Tiểu đường tuýp 1 có di truyền không? Đối tượng và yếu tố nguy cơ

Advertisements

Tiểu đường tuýp 1 có di truyền không?” không chỉ là thắc mắc của nhiều người bệnh mà còn đặt ra vấn đề không đơn giản cho các nhà khoa học. Rất nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã cố gắng giải mã mối liên hệ giữa gen và tiểu đường tuýp 1, nhằm dự đoán nguy cơ mắc bệnh ở người có yếu tố bệnh sử gia đình. Dưới đây là các thông tin về chủ đề này, được bác sĩ Cao cấp, bác sĩ CKII Võ Hoàng Minh Hiền, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ. 

Tiểu đường tuýp 1 có di truyền không

Tiểu đường tuýp 1 gồm 2 loại chính:

  • Tiểu đường tuýp 1 tự miễn khởi phát sớm ở trẻ em và trẻ vị thành niên.
  • Tiểu đường tuýp 1 tự miễn tiềm ẩn ở người lớn (LADA).

Tiểu đường tuýp 1 có di truyền không?

Tiểu đường tuýp 1 có yếu tố di truyền nhưng không tuyệt đối, vì cần thêm yếu tố môi trường để kích hoạt phản ứng tự miễn của cơ thể. Thân nhân của người bệnh có nguy cơ cao cũng mắc bệnh, chứng tỏ bệnh có khuynh hướng di truyền. Tuy nhiên, nghiên cứu các cặp song sinh cùng trứng, tỉ lệ hai người cùng bị tiểu đường tuýp 1 chỉ 30% – 40%, chứng tỏ yếu tố di truyền không ảnh hưởng tuyệt đối.

Các nhà khoa học đã phát hiện một nhóm gen HLA (Human leukocyte antigen – kháng nguyên bạch cầu người) ở nhiễm sắc thể số 6 quyết định 40% – 50% nguy cơ di truyền tiểu đường tuýp 1. Sự xuất hiện nhóm gen này dẫn đến hình thành các tự kháng thể phá hủy tế bào beta sản xuất insulin của tụy. Insulin là hormone giúp chuyển hóa glucose từ máu vào tế bào. Thiếu insulin khiến lượng đường trong máu tăng không kiểm soát và dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 1. (1)

banner khai trương phòng khám đa khoa tâm anh quận 7 mb

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), một số kiểu hình gen HLA có liên quan đến nguy cơ khởi phát bệnh tự miễn, như tiểu đường tuýp 1. Khoảng 95% người da trắng mắc tiểu đường tuýp 1 có HLA-DR3 hoặc HLA-DR4 hoặc cả hai. Tại Mỹ, có 2% trẻ sơ sinh có nhóm HLA-DR3, HLA-DR4 dị hợp tử, chiếm tới 40% ca tiểu đường tuýp 1 về sau. Qua các nghiên cứu, các nhà khoa học tin rằng người Mỹ gốc Phi mang gen HLA-DR7 và người Nhật mang gen HLA-DR9 có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1 cao hơn. Do đó, chủng tộc cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh.

Yếu tố di truyền bệnh tiểu đường tuýp 1

Không chỉ thắc mắc tiểu đường tuýp 1 có di truyền không, các yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ này cũng được nhiều người quan tâm. Dưới đây là các yếu tố di truyền của tiểu đường tuýp 1:

1. Yếu tố miễn dịch

Nhiều bằng chứng cho thấy hệ thống miễn dịch có liên quan đến tiểu đường tuýp 1 và đây là một bệnh miễn dịch. Hơn 90% người bệnh khởi phát bệnh trước 20 tuổi. Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ cũng phát hiện người bệnh có các tự kháng thể trong huyết thanh kháng một số protein kháng nguyên.

