễ bị béo phì.

Tác hại của béo phì, thừa cân

Thừa cân, béo phì có nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, biểu hiện qua các bệnh sau: (4)

1. Hội chứng chuyển hóa

Hội chứng chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và đột quỵ. Bạn mắc hội chứng này nếu bạn có ít nhất 3 trong số các dấu hiệu sau:

  • Kích thước vòng eo lớn.
  • Mức độ chất béo trung tính Triglyceride trong máu cao.
  • Huyết áp cao.
  • Lượng đường trong máu cao ngay cả khi nhịn ăn.
  • Mức cholesterol HDL trong máu thấp.

Hội chứng chuyển hóa liên quan chặt chẽ đến thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể chất.

2. Ung thư

Béo phì liên quan đến các bệnh ung thư thường gặp như: ung thư vú (gặp ở phụ nữ sau mãn kinh), đại trực tràng, thực quản, tuỵ, gan, đường mật, buồng trứng, tử cung, thận… trong đó ung thư vú và ung thư trực tràng phổ biến nhất.

3. Suy giảm hệ miễn dịch

Người béo phì sẽ có hệ miễn dịch hoạt động kém, nhạy cảm hơn với các yếu tố gây bệnh. Do đó dễ mắc bệnh hơn và khi nhiễm trùng, thời gian sẽ  kéo dài hơn và khó hồi phục.

4. Bệnh đái tháo đường

Béo phì là nguyên nhân dẫn đến các tế bào của cơ thể đề kháng với insulin (insulin là một loại hormon giúp đường vào trong tế bào, để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động) làm cho đường không được các tế bào hấp thụ dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.

5. Bệnh lý tim mạch

Khi một người bị béo phì, mô mỡ tích lũy quá mức sẽ gây ra một loạt các thay đổi và thích ứng trong tim mạch. Để đáp ứng với nhu cầu trao đổi chất tăng lên, lượng máu lưu thông, thể tích huyết tương và cung lượng tim đều tăng, sự gia tăng này dần dần gây tăng huyết áp; đồng thời tăng áp lực lên thành tim, hậu quả gây phì đại thất trái, rối loạn chức năng tâm trương thất trái và tiến triển thành suy tim.

Mặt khác, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh phổi mạn tính tăng cao ở người béo phì. Các bệnh này góp phần làm thay đổi cấu trúc và chức năng tim, tăng tốc độ xơ vữa mạch vành và tăng cholesterol đưa đến biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

6. Ảnh hưởng đến hô hấp và gây ra hội chứng ngưng thở lúc ngủ

Thừa cân béo phì ảnh hưởng đến chức năng của phổi và tăng nguy cơ mắc bệnh về hô hấp như hen suyễn.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể do quá nhiều mỡ ở cổ chèn ép đường thở khi ngủ. Ngừng thở nhiều lần, rối loạn này thường không được chẩn đoán, có thể gây ngáy to và buồn ngủ nhiều vào ban ngày và tăng nguy cơ cao huyết áp, rối loạn nhịp tim và hội chứng chuyển hóa.

Béo phì có thể gây ra hội chứng giảm thông khí (hội chứng Pickwick). Rối loạn thở dẫn đến tăng CO2 trong máu, giảm độ nhạy cảm đối với CO2 trong việc kích thích hô hấp, thiếu hụt oxy máu, bệnh tim phổi và tăng nguy cơ bệnh diễn tiến nặng.

Béo phì làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim
Béo phì làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.

7. Ảnh hưởng đến tiêu hóa

Béo phì làm mỡ dư bám vào các quai ruột gây ứ đọng phân, táo bón. Sự ứ đọng phân và các chất thải độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa dễ gây bệnh ung thư đại tràng. Mặt khác, mỡ dư tích tụ ở gan gây bệnh gan nhiễm mỡ. Nếu không điều trị dẫn đến bệnh viêm gan, xơ gan…, rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng nguy cơ tạo thành sỏi mật.

8. Ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp

Trọng lượng cơ thể quá nặng tạo áp lực lớn lên các khớp và hệ khung xương làm đau đầu gối, hông và bàn chân, đồng thời hạn chế khả năng vận động, dễ chấn thương khớp. Chất béo dư thừa tạo ra một số hoá chất trung gian gây viêm, ảnh hưởng đến các mô khớp, làm tăng tình trạng đau nhức. Như các bệnh loãng xương, thoái hoá khớp, đau nhức xương, bệnh gout…, những tổn thương khớp do béo phì cần được theo dõi và điều trị, tránh bệnh tiến triển mạn tính gây tổn thương không thể phục hồi.

9. Các vấn đề về thận

Bệnh thận có nghĩa là thận bị tổn thương và không thể lọc máu như bình thường. Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường và huyết áp cao, đây là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh thận mạn tính (CKD). Ngay cả khi người bệnh không mắc bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao, khối lượng cơ thể tăng cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn và đẩy nhanh quá trình tiến triển của bệnh.

