Tiểu đường tuýp nào nặng nhất? So sánh giữa các loại với nhau

Advertisements

Theo NCBI (National Center for Biotechnology Information – Trung tâm quốc gia Thông tin Công nghệ sinh học Mỹ), tiểu đường được dự đoán là một trong 7 căn bệnh hàng đầu dẫn đến tử vong và tàn tật tại Việt Nam vào năm 2030 (1). Tiểu đường được phân loại làm nhiều tuýp, trong đó phổ biến là tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Vậy tiểu đường tuýp nào nặng nhất, các tuýp bệnh khác nhau thế nào? Cùng tham khảo thông tin chuyên môn do bác sĩ CKI Đoàn Minh Yên Hà, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh chia sẻ.  

tiểu đường tuýp nào nặng nhất

Tiểu đường tuýp nào nặng nhất?

Không thể khẳng định tiểu đường tuýp nào nặng nhất, bởi mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào từng tình trạng bệnh cụ thể, giai đoạn tiến triển của bệnh…, không liên quan đến người bệnh mắc tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 hay các tuýp khác.

Tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 là 2 loại tiểu đường thường gặp nhất. Nguyên nhân gây bệnh do cơ thể giảm sản xuất insulin, đề kháng insulin hoặc cả hai. Insulin là một hormone do tuyến tụy tiết ra, giúp đưa đường từ máu vào tế bào để tạo năng lượng cho cơ thể. Do đó, khi thiếu hụt insulin, cơ thể không thể chuyển hóa đường (glucose) thành năng lượng, làm lượng đường trong máu người bệnh tăng cao. Sự khác biệt lớn nhất giữa tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 là nguyên nhân mắc bệnh:

  • Tiểu đường tuýp 1 phần lớn do nguyên nhân tự miễn; yếu tố di truyền; môi trường (phơi nhiễm virus, nhiễm độc) tác động và phá hủy các tế bào tiết insulin ở tuyến tụy.
  • Tiểu đường tuýp 2 liên quan đến gen di truyền; lối sống ít vận động; chế độ ăn không đủ chất xơ nhưng lại quá nhiều tinh bột và đường; tình trạng thừa cân, béo phì làm tế bào cơ thể không đáp ứng với insulin (còn gọi là hiện tượng đề kháng insulin).

Tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện sớm ở trẻ em và người trẻ, còn tiểu đường tuýp 2 có xu hướng phát hiện ở nhóm tuổi lớn hơn.

banner khai trương phòng khám đa khoa tâm anh quận 7 mb

Người bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời tại chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường vẫn có thể sống khỏe và kéo dài tuổi thọ. Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ được phối hợp theo dõi bởi nhiều chuyên khoa khác như Tim mạch, Thần kinh, Thận, Mắt… để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện ở người trẻ
Tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện ở người trẻ, do nguyên nhân di truyền hoặc yếu tố môi trường tác động.

So sánh các loại tiểu đường

Các loại tiểu đường phổ biến bao gồm: tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2, tiểu đường thai kỳ và các loại tiểu đường do những nguyên nhân khác (như: khiếm khuyết chức năng tế bào beta tụy do di truyền, khiếm khuyết hoạt tính insulin do di truyền, tiểu đường do tổn thương tụy, tiểu đường do bệnh lý nội tiết, tiểu đường do thuốc hay chất độc…).

1. Tiểu đường tuýp 1

95% người bệnh tiểu đường tuýp 1 do nguyên nhân tự miễn trên tế bào beta tuyến tụy, khiến các tế bào này tổn thương và hoại tử, dẫn đến cơ thể thiếu hụt insulin nội sinh. 5% người bệnh tiểu đường tuýp 1 không tìm ra nguyên nhân (vô căn). Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở trẻ em và người trẻ.

Nhiễm toan ceton là biến chứng nghiêm trọng của tiểu đường tuýp 1, có thể dẫn đến tử vong nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời. Đây là tình trạng cơ thể cạn kiệt insulin, lượng đường trong máu tăng rất cao, mất nước nhiều, cơ thể phải sử dụng chất béo để chuyển hóa thành năng lượng và gây tích tụ lượng lớn ceton axit trong máu.

Triệu chứng của tiểu đường tuýp 1 diễn biến khá rầm rộ, các triệu chứng thường gặp là: khát nước nhiều, uống nhiều nước, đi tiểu nhiều, ăn nhiều, sụt cân, mệt mỏi.

>>>Tham khảo thêm về vấn đề Tiểu đường tuýp 1 là nặng hay nhẹ?

2. Tiểu đường tuýp 2

Là thể bệnh tiểu đường phổ biến nhất. Số lượng người bệnh tiểu đường tuýp 2 chiếm khoảng 90% – 95% tổng ca mắc tiểu đường. Nguyên nhân bệnh do cơ thể đề kháng với insulin, khiến đường không được vận chuyển từ máu vào tế bào. Đường không được chuyển hóa sẽ tích tụ trong máu và làm tăng đường huyết.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm: di truyền, lối sống ít vận động, tình trạng thừa cân, béo phì hoặc do các yếu tố môi trường khác. Bệnh có thể cải thiện khi người bệnh thay đổi chế độ ăn, giảm cân và sử dụng thuốc điều trị, tuy nhiên khó có thể điều trị dứt điểm.

Triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 không biểu hiện rầm rộ như tiểu đường tuýp 1. Các triệu chứng có thể gặp gồm: tiểu nhiều, khát nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân, mờ mắt, tê chân, dễ bị nhiễm trùng da, hoặc có thể không có triệu chứng. Ngoài ra, dấu gai đen (vùng da sẫm màu ở cổ hoặc nách) cũng là dấu hiệu lâm sàng của hội chứng chuyển hoá, là yếu tố nguy cơ của tiểu đường tuýp 2.

>>>Có thể bạn cần biết: Tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ?

người bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể bị biến chứng bàn chân
Người bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể bị biến chứng bàn chân tiểu đường do tình trạng tổn thương mạch máu, dẫn đến loét, nhiễm trùng.

Biến chứng bệnh tiểu đường

Dưới đây là các biến chứng của bệnh tiểu đường:

  • Các biến chứng cấp tính của tiểu đường bao gồm: nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu máu, có nguy cơ tử vong cao. Người bệnh có biểu hiện tăng glucose máu, mất nước và điện giải, rối loạn tri giác.
  • Các biến chứng mạn tính của tiểu đường do tổn thương hệ thống mạch máu, bao gồm: biến chứng mạch máu lớn và biến chứng mạch máu nhỏ. Biến chứng mạch máu lớn là tình trạng xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch máu ngoại vi. Biến chứng mạch máu nhỏ gồm các biến chứng ở mắt, thận, hệ thần kinh.

Ngoài ra, tiểu đường cũng gây nhiều bệnh đồng mắc ở các cơ quan khác như: da, răng miệng; tiểu đường thai kỳ gây ảnh hưởng sức khỏe mẹ bầu và thai nhi (tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu và dị tật bẩm sinh, tiền sản giật…).

Các biện pháp kiểm soát bệnh tiểu đường

Mục tiêu hàng đầu để kiểm soát bệnh tiểu đường là kiểm soát lượng đường trong máu, hạn chế triệu chứng bệnh và ngăn nguy cơ biến chứng. Dưới đây là một số lời khuyên cho người bệnh:

  • Tuân thủ chỉ định dùng thuốc và lịch hẹn tái khám của bác sĩ.
  • Người thừa cân cần đặt mục tiêu giảm 5% – 10% trọng lượng cơ thể trong vòng 3 – 6 tháng để hạn chế bệnh tiểu đường tiến triển, phòng ngừa bệnh tim mạch, mỡ máu…
  • Hạn chế uống rượu, bia để ngăn chặn nguy cơ hạ đường huyết, rối loạn lipid máu và xơ gan.
  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, tăng cường chất xơ từ rau xanh, giảm chất béo (nhất là chất béo bão hòa có trong mỡ động vật hoặc chất béo trans có trong các loại thức ăn chiên rán ngập dầu, bánh quy…). Ăn nhạt, hạn chế muối.
  • Vận động thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Các môn thể thao như: bơi, chạy, đạp xe hoặc đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu… đều được khuyến khích.
  • Thường xuyên tự đo lượng đường tại nhà để điều chỉnh chế độ ăn.
  • Kiểm tra bàn chân hàng ngày để kịp thời phát hiện dấu hiệu tổn thương ở chân, biến chứng bàn chân tiểu đường.
  • Uống đủ nước, hạn chế nước trái cây ngọt và nước có gas.
  • Tránh duy trì tư thế ngồi trong thời gian dài. Nên đứng lên vận động, đi lại sau mỗi 1 – 2 giờ ngồi.
khách hàng được bác sĩ khám tư vấn về bệnh tiểu đường
Khách hàng được bác sĩ khám, tư vấn về bệnh tiểu đường tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là đơn vị chuyên khoa chuyên tiếp nhận khám, tư vấn và điều trị các trường hợp đái tháo đường, đái tháo nhạt, bệnh rối loạn nội tiết tố liên quan đến tuyến yên, bướu cổ…

Khoa có nền tảng vững chắc với đội ngũ bác sĩ và các chuyên gia giàu kinh nghiệm; được trang bị hệ thống các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đặc biệt có riêng đơn vị Bàn chân Đái tháo đường, cho ra kết quả chẩn đoán chuẩn xác, cụ thể, đi kèm dịch vụ chăm sóc y tế chuyên nghiệp, tận tâm, giúp người bệnh an tâm trong suốt quá trình điều trị.

Không có câu trả lời cụ thể cho thắc mắc: tiểu đường tuýp nào nặng nhất, bởi mức độ nặng nhẹ không do thể bệnh mà tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể. Người bệnh tiểu đường cần theo dõi, kiểm soát lượng đường chặt chẽ, duy trì lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi, vận động hợp lý để hạn chế nguy cơ biến chứng.


Source link

Trước:
Sau:

Check Also

Ung thư tuyến giáp kiêng ăn rau gì, củ quả gì và ăn loại nào tốt?

Advertisements Rau củ quả và các loại hạt giàu dưỡng chất, nên có trong thực …

Bạn đang xem Tiểu đường tuýp nào nặng nhất? So sánh giữa các loại với nhau