Advertisements
Viêm tuyến giáp bán cấp là dạng viêm tuyến giáp ít gặp. Bệnh gây đau đi kèm với các biểu hiện cường giáp và suy giáp tạm thời nhưng một vài trường hợp có thể biến chứng vĩnh viễn. Vậy bệnh viêm tuyến giáp bán cấp có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng gì tới sức khỏe người bệnh? Những câu hỏi này sẽ được bác sĩ CKII Trương Thị Vành Khuyên, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM giải đáp qua bài viết sau đây.
Viêm tuyến giáp là gì?
Viêm tuyến giáp là bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công tuyến giáp thay vì bảo vệ, gây viêm, rối loạn chức năng tuyến giáp. Hầu hết các loại viêm tuyến giáp đều dẫn đến tình trạng cường giáp hoặc suy giáp. (1)
Cường giáp xảy ra khi hormone tuyến giáp bị sản sinh quá mức, gây nhiễm độc giáp.
Trái ngược, suy giáp xảy ra khi hormone tuyến giáp thiếu hụt. Cả hai tình trạng này đều ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Tuyến giáp là cơ quan có dạng hình bướm nằm ở trước cổ. Chức năng của tuyến giáp là tiết ra các loại hormone điều chỉnh quá trình trao đổi chất, chuyển hóa thức ăn, kiểm soát nhịp tim và nhiệt độ cơ thể. Ngoài ra, tuyến giáp cũng giữ vai trò trong trong các phản ứng thể chất và cảm xúc như hạnh phúc, vui vẻ hay sợ hãi.
Viêm tuyến giáp bán cấp là gì?
Viêm tuyến giáp bán cấp còn có tên gọi là viêm giáp De Quervain, viêm tuyến giáp không mủ cấp tính, viêm tuyến giáp tế bào khổng lồ. Đây là một dạng viêm tuyến giáp ít gặp. Ước tính chỉ có khoảng 5% trường viêm tuyến giáp thuộc dạng này. Phụ nữ trung niên từ 40 – 50 tuổi, là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Tuy nhiên, những nhóm tuổi khác cũng như nam giới hoàn toàn có nguy cơ bị bệnh.
Virus được cho là tác nhân chủ yếu gây bệnh. Bệnh gây đau, khó chịu ở vùng cổ. Người bệnh thường trải qua các giai đoạn cường giáp, suy giáp, bình giáp với những triệu chứng khác nhau. Phần lớn trường hợp, viêm tuyến giáp bán cấp sẽ bình phục sau một thời gian. Tỷ lệ suy giáp vĩnh viễn ở người viêm giáp bán cấp De Quervain khoảng 5%.
Nguyên nhân gây viêm tuyến giáp bán cấp
Viêm tuyến giáp bán cấp là dạng viêm tuyến giáp hiếm gặp có liên quan đến nhiễm virus tuyến giáp. Tình trạng này thường xảy ra sau khi người bệnh nhiễm virus ở đường hô hấp trên. Trong đó, virus quai bị, virus cúm và các loại virus đường hô hấp khác được cho là nguyên nhân gây viêm tuyến giáp bán cấp chủ yếu. (2)
Triệu chứng viêm tuyến giáp bán cấp
Đặc điểm nổi bật nhất của bệnh viêm tuyến giáp bán cấp là những cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói ở cổ (vị trí tuyến giáp), nhất là khi ấn vào. Cơn đau có thể lan sang tai, hàm. Đi kèm đau là hiện tượng sưng, phì đại tuyến giáp kéo dài. Thỉnh thoảng, người bệnh còn có biểu hiện sốt, khó nuốt, khàn giọng, nhất là khi bướu giáp gia tăng kích thước làm chèn ép họng. (3)
Bên cạnh đó, người bệnh viêm tuyến giáp bán cấp sẽ trải qua 2 thời kỳ cường giáp và suy giáp. Trong đó, cường giáp diễn ra trong thời gian ngắn, khoảng dưới 3 tháng, rồi chuyển sang suy giáp kéo dài khoảng 9 – 15 tháng.
Sau giai đoạn suy giáp, nồng độ hormone tuyến giáp dần bình ổn (gọi là giai đoạn bình giáp) nhưng cũng có thể tiến triển thành suy giáp vĩnh viễn. Ở mỗi thời kỳ cường giáp hay suy giáp, người bệnh đều có những triệu chứng đặc trưng.
1. Triệu chứng cường giáp
Người bệnh có thể có một hoặc nhiều các triệu chứng sau:
- Bồn chồn, lo lắng.
- Dễ cáu gắt.