Tiểu đường tuýp 1 là kết quả của sự kết hợp giữa yếu tố di truyền, môi trường, tình trạng nhiễm khuẩn và miễn dịch. Lúc đầu, người bệnh (có cơ địa di truyền nhạy cảm với tiểu đường tuýp 1) có các tế bào beta tụy bình thường, sau đó nhiễm một bệnh làm phóng thích các tự kháng nguyên mà cơ thể không dung nạp, hoặc gây ra phản ứng chéo giữa kháng nguyên lạ và kháng nguyên tự thân. (2)

Sau giai đoạn đầu nhận diện các kháng nguyên đảo tụy, nhờ các hiện tượng viêm, đáp ứng miễn dịch bắt đầu phá hủy tế bào beta và bộc lộ các kháng nguyên khác của tế bào beta. Từ đó đáp ứng miễn dịch lan rộng ra, khiến hệ thống miễn dịch nhận diện thêm các tự kháng nguyên của tế bào beta, sau đó tạo ra nhiều tự kháng thể chống lại tế bào beta. Sự tập trung các tế bào lympho ở đảo tụy gây viêm đảo tụy. Sau khi tế bào beta bị phá hủy hoàn toàn, các đảo tụy sẽ teo lại và những tự kháng thể lưu hành từ từ biến mất.

Một số kháng nguyên nằm trên tế bào đảo tụy như GAD (Glutamic acid decarboxylase) giống với protein của tác nhân gây bệnh, như virus Coxsackie. Đáp ứng miễn dịch tự miễn sẽ gây viêm và tổn thương tế bào beta trong nhiều năm tháng. Ở giai đoạn đầu, quá trình dung nạp glucose còn bình thường, nhưng các dấu ấn miễn dịch đã xuất hiện trong máu.

Tình trạng cơ thể cần lượng insulin cao đột ngột, như nhiễm trùng hoặc dậy thì là yếu tố khiến tiểu đường lâm sàng xuất hiện. Sau đó bệnh lại ổn định. Cuối cùng, khi tế bào beta bị phá hủy hoàn toàn thì người bệnh luôn cần insulin để sống sót.

Sản sinh kháng thể là phản ứng tự nhiên, cần thiết của hệ thống miễn dịch trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Tuy nhiên, sự hiện diện của các tự kháng thể cho thấy đang có phản ứng tự miễn dịch chống lại chính tế bào khỏe mạnh của cơ thể.

Tiểu đường tuýp 1 thường khởi phát ở người dưới 20 tuổi
Tiểu đường tuýp 1 thường khởi phát ở người dưới 20 tuổi.

Trong máu người bệnh tiểu đường tuýp 1 thường có sự xuất hiện của các tự kháng thể sau:

  • Tự kháng thể GADA (Glutamic acid decarboxylase autoantibodies), chủ yếu là GADA65.
  • Tự kháng thể chống tế bào đảo tụy ICA (Islet cell autoantibodies).
  • Tự kháng thể chống protein 2 liên quan đến u insulin giống tyrosine phosphatase IA-2A (Tyrosine phosphatase-like insulinoma associated protein 2 autoantibodies).
  • Tự kháng thể chống insulin IAA (Insulin autoantibodies).
  • Tự kháng thể chống chất vận chuyển kẽm ZnT8As (Zinc transporter 8 autoantibodies).

93% – 96% người bệnh tiểu đường tuýp 1 có một hoặc nhiều tự kháng thể này. Trẻ em và thiếu niên mắc tiểu đường tuýp 1 tự miễn thường có các tự kháng thể ICA, IAA, IA-2A và ZnT8A trong máu. ZnT8 là protein màng tế bào do tế bào beta tiết ra, tạo nên dấu hiệu của tiểu đường tuýp 1 miễn dịch. Các tự kháng thể GADA và IA-2A, đặc biệt là GADA hay gặp ở người bệnh tiểu đường tuýp 1 tự miễn tiềm ẩn ở người trưởng thành (LADA).

Kết quả xét nghiệm ZnT8 autoantibodies từ 15IU/ml trở lên tương ứng với các chẩn đoán:

  • Người bệnh mắc tiểu đường tuýp 1.
  • Có nguy cơ cao mắc tiểu đường tuýp 1.
  • Cần điều trị bằng insulin.

