Advertisements
Viêm tuyến giáp sinh mủ (acute suppurative thyroiditis) là dạng viêm tuyến giáp hiếm gặp, chỉ chiếm chưa tới 1% số ca bệnh tuyến giáp nhưng tỷ lệ tử vong khá cao, khoảng trên 12%.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh viêm giáp sinh mủ, theo một số thống kê tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ có thể lên đến 92%. Viêm giáp sinh mủ ít gặp ở người trưởng thành. Bài viết sau Thạc sĩ bác sĩ Trần Đình Mạnh Long sẽ chia sẻ những thông tin quan trọng về viêm giáp do nhiễm trùng – một bệnh tuyến giáp tuy ít gặp nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Viêm tuyến giáp sinh mủ là bệnh gì?
Viêm giáp sinh mủ còn có tên gọi khác là: Viêm tuyến giáp cấp tính (acute suppurative thyroiditis), viêm tuyến do nhiễm trùng cấp tính (acute pyogenic thyroiditis). Bệnh xảy ra khi tuyến giáp bị các vi khuẩn, ký sinh trùng tấn công, phá hủy mô giáp lành, gây ra áp xe tuyến giáp với nhiều dịch mủ. Tuy hiếm gặp nhưng đây là bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. (1)
Do được bao bọc bởi nhiều cấu trúc lân cận, tuyến giáp dường như là một bộ phận nằm trong “vùng an toàn” với lưu lượng tưới máu dồi dào, hàm lượng iốt tại mô tuyến giáp cao, dẫn lưu bạch huyết tốt… nên tuyến giáp có khả năng chống lại hầu hết các bệnh nhiễm trùng. Nhìn chung “sức đề kháng” của tuyến giáp khá tốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thường là trẻ em, do dị tật hoặc lỗ rò xoang hình lê từ pyriform sinus ở bên trái tuyến giáp có thể làm cho các tác nhân như vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập vào tuyến giáp thông qua lỗ rò này, tạo áp xe.
Mặc dù bệnh viêm giáp sinh mủ là dạng viêm tuyến giáp ít gặp, tuy nhiên, bệnh có xu hướng gia tăng do càng ngày càng có nhiều trường hợp suy giảm miễn dịch. Hầu hết bệnh nhân mắc viêm giáp sinh mủ là trẻ em chiếm đến 92%. Chỉ có 8% người trường thành ghi nhận mắc bệnh này.
Nguyên nhân bệnh viêm giáp sinh mủ
Có nhiều tác nhân gây ra bệnh viêm giáp sinh mủ. Phần lớn trường hợp là do vi khuẩn. Một số trường hợp có thể do nấm, ký sinh trùng.
Nhiều loại vi khuẩn gây bệnh viêm giáp sinh mủ đã được phát hiện. Trong đó, chiếm đa số là vi khuẩn là Staphylococcus aureus, các loài Streptococcus. Ngoài ra, một số trường hợp ghi nhận do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis (đôi khi kết hợp với virus HIV), Treponema pallidum (gây bệnh giang mai), Pasteurella, Multocida, Porphyromonas, Eikenella, Brucellosis, Candida, Salmonella và vi khuẩn kỵ khí như Bacteroides fragilis, Escherichia coli và Klebsiella.
Bên cạnh đó, một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ mắc viêm giáp sinh mủ cấp tính bao gồm:
- Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch (intravenous injection) có thể giúp vi khuẩn xâm nhập cơ thể dễ dàng.
- Người bị suy giảm hệ miễn dịch do bệnh, đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, phải làm hóa trị điều trị ung thư.
- Phụ nữ bị ung thư vú.
- Mùa thu, mùa đông dễ gặp các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Triệu chứng viêm tuyến giáp sinh mủ
Người bệnh viêm giáp sinh mủ thường có những biểu hiện lâm sàng sau:
- Sốt cao hoặc rét run.
- Đau cổ, họng.
- Nuốt khó, nuốt bị đau.
- Nói khó.
Khi làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh thấy người bệnh có những triệu chứng:
- Tăng protein phản ứng C (CRP) hoặc pro-calcitonin.