10. Sinh sản

Béo phì gây ảnh hưởng nội tiết của cơ thể, trong đó có những hormone quan trọng cho sinh sản cho cả 2 giới.

  • Nữ giới: suy giảm chức năng buồng trứng, giảm ham muốn, rối loạn kinh nguyệt, khó thụ thai…
  • Nam giới: giảm hormone testosterone dẫn đến tình trạng giảm ham muốn, rối loạn cương dương, vô sinh….
  • Khi mang thai:
    • Với phụ nữ mang thai: Béo phì dễ gây sảy thai, sinh non, thai chết lưu, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ….
    • Với thai nhi: béo phì hoặc tăng cân nhiều khi mang thai có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của em bé gây các bệnh mạn tính khi trưởng thành như tiểu đường tuýp 2, hen suyễn, béo phì, bệnh tim…
Em bé cũng có nguy cơ béo phì
Em bé cũng có nguy cơ béo phì nếu mẹ mắc tiểu đường thai kỳ.

11. Tác động đến tâm lý

Tự ti, dễ stress, có tâm lý e ngại trước đám đông, suy nghĩ thiếu lạc quan, lo lắng, trầm cảm… Điều này có thể gây tổn hại lâu dài đến tinh thần, chất lượng cuộc sống và công việc.

>>>Xem thêm: Béo phì gây ra những bệnh gì?

Làm sao giảm béo phì nhanh chóng

Sau khi thăm khám lâm sàng bác sĩ sẽ lên phác đồ hợp lý cho từng người bệnh.

Ở những bệnh nhân chưa có biến chứng của béo phì thì giảm ăn và tập luyện là chỉ định đầu tiên. Nếu giảm ăn và chế độ tập luyện không hiệu quả thì cần chỉ định thuốc và can thiệp khác.

1. Giảm ăn

  1. Nguyên tắc: lượng calo hấp thu cần ít hơn nhu cầu sử dụng, để cơ thể sử dụng năng lượng từ mô mỡ để giảm cân.
  2. Mức năng lượng cơ thể cần khoảng 20-25 kcal/kg/ngày phụ thuộc vào độ tuổi, tập luyện và mục tiêu giảm cân.
  3. Đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng: carbohydrate, lipid, protein, vitamin và chất xơ.
  4. Hạn chế: đường đơn, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, rượu bia.
  5. Nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa.

2. Tăng cường tập luyện

Mục đích sử dụng năng lượng dự trữ ở mô mỡ giúp giảm cân và duy trì cân nặng lý tưởng. Vận động còn giúp ổn định đường huyết, huyết áp và giảm lipid máu.

Thời gian tập luyện trung bình 60 phút/ngày, nên tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, và lựa chọn môn thể thao tùy thuộc vào sức khỏe của mỗi người.

3. Thay đổi hành vi, nhận thức

Có thể xây dựng các yếu tố tâm lý thoải mái, tạo động lực cho việc giảm cân để điều trị hiệu quả hơn.

Yếu tố tâm lý cực kỳ quan trọng để tạo động lực giảm cân
Yếu tố tâm lý cực kỳ quan trọng để tạo động lực giảm cân.

4. Thuốc

Đây là phương án để hỗ trợ cho chế độ ăn và tập thể dục. Thuốc giảm cân có thể không hiệu quả với tất cả mọi người và tác dụng của thuốc có thể giảm dần theo thời gian. Khi ngưng thuốc giảm cân, cân nặng có thể quay lại mức ban đầu. Không nên tự ý dùng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

5. Phẫu thuật

Bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp sau nếu béo phì gây ra nhiều trở ngại trong cuộc sống của người bệnh:

  • Đặt bóng dạ dày.
  • Phẫu thuật nối shunt hỗng tràng dạ dày.
  • Khâu nhỏ dạ dày.
  • Phẫu thuật lấy mỡ ở bụng.

6. Các biện pháp khác

  • Có kế hoạch làm việc nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, lo âu.
  • Theo dõi BMI định kỳ.

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM với đội bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên chẩn đoán và chữa béo phì. Trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu chính ngạch, cùng hệ thống phòng bệnh chuẩn 5 sao giúp người bệnh hoàn toàn an tâm trong quá trình điều trị bệnh, nhanh hồi phục và quay trở lại cuộc sống thường nhật.

Thông qua bài viết trên, hy vọng độc giả đã hiểu thêm về các tác hại của béo phì, thừa cân. Nên điều trị thừa cân, béo phì ở giai đoạn sớm, tránh để lâu dài sẽ dễ kéo theo các vấn đề về và để lại hệ lụy sức khỏe khôn lường.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

6 cách trị tiểu đường tại nhà hiệu quả có thể bạn chưa biết

Advertisements Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là một nhóm bệnh …

Bạn đang xem Tác hại của béo phì, thừa cân nguy hiểm có thể bạn chưa biết