Sau khi người bệnh được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 1, các tự kháng thể này có khuynh hướng tự mất dần, nhất là IA-2A và ZnT8As. Riêng tự kháng thể GADA vẫn có thể tồn tại trong cơ thể người bệnh đến 12 năm sau đó. 60% – 90% người bệnh tiểu đường tuýp 1 mới được chẩn đoán có tự kháng thể ICA, sau 5 năm tỉ lệ này giảm còn 40%.

Các triệu chứng lâm sàng của tiểu đường tuýp 1 bắt đầu xuất hiện khi 75% – 90% tế bào beta bị tổn thương. Thời gian từ lúc khởi đầu phản ứng kháng nguyên kháng thể đến lúc xuất hiện triệu chứng là 1 – 5 năm đối với trẻ em, thiếu niên và có thể hơn 10 năm ở người trưởng thành.

2. Yếu tố môi trường và các yếu tố khác

  • Nhiễm một số loại virus như: virus quai bị, virus Coxsackie, virus Rubella.
  • Tiếp xúc với một số hóa chất độc như: nitrophenyl urea (thuốc diệt chuột), hydrogen cyanid…
  • Trẻ bú mẹ có nguy cơ bị tiểu đường thấp hơn trẻ uống sữa bò. Có thể các men chưa trưởng thành ở ruột trẻ cho phép hấp thu các mảng polypeptid ở protein sữa bò, từ đó gây ra đáp ứng miễn dịch tấn công tế bào beta.
  • Tiểu đường tuýp 1 xuất hiện nhiều hơn vào mùa đông so với mùa hè và phổ biến ở vùng khí hậu lạnh.
  • Các tình trạng viêm không đặc hiệu (như viêm do chấn thương) cũng có thể khởi đầu đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên đảo tụy.
Bệnh tiểu đường tuýp 1 có xu hướng phát triển hơn
Bệnh tiểu đường tuýp 1 có xu hướng phát triển hơn vào mùa đông so với mùa hè.

Đối tượng nguy cơ di truyền tiểu đường tuýp 1

  • Trẻ em, thanh thiếu niên dưới 20 tuổi.
  • Tiền sử gia đình có người thân ruột thịt mắc tiểu đường tuýp 1.
  • Người thuộc chủng tộc da trắng dễ bị tiểu đường tuýp 1 hơn các chủng tộc khác.

Tóm lại, tiểu đường tuýp 1 là bệnh mang đặc điểm di truyền. Đối tượng phải có yếu tố di truyền nhạy cảm với bệnh, kết hợp với yếu tố miễn dịch hoặc các yếu tố môi trường, từ đó kích hoạt phản ứng tự miễn dẫn đến viêm tự miễn và phá hủy tế bào beta, gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1.

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là đơn vị chuyên khoa, chuyên tiếp nhận khám, tầm soát, tư vấn và điều trị các trường hợp đái tháo đường, đái tháo nhạt, bệnh rối loạn nội tiết tố liên quan tuyến yên, bệnh tuyến giáp… Khoa quy tụ đội ngũ bác sĩ và chuyên gia giàu kinh nghiệm, cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán chính xác, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, đi kèm dịch vụ chăm sóc y tế chuyên nghiệp, tận tâm, giúp người bệnh an tâm trong suốt quá trình điều trị.

Khách hàng đăng ký khám, tầm soát tiểu đường tại Khoa Nội tiết
Khách hàng đăng ký khám, tầm soát tiểu đường tại Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Để khám, tư vấn và điều trị bệnh tiểu đường với các chuyên gia tại Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc tiểu đường tuýp 1 có di truyền không. Hiểu rõ về tính di truyền kết hợp với các yếu tố môi trường, miễn dịch tự miễn của tiểu đường tuýp 1 giúp bác sĩ chủ động dự đoán nguy cơ mắc bệnh, phát hiện bệnh sớm, chăm sóc và điều trị đúng với cơ chế sinh bệnh, giúp người bệnh tránh được các biến chứng nguy hiểm của bệnh và sống khỏe mạnh.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

Suy tuyến thượng thận ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị

Advertisements Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết nằm trên đầu của hai quả thận, …

Bạn đang xem Tiểu đường tuýp 1 có di truyền không? Đối tượng và yếu tố nguy cơ