- Lượng bạch cầu trong máu tăng cao.
- Tốc độ lắng máu tăng.
- Siêu âm, chụp CT thấy tuyến giáp xuất hiện ổ áp xe.
- Tìm thấy vi khuẩn gây bệnh ở dịch tiết lấy từ áp xe tuyến giáp.
Chẩn đoán viêm tuyến giáp sinh mủ
Bệnh viêm giáp sinh mủ có thể được chẩn đoán như sau:
1. Khám lâm sàng
Bác sĩ căn cứ vào những triệu chứng bên ngoài để chẩn đoán người bệnh có mắc viêm giáp sinh mủ cấp tính hay không. Đau cổ là triệu chứng thường gặp, nhất là khi ấn vào hoặc khi người bệnh ngước lên để bộc lộ vùng cổ. Dùng tay sờ thấy tuyến giáp sưng lớn, mềm, nóng (biểu hiện của áp xe tuyến giáp).
Bên cạnh đó, người bệnh viêm tuyến giáp cấp tính còn có một số triệu chứng lâm sàng khác như: Sốt cao hoặc rét run, khó nuốt, nuốt đau, khàn tiếng. Đi kèm với các biểu hiện cường giáp hoặc suy giáp tùy vào giai đoạn tiến triển của người bệnh. Thông thường, các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm giáp sinh mủ gặp nhiều ở trẻ em hơn người lớn.
2. Xét nghiệm cận lâm sàng
Bác sĩ thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác hơn nguyên nhân gây bệnh viêm giáp sinh mủ của người bệnh.
- Xét nghiệm máu xác định nồng độ kháng thể tuyến giáp trong máu.
- Xét nghiệm tốc độ lắng máu.
- Chọc hút tìm mủ tại tuyến giáp.
- Xét nghiệm hấp thu iốt phóng xạ.
- Siêu âm tuyến giáp tìm áp xe.
3. Chẩn đoán phân biệt
Bác sĩ thực hiện chẩn đoán phân biệt bệnh viêm giáp sinh mủ với các bệnh xuất hiện các khối hoặc vùng mô có biểu hiện đau cấp tính tại vị trí tuyến giáp như:
- Bệnh viêm tuyến giáp De Quervain hay viêm tuyến giáp u hạt bán cấp.
- Viêm mô lỏng lẻo vùng cổ trước.
- Nhiễm khuẩn khoang cổ sâu.
- U nang giáp lưỡi.
- U tuyến giáp.
Biến chứng bệnh viêm giáp sinh mủ
Viêm giáp sinh mủ cấp tính có thể gây ra một số biến chứng, trong đó phổ biến nhất là áp xe, nhiễm trùng khu trú và khó điều trị bằng kháng sinh (2). Bên cạnh đó, còn một số biến chứng tiềm ẩn khác có thể xảy ra, bao gồm:
- Nhiễm trùng hệ thống: Đây là biến chứng hiếm gặp của bệnh viêm giáp do nhiễm trùng, vi khuẩn có thể lây lan sang các vùng khác trong cơ thể. Rò rỉ ổ áp xe tuyến giáp ra khu vực lân cận là một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Nếu ổ áp xe không được giải quyết kịp thời, áp xe có thể lan ra khu vực lân cận gây nhiễm trùng vùng cổ, hầu, thậm chí tràn vào trung thất (ngực). Cần lưu ý rằng một khi khu vực đầu mặt cổ có ổ áp xe thì việc lan tràn ổ mủ sẽ có tốc độ rất nhanh so với các khu vực khác, do cấu trúc của khu vực này khá lỏng lẻo. Đặc biệt nếu người bệnh có thêm một số bệnh nền như đái tháo đường, suy thượng thận do thuốc, suy giảm miễn dịch, thì tỉ lệ tử vong sẽ rất cao. Ngoài ra, nhiễm trùng từ tuyến giáp có thể lan vào máu gây nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.
- Chảy máu tuyến giáp: Bệnh viêm giáp do nhiễm trùng có thể biến chứng thành tình trạng chảy máu gây sưng tấy, có thể ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp và tổn thương tuyến giáp.