- Tập trung kém.
- Tiêu chảy, tiểu nhiều.
- Sụt cân đột ngột dù ăn nhiều.
- Tim đập nhanh hoặc đập không đều.
- Sốt cao.
- Dễ ra mồ hôi.
- Tay chân yếu, run rẩy.
2. Triệu chứng suy giáp
Người bệnh có thể có một hoặc nhiều các triệu chứng sau:
- Kinh nguyệt không đều, ra nhiều máu ở phụ nữ.
- Rụng tóc nhiều.
- Chịu lạnh kém.
- Mệt mỏi.
- Táo bón.
- Tăng cân nhanh.
- Da khô.
- Khát nước thường xuyên.
- Thay đổi tâm trạng.
Viêm tuyến giáp bán cấp có nguy hiểm không?
Có. Bệnh viêm tuyến giáp bán cấp dù không đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, sức khỏe và cuộc sống của người bệnh phải hứng chịu những tác động tiêu cực bởi triệu chứng bệnh. Một số trường hợp sau giai đoạn suy giáp, nồng độ hormone tuyến giáp không thể khôi phục như ban đầu, người bệnh phải điều trị bằng thuốc thay thế hormone tuyến giáp suốt đời.
>>>Xem thêm: Viêm tuyến giáp bán cấp có khỏi được không?
Chẩn đoán viêm tuyến giáp bán cấp
Để chẩn đoán viêm tuyến giáp bán cấp, bác sĩ kết hợp chẩn đoán lâm sàng từ biểu hiện bệnh và thực hiện một số xét nghiệm.
1. Chẩn đoán lâm sàng
Bác sĩ sờ, ấn kiểm tra vùng cổ của người bệnh để kiểm tra tình trạng sưng viêm tại tuyến giáp. Ngoài ra, bác sĩ thăm hỏi người bệnh về các triệu chứng hiện có, tiền sử bệnh gần đây, các loại thuốc đang sử dụng. Bác sĩ có nhiều khả năng nghi ngờ người bệnh mắc viêm tuyến giáp bán cấp nếu như gần đây người bệnh nhiễm virus tại đường hô hấp trên.
2. Xét nghiệm
Sau chẩn đoán lâm sàng, nếu nghi ngờ người bệnh mắc viêm tuyến giáp bán cấp, bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm nồng độ một số loại hormone trong máu gồm: hormone kích thích tuyến giáp (TSH), hormone tuyến giáp T3 (Triiodothyronine) và T4 (Thyroxine). Sự bất thường của các hormone cho thấy người bệnh bị viêm tuyến giáp bán cấp.
Ở mỗi giai đoạn bệnh, nồng độ các loại hormone này có sự khác biệt. Đơn cử như trong giai đoạn cường giáp, nồng độ hormone TSH trong máu thường thấp trong khi nồng độ hormone tuyến giáp T4. Ngược lại, ở giai đoạn suy giáp, mức TSH thường cao trong khi mức T4 thấp.
Ngoài ra, một số xét nghiệm có thể bổ trợ chẩn đoán viêm giáp bán cấp gồm:
- Xét nghiệm chỉ số kháng thể tuyến giáp (anti-TPO).
- Xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu (ESR).
- Xét nghiệm định lượng protein phản ứng C trong máu nhằm đo mức độ viêm.
- Xét nghiệm hấp thu iốt phóng xạ (không đặc hiệu).
- Siêu âm tuyến giáp.
Phòng ngừa viêm tuyến giáp bán cấp
Hiện nay, cách phòng ngừa viêm tuyến giáp bán cấp không có tính đặc hiệu, chủ yếu hướng tới việc tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa nhiễm virus như:
- Tiêm vắc xin bệnh sởi, quai bị, rubella, cúm.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Sinh hoạt điều độ, ngủ sớm, không làm việc quá sức.
- Xây dựng thói quen tập thể dục, chơi thể thao thường xuyên.
- Không uống rượu bia, hút thuốc, sử dụng chất gây nghiện.
- Bảo vệ đường hô hấp vào mùa lạnh, tháng mưa nhiều.
Người bệnh có biểu hiện sưng đau ở cổ, sốt, cân nặng thay đổi bất thường nghi ngờ bệnh viêm tuyến giáp có thể đến khám tại Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM theo địa chỉ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc được nhiều người quan tâm, đó là viêm tuyến giáp bán cấp có nguy hiểm không? Mong rằng với những chia sẻ trong nội dung này đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích về bệnh viêm tuyến giáp bán cấp nói riêng và viêm tuyến giáp nói chung.
Source link