- Rối loạn chức năng tuyến giáp: Mặc dù hiếm gặp nhưng rối loạn chức năng tuyến giáp lâu dài do tổn thương tuyến giáp có thể xảy ra sau khi tình trạng nhiễm trùng được giải quyết hoàn toàn. Rối loạn chức năng tuyến giáp thường gặp nhất là suy giáp vĩnh viễn xảy ra ở các trường hợp viêm giáp nặng gây tổn thương và hoại tử gần toàn bộ mô giáp, người bệnh phải điều trị hormone giáp thay thế suốt đời.
>>>Xem thêm: Viêm tuyến giáp có nguy hiểm không?
Điều trị bệnh viêm tuyến giáp sinh mủ
Điều trị viêm giáp sinh mủ cấp tính tập trung vào việc loại bỏ tình trạng nhiễm trùng, giảm các triệu chứng và điều trị nâng đỡ.
1. Điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh
Bệnh viêm giáp do nhiễm trùng cấp tính thường do vi khuẩn gây ra nên điều trị bằng kháng sinh là phương pháp được ưu tiên hàng đầu. Nếu tình trạng nhiễm trùng không nghiêm trọng, người bệnh sẽ được bác sĩ kê đơn một số loại kháng sinh đường uống như penicillin, Clindamycin hoặc kết hợp kháng sinh nhóm macrolid và metronidazol. Trường hợp bác sĩ lo ngại vi khuẩn kháng thuốc, các loại kháng sinh mạnh hơn sẽ được sử dụng.
Ngoài đường uống, người bệnh còn có thể cần điều trị kháng sinh bằng đường tiêm tĩnh mạch khi tình trạng nhiễm trùng nặng hơn hoặc người bệnh không thể dùng thuốc uống do tuyến giáp sưng to chèn ép họng, gây đau, khó nuốt.
2. Dẫn lưu áp xe qua da
Dẫn lưu áp xe qua da là một kỹ thuật sử dụng một cây kim nhỏ chích qua da, đưa vào ổ áp xe tuyến giáp để hút hết dịch nhiễm trùng ra khỏi cơ thể với sự hỗ trợ của siêu âm.
Kỹ thuật này có thể thực hiện đồng thời với kỹ thuật chọc hút lấy tế bào tuyến giáp để phục vụ xét nghiệm và lấy mủ để nuôi cấy định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ. Được thực hiện khi người bệnh có ổ mủ rõ ràng cần được dẫn lưu.
Ngoài ra, kỹ thuật này luôn phải tiến hành song song với kháng sinh vì bản thân kỹ thuật này nếu thực hiện đơn độc sẽ không thể giải quyết được tình trạng nhiễm trùng. Cần được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề cao để đảm bảo giải quyết được ổ mủ cho người bệnh.
3. Phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp
Phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp hiếm khi được chỉ định. Tuy nhiên, trong trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh hay dẫn lưu áp xe qua da không hiệu quả, bướu giáp to chèn ép cổ họng và đường thở của người bệnh, phương pháp phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ ổ áp xe cho người bệnh.
>>>Có thể bạn chưa biết: Viêm tuyến giáp có phải mổ không? Khi nào nên tiến hành?
4. Điều trị nâng đỡ và các bệnh lý đi kèm
Bên cạnh điều trị nhiễm trùng, tùy vào tình trạng người bệnh, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hạ sốt hoặc thuốc giảm đau. Trường hợp người bệnh không thể nuốt thức ăn như bình thường, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp nuôi ăn tĩnh mạch hỗ trợ cho đến khi người bệnh khôi phục khả năng nuốt.
Người bệnh có những biểu hiện viêm giáp nói chung, viêm tuyến giáp sinh mủ nói riêng, có thể đến khám, chẩn đoán và điều trị tại Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM theo địa chỉ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Bài viết trên đã chia sẻ thông tin tổng quan về bệnh viêm tuyến giáp sinh mủ, một loại viêm giáp hiếm gặp nhưng lại có nguy cơ cướp đi sinh mạng của người bệnh. Mong rằng những thông tin được nêu trong bài viết sẽ hữu ích với bạn đọc.
